Hãy nhìn những gương mặt trong các bức ảnh dưới đây. Tất cả đều rất bình thường, vui vẻ, rạng rỡ, hài hước và như thể tràn ngập hạnh phúc. Nhưng không hẳn thế, bởi đấy là những bức ảnh cuối cùng họ chụp bằng điện thoại không lâu trước khi tự tử.











50 tấm ảnh chụp 50 gương mặt tươi cười trước khi xảy ra bi kịch ấy mới được trưng bày trong một cuộc triển lãm có tên gọi “The Last Photo” (Bức ảnh cuối cùng) của tổ chức nhân đạo “Chiến dịch chống lại việc sống trong đau khổ” (CALM) ở London, Anh.
Thông điệp của những người tổ chức của cuộc triển lãm này là đánh động dư luận về tình trạng trầm cảm đang là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta trong cuộc sống hiện đại.
Với hình ảnh của những con người đang sống với nụ cười trên môi mà không ai nghĩ ngay sau đó họ sẽ tự chấm dứt cuộc đời, do gia đình của những người tự vẫn ấy gửi cho tổ chức này để triển lãm, CALM muốn nhắn nhủ rằng, đôi khi con người ta rất khó mở lòng để chia sẻ, để xin sự giúp đỡ khi họ đang chìm sâu trong những nỗi tuyệt vọng, và nụ cười của họ giống như một chiếc mặt nạ che giấu những cảm xúc, khiến không ai biết được rằng, bi kịch đang đến rất gần.
Một thăm dò của CALM cho biết, có tới 61% số người thân thiết với những người tự tử không cảm nhận được điều đau đớn sắp xảy ra.
Mỗi bức ảnh là một câu chuyện và CALM rất muốn qua triển lãm để nhắn nhủ tất cả chúng ta về sự nhạy cảm, tinh tế và đối thoại để gia tăng sự thấu hiểu và tình yêu thương giữa người với người để giảm bớt những cái chết như thế.
“Mọi người luôn nghĩ rằng, họ biết được xu hướng tự tử là thế nào”, Simon Gunning, người đứng đầu của CALM nói.
Họ nghĩ rằng, những người sắp tự tử sẽ khóc lóc, cô độc, thu mình lại, và nếu không thấy những dấu hiệu ấy hoặc đọc được ý định tự tử, họ cũng sẽ không can thiệp. Trên thực tế, xu hướng tự tử có rất nhiều dạng thức và những người sắp tự tử có thể che giấu những cảm xúc bên trong họ.
Ở Mỹ, năm 2020, có 45.799 người tự tử, tăng hơn 3 nghìn người so với năm 2014. Ở Anh và xứ Wales có 5.224 người chết vì tự sát.
Trong khi đó, theo báo cáo của Viện sức khoẻ tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm, thực trạng tự tử ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng.
Chợt nhớ hai câu mà tôi đã đọc được ở đâu đó, nhưng nhớ mãi: “Bạn không bao giờ biết người khác đã trải qua những gì. Hãy luôn tử tế”, và “Sự tử tế bắt đầu bằng việc thấu hiểu rằng, ai trong chúng ta cũng đều vật lộn trong những khó khăn”….
Ở Việt Nam, kể từ tháng 5/2021, đã có đường dây nóng “Ngày mai”, theo số 096 306 1414. Các cuộc gọi chia sẻ của đường dây nóng “Ngày mai” có thời gian hoạt động vào lúc 13h00–20h30 vào thứ Tư, thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật trong tuần. Trong giờ hoạt động, đường dây nóng có hai tổng đài viên trực, tiếp nhận tối đa hai cuộc gọi cùng lúc.
–
MENBACK.COM
Theo nhà báo Trương Anh Ngọc
Ảnh: CALM
Bài viết liên quan
[Photo Story] The kiss of life: nụ hôn mang sự sống
Ngày 6/7 được gọi là "International Kissing Day" (Ngày hôn quốc tế). Và khi nhắc đến hôn, chúng ta hay...