Bức ảnh chụp cô bé Paula Maria Seijo Beade là một trong những bức ảnh để đời của nhiếp ảnh gia người Cuba Alberto Korda, tên thật Alberto Diaz Gutierrez (1928-2001).
Alberto Korda là một cái tên gắn liền với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng về cuộc Cách mạng Cuba, cũng như với tư cách là tác giả của một bức ảnh bất hủ về nhà cách mạng Che Guevara.
Đó là giữa tháng 2/1959, khi Cách mạng Cuba vừa thành công được hơn một tháng và đảo quốc này đang đối mặt với rất nhiều vấn đề về kinh tế, tài chính và sự tồn vong của chế độ.
Hôm ấy, Alberto Korda đang ở Sumidero, tỉnh Pinar del Río, và ông đang trong một chuyến đi chụp ảnh quảng cáo (trước Cách mạng, Korda chuyên chụp thời trang và quảng cáo ở thủ đô La Habana).
Khi bước vào một căn nhà lớn màu xanh và trắng, ông nhìn thấy một cô bé chừng 2 tuổi đang ôm một khúc gỗ nhỏ và chơi với nó, coi nó như một con búp bê. Korda ngay lập tức bấm máy và có một tác phẩm có ý nghĩa vô cùng lớn lao.
Sau này ông nhớ lại:
“Ngay lúc nhìn thấy cô bé đang chơi ấy, tôi nhận ra là tôi sẽ phải dành toàn bộ cuộc đời tôi cho Cách mạng và sẵn sàng làm tất cả để chấm dứt tình trạng bất công”.
Những năm tháng ấy, thế giới biết đến cách mạng Cuba, nhưng họ không biết rõ về cuộc sống ở những vùng nông thôn nghèo khó mà rất nhiều đứa trẻ và gia đình đang sống trong cảnh cùng quẫn, hậu quả của những bất công xã hội trước Cách mạng.
Bức ảnh được đăng lần đầu vào tháng 9/1959 trên nhật báo “La Revolucion” (Cách mạng), với chú thích “Chúng ta không thể quên cô bé này”.
Bức ảnh đã gây xúc động ở Cuba và ngay sau đó trở thành hình ảnh tiêu biểu của một chiến dịch quyên góp đồ chơi cho trẻ em nghèo mang tên “Không trẻ em nào không có búp bê trong Giáng sinh của tự do”.
Tên của cô bé sau đó được xác định là Paula Maria Seijo Beade, người sau này trở thành một y tá. Cô qua đời 22 năm sau đó, năm 1981, vì ung thư máu, khi mới 24 tuổi.
Đối với Alberto Korda, khoảnh khắc thấy cô bé và chụp bức ảnh đã biến đổi con người ông hoàn toàn, khi ông trở thành nhiếp ảnh gia mô tả một cách sinh động cuộc sống hàng ngày của người dân Cuba sau Cách mạng, cũng như những bức ảnh về các lãnh tụ Cách mạng, như Fidel Castro, người mà ông có một mối quan hệ gần gũi thân thiết, và Che Guevara.
Korda chính là tác giả của bức ảnh nổi tiếng chụp Che Guevara (1928-1967), người bạn chiến đấu, người đồng chí của Fidel Castro, một biểu tượng của Cách mạng Cuba, có tựa đề “Guerrillero heroico” (người chiến binh anh hùng).
Bức ảnh được chụp vào tháng 3/1960 trong lễ tưởng niệm các thuỷ thủ đã thiệt mạng trong vụ nổ tàu La Coubre ở cảng La Habana.
Với bức ảnh này, Che, với đôi mắt sáng ngời cương nghị và mái tóc xoăn, đầu đội mũ nồi đen của Cách mạng, trở thành một biểu tượng của Cách mạng, một nhân vật vĩ đại của thế kỷ 20.
Bức chân dung này cũng trở thành một trong những bức ảnh được in nhiều nhất trong lịch sử nhiếp ảnh và xuất hiện nhan nhản ở nhiều sản phẩm tiêu dùng.
Sau Cách mạng, Korda trở thành nhiếp ảnh gia riêng của Chủ tịch Fidel Castro trong vòng 10 năm, tháp tùng Fidel trong nhiều chuyến đi.
Sau đó, ông có một đam mê mới mà chính Fidel giới thiệu cho ông: chụp ảnh dưới nước. Alberto Korda qua đời năm 2001 ở Paris sau một cơn đau tim khi ông đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm cá nhân ở thủ đô nước Pháp.
Theo nhà báo Trương Anh Ngọc.
Feng Li – gã quái nhân của Nhiếp ảnh đường phố Trung Quốc
Feng Li, sinh năm 1971, là nhiếp ảnh gia người Trung Quốc, thường sinh sống và làm việc tại thành...