“Nhà mặt phố, bố làm to” câu châm ngôn này chỉ còn đúng với những xứ kém phát triển, tham nhũng trầm trọng mà xứ Việt Nam ta là một đại diện điển hình. Bài viết này không viết về vấn đề “bố làm to” mà chỉ đề cập đến nội dung, “nhà mặt phố”.
Nhà mặt phố, bố làm to
Thời bao cấp, tuy nhà mặt phố một số tuyến trung tâm Hà Nội hay Sài Gòn… chỉ cần đặt 1 cái tủ kính con con sát hè phố có thể nuôi cả gia đình, nhưng giá nhà mặt phố lúc đó vẫn bèo bọt. Tôi còn nhớ, năm 1983 căn nhà gần chùa Hàng Quạt, phố cổ Hà Nội được chuyển nhượng với giá 20 cây vàng. Bây giờ tính theo giá thị trường, căn nhà đó có giá không dưới 3 triệu đô. Tôi còn nhớ, suốt thời bao cấp ấy, cứ ra khỏi 4 quận nội thành Hà Nội là thấy ruộng rau muống, là thấy cánh đồng vàng bát ngát hương lúa. Bây giờ nhà mặt phố mọc lên san sát hai bên đường, có nơi tới cả chục kilomet, như từ Cầu Giấy tới tận Phùng, từ Hà Đông tới tận Ba La – Bông Đỏ, từ Giáp Bát tới tận Thường Tín…
Thời bùng nổ nhà mặt phố gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên kinh tế thị trường tồn tại dài dài đến khi xuất hiện một hình thái kinh tế mới thay thế, hình thái kinh tế mới đó là gì, như thế nào thì chưa ai nghĩ ra. Còn nhà mặt phố ở ta đang bước vào giai đoạn thoái trào và sẽ trở về đúng giá trị sử dụng phù hợp với thời đại mới, thời đại của tin học và cách mạng 4.0
Trong tương lai, khi đô thị phát triển theo hướng hiện đại thì chợ cóc và cửa hàng mặt phố sẽ bị thay thế bằng hypermarket, supermarket, trung tâm thương mại và dịch vụ…; các điểm giao dịch với khách hàng trên mặt phố sẽ bị thay thế bằng văn phòng ảo thông qua mạng internet và hệ thống tự động kiểu ATM.
Hypermarket, supermarket và trung tâm đồ gỗ, nội thất có ưu thế là hàng hóa phong phú, tập trung, dễ lựa chọn, tiết kiệm thời gian…
Trung tâm thương mại là xu hướng của tương lai
Khi ô tô trở thành phương tiện phổ biến thì đi Hypermarket sẽ trở thành văn hóa mua sắm và giải trí vào ngày nghỉ của các gia đình. Tôi tin trong tương lai không xa, các tuyến phố bán đồ nội thất như Đê La Thành, phố Cát Linh… sẽ biến mất khi nhiều trung tâm đồ gỗ và nội thất kiểu Ikea mọc lên ở vùng ven nội thành nhưng không phải quá xa như Mê Linh Plaza.
Hiện nay những việc giao dịch như chuyển tiền, trả thuế, trả tiền điện nước, mua tua du lịch, mua vé máy bay, tàu hỏa… ở các nước tiên tiến hầu hết được thực hiện qua inernet. Còn mua hàng, mua sách, thậm chí mua cả bữa ăn qua mạng, qua phone đang ngày càng chiếm dần thị phần của các cửa hàng truyền thống. Hình thức Uber đang phát triển không chỉ trong lĩnh vực taxi vận chuyển mà đang lấn sang nhiều lĩnh vực khác. Ở Warszawa thủ đô Ba Lan hiện nay, Uber đạp xe đạp, đeo hộp gỗ sau lưng chạy đầy đường. Họ là những shipper người Bangladesh, Afganistan… nhập cư đi giao các bữa ăn, thức uống đến tận nhà người tiêu dùng.
Trong tương lai, nhà mặt phố chỉ còn làm các chức năng mà internet không thể thay thế được như nhà hàng, quán giải khát, cắt tóc gội đầu, làm răng, làm đẹp… Với giá hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi mét vuông nhà mặt phố như bây giờ ở các thành phố Hà Nội, Sài Gòn… thì trong tương lai sẽ chẳng bao giờ thu hồi nổi vốn, chứ chẳng phải dăm bảy chục năm như cách tính cua trong lỗ hiện thời. Theo một thống kê mới được công bố gần đây, 70% các chủ cửa hàng nhỏ lẻ trong toàn quốc bi quan vì tình trạng kinh doanh ngày càng giảm sút.
Bạn muốn xuống tiền mua nhà mặt phố? Hãy cân nhắc cẩn thận các thay đổi về hình thức kinh doanh trong thời đại mới có tác động từ Internet và Cách mạng 4.0!
Cảm xúc và suy nghĩ khi thấy nhiều cửa hàng và văn phòng mặt phố xung quanh nhà AQ, chỉ cách trung tâm thủ đô Warszawa nửa kilomet (khoe 1 tí) trống trơn suốt hàng năm nay không tìm được người thuê.
Bài viết sưu tầm của tác giả Trần Quốc Quân