Đừng gáy sớm, nhất là khi miệng mình còn bịt khẩu trang. Nguy cơ tái bùng dịch vẫn còn hiện hữu, hãy tự giác để bảo vệ chính bản thân mình.
Giãn cách xã hội là một biện pháp mạnh, rất hiệu quả để ngăn chặn chuỗi lây nhiễm dịch COVID-19, gần như toàn thế giới đều chọn giải pháp này để khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, mặt trái của giãn cách là nền kinh tế gần như tê liệt, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ buộc phải tạm dừng khiến cho đời sống người dân khó khăn, đẩy hàng loạt doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản.
Vì thế khi dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt thì chính quyền lập tức tính toán phương án nới lỏng giãn cách để cứu nền kinh tế, đảm bảo thu nhập hợp pháp cho nhân dân.
Một đất nước bị dịch bệnh cũng tương tự như một cơ thể bị ốm đau. Giãn cách xã hội đối với một đất nước cũng giống như nhập viện, cách ly điều trị đối với một con người.
Anh chị cứ để ý mà xem, khi được xuất viện sau một trận ốm nặng thì bệnh nhân luôn được bác sĩ dặn dò rất kỹ rằng bệnh tình anh chị tuy đã qua cơn nguy kịch nhưng chưa thật sự khỏe hẳn, cần có thời gian nghỉ ngơi, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, tránh vận động nặng…
Tương tự như vậy, chính quyền khi ra quy định nới lỏng giãn cách là tạo điều kiện cho những hoạt động dân sinh, thiết yếu vận hành trở lại. Một người chạy xe máy trong đêm để chở bình oxy cho người thân tất nhiên phải thiết yếu hơn một thằng đầu cắt moi chở người yêu đêm trung thu đi lòng vòng tìm khách sạn để múa lân, nhưng khi đã quyết định nới lỏng giãn cách thì lực lượng chức năng không còn quyền tuần tra, kiểm soát những vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân người khác, nên thời điểm này điều quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân.
Khi cơ thể mới phục hồi sau trọng bệnh thì bệnh nhân cần ăn uống thanh đạm, thể dục nhẹ nhàng, tránh ăn nhậu và làm những việc không cần thiết. Một địa phương khi nới lỏng giãn cách cũng vậy. Dù cho quy định không còn yêu cầu giấy thông hành, không còn chốt chặn nhưng chính mỗi người phải tự hỏi mình rằng có nhất thiết phải ra đường không? Có nhất thiết phải đi đến nhà người khác không?
Hãy nhường quyền lưu thông cho những người phải đi khám chữa bệnh, tiêm vắc-xin và những hoạt động dân sinh quan trọng khác.
Những việc mà làm cũng được, không làm cũng được thì cương quyết đừng làm trong giai đoạn này. Tốt cho bạn cũng là tốt cho cộng đồng và ngược lại.
Có những thứ so với quy định là không sai nhưng chưa hẳn đã đúng, khi mà mầm mống dịch bệnh vẫn còn chực chờ đe dọa phá tan thành quả chống dịch, đánh sập nền kinh tế và phá vỡ trận địa của ngành y tế nước nhà thì việc tự giác ở nhà, vận động người khác ở nhà chính là góp phần chống dịch.
Khi tôi viết những dòng chữ này thì đã có đến 17.545 đồng bào của chúng ta không may qua đời vì COVID-19 và có lẽ con số buồn này chưa dừng lại ở đây. Cái chính là sau mỗi ca bệnh qua đời thì chúng ta phải rút ra được bài học gì chứ không phải chỉ biết khóc than, tuyệt đối đừng để những đau thương, mất mát kia trở nên vô nghĩa.
Việc khống chế dịch bệnh tạm ổn ở một địa phương có nghĩa là chúng ta mới chỉ thắng ở một trận đánh chứ chưa hề chiến thắng cuộc chiến chống dịch vốn còn rất trường kỳ, gian khổ. Chủ quan lúc này là mồi lửa hủy hoại cả thành trì vất vả lắm mới dựng nên.
Chúng ta không thể trách chính quyền tại sao lại nới lỏng đúng vào dịp trung thu vì khi tâm thế đã sẵn sàng muốn lao ra đường vừa quẫy, vừa xõa thì trung thu hay trung đông gì cũng chỉ là cái cớ mà thôi. Nguy cơ tái bùng dịch vẫn còn hiện hữu, hãy tự giác để bảo vệ chính bản thân mình.
Đừng gáy sớm, nhất là khi miệng mình còn bịt khẩu trang.
Liều vaccine thứ 3 – Israel lại thắp lên tia hy vọng cho nhân loại
–
MENBACK.COM