Bạn đã nghe nhiều đến thuật ngữ Deep Web và Dark Web, nhưng thực sự chúng là gì liệu bạn đã hiểu rõ? Đó liệu có phải là nơi chứa những bí mật của thế giới, và Dark Web liệu có phải là hoàn toàn bảo mật, là nơi bất khả xâm phạm. Trong bài viết này, hãy cùng Menback tìm hiểu kỹ hơn về Deep Web và Dark Web nhé.
Từ câu chuyện của Silk Road
Năm 2013, một trang web tên Silk Road đã bị chính phủ Mỹ gỡ xuống sau khi phát hiện đây chính là phiên bản “lách luật” của Amazon – từ m.ai t.huý, hộ chiếu giả, s.úng đến lính đánh thuê,.. tất tần tật đều được giao dịch trên trang web này. Trong hai năm, Silk Road đã bán được hơn 1 tỷ đô la tiền lậu, và vài kẻ trong đường dây này đã bị “sờ gáy”. Bạn nghĩ câu chuyện đã kết thúc ở đó? Thế thì lại dễ quá, về sau chợ trái phép ngày càng lan rộng như cháy rừng – và càng không có dấu hiệu ngừng lại.
Vậy làm thế nào để các thị trường bất hợp pháp này hoạt động mà không bị chính quyền tóm? Và làm sao mọi người có thể truy cập và giao dịch trên những chợ trái phép ấy?
Trang web Silk Road vận hành như thế nào?
Có thể bạn biết rồi, Silk Road và các trang web tương tự không thể vận hành như Amazon được: nếu ai đó gắn tên họ vào những giao dịch bất hợp pháp ấy thì thôi xong, bị tóm đầu ngay. Thay vào đó, mọi hoạt động mua bán trên các website này đều là ẩn danh. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ – từ địa chỉ IP duy nhất của máy tính, danh tính người dùng vẫn có thể bị phát hiện. Vì vậy, tất cả đường dây giao tiếp giữa người dùng và Silk Road phải được xáo trộn để không ai có thể tìm được “hành tung” của người dùng – thậm chí là liệu họ đã từng vào trang Silk Road hay chưa.
Dĩ nhiên internet thường ngày chúng ta hay dùng không hoạt động kiểu vậy, nên đây cũng không phải “lãnh thổ” của các chợ trái phép như Silk Road. Ngạc nhiên chưa, chúng ở không gian tựa tựa vậy – “deep web” và “dark web”.
Deep Web là gì?
Deep Web bao gồm những thông tin trên internet bạn có thể tìm được, chỉ là không phải thông qua Google search. Một ví dụ điển hình là bạn có thể thấy các bài đăng của bạn bè trên Facebook, nhưng những bài này sẽ chả bao giờ hiện lên khi bạn Google chúng đâu. Tương tự với những tài liệu lưu ở Google Drive, hồ sơ y tế, báo cáo của chính phủ, bài báo khoa học, vân vân và mây mây. Có người cho rằng Deep Web lớn gấp 500 lần “clear” web mà chúng ta có thể tìm thấy qua Google.
Nhưng Deep Web vẫn không phải là điểm mấu chốt của Silk Road, mà là Dark Web cơ. Vậy Dark Web là gì?
Dark Web là gì?
Dark Web là một tập hợp con của Deep Web mà bạn không thể truy cập nếu không dùng phần mềm đặc biệt mã hoá tất cả thông tin liên lạc cũng như ẩn danh hoá địa chỉ IP của mình. Dark Web thường có các URL dài, lạ, kết thúc bằng .onion, và từ chối bất kỳ khách truy cập nào không sử dụng phần mềm mã hoá đặc biệt.
Vì vậy, nghiễm nhiên những chợ trái phép như Silk Road sử dụng Dark Web như một cách để tránh bị theo dõi – bởi ngoài việc bảo vệ danh tính người dùng, Dark Web còn khiến việc truy lùng địa điểm đặt máy chủ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, chứ đừng nói gì đến việc gỡ chúng xuống. Nhưng cuộc sống mà, một vài lỗi code con con, IP rò rỉ, hết còn đường lui. Và đó cũng là cách Silk Road sụp đổ đấy các bạn ạ.
Một chợ trái phép “bất khả chiến bại”?
Hãy chào đón nhà vô địch của chúng ta, OpenBazaar, một thị trường online gia nhập Dark Web từ năm 2017. Dường như rút kinh nghiệm từ “gót chân Achilles” của Silk Road – chỉ có một máy chủ trung tâm, cách vận hành của OpenBazaar hoàn toàn phân tán: mỗi giao dịch đều được thực hiện trực tiếp giữa người mua và người bán, kiểu như đi chợ trời thay vì đi siêu thị vậy. Thật vậy, mỗi người dùng của OpenBazaar đều phải tải phần mềm giúp họ nói chuyện trực tiếp với “đối tác” – cũng dùng chính phần mềm đó. Và một khi người mua và người bán tìm thấy nhau, họ sẽ thực hiện các thỏa thuận và giao dịch, thay vì thông qua trung gian là máy chủ trung tâm.
Tóm lại, OpenBazaar không có cơ quan trung ương hay bộ máy đầu não nào cả, và cũng vì thế, còn lâu các cơ quan thực thi pháp luật mới có thể gỡ nó xuống nếu không tịch thu tất cả các máy tính chạy phần mềm của OpenBazaar. Nói cách khác, việc phá huỷ OpenBazaar gần như là không thể. Những nhà sáng lập tuyên bố rằng họ sẽ không kiểm soát những thứ được giao dịch trên website của họ – nhưng sự thật là, với mô hình phân tán như vậy, họ có muốn cũng không được.
> Xem thêm: ‘Chế phẩm’ từ Covid-19 được rao bán trên Dark Web
Liệu có thể sử dụng Dark Web một cách hợp pháp?
Sau khi đã đọc những tội ác trên Dark Web, chúng ta thường quên rằng Dark Web vẫn có thể được sử dụng một cách “danh chính ngôn thuận”. Sau tất cả, Dark Web cũng chỉ là một cách để ẩn danh truy cập vào internet mà thôi.
Một số trang web chính thống đã bắt đầu cung cấp Dark Web để bảo vệ người dùng. Chẳng hạn như Facebook năm 2014 đã cấp quyền truy cập qua Dark Web nhằm giúp những người bất đồng chính kiến ở các quốc gia (như là Trung Quốc) có thể vào được Facebook. Phòng tin tức phi lợi nhuận ProPublica năm 2016 cũng tạo Dark Web để tránh bị theo dõi trực tuyến và kiểm duyệt bởi chính phủ.
Phần mềm truy cập Dark Web
Tor, phần mềm dùng để truy cập vào Dark Web, là một trình duyệt web giúp tăng-cường-quyền-riêng-tư không hơn không kém. Dự án Tor đã liệt kê một danh sách dài các đối tượng có thể được lợi dưới sự bảo mật danh tính của Tor: Những người dùng Tor để bảo vệ mình cũng như các thành viên trong gia đình khỏi việc bị các websites theo dõi; hay để vào các phòng tin tức, nhắn tin nhanh,… khi các dịch vụ trên bị chặn bởi nhà cung cấp Internet địa phương. Tor cũng có thể giúp người dùng trao đổi về những nội dung nhạy cảm mà không bị lộ danh tính như truy cập vào các phòng chat, diễn đàn cho nạn nhân b.ạo hành, quấy rối t.ình d.ục,… Các nhà báo cũng thường dùng Tor để liên lạc với những người tố giác, người có quan điểm bất đồng ch.ính trị,… một cách an toàn. Và những tổ chức lớn dùng Tor để phân tích các đối thủ cạnh tranh, cũng như bảo vệ những mô hình thu mua khỏi những kẻ “thích nghe lỏm”.
Bitcoin có phải Dark Web?
Cuối cùng là Bitcoin. Dù Bitcoin được sử dụng rất nhiều trên Dark Web, nó không phải là một phần của Dark Web. Bitcoin chỉ là một loại công nghệ độc lập mà bất cứ ai cũng có thể dùng, và ngạc nhiên chưa, Bitcoin có nhiều công dụng hợp pháp nữa là đằng khác. Không chỉ giúp bảo vệ quyền riêng tư của người giao dịch, Bitcoin còn ít bị chi phối bởi các yếu tố chính trị, bởi không có quốc gia nào thật sự sở hữu nó cả.
Vậy nên nếu bạn có thấy ai đó vào Dark Web, Tor, hay Bitcoin, đừng vội kết luận rằng họ đang âm mưu chuyện mờ ám gì đó. Sông có khúc, người có lúc các bạn ạ, thực tế chúng chẳng tốt hay xấu gì cả – mà chỉ đơn thuần là công cụ bảo mật mà thôi.
Bạn có muốn thử “một lần chơi lớn”, truy cập vào công cụ bảo mật này? Hãy theo dõi ở phần tiếp theo nhé.
> Xem thêm: Cách ẩn giấu ảnh và video trên iPhone nhanh chóng
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Theo: SiP
Nguồn: Detroja, Parth, et al. Swipe to Unlock: The Primer on Technology and Business Strategy, Belle Applications, Inc., 2017, ch.8, pp.128-134.