Hành vi quan hệ tình dục vì lợi ích kinh tế – khi chuyển sang giao dịch ngang hàng – sẽ trở nên cực kỳ khó xác định tội phạm. Những người Thái Lan đã nhận ra điều này từ lâu, từ thời chưa có smartphone, và duy trì một ngành công nghiệp tỷ đô dù nó… bất hợp pháp.
Trong ngày 21/3, khi xã hội phát rồ lên với xe Mẹc và sân golf, với anh em nương tựa, Bộ Giáo dục ra một văn bản rất lặng lẽ. Một văn bản sẽ rất ít ai quan tâm đến.
Nó là Kế hoạch phòng, chống mại dâm trong ngành Giáo dục đến năm 2025.
Văn bản không có gì đột xuất. Năm ngoái chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống mại dâm đến 2025, thì năm nay các ngành có liên quan ban hành kế hoạch riêng. Nội dung cũng chưa có gì cụ thể, ngoài chủ trương “tích hợp các môn học nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống mại dâm vào chương trình giảng dạy chính khóa”.
Chuyện tích hợp một nội dung pháp luật vào chương trình giảng dạy ở nhà trường phổ thông và đại học cũng không phải cái gì bất thường. Nhưng chủ đề mại dâm, và việc phòng chống nó thông qua nhận thức, lại là một vấn đề kỳ thú và Bộ Giáo dục sẽ cần rất nhiều tâm huyết nếu muốn giải bài toán này.
Khác với nhiều loại hình vi phạm pháp luật, mua bán dâm rất khó xác định (anh em nương tựa, you say). Và nếu nó là một hoạt động kinh tế, thì đây là lĩnh vực có tốc độ phi tập trung hóa/decentralize và chuyển đổi số nhanh nhất tại Việt Nam.
Trong các thập kỷ trước, các mô hình mại dâm có xu hướng tạo thành tụ điểm. Người ta nhắc đến một thị trấn cụ thể (anh em biết các thị trấn này), một chuỗi khách sạn cụ thể (anh em cũng biết cái chuỗi khách sạn này luôn), hay một con phố cụ thể và một cơ sở mát xa cụ thể (thôi đừng nói là không biết đi). Nó giống các mô hình thương mại truyền thống – chợ và siêu thị.
Trong một bối cảnh như vậy, pháp luật hình sự Việt Nam, chủ trương hình sự hóa tội “môi giới mại dâm” chứ không có tội “bán dâm”, vẫn sẽ làm việc hiệu quả về lý thuyết. Nắm đầu thằng host ấy, mấy em làm thuê cho đi giáo dục nhân phẩm thôi. Hành pháp đơn giản mà viết kịch bản phim VFC nó cũng tiện, casting NSND Nguyễn Hải đóng vai thằng chủ nhà chứa đểu cáng là xong.
Nhưng sau quãng năm 2010, hoạt động này decentralize nhanh chóng và chuyển lên các nền tảng số, giao dịch ngang hàng peer to peer trước cả khi Mayasoshi Son kịp đổ tiền vào Grab và Jack Ma mua Lazada. “Ngành nào chuyển đổi số nhanh nhất Việt Nam?”, vâng và câu trả lời tất nhiên không phải là thủ tục hành chính.
Người bán và kẻ mua lúc này có thể tìm thấy nhau trên các nền tảng mạng xã hội, trao đổi bằng OTT và giao dịch nhanh chóng không cần một nhà phân phối tập trung nữa.
Tất nhiên các thị trấn, quán mát xa truyền thống vẫn tồn tại và trên các sàn giao dịch anh em vẫn có thể gặp các agent đang quản lý vài em dưới quyền. Nhưng mô hình này đã trở nên lỗi thời.
Hành vi quan hệ tình dục vì lợi ích kinh tế – khi chuyển sang giao dịch ngang hàng – sẽ trở nên cực kỳ khó xác định tội phạm. Những người Thái Lan đã nhận ra điều này từ lâu, từ thời chưa có smartphone, và duy trì một ngành công nghiệp tỷ đô dù nó… bất hợp pháp.
Tại Nana Plaza, trong Soi 4 huyền thoại giữa lòng thành phố Cờ-rung-thép Ma-ha-na-khỏn, các cô gái khỏa thân đứng đầy trong các quán bar. Bạn ngồi đó, uống Coca-Cola ngắm nghía, chọn một cô, trả tiền cho chủ nhà hàng và dắt cô ấy đến cuối hành lang để quan hệ.
Nhưng không có ai môi giới mại dâm cả: cô gái kia về lý thuyết là vũ công khỏa thân của quán bar. Bạn đã trả một số tiền cho chủ quán để “xin nghỉ phép” cho cô này, đưa nhân viên của quán đi chơi riêng. Còn việc bạn quan hệ với cô ấy là hành vi tự nguyện xuất phát từ tình cảm của hai người. Anh em nương tựa.
Việc tôi đưa cho ai đó 800 bath, 10 triệu mỗi tháng như trong trường hợp các sugar baby, hoặc 13 tỷ, để đổi lấy tình cảm và sự thân mật của họ, là thứ rất khó định danh. Trong một nền kinh tế tiền mặt, thì thậm chí việc tôi có đưa tiền cho cô ấy hay không còn chẳng xác định được.
Yếu tố thứ hai khiến cho “mại dâm” trở thành một khái niệm mờ, chính là quan niệm đạo đức về tình dục. Việc quan hệ tình dục không còn là một ý niệm thiêng liêng. Trên khắp các diễn đàn, giới trẻ tổ chức các thảo luận công khai về việc có nên trở thành sugar baby.
Đằng nào cũng mất trinh, bây giờ hì hụi trong một cái phòng trọ mồ hôi mồ kê nhễ nhại với thằng bạn cùng khóa mà chắc chắn đéo cưới, hay là trong phòng khách sạn bật điều hòa.
Họ chất vấn nhau. Tình dục vốn đã là vốn đối ứng cho rất nhiều thứ, tại sao không thể là tiền? Mày ngủ với nó vì tim mày đập nhanh thì mày sang trọng và đúng đắn hơn tao ngủ với nó vì tao cần tiền, ủa nghe sai sai, hẳn là tim đập nhanh, alô?
Bạn sẽ xác định hành vi mại dâm thế nào? Bạn phân biệt nó với một mối quan hệ xã hội nơi đôi bên cùng có lợi ra sao? Ngủ với một người để lấy rất nhiều tiền và nhiều người để lấy từng ít tiền một khác nhau thế nào? Mà thế nào là nhiều người? 3 hay là 5? Pháp luật có điều chỉnh việc tôi nương tựa hơn một người không? Không đổi lấy tiền mặt mà đổi lấy chung cư hoặc ai phôn có được không?
Hai yếu tố này, sự phi tập trung hóa – biến mọi giao dịch thành một cuộc trao đổi riêng tư – và xu hướng thay đổi quan niệm đạo đức – khiến cho “mại dâm” có vô số khoảng mờ.
Thực ra, hoạt động “mại dâm” không chỉ phi tập trung hóa về mặt vật lý, mà nó đang bị phân rã về mặt triết học. Để gọi tên được nó bây giờ là cả một vấn đề; và để lồng ghép nó vào tư tưởng của giới trẻ bây giờ (“giáo dục”) thực chất cần một cuộc thảo luận triết học quy mô, về đạo đức và có thể phải dùng cả luân lý của Emmanuel Kant mà nói chuyện chứ Bộ Luật hình sự là không ăn thua rồi. Cuộc thảo luận đó đầu tiên cần trả lời: có còn cần thảo luận không hay kệ mẹ xã hội vì chả hiểu đang bàn đến cái gì?
Còn nếu chương trình phòng chống này, vẫn căn cứ vào các ý niệm cũ về các cô gái ở Đồ Sơn và Quất Lâm, nó sẽ vô nghĩa. Một chương trình mà nó vô nghĩa thì nước ta đầy.