Người khoe bằng cấp không hẳn là người phô trương. Đừng vội nghĩ xấu cho họ! Một chút hãnh diện, một chút tự hào về thành quả đạt được từ công sức học tập của mình, và muốn chia sẻ niềm vui với người khác, là quyền chính đáng của mỗi người. Chưa kể, bằng cấp cũng giúp tạo sự tin tưởng khi hành nghề.
Người không khoe bằng cấp không hẳn là người không có bằng cấp hay thiếu kiến thức. Đừng vội chủ quan! Có khi người ta còn có nhiều bằng và bằng cao hơn ta tưởng. Chẳng qua là họ không muốn show ra để làm gì. Họ học để lấy kiến thức, không quan trọng chuyện bằng cấp. Bằng cấp đối với họ chỉ là cơ bản. Kiến thức nằm ngoài bằng cấp còn quan trọng hơn! Vậy nên mới có những cuốn sách có tiêu đề: “Những điều trường Havard không dạy bạn”.
Người bỏ học sớm, không có bằng cấp gì để khoe không hẳn là người thiếu kiến thức. Đừng vội coi thường họ! Họ học ở trường đời, sách vở, tài liệu, và từ chính công việc của họ. Kiến thức của họ không cần được chứng nhận bằng con dấu của trường và chữ ký của hiệu trưởng. Nó được chứng thực bằng kết quả làm việc, và những thành tựu mà họ có được trong công việc, từ trường đời! Và họ đang làm sếp của những người có nhiều bằng cấp.
Người học trường “xịn” không phải ai cũng giỏi hơn người học trường làng! Nhiều người học trường làng có thể làm thầy của người tốt nghiệp trường xịn. Đó là vì họ có tư duy tốt, tố chất tốt, và chịu khó đào bới, tìm hiểu sâu hơn từ sách vở, tài liệu, công việc… Ngược lại, nhiều người học trường xịn, nhưng không chịu nghiên cứu, tìm tòi thêm, không có trải nghiệm, kiến thức giậm chân tại chỗ và trở thành lạc hậu.
Người quá đặt nặng chuyện có hay không có bằng cấp là người chưa đủ… đẳng cấp. Người đủ đẳng cấp sẽ biết cách đánh giá con người mà không cần quan tâm đến việc người ấy có hay không có bằng cấp. Họ đánh giá bằng kiến thức thực chất, bằng những đúc kết từ trải nghiệm thực tế, và bằng những kết quả mà người đó tạo ra. Tất nhiên, ngoại trừ những công việc đặc thù, phải có bằng cấp theo yêu cầu của pháp luật.
Nghĩ thoáng vậy để đừng coi thường ai và đừng tôn sùng ai quá chỉ vì bằng cấp, cho dù người đó tốt nghiệp “chữ to trường làng” hay là “thiền sư”, “tiên sư”, “giáo sĩ”…!
Bài viết sưu tầm của tác giả: Nguyễn Hữu Long