Chúng ta biến thành những kẻ đạo đức giả, tiêu chuẩn kép và luôn tự xung đột với bản thân. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà các giá trị văn hoá đang vỡ vụn trong từng con người bởi sự xung đột liên tục.
Văn hoá là thứ chúng ta rất thường dùng để phán xét nhau. Văn hoá cũng là thứ dễ bị nhân danất. Và văn hoá cũng là một khái niệm mù mờ nhất trong hệ thống định nghĩa của chúng ta hiện nay. Vì thế, để bàn về văn hoá, chúng ta cần minh định văn hoá là gì.
Trước hết, về mặt nghĩa, thì văn hoá là hệ thống kiến văn (kiến thức, thái độ, giá trị sống) được hình thành qua quá trình giáo hoá (dạy dỗ). Nói một cách dễ hiểu hơn thì văn hoá là hệ thống các kỷ niệm lặp đi lặp lại để trở thành thói quen, phản xạ, giá trị. Bởi thế, con người, con vật, thậm chí cây cỏ, cộng đồng… đều có văn hoá của mình. Và, việc nhận xét ai đó “vô văn hoá” là rất ngớ ngẩn. Văn hoá có ở khắp nơi, chỉ là nó không giống nhau mà thôi.
Nhưng nếu cho rằng văn hoá có ở khắp nơi, chỉ là không giống nhau mà thôi, thì phải chăng chúng ta không nên bàn tới văn hoá cùng nhau nữa? Con người là động vật xã hội vì thế để xã hội vận hành trơn tru thì con người trong xã hội cần chia sẻ các giá trị văn hoá chung, có tính phổ quát. Thứ giá trị phổ quát đó được tạo nên bằng cách nào?
Như đã đề cập, văn hoá là hệ thống các kỷ niệm độc lập lặp đi lặp lại, tức là từ trải nghiệm cá nhân, hoặc được truyền thừa. Vậy các giá trị văn hoá phổ quát được tạo thành bởi những con đường sau: Các khế ước xã hội và giáo dục (bởi gia đình, nhà trường, hệ thống tuyên truyền, giải trí (văn học, nghệ thuật, trò chơi…).
Để hình thành hệ thống giá trị phổ quát thì các đầu vào văn hoá cần phải có tính thống nhất. Sự thống nhất của đầu vào càng cao thì văn hoá của cộng đồng, xã hội càng có tính phổ quát cao. Xét từ khía cạnh này thì thời điểm hiện tại, tính phổ quát của nền tảng văn hoá Việt Nam rất yếu ớt bởi đầu vào thiếu sự thống nhất, đặc biệt so với gian đoạn trước đổi mới.
Trước đổi mới, mục tiêu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa là yếu tố cốt lõi đễ tạo nên các giá trị văn hoá có tính phổ quát cao. Đầu vào của các kỷ niệm độc lập, từ các khế ước, đến các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục đều tập trung tạo nên những con người có cùng lý tưởng sống, với chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Rất dễ nhận thấy thế hệ người Việt khi đó có thể chia sẻ với nhau nhiều giá trị chung. Chung mơ ước, chung thần tượng, chung mỹ cảm, chung cả sự nghèo đói. Những khác biệt của thế hệ đó chủ yếu mang màu sắc ẩn ức truyền thừa từ hoàn cảnh xuất thân.
Sau đổi mới, giá trị phổ quát của xã hội Việt Nam là gì? Tôi đồ rằng câu hỏi này chưa từng được đặt ra để được trả lời một cách nghiêm túc tại các diễn đàn quốc gia, kể cả ở đại hội văn hoá lần này. Bởi vì sao?
Bởi nếu để trả lời một cách nghiêm túc, thẳng thắn, thì chúng ta sẽ buộc phải thừa nhận rằng giá trị mà đa số người Việt cùng hướng tới trong suốt hơn 30 năm qua là tiền. Sau đổi mới, cả nước hướng tới mục tiêu tối thượng là kiếm tiền với động lực là nỗi sợ nghèo.
Khế ước xã hội được rằng buộc bằng tiền (mức phạt tiền xuất hiện trong mọi chế tài và luôn coi việc tăng tiền phạt là giải pháp kiểm soát hành vi).
Hệ thống tuyên truyền bị chi phối bởi tiền (các cơ quan báo chí dù chi tiêu thường xuyên bằng ngân sách cũng bị đặt trong áp lực phải kiếm tiền)
Phong trào xã hội hoá giáo dục khiến các nhà quản lý giáo dục phải chứng minh năng lực kiếm tiền.
Tiền được tôn vinh trong mọi ngõ ngách của đời sống, từ gia đình, nhà trường, cơ quan công quyền, đến văn học nghệ thuật, và cả trên ti vi.
Tiền không xấu, chạy theo đồng tiền không xấu, khát vọng giàu có lại càng không xấu. Chỉ có sự thiếu nhất quán trong cách nhìn nhận, đối diện với đồng tiền là điều thực sự tệ hại bởi những ký ức truyền thừa của chúng ta không thừa nhận việc đạo đức của chúng ta bị chi phối bởi tiền.
Vì thế, chúng ta biến thành những kẻ đạo đức giả, tiêu chuẩn kép và luôn tự xung đột với bản thân. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà các giá trị văn hoá đang vỡ vụn trong từng con người bởi sự xung đột liên tục.
Rất nhiều người trong chúng ta đã trở thành những nhà hoạt động xã hội trong thời đại này. Họ cố gắng đáp ứng, chiều chuộng những nhà tài trợ để miệt mài đấu tranh cho các giá trị mà các nhà tài trợ đã góp phần phá bỏ để có thể trở thành nhà tài trợ.
Rất nhiều người trong chúng ta đang cố gắng sử dụng cách thức để kiếm tiền nhằm mục đích tạo điều kiện cho con cái được học hành tử tế với hy vọng bọn trẻ sẽ không phải kiếm tiền theo cách chúng ta đang làm.
Rất nhiều người trong chúng ta đang cố gắng làm cho thế giới tốt đẹp hơn bằng cách góp phần phá huỷ nó.
Và chúng ta đang cố gắng để chống lại sự suy đồi về văn hoá.
Xem thêm:
- Đừng để tắt ngọn đèn thiện tâm bên trong con người mình
- Mắt thấy, nhưng Tâm chưa thấy
- “Những người khốn khổ” và bi kịch niềm tin lạc lối