Sống không niềm tin giống đếm thời gian qua ngày. Niềm tin không dựa trên giá trị nhân văn dễ dẫn đến bi kịch.
“Đứa phạm tội thì trọn đời mãn kiếp là đồ bỏ đi.”
Câu nói này là của Giave – nhân vật cảnh sát trưởng máu lạnh , mắt lạnh & mặt lạnh trong tác phẩm “Những người khốn khổ” của Victor Hugo.
Giave làm mật thám kính cẩn như người ta làm mục sư. Vô phúc kẻ nào rơi vào tay hắn. Ví thử cha hắn vượt ngục hắn cũng bắt. Mẹ hắn phạm pháp, hắn cũng sẽ tố cáo. Không thấy trán vì mũ sùm sụp; không thấy mắt vì lông mày rậm, không gậy vì gậy giấu ống áo. Nhưng khi cần thì đột nhiên mọi thứ ấy từ bóng tối xông ra như một đoàn quân phục kích: cái trán hẹp, con mắt ác lạnh lẽo và chiếc dùi cui to tướng. Chân dung tay cảnh sát trưởng Paris được mô tả không thể sống động hơn.
Hắn làm công việc thực thi pháp luật với sự say mê đắc ý và cống hiến hy sinh trong khoái cảm. Đàn ông có 3 dục vọng theo đuổi là sự nghiệp, tiền bạc và đàn bà. Giave còn có dục vọng thứ 4: thực thi nghĩa vụ của một quan chức cảnh sát. Dục vọng này Giave đã đẩy lên mức cuồng tín. Hắn xem thực thi công lý như một con chiên ngoan đạo thực thi nghĩa vụ theo kinh thánh. Con chiên sẵn sàng tử vì đạo. Còn Giave sẵn sàng chết nếu không được thực thi công việc, hoặc làm trái với nghĩa vụ của một tay cảnh sát cực kỳ thính nhạy. Cả cuộc đời hắn được cha mẹ sinh ra dường như chỉ để săn đuổi một người: đó là Giăng Vangiang (Jean Valjean).
Tựa đề cuốn sách kinh điển của ngài Victor Hugo “Những người khốn khổ” có thể sửa thành “Giăng Vangiang khốn khổ”. Ai đọc bộ tiểu thuyết kinh điển này sẽ hiểu tại sao. Cuộc đời tù tội khổ sai oan ức của ông tưởng đã tận cùng của khổ rồi. Nhưng oái ăm sự đời làm sao. Cuộc đời khốn khổ khốn nạn nhất của Giăng Vangiang lại là sau thời gian ông ra tù. Ra tù để sống trong sợ hãi, sống trong sự truy đuổi kể cả khi làm phúc làm đức, kể cả khi cứu rỗi không biết bao nhiêu người. Và nhân vật làm cho Giăng Vangiang khổ sở 24/24 này không ai khác chính là kẻ mẫn cán Giave.
Giave săn đuổi Giăng Vangiang miệt mài, nhẫn nại và khoái cảm đầy thú tính. Giăng Vangiang chạy trốn khỏi Giave khôn ngoan, sợ hãi và cũng đầy bản năng thính nhạy của con chuột chạy trốn con mèo. Và nút thắt của cuộc săn đuổi giữa hai dị nhân qua tài viết của Victor Hugo được mở đến hai lần.
Lần thứ nhất là khi Giăng Vangiang sau khi được những người nổi dậy giao nhiệm vụ xử tử Giave đã bắn phát súng lên trời và bảo: anh được tự do. Giave được kẻ khốn khổ nạn nhân của hắn tha bổng. Hắn được tự do về thân thể. Nhưng từ đó hắn cực hoang mang. Vì đời chuyên săn đuổi bắt bớ của một cảnh sát trưởng như hắn không hiểu nổi tại sao trong từ điển ngôn ngữ có từ “tha bổng”. Nhân đạo là cụm từ xa lạ nhất khiến hắn bĩu môi khinh bỉ. Hắn hầu như đứng hình khi được hưởng sự nhân từ của người vì hắn mà sống chui lủi sợ hãi như một con chuột ở cống ngầm Paris.
Nhưng nút thắt lần hai mới là phát đạn chí tử giáng vào niềm tin công lý của Giave: đến lượt hắn tha bổng Giăng Vangiang sau đó không lâu khi số phận đẩy ông vài tay hắn. Nút thắt mang tên cái giá của tự do này đánh thẳng vào lòng kiêu hãnh tự tin cao độ của Giave. Lòng đại lượng của Giăng Vangiang đối với Giave làm hắn khổ. Giave cảm thấy có cái gì đó ghê tởm thấm sâu vào tâm hồn hắn: đó là mang lòng khâm phục Giăng Vangiang – một tên tù khổ sai như hắn đã nguyền rủa: Đứa phạm tội thì trọn đời mãn kiếp là đồ bỏ đi.
Đến đây xin trích đoạn viết quá hay của Victor Hugo: Giave buộc phải thừa nhận là trên đời quả có lòng nhân đức. Tên tù khổ sai (Giăng Vangiang) kia có lòng nhân đức. Và lạ lùng quá, chính hắn cũng vừa có lòng nhân đức. Khác gì một sự sa ngã với một con người như hắn. Trong khoảng tối mịt mù, hắn như con cú bị bắt buộc phải nhìn vào con mắt của chim ưng.
Giave đã chọn cái chết để kết thúc cuộc săn đuổi. Một cuộc săn đuổi giữa hắn – viên cảnh sát trưởng coi bắt tội phạm con mồi Giăng Vangiang là khoái cảm và kẻ tù khổ sai làm việc thiện cứu rỗi con người là lẽ sống. Giave cuối chặng săn đã săn được mồi, nhưng hắn bỗng nhận ra sự vô nghĩa của lý tưởng hắn đã dành cả đời để theo đuổi. Hắn đã tự giải thoát chính mình cho một niềm tin bị lạc lối.
Sống không niềm tin giống đếm thời gian qua ngày. Niềm tin không dựa trên giá trị nhân văn dễ dẫn đến bi kịch. Cảm ơn Victor Hugo vì một tác phẩm văn học kinh điển xuất sắc.
Những Người Khốn Khổ (Trọn bộ) – Victor Hugo
236.900₫ 395.000₫
Xem thêm: 4 cuốn sách bách khoa với tựa đề “lịch sử” giúp bạn mở mang kiến thức
–
MENBACK.COM