Việc các loài động vật hoang dã biến mất sẽ còn làm mất cân bằng sinh thái, kích hoạt chuỗi huỷ diệt hàng loạt.
Tôi từng được đọc là động vật và con người có một mối liên kết tâm linh. Thực tế tôn giáo nguyên thuỷ của nhân loại là vật linh giáo và thờ totem động vật, người cổ đại tin rằng con người và động vật liên thông với nhau như những sinh vật ngang hàng trong vũ trụ.
Mỗi khi săn được một con vật, người cổ đại sẽ xin lỗi nó, rằng mình làm thế chỉ vì cần để nuôi sống bản thân và gia đình, mong linh hồn nó được siêu thoát. Truyền thống này vẫn còn được tìm thấy ở một số bộ lạc da đỏ.
Phật Giáo đã nâng điều đó lên mức cao hơn, đặc biệt thể hiện qua quan điểm luân hồi giữa các loài sống, qua đó giảm khoảng cách tinh thần giữa con người và động vật. Khái niệm Chúng Sinh của đạo Phật cũng bao hàm tất cả các sinh vật sống, chứ không phân biệt. Trong kinh Nhân Quả, các tội đánh bẫy chim, giết thú, thậm chí lấp hang rắn chuột đều phải chịu quả báo rất nặng.
Loài người chúng ta đã can thiệp và phá huỷ thế giới tự nhiên một cách tàn bạo, với dân số chiếm 0,01% hành tinh, loài người chịu trách nhiệm cho việc tuyệt chủng của 83% động vật có vú và khoảng 1 nửa số loài thực vật tự nhiên. Nếu chúng ta có mặt trên trái đất sớm hơn 66 triệu năm, thì rất có thể vào hôm nay, tái gầu khủng long cũng nằm trong menu của phở mặn Gầm Cầu.
Số vật nuôi làm thực phẩm của con người lớn gấp đôi tất cả các sinh vật tự nhiên còn lại trên trái đất, chỉ riêng lượng ngũ cốc mà người Mỹ dùng để nuôi gia súc cũng đủ để nuôi sống 800 triệu người. Rõ ràng là chúng ta hoàn toàn không thiếu lượng thực, việc tiêu thụ động vật hoang dã là không cần thiết ở góc độ sinh tồn, nó chỉ để phục vụ các nhu cầu thể hiện đẳng cấp của một số người nhỏ trong xã hội. Nhưng sự tồn tại của tiểu thị trường này lại đem lại hậu quả vô cùng lớn cho tự nhiên, hệ sinh thái và cả chính con người chúng ta nữa.
Hầu hết tất cả các bệnh tật của loài người đều từ động vật, nhưng các bệnh từ động vật chăn nuôi truyền thống đều là những bệnh nhẹ, lành tính, vì nhờ trải qua hàng nghìn năm canh tác nông nghiệp, con người đã có kháng thể với chúng. Ngược lại, các bệnh từ động vật hoang dã đều là những bệnh nan y, mới lạ và chiếm số lượng lớn tới 70% dù tỉ trọng tiêu thụ so với thịt chăn nuôi là rất nhỏ. Đại dịch Covid 19 cũng được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã như dơi.
Việc các loài động vật hoang dã biến mất sẽ còn làm mất cân bằng sinh thái, kích hoạt chuỗi huỷ diệt hàng loạt. Từng có một thị trấn ở Mỹ cố tiêu diệt loài muỗi bằng các biện pháp hoá học, hậu quả ngay tiếp theo là chim và chuồn chuồn biến mất, dẫn tới bùng phát các loài sâu bọ tiêu diệt toàn bộ mùa màng và hệ sinh thái. Tương tự nếu loài voi – sinh vật được ví là “kỹ sư của hệ sinh thái” bị xoá sổ, thì các loài động vật nhỏ như cầy mangut ăn lá rơi vãi từ cành cây voi bẻ, chim và sâu bọ sống nhờ phân voi…sẽ bị tuyệt chủng theo.
Hãy “Ngưng tạo nghiệp”
Mới đây chiến dịch “Ngưng Tạo Nghiệp” thuộc khuôn khổ dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do USAID tài trợ đang hướng tới mục đích chấm dứt việc buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã. Với thông điệp “mua một ngà voi – nhận một quả báo”, chương trình hướng tới nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này. Việc săn bắn, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã là hành vi phạm pháp, hậu quả của tội ác này là rất lớn đối với tất cả loài người, với tự nhiên, với trái đất, với con cháu của chúng ta.
Con voi không đi nha sĩ, nhưng vẫn bị nhổ răng, con tê giác không ngoại tình, nhưng vẫn bị chặt sừng, con tê tê cả đời không gây hại cho ai, thậm chí gặp nguy hiểm chỉ cuộn tròn lại chứ không đánh trả, vẫn bị người ta lột da, rút vẩy. Sự tàn sát vô cớ, vô đạo đức đối với động vật hoang dã này cần phải dừng lại, bằng cách bỏ bớt sự u mê, bớt tin vào những thứ phi khoa học, và quan trọng hơn là tỏ rõ thái độ khinh thường những kẻ sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Bùa vòng ngà voi được tin rằng giúp tăng sinh lý, diệu cỏ ba kích còn tốt hơn thế. Vảy tê tê chữa viêm và chống độc, ích mẫu, huyền sâm cũng làm được vậy. Các bài thuốc Đông Y luôn có vị thuốc để thay thế, nhưng Trái Đất và hệ sinh thái thì chỉ có một, nếu không giữ được và để nền văn minh bị huỷ diệt, rất có thể chính nhân loại chúng ta, sẽ trở thành loài động vật hoang dã tiếp theo của hành tinh này.
Xem thêm:
Cây cối có linh hồn và cảm xúc hay không?
Rất nhiều lần chúng ta đặt câu hỏi, liệu cây cối có linh hồn không? cây cối có cảm xúc, có biết đau hay không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm qua bài viết...
De Rossi và cái kết đẹp cùng AS Roma
De Rossi và cái kết đẹp cùng AS Roma, một bài viết ngắn đầy ý nghĩa của tác giả Vũ Trung Hiệp, Menback xin được chia sẻ, giới thiệu tới quý độc giả. Daniele De Rossi...
Review phim Man On Fire: “Ta được thuê để bảo vệ cháu, không phải làm bạn với cháu”
"Ta được thuê để bảo vệ cháu, không phải làm bạn với cháu" - Vệ sỹ John Creasy nói với cô bé Pita Ramos. Ngay ngày đầu tiên. Đây là một cảnh rất ấn tượng...
Review phim Định mệnh (The Poanist 2002): có những số phận được quyết định bởi sự tình cờ ngoài mọi toan tính
Bài viết review nội dung bộ phim The Pianist (2002). Phim được giải Oscar về đạo diễn xuất sắc nhất và nam chính xuất sắc nhất. Nói thật mình thấy có đến 3/4 đoạn đầu...
—
TẠP CHÍ MENBACK
Theo: Hoàng Minh Trí
Nguồn: facebook.com/tritroc/posts/10157905235668831