Tại sao ngày lễ Noel lại ngắn liền với cây thông. Chúng ta cùng tìm hiểu nguồn gốc của cây thông noel trong bài viết này nhé.
Nguồn gốc và ý nghĩa của cây thông Noel
Màu xanh vĩnh cửu đồng nghĩa với một thông điệp đẹp đẽ ngày cuối năm: đấy là chiến thắng của cuộc sống và ánh sáng trước cái chết và bóng tối. Và đấy là lí do tại sao ở những nước Bắc bán cầu, cây thông trở thành một biểu tượng của những ngày Giáng sinh.
Nhưng thật khó có thể xác định được một cách rõ ràng bao giờ và ở đâu, truyền thống chào đón ngày đông chí (21/12) lại trở thành một phong tục Công giáo như thế, và rồi bây giờ lan rộng khắp thế giới mỗi khi những ngày cuối năm về. Có một điều chắc chắn: nguồn gốc của cây thông Noel là ở những nơi có nhiều rừng thông, đặc biệt là các nước Bắc Âu.
Cả Estonia và Latvia đều khẳng định rằng, cây thông Noel đầu tiên được dựng lên ở nước họ. Các nhà sử học Estonia nói rằng, các hiệp hội buôn bán đã dựng cây thông để đón năm mới ở Tallinn từ năm 1441, trong khi Latvia nói rằng, họ có truyền thống dựng thông Giáng sinh từ năm 1510.
Tuy thế, một số sử gia cho rằng, truyền thống đó ở Latvia không liên quan gì đến Giáng sinh. Nhưng điều này chẳng ngăn cản được chính quyền Riga, thủ đô Latvia, đặt một tấm biển ở tòa thị chính để kỉ niệm nơi mà họ cho là cây thông Giáng sinh đầu tiên trên thế giới được dựng lên.
Tuy nhiên, không ít nhà sử học sẽ đồng ý rằng, cây thông Noel theo dạng giống như chúng ta đang dựng lên ngày nay có nguồn gốc từ vùng Alsace vào thế kỉ 16, lúc đó còn trong lãnh thổ Đức (nay thuộc Pháp).
Các sách sử ghi lại rằng, một cây thông Giáng sinh được dựng trước nhà thờ chính tòa Strasbourg vào năm 1539, và việc vào rừng chặt các cây thông nhỏ rồi đem về nhà để đón Giáng sinh lan ra khắp vùng, đến mức thành phố Freiburg đã cấm chặt thông để đón Giáng sinh vào năm 1554.
Mặc dù vậy, có khá nhiều cách diễn giải về ý nghĩa của cây thông trong dân gian Châu Âu. Theo từ điển Britanica, theo một vở kịch vào thời Trung Cổ, vào ngày 24/12, người Đức đã dựng một “cây thiên đường” ở nhà họ. Cây này là biểu tượng của vườn Địa Đàng trong kinh Sáng thế kí liên quan đến Adam và Eva.
Cũng có các giả thiết cho rằng, cây thông Noel bắt nguồn từ các “kim tự tháp Giáng sinh”, tức là những đồ được tạo ra từ gỗ có hình kim tự tháp và được trang trí bằng các tượng Chúa và Đức mẹ cũng như các loại lá cây xanh, nến hoặc ngôi sao. Vào thế kỉ 16, “kim tự tháp Giáng sinh” và “cây thiên đường” nhập vào làm một, trở thành cây thông Noel.
Theo một số nhà sử học, Martin Luther (1483-1546), nhà thần học và cũng là nhà cải cách tôn giáo người Đức, chính là người đầu tiên cắm nến trên cây thông Noel (mãi đến cuối thế kỉ 19, cụ thể là năm 1882, khi điện ra đời thì đèn điện bắt đầu được cắm trên thông Noel). Còn tại sao sau đó cây thông Noel lan tỏa ra khắp nơi? Phong tục này theo chân người Đức di cư ra các nước khác. Vào cuối thế kỉ 17, cây thông Giáng sinh đã xuất hiện ở khắp Châu Âu.
Cũng chính người Đức đã đưa phong tục này đến Anh, thông qua Hoàng hậu Charlotte của vua George III vào giữa thế kỉ 18. Nhưng nữ hoàng Victoria và chồng bà là Albert (một người gốc Đức) chính là những người đã giúp lan rộng phong tục này ở Anh từ giữa thế kỉ 19.
Còn ở Mỹ, các binh lính người Đức có mặt trong quân đội Anh ở thời kì chiến tranh giành độc lập đã đem phong tục này đến đây vào cuối thế kỉ 18, nhưng người Mỹ chỉ thực sự đón nhận nó từ sau năm 1850.
Trong khi đó, ở Hy Lạp, người ta trang trí thuyền Giáng sinh hơn là cây thông Noel. Họ thường đặt những chiếc thuyền gỗ nhỏ trong nhà. Phong tục này là để vinh danh thánh Nicholas, thánh bảo trợ của Hy Lạp và cũng là thánh của thủy thủ. Bây giờ, cây thông Noel đã xuất hiện phổ biến hơn ở Hy Lạp, nhưng việc trang trí thuyền Noel vào dịp này vẫn diễn ra ở một số cộng đồng cư dân trên các hòn đảo nhỏ…
Theo Nhà báo Trương Anh Ngọc
Xem thêm
Nhà thờ lớn Milan ‘Duomo di Milano’: kỳ quan kiến trúc di sản ở thánh đường lớn nhất nước Ý
Nhà thờ lớn Milan (Duomo di Milano) là một thánh đường lớn nhất ở Ý, đây là một kiến trúc...
Read more