Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu hơn về bản ngã: Chúng ta không quan trọng như chúng ta nghĩ. Anh em nào chưa đọc phần 1 thì hãy đọc trước Chúng ta không khổ như chúng ta nghĩ đã nhé.
Cái bản ngã cho ta rất nhiều ảo giác. Cái ảo giác lớn nhất là luôn thấy mình quan trọng, thấy mình là trung tâm của vũ trụ này, nếu gia đình này, công ty này, trái đất này mà thiếu mình là mệt đấy nhé. Anh em kiểm tra mình xem có bị ảo giác đó không?
Từ cái ảo giác đó lại dẫn đến cái ảo giác thứ 2, khi thấy mình quan trọng nên cho rằng ý kiến của mình, suy nghĩ của mình, niềm tin của mình là số 1, là đúng, là chuẩn nhất, còn ai khác mình thì họ chưa đúng, chưa chuẩn.
Từ đó lại lan tiếp đến ảo giác thứ 3, khi thấy mình đặc biệt, nên cái tâm này rất hay so sánh với mọi người xung quanh. So sánh xong, nếu thấy người ta thua kém mình thì mình tự mãn, kiêu ngạo, xem thường người ta. Còn thấy người ta chẳng hơn mình hay ngang ngang mình thôi, mà kết quả họ tốt hơn mình thì tự động sinh ra tâm đố kỵ, ghen tức. Còn thấy người ta vượt trội quá xa mình ở 1 khía cạnh nào đó thì đâm ra lại tự ti với chính mình.
Nên so kiểu gì, anh em cũng khổ. Thấp hơn thì tự ti, mà cao hơn thì ngã mạn, đường nào cũng khổ. Để hiểu rõ, anh em hãy đọc bài: 5 cấp độ của tâm so sánh nhé.
Anh em thân mến. Sự thật là chẳng ai quan trọng trong cuộc đời này cả. Từ một Tu sĩ đến một anh tù nhân. Từ một ông tỷ phú đến một ông xe ôm. Không có ai là quan trọng, hay là trung tâm của vũ trụ này hết.
Ngay cả tổng thống Mỹ, lỡ có ò í e đột ngột vào ngày mai thì ngay lập tức có người lên thay ngay, mọi thứ vẫn sẽ diễn ra bình thường, trời vẫn sáng, trái đất vẫn quay…
Một Tu sĩ, dù đã trên con đường tu thân rồi, nhưng nếu càng tu mà càng thấy mình xịn, mình quan trọng, mình đặc biệt thì coi chừng mắc kẹt vào một cái bản ngã mới, vi tế hơn, tôi hay gọi là ‘cái tôi tâm linh’… rồi lại cho mình cái quyền đi phổ độ chúng sanh các kiểu… coi chừng là ảo giác đấy. Chẳng ai độ ai trong cuộc đời cả, mình dư dả cái gì thì mình chia sẻ, thấy lửa cháy trước mắt mà trong tay mình có nước thì mình hỗ trợ dập lửa… xong rồi là quên, vậy thôi, đi tiếp. Anh em nên đọc thêm bài này để hiểu rõ nhé: Con dao hai lưỡi của tỉnh thức.
Đấy là các Tu sĩ đã dành trọn full time để sửa mình đấy nhé… chứ anh em chúng ta thì còn loay hoay chuyện cơm áo gạo tiền lắm, cùng lắm là tu thân part-time (rảnh lúc nào tu lúc đấy… có khi bận quá quên luôn) thì cái ảo giác của bản ngã này còn mạnh bạo gấp bao lần. Nhưng chớ vội nghĩ đến chuyện tu full-time nhé, anh em hãy đọc bài này trước đã: Chán đời, đi tu và sự bất ổn của cuộc đời.
Càng thành công, càng có nhiều thứ trong tay, thì cái ảo giác rằng mình quan trọng nó mạnh lắm anh em ạ. Lúc đó thì chưa khổ đâu, chỉ đến khi thời thế đổi thay quá nhanh, tự nhiên cái ‘quan trọng’ của mình biến mất đột ngột thì cái khổ phát sinh thôi.
Tôi trước chảnh lắm, trẻ tuổi mà giám đốc này nọ, đi đâu ai cũng mến mộ, phê chứ. Tự nhiên thấy mình đặc biệt, rồi tự cho mình cái quyền quan trọng hơn người khác. Đi hội thảo mà xếp ghế tôi xa xa là bực mình à nha, bước vào event không ai giới thiệu ‘tôi là ai’ là cũng bực đấy. Nói chung ảo lắm anh em ạ.
Càng lún sâu trong cái ảo tưởng trên, thì ra đường hay có cái kiểu, “mày có biết bố mày là ai không”, khệnh khạng vô cùng. Bố nào thì có lên rồi cũng xuống thôi, có ai ở đỉnh cao hoài đâu. Tôi thì thấm thía việc này rõ lắm.
Bệnh chung của mấy anh em có nhiều tài năng, thấy mình giỏi, học nhanh, phân tích tốt, kiếm tiền ngon, thì hay tự đề cao chính mình lắm. Ngã mạn lúc còn thời thì không sao, chứ ngã mạn lúc hết thời thì đời nó dập cho chết. Mà có ai có thời mãi đâu, một thời thôi!
Tài năng, tiền tài, danh tiếng, quyền lực… tất cả những thứ anh em có cố gắng có được trong game đời này đều phải bỏ lại sau lưng khi xuống tàu cả. Xuống tàu là ó í e đó, ai cũng phải chết thôi, không ai thoát được đâu. Nên có nghênh ngang thế nào trong đời này thì cũng phải xuống tàu giống nhau.
Cái ảo vi tế đi kèm là luôn tin mình sống phó-re-vơ, mãi mãi không chết… vô minh lắm anh em ạ, chẳng ai biết được, giờ nào ông Trời gọi đâu, tới số là ó í e nhanh lắm.
Cái ảo giác thấy mình quan trọng, mình đặc biệt, mình xịn, cũng khiến mình khó chấp nhận việc người khác mình, khác ý mình, trái chiều với mình lắm. Mà đời này hay lắm, càng ảo tưởng bao nhiêu thì nhân-quả toàn sắp xếp mấy đứa cực trái ý xuất hiện để tương ứng với bản ngã đó của chúng ta. Thấy vũ trụ thương anh em không?
Cái thông minh ở đời, có thể giúp anh em có được vài tiện nghi nào đó, cái nhà, cái xe, cái chức vụ, chút danh tiếng… nhưng nó không giúp anh em bớt khổ đâu. Vì thông minh kiểu đấy rồi sẽ gặp những đứa ngông hơn, giàu hơn, ảo hơn… rồi tự nhiên anh em thấy mình hết đặc biệt khi so với nó, thế là anh em sân, thế là anh em tham, muốn hơn người ta, hơn không được thì khổ vô đối.
Cái này ở ngoài đời nhiều vô kể, nghèo thì khổ kiểu nghèo, giàu thì khổ kiểu giàu. Cứ so mình với đứa khác là khổ thôi, vì sẽ luôn có đứa ngon hơn, đẹp hơn, giàu hơn, xịn hơn bạn ở ngoài kia. Không bao giờ anh em có thể hơn được tất cả đâu, đó là cái ảo giác đấy.
Tôi viết, là để anh em có vài điểm tựa rồi tự mò đi tiếp, chứ không phải 1 ngày là tự nhiên thấy mình bớt quan trọng được.
Tu thân, không phải là trở thành ai đó, rồi từ sửa cái bản ngã A thành cái bản ngã B. Tu thân chân chính, đó là KHÔNG trở thành ai cả.
Tu thân: đàn ông “tu” thế nào cho đúng?
Nếu ngay cái đầu tiên, mà anh em đàn ông thấy sao càng tu, càng khổ, càng không hạnh phúc,...
Anh em từ từ ngẫm thêm, yang hồ hay dùng từ ‘vô ngã’, mà tôi thấy xa vời quá, cứ nói đơn giản thôi, càng tu mà càng thấy mình bớt quan trọng hơn, thấy mình không hơn ai cả, cũng không thua ai cả (vì hết cái tâm so sánh rồi), thấy những gì mình làm là việc nên làm, chứ không xem việc đó là giúp đỡ hay bố thí cho ai hết, thì anh em đang đúng đường rồi đó.
Nghe có vẻ dễ nhưng vô cùng khó.
Mỗi ngày hiểu thêm bản ngã của mình 1 tý thì anh em cũng đã có vài hạt giống tốt gieo vào tâm thức của mình rồi. Người nào đủ duyên thì nó nở ra, chưa đủ thì trải nghiệm game đời thêm, khổ đậm đà tý là sáng mắt ra thôi.
Cái lợi nhất, khi mình hết so sánh, rồi bớt thấy mình quan trọng đi, thì tự nhiên mình sẽ bớt cái nhu cầu về sự công nhận của người đời hơn, không ép người ta phải hiểu mình, không ép mọi thứ phải diễn ra đúng ý mình, cũng như không bắt mình phải trở thành ai đó nữa.
Tâm anh em lúc đó ‘vô tư’ rồi thì nhìn cái gì cũng rõ, học gì cũng vào, làm cái gì cũng bay hết mà thôi!
Mời các bạn đọc tiếp phần 3: Chúng ta không Tốt như chúng ta nghĩ.
Theo: Nghệ.
Cách ngừng so sánh mình với người khác
Để ngừng so sánh mình với người khác thì chúng ta phải tập thói quen mới, để lập trình lại...