Hôm nọ đi rút tiền, nhặt được một tờ biên lai còn kẹt trong máy. Tờ biên lai thể hiện rằng ai đó đó vừa rút 200.000 đồng, và số dư tài khoản của họ còn lại là 153.000 đồng.
Mình cầm tờ biên lai một lúc, rồi nhìn quanh. Đây là khu văn phòng, có các đại tập đoàn và đống startup ảo lòi mà thỉnh thoảng bạn sẽ gặp trên Shark Tank. Nhưng nó cũng có cả các nhân viên quán cafe, nhân viên cửa hàng tiện ích, và bên kia đường là chỗ nghỉ chân của rất nhiều tài xế Grabbike hàng ngày.

Câu chuyện không phải là số dư tài khoản của ai đó là 153.000 đồng. Mà là ai đó đã vào cây ATM, rồi quyết định rút 200.000 đồng; để dành lại 100.000 đồng nữa cho đến hạn mức duy trì thẻ. Họ không rút hết ba trăm. Họ để lại một “khoản dự phòng” tên là một trăm năm ba nghìn, một cảm giác mong manh rằng “mình chưa hết tiền”.
Người đó có tính toán không? Kiểu như, có xem số dư, làm tính nhẩm, rồi quay trở lại màn hình thao tác, nhập pass lại một lần nữa, để cân nhắc xem nên rút 150.000 hay 200.000 đồng?
Hôm nọ CDC của thành phố công bố danh sách các địa điểm cần người dân khai báo. Trong đó có một quán cơm mà thời gian thăm viếng của F0 đều như vắt tranh: 11-12h; 18-19h, suốt bảy ngày liên tục, chỉ bỏ một bữa tối.
Mình bèn lên StreetView tìm quán cơm. Nó là một cái quán ven đường, có một cái tủ thiếc bề ngang hơn một mét bày trước cửa, bên trong bày thức ăn. Bên trong có lẽ có mấy cái bàn nữa. Quán cơm bình dân. Nói theo ngôn ngữ học thuật, “Dữ liệu hình ảnh của Google gợi ý rằng quán có thể có đến 10 món, trong đó tổ hợp 5 món mặn, 4 rau và 1 canh là một giả định an toàn”.
Người ăn đấy, với lịch trình đều đặn ấy, trong quán cơm ấy, có lẽ là người làm ca. Lại là nhân viên cửa hàng tiện ích, hay là chú bảo vệ? Rồi kiểu người như thế mà mất thu nhập, đi cách ly, chống chọi làm sao qua mùa này?
Bây giờ dù trốn tiệt ở nhà, những dữ liệu như thế cứ đập vào người. Xong lại phải tự huyễn kiểu, thôi có khi mình cả nghĩ, làm sao mấy tín hiệu đó lại đọc ra thành thân phận con người được. CEO người ta thích ăn cơm bụi vô cùng đúng giờ thì sao. Trốn trong nhà ôm máy tính thế là đủ kỹ rồi Hoàng ơi, thân phận người lao động giờ không chạm được vào ông đâu, thanh thản đê.
Thì cứ tự huyễn thế.
Nhưng vẫn buồn. Và lo các bạn ạ. Phải đi xa đến đâu, thời gian quên mất bao lâu, thì trái tim mới bình yên được như ngày đầu tiên. Vì thực ra, chúng ta đều hiểu rằng bất kể Newsfeed của Facebook kể với ta câu chuyện gì, rằng xã hội toàn những người ăn trắng mặc trơn chụp ảnh sống ảo, startup công nghệ mơ thành kỳ lân – thì thực tế là nền kinh tế vẫn vận hành chủ yếu bằng những người như thế. GDP và thặng dư đến từ người công nhân trong công xưởng, người bán hàng, các “cổ cồn xanh”, not really cổ cồn trắng.
Có mấy tin vui là chính phủ “khẳng định” đã có thỏa thuận về hơn 100 triệu liều vaccine. Hôm qua Sở Y tế TP HCM cũng thay đổi thứ tự ưu tiên tiêm vaccine, trong đó đã đẩy công nhân và người bán các mặt hàng thiết yếu lên cao hơn. Nhưng mình – cũng như nhiều anh em – tin rằng bảo vệ nhóm đối tượng này – và qua đó là ưu tiên trả lại hoạt động bình thường cho họ và lĩnh vực của họ – cần là một sách lược quốc gia.
Nếu buộc phải có một thứ tự ưu tiên, phân thứ hạng, mà khả năng cao là sẽ có vì vaccine sẽ chẳng đổ 100 triệu liều ồ ạt đâu, thì những người công nhân, và người bán hàng trong các lĩnh vực thiết yếu cần được đẩy lên cao hơn trong danh sách.
Nếu đây là một cuộc chiến, thì nếu phòng lũy trong các nhà máy sản xuất thất thủ, vaccine không đi đến nơi gọi là trái tim của nền kinh tế, thì đúng là “dù vạn ngày cũng chẳng còn lại gì”.
Xem thêm: Những người “ghét” chạy theo đám đông
–
MENBACK.COM