Thác Dray Sap còn có tên gọi là thác Chồng, hay thác Khói tại Đăk Nông đang trở thành điểm đến yêu thích của du khách mỗi khi đến với núi rừng Tây Nguyên.
Xinh đẹp như một nàng tiên nữ
Nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30km về hướng Nam, thác Dray Sap còn có tên gọi là thác Chồng, hay thác Khói (theo tiếng Ê Đê). Cái tên thác Khói bắt nguồn từ hình ảnh thác nước từ trên cao đổ xuống tung bọt như sương khói quanh năm, đặc biệt là vào mùa mưa, nước đổ càng ầm ào dữ dội, hơi nước càng cuồn cuộn lan xa như màu sương khói. Bước qua cổng đá, chưa thấy dáng thác nhưng bạn đã nghe tiếng vọng ầm ào.
Tích xưa kể rằng, giữa đại ngàn xanh biếc có dòng sông Sêrêpôk len lỏi dưới những tán rừng già. Bên này con sông, có một chàng trai đem lòng yêu say đắm một cô gái bên kia sông, nhưng tình yêu của họ bị gia đình ngăn cấm. Đau khổ và tuyệt vọng, đôi trai gái đã cùng nhau gieo mình xuống dòng sông để chứng minh tình yêu thủy chung và mong được bên nhau mãi mãi. Đêm ấy trời nổi cơn giông bão, nước sông cuồn cuộn chia thành hai nhánh, trên mỗi nhánh suất hiện một con thác tung bọt trắng xóa. Trong đó thác Dray Sap xinh đẹp như một nàng tiên nữ trên dòng sông Sêrêpôk.
Đường xuống thác qua những vườn cà phê xanh tươi, mùa thì hoa nở trắng như bông, mùa quả chín lúc lỉu trên cành. Thế nên đến đây vào bất cứ mùa nào bạn cũng có thể cảm nhận được nét đẹp của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Từ cổng khu du lịch, tôi men theo những bậc thang đá phủ đầy rêu xanh và gốc cây cổ thụ đi xuống thác. Càng xuống gần, càng cảm nhận hơi nước mát lành lan tỏa khắp trong không khí. Chẳng mấy chốc dòng thác Dray Sap đổ ầm ầm hiện ra trước mắt. Bọt nước trắng xóa, hơi nước bay khắp nơi làm cho không khí càng thêm mát mẻ, dễ chịu. Mùa này, dòng nước Dray Sap không đổ tràn khắp cả dải thác dài hơn 100m, mà chỉ ở một góc nhỏ từ trên cao đổ xuống. Thế nhưng âm thanh của nó vẫn âm vang xé tan sự tĩnh mịch của núi rừng.
Mặc dù được công nhận là danh thắng cấp quốc gia vào năm 1993 nhưng mãi cho đến những năm gần đây, thác Dray Sap mới thật sự trở thành điểm đến yêu thích của du khách mỗi khi đến với núi rừng Tây Nguyên. Thời điểm lý tưởng để đi du lịch thác Dray Sap là mùa mưa. Lúc này, cả khu vực xung quanh rừng cây hoang sơ, cây cối mọc xanh tươi. Mùa mưa không chỉ làm cho thảm thực vật ở đây xanh tốt hơn mà còn khiến dòng thác trở nên hùng vĩ, đẹp tuyệt vời.
Tôi xuống gần phía mép nước, nơi những tảng đá ong xếp chồng lên nhau để chụp những tấm hình đẹp. Vài bạn trẻ đầu bày tiệc picnic trên những chiếc bàn đá nhỏ, vừa ngắm thác vừa trò chuyện cười đùa rộn ràng cả một góc.
Trọn vị Tây Nguyên
Sau khi đã có những tấm hình ưng ý, tôi đi tiếp lên cây cầu treo để sang bên kia sông. Từ trên cây cầu này có thể ngắm cả ngọn thác trắng và bầu trời xanh trong tầm mắt. Phía bên kia cầu là một quán cà phê, nhà hàng nhỏ cho mọi người dừng chân thưởng thức một ly cà phê đậm chất Tây Nguyên. Quả thật, nhâm nhi ly cà phê đặc sánh với hương vị đậm đà giữa núi rừng trong bản nhạc của chim chóc và của thác nước, tôi thấy ngon hơn bất cứ ly cà phê nào ở những hàng quán sang trọng.
Mang theo chút vị đắng của cà phê tôi tiếp tục theo chỉ dẫn men sang ngọn thác Vợ – thác Dray Nur ở cách đó không xa. Ngắm xong thác cũng là khi mặt trời vượt quá đầu. Tôi quay trở lại Dray Sap, ngắm nhìn một lần nữa trước khi quay trở lại buôn làng người Ê Đê cách đó không xa để thưởng thức bữa trưa với món cơm lam, gà nướng thơm nức.
Người ta bảo, chưa thưởng thức gà nướng cơm lam, chưa nhấp ngụm cà phê đắng và chưa đến Dray Sap là chưa khám phá trọn Tây Nguyên quả thực chẳng sai chút nào. Bởi vì, đó đều là những điểm đặc biệt ở vùng đất này và tất cả những điều ấy sẽ để lại cho chúng ta những kỷ niệm đáng nhớ về Đắk Lắk – trái tim của Tây Nguyên đại ngàn.
Đray Sáp là một hệ thống gồm ba thác ngoạn mục. Dòng sông Sê-rê-pốk từ thượng nguồn đổ xuống tới đây và được chia làm ba tầng. Trước đây du khách thường chỉ đến thác đầu tiên sau khi xuống được các bậc cấp đá.
Vào mùa mưa nước đổ dữ dội, bụi nước bắn tung lên lan rộng cả một vùng đến ngàn mét vuông. Ngoài Đray Sáp, còn có hai thác nữa nằm bên kia dòng đổ của thác chính. Khi qua khỏi cầu treo du khách sẽ đến một vùng đất cao thoáng đãng. Đây là một đảo nằm giữa hai dòng thác của hệ thống Đray Sáp. Đó là thác Đray Nu (thác Hầm), cao chừng 12 m, gồm hai dòng nước đổ giữa cảnh quan hùng vĩ và thơ mộng giữa chốn đại ngàn.
Cách thác Đray Nu chừng 100 m là thác lớn, cũng thuộc hệ thống Đrayp Sáp. Thác này cũng có độ cao 12 m nhưng rộng đến 140 m luôn tung bụi nước mịn như sương khói.Ngày nay, Đray Sáp trở thành điểm tham quan du lịch ở Tây Nguyên. Tất cả các tour du lịch về Đăk Lăk – Buôn Ma Thuột đều ghé lại đây nghỉ ngơi. (Wikipedia)
Xem thêm:
- 4 cung đường đẹp nhất Việt Nam bạn nhất định phải trải nghiệm
- 5 cung đường đèo hiểm trở nhất Tây Bắc, phượt thủ nào cũng muốn chinh phục
- Kinh nghiệm du lịch Quảng Bình
–
MENBACK.COM