Liechtenstein có diện tích 160 km2 (chỉ bằng 1/20 diện tích của Hà Nội), đây là quốc gia nhỏ thứ 6 ở trên thế giới (sau Vatican, Monaco, Nauru, Tuvalu, San Marino), nhỏ đến mức sự tồn tại của nó chẳng hề ảnh hưởng gì đến tiến trình lịch sử nhân loại.
Liechtenstein là quốc gia nói tiếng Đức duy nhất trên thế giới không có chung đường biên giới với Đức. Liechtenstein là quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất thế giới, 143 nghìn USD/năm, với nguồn thu chính là hoạt động ngân hàng và du lịch. Với tài sản tầm 7 tỷ USD, hoàng gia Liechtenstein là hoàng gia giàu nhất châu Âuu và thứ 6 trên thế giới. Người Liechtenstein yêu bóng đá, nhưng đội tuyển của họ đứng thứ 186 thế giới, dưới cả Lào!
Thiên đường của các ngân hàng
Nếu Liechtenstein là một nàng công chúa ngủ trong rừng, chắc chắn sẽ có một chàng hoàng tử tìm ra nàng. Anh em nhà Grimm nếu sống lại hẳn sẽ phải viết câu chuyện về chàng hoàng tử hiện đại có họ là “ngân hàng”.
Người ta bảo, đất nước theo chế độ quân chủ và có chủ quyền từ thế kỉ 12 này là một thiên đường cho giới ngân hàng và cả rửa tiền thế giới.
Thuế suất thấp và một chế độ tài chính ưu đãi đã khiến cho có đến 75 nghìn công ty nước ngoài, hầu hết là ngân hàng, đăng kí hoạt động ở đây, mà 75 nghìn, nghĩa là gấp đôi số dân Liechtenstein!
17 phút đi vòng quanh thủ đô
Từ Sankt Gallen, sau khi đặt chân tới cho một phóng sự về đội tuyển Romania, chúng tôi đi thêm 70 cây số nữa để sang Liechtenstein.
Đi đường bộ qua ngả Thụy Sĩ là cách duy nhất để đến với quốc gia nhỏ bé này, bởi Liechtenstein không có sân bay riêng, hệ thống đường sắt dài 10 cây số thì do… Áo quản lí hộ, trong khi toàn bộ hệ thống đường bộ là do Thụy Sĩ đảm nhiệm phần thiết kế và thi công.
Thủ đô Vaduz có 5 nghìn dân nằm ngay bên con sông Rhine uốn lượn chạy qua những những thung lũng núi, nhỏ và lạnh nhưng đáng yêu một cách không ngờ. Cả thành phố chỉ có 2 dãy phố lớn đầy chật các cửa hàng lưu niệm (ở đây cũng có khu phố Tàu!) và các tour du lịch bằng xe bus đi vòng quanh Vaduz chỉ mất đúng 17 phút không hơn không kém.
Quanh năm tuyết phủ
Hầu hết trong số 35 nghìn dân Liechtenstein sống trên những triền núi Alps cao chót vót quanh năm mây tuyết phủ. Chúng tôi gần như chết rét bởi nhiệt độ tháng 6 ở đây cũng luôn dưới 10 độ C, nhưng thời tiết ấy lại là lí tưởng cho những người đi du lịch và cắm trại từ châu Âu đổ về.
Xe chúng tôi bò lên đến một trong những đỉnh cao nhất đất nước, trên những con đường nhỏ ngoằn nghèo trong mây mà gia súc cổ đeo lục lạc vẫn thường lại qua.
Ít ai nghĩ rằng, ở quốc gia nhỏ bé đến thế, mà vẫn có người Việt Nam. Anh Boss Guntagg, một tiến sĩ sử học mà chúng tôi gặp trên một ngả đường Vaduz cho biết, tại Schaan, thành phố lớn nhất Liechtenstein, có 3 gia đình người Việt đang sống. Họ là những người nhập cư vào đây từ những năm 1980, nay đã trở thành công dân Liechtenstein (gọi là “Liechtensteiner”).
Một đất nước yêu bóng đá
Thật khó có thể tin rằng, quốc gia nhỏ bé mà ít người Việt nghe đến tên ấy, hoặc nghe đến cũng không biết nó nằm đâu trên bản đồ, cũng phát điên vì EURO.
Euro 2008, ở ngay ở cây cầu bắc qua con sông Rhine làm đường giới tuyến với Thụy Sĩ có một tấm biển quảng cáo điện tử với dòng chữ: “Tối nay có truyền trực tiếp trận đấu giữa Thụy Sĩ và Bồ Đào Nha trên sân vận động Vaduzer Staedtle”.
Cái sân vận động ấy thực chất là một quảng trường nhỏ nằm ở trung tâm của Vaduz, với một màn hình lớn 300 inch volume mở hết cỡ, lưng hướng về một ngọn núi phía sau tuyết phủ trắng xóa, một khu khán đài nhỏ có sức chứa chừng 400 người xem (tức 1% dân số Liechtenstein), dăm ba cái ô che mưa….
Người dân ở đây có thể xem trận đấu tại nhà, nhưng vẫn lặn lội đường núi cả chục cây số xuống đây xem để cho có “không khí”, như thị trấn Malbun, với… 35 dân, ở độ cao 1.600 mét.
Anh Guntagg bảo rằng, người Liechtenstein quanh năm sống trong mây mù tuyết phủ nhưng lại là những người rất yêu bóng đá.
Bóng đá ở đây vẫn phát triển được trên những sân bóng nhỏ trên triền núi mà xa xa đàn dê gặm cỏ là nhờ tình yêu bóng đá được thấm qua dòng máu gốc Đức hoặc Áo của họ.
Guntagg nói, trái tim anh chia đôi vào cái ngày mà Đức gặp Áo ở EURO, bởi lịch sử Liechtenstein chịu ảnh hưởng lớn từ lịch sử 2 quốc gia và 2 nền văn hóa lớn ấy.
Hầu hết những người Liechtenstein có tuổi cũng thế, trừ những nam thanh nữ tú Liechtenstein trẻ trung và tươi mới. Họ ủng hộ EURO, ủng hộ tất cả các đội bóng và không khí náo nhiệt trên đất Áo và Thụy Sĩ bởi không khí ấy chẳng bao giờ quốc gia tí hon này có được.
Sự cuồng nhiệt lên cao đến mức, chính quyền Vaduz cử một nửa tiểu đội cảnh sát đến canh chừng “sân vận động” Staedtle, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa-thể thao, và cũng là nơi luôn truyền trực tiếp các trận đấu lớn của bóng đá châu Âu và thế giới, từ Champions League, EURO đến World Cup.
Những trận đấu bắt đầu. Cả phố núi yên tĩnh bỗng sôi lên bởi những tiếng hò hét ầm ỹ của những cổ động viên Liechtenstein.
Đài phát thanh Liechtenstein (mà chúng tôi nghe được trên xe) không chỉ phát nhạc pop Liechtenstein (!), mà còn có cả một chương trình đặc biệt về EURO sau bản tin tối, sau khi đã thông tin chi tiết về sức khỏe của hoàng thân Hans Adams II, người đứng đầu đất nước.
Tờ báo ra hàng ngày của Liechtenstein Vatterland cũng có một phụ bản in mầu gồm có 10 trang khổ A4 (gần 1/3 nội dung tờ báo), cũng cử đặc phái viên sang Áo và Thụy Sĩ, cũng bình luận và đánh giá một cách sâu sắc và khá sôi nổi về EURO, thậm chí không quên phần dự đoán tỉ số những trận đấu tiếp theo.
Dòng họ Liechtenstein đã chọn một trong những ngọn núi cao nhất của dãy Alps, nhánh chạy giữa Thụy Sĩ và Áo để làm một quốc gia độc lập cho riêng mình. “Schloss Liechtenstein”, lâu đài của ông hoàng Liechtenstein, người đứng đầu đất nước, nằm ở lưng chừng núi. Người ta bảo rằng, ngày quốc khánh 15/8, hoàng thân Hans Adams II đứng ra khu vườn trước hoàng cung và lên tiếng mời 35 nghìn thần dân mỗi người một cốc rượu hoặc bia. Không biết đến bao giờ ngài mới được mời dân chúng bia vì đội tuyển Liechtenstein của ngài có mặt trong một VCK EURO nhỉ?”
–
TẠP CHÍ MENBACK
Theo: Nhà báo Anh Ngọc
Ảnh: CondeNast Traveler