Lô Lô Chải nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi đây đang từng bước thay da đổi thịt, trở thành một điểm ghé thăm đầy thú vị của những tín đồ du lịch.
Không mang vẻ đẹp hùng vĩ như đường đèo Mã Pí Lèng, cũng không sở hữu gam màu rực rỡ như những thửa ruộng bậc thang mỡ màng, tươi tốt ở Hoàng Su Phì, làng văn hóa Lô Lô Chải phảng phất một nét thâm trầm, lặng lẽ nhưng lại góp phần làm nên vẻ đẹp bình yên tự bao đời tại vùng đất “đá cũng nở hoa”.
Tọa lạc ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, nơi đây đã trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng của vùng cao nguyên đá. Không chỉ ghi dấu bởi cảnh sắc trữ tình và nhịp sống tự tại, Lô Lô chải còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn sáng đẹp giữa thời hiện đại.
Lô Lô Chải – Vùng đất in hằn những dấu tích cổ
Bốn bề là núi đá sừng sững, Lô Lô Chải cứ thế nằm khiêm nhường dưới chân núi Rồng và cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1km. Ra đời từ cuối thế kỷ 17 – đầu thế kỷ 18, Lô Lô Chải đến nay vẫn là nơi cư trú của hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chỉ 10% là đồng bào người Mông, còn lại là đồng bào Lô Lô.
Tuy ít được điểm mặt gọi tên trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đồng bào Lô Lô lại là tộc người hiếm hoi còn giữ được những nét xưa cũ tốt đẹp ở cả đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Đường đến Lô Lô Chải cũng khá trắc trở. Men theo con đèo dài 150km từ trung tâm thành phố Hà Giang, bạn sẽ cảm thấy như đang lạc trong một trận đồ. Một bên là dãy núi đá tai mèo dựng đứng, trải dài mênh mang, một bên là vực thẳm sâu hun hút khiến những tay lái “cứng” nhất cũng phải thấp thỏm mỗi lần băng qua. Tuy vậy, đối chọi với cái gai góc đó là vẻ đẹp tràn căng sức sống của những vạt hoa cúc cam ven đường.
Ẩn mình sau những búp ngô vàng óng mọc tua tủa trên con dốc dẫn vào bản là những ngôi nhà trình tường lợp ngói âm dương của người đồng bào Lô Lô. Ấn tượng nhất là những hàng rào đá cao đến nửa người, được người dân xếp chồng lên nhau một cách tỉ mỉ từ những viên đá xanh tự nhiên. Chúng như bức tường thành vững chãi che chở cho con người trước tai ương và thú dữ.
Nhà ở của họ rất đơn giản, thường chỉ làm ba gian, ngay cả cầu thang, bàn thờ cũng được làm bằng gỗ. Gỗ làm nhà là những chất liệu bền chắc như sa mộc, thông đá. Trong nhà chỉ có tấm vải làm vách ngăn các phòng. Đặc biệt, các hình nhân bằng gỗ trên bàn thờ được họa nét đầy đủ các bộ phận trên mặt người như mắt, mũi, miệng, tượng trưng cho các thế hệ tổ tiên được thờ phụng. Đây cũng là nét rất riêng của đồng bào Lô Lô.
Nhà trình tường của họ còn độc đáo ở chỗ được xây từ đất sét và đất thịt. Cụ thể, sau khi gia cố nền móng bằng những tảng đá cuội xếp kè, người ta lấy khung gỗ làm khuôn, đổ đất sét mịn và nện chặt làm thành lớp tường nhà dày khoảng 50-60cm, sau đó làm nhẵn mặt bằng vồ gỗ.
Không chỉ mang độ kết dính cao, tường nhà còn có đặc tính dịu mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, vì thế mà nhà trình tường của đồng bào Lô Lô còn được gọi là “nhà hai mùa”. Để trừ tà, người dân bản địa thường dán giấy hồng điều với những hình vẽ lạ trên cánh cửa. Trên xà nhà, những bắp ngô đầu vụ được người dân giắt ngay ngắn.
Mỗi buổi sớm mai, những ngôi nhà ẩn hiện trong bảng lảng sương mờ trông như một miền cổ tích đầy huyền diệu. Màu nâu mật ong của tường đất, màu xám ngoét của đá, màu vàng tươi của vạt rau cải trước nhà cứ thế tồn tại, mặc cho dòng chảy của thời gian.
Từng bước thay da đổi thịt
Trước kia, người dân ở bản Lô Lô chải sống bằng phương thức tự cung tự cấp là chính. Họ trồng nương ngô trên núi đá, ngoài ra còn chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Năm nào được mùa thì có cơm ngô để ăn, ngược lại họ phải “bấm bụng” ăn mèn mén thay cơm. Và rồi, cái nghèo triền miên chấm dứt khi trưởng thôn Sìn Dỉ Gai tiên phong trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Sau quá trình học hỏi, anh đầu tư xây mới nhà trình tường truyền thống để làm homestay đầy đủ tiện nghi cho khách du lịch. Dần dà, người dân trong bản cũng đã dốc sức cải thiện nơi ở của mình trở thành homestay như cách anh Sìn Dỉ Gai đã thực hiện. Để rồi giờ đây, những căn nhà vách đất vàng nâu cũ kỹ đã được thay áo để làm nơi an trú cho du khách thập phương.
Đặc biệt, phải kể đến quán cafe Cực Bắc ở đầu làng, đồng thời cũng là ngôi nhà mấp mé 200 năm tuổi. Bất ngờ hơn nữa, dịch vụ kinh doanh cafe được “thai nghén” từ một vị khách người Nhật đã trót nặng tình với mảnh đất Lũng Cú đầy đá sỏi trong một lần đặt chân đến. Cụ thể, năm 2014, ông đã đầu tư hàng trăm triệu để giúp một gia đình người dân bản địa xây quán cafe Cực Bắc ngay tại ngôi nhà của họ.
Theo đó, quán vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống từ mái ngói âm dương nhuốm màu thời gian cho đến những hiện vật cổ được bày biện trong nhà. Trước sân kê một vài bàn, ghế gỗ mộc mạc để du khách có thể ngồi thưởng ngoạn cả khung cảnh thiên nhiên hữu tình tại bản.
Chỉ mới tưởng tượng việc ngồi nhấm nháp tách cà phê phin thơm lừng và nhìn ngắm lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên đỉnh núi Rồng mà đã cảm nhận được vẻ đẹp vô ngần của quê hương xứ sở.
Không chỉ thế, du khách còn mê đắm nơi đây chính vì sự xởi lởi, thân tình của người dân địa phương. Ta sẽ được họ thiết đãi những món ẩm thực độc đáo tại Lô Lô như thịt gà, thịt đen, thịt treo gác bếp, thắng cố. Trứ danh nhất là món rượu ngô.
Ngay cả loại nước dùng cũng phải là loại nước tinh sạch được hứng từ những vách đá, gạn lọc qua nhiều tầng địa chất cũng như trải qua nhiều ngày chưng cất cẩn thận để cho ra đời tinh túy của mảnh đất Hà Giang.
Không chỉ chếnh choáng trong vị cay ngọt của rượu ngô, ta sẽ còn luyến nhớ ngôi làng cổ tích này bởi vẻ đẹp chân phương toát ra từ bộ trang phục truyền thống của đồng bào Lô Lô. Trang phục của họ có sự cộng hưởng từ nhiều chi tiết như khăn, áo, quần, tạp dề, dây lưng, xà cạp.
Tất cả đều được chính tay người phụ nữ Lô Lô dày công thêu dệt, nhuộm vải chàm rồi đem hong khô trong gió trời hằng giờ đồng hồ. Họa tiết tạo điểm nhấn qua những hoa văn hình tam giác, hình vuông, thảo quả, cánh chim, ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch.
Đó là những hình ảnh gần gũi với đời thường nhưng lại là biểu trưng cho đất, trời, núi, rừng – những yếu tố lớn lao di dưỡng cho sự sống con người. Tất cả đều được may công phu đến từng đường kim, mũi chỉ.
Khi xuân về, đặc biệt là đêm 30 Tết, tâm hồn của những người dân Lô Lô vốn lặng lẽ lại trở nên hân hoan hơn bao giờ hết. Đàn bà thì ngồi bên nồi bánh chưng và thủ thỉ với nhau về gia đình, đàn ông thì ngồi nhẩn nha chén rượu ngô ấm nồng.
Khắp bản đều chộn rộn tiếng cười của con trẻ, của những thanh niên nô nức đi xin lộc. Rồi khi tiếng gà đầu tiên gáy lên cũng là lúc tất cả gia đình trong bản chính thức đón mừng năm mới. Heo kêu, ngựa hí, đến cả động vật cũng náo nhiệt cả làng.
Năm mới còn là khi các thành viên trong nhà tề tựu bên nhau và ngồi nghe các bậc cao niên kể về huyền thoại rồng thiêng trên đỉnh chóp cột cờ Lũng Cú. Ngày Tết dung dị đến thế mà lại chứa đựng sức nặng văn hóa thật lớn.
Thiên nhiên những khi xuân về trên bản cũng trở nên tinh khôi lạ thường. Là màu vàng ươm của hoa cải, màu trắng muốt của hoa lê, hoa mận hay màu hồng phớt của những nhành đào trước ngõ. Tất cả cộng hưởng lại với nhau để làm nên một bức tranh ký họa tuyệt đẹp của miền sơn cước.
Không những thế, tâm hồn ta sẽ còn lâng lâng theo những điệu múa dân gian sống động, những thanh âm rộn rã của ngày lễ hội truyền thống. Để rồi, hình ảnh về ngôi làng cổ tích Lô Lô mộc mạc, bình dị nằm lọt thỏm giữa trập trùng núi đá cứ thế lung linh trong tâm trí người lữ khách.
- Đến Tà Xùa ngắm hồn sắc Tây Bắc mờ ảo trong biển mây
- Đèo Mã Pì Lèng bên dòng Nho Quế: Kiệt tác kỳ vĩ của thiên nhiên
- 5 cung đường đèo hiểm trở nhất Tây Bắc, phượt thủ nào cũng muốn chinh phục