Bệnh trầm cảm không chỉ có ở nữ giới mà ngay cả nam giới cũng dễ mắc phải chứng bệnh này. Dù là người trưởng thành hay trẻ nhỏ thì cũng không ngoại lệ với bệnh trầm cảm. Nam giới trưởng thành có khả năng mắc trầm cảm cao hơn nữ giới. Chúng ta hãy cùng lắng nghe tâm sự của một người đàn ông bị trầm cảm, và cũng là blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Thạch, để hiểu thêm về vấn đề trầm cảm ở nam giới nhé.
Chào mọi người, mình tên là Thạch, hôm nay là ngày mình vừa đúng 32 tuổi và có một điều mình muốn chia sẻ cùng mọi người.
Mình đã bị trầm cảm gần một năm nay và điều trị hơn một tháng nay bằng phương pháp không dùng thuốc.
Khi mình nói bản thân mắc phải trầm cảm, rất nhiều những người thân bên cạnh mình đã bật cười. Điều này có lẽ không lạ vì nếu là chính bản thân mình của hơn một năm trước cũng sẽ tự bật cười, “mình mà cũng có thể trầm cảm được sao?”
Nhưng, nó đã xảy ra.
Mình có một cuộc sống mà có lẽ nhiều người rất mong muốn có được. Công việc ổn định, thu nhập khá, gia đình thuận hòa, tình cảm tốt đẹp, một chút danh tiếng, một chút thành tựu và vài thứ lặt vặt khác. Dĩ nhiên những thứ đó không thể nào đùng một cái xuất hiện trước mặt mình được, đó là quá trình làm việc kiên trì, không ngưng nghỉ của bản thân mình suốt bảy năm vừa qua.
Đến khi như có được mọi thứ bản thân mình mong muốn, đó cũng là lúc câu chuyện về trầm cảm bắt đầu. Rất nhiều người nghĩ rằng trầm cảm là thứ gì đó ghê gớm lắm, cao siêu lắm, trừu tượng lắm, là khi người ta cảm thấy buồn rầu, tuyệt vọng, chán nản, tìm cách tự hủy hoại bản thân thì mới là trầm cảm. Nhưng thực ra, trầm cảm còn có một biểu hiện khác, ít thấy hơn nhưng không phải không tồn tại.
Đó là khi bạn mất hết niềm vui trong cuộc sống.
Một năm qua, mình không còn tìm thấy niềm vui ở bất kỳ nơi đâu, ở bất kỳ thứ gì mình làm. Thậm chí những thứ trước đây mình từng vui vẻ với nó, thì đến giờ cũng không còn. Mình chỉ hoàn thành những việc đó theo một lập trình có sẵn của não và chấm hết.
Nếu như một năm trước, mình luôn biết chính xác cuộc đời mình tiếp theo sẽ làm gì, sẽ phải phấn đấu cho mục tiêu gì trước mắt, sẽ phải đi đến đất nước nào mới, sẽ phải gặp gỡ những ai và cực kỳ hào hứng với những kế hoạch đó… thì một năm qua, tất cả đều là vô nghĩa.
Mỗi sáng thức dậy, câu hỏi đầu tiên hiện lên trong đầu là “Mình phải làm gì tiếp theo bây giờ?” câu hỏi đó đi theo mình suốt một thời gian dài và liên tục lặp lại như điệp khúc của một bài hát đầy ám ảnh.
Mình không thể chia sẻ được với ai, chính xác hơn là không muốn chia sẻ với bất kỳ ai những điều này. Mình không phải dạng ngày suốt ngày than thở, mình không muốn mang năng lượng tiêu cực đến cho bạn bè, mình không muốn làm gia đình lo lắng, mình không muốn những người tin tưởng và kỳ vọng vào mình sẽ thất vọng.
Mình không cô đơn, mình cô độc giữa muôn trùng người và người. Giữa việc loay hoay không biết phải đi tiếp về hướng nào và cũng chẳng có bất kỳ người nào định hướng. Quan trọng hơn, mình không nhận ra đó là trầm cảm, chỉ đơn thuần nghĩ rằng chỉ là phút chếch choáng của khủng hoảng ba mươi.
Và cuộc đời mình trượt dài trong những chuỗi ngày sống vô cảm như vậy, không còn niềm vui và hoàn toàn cô độc trên ốc đảo bản thân.
Cho đến khi cách đây ba tháng, lúc đứng trên tầng sáu của một trung tâm thương mại, nhìn xuống bên dưới, một tiếng nói trong đầu mình bỗng vang lên, “Chỉ cần nhảy xuống, mọi sự chán chường hiện tại sẽ chấm dứt…” đó là lúc mình nhận ra bản thân mình thật sự có vấn đề và phải được điều trị trước khi những điều tồi tệ hơn xuất hiện.
Mình gặp bác sĩ tư vấn, sau đó đọc sách, rất nhiều sách và bắt đầu tự điều trị không cần dùng thuốc.
Bên cạnh những việc phải làm như xây dựng sinh hoạt biểu, đặt mục tiêu ngắn hạn cho cuộc đời, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, hay tìm những trải nghiệm mới… thì điều quan trọng nhất của cả quá trình điều trị, chính là tự đối thoại với bản thân mình.
Trước khi muốn bất kỳ ai hiểu mình, chính mình phải là người hiểu mình đã và tự đối thoại với bản thân mình một cách thành thực nhất chính là để đạt được điều đó.
Mình dành mỗi ngày tầm 20 phút để ngồi trước gương, nhìn mình và nói chuyện, nghe rất kỳ cục và có phần… kinh dị, nhưng mình thấy rằng đó là cách tốt nhất để mình có thể hiểu được chính mình. Những câu hỏi đại loại như hiện tại mình đang thích điều gì, mình đang muốn làm gì, việc mình đang làm hiện tại có vui không, nếu không vui, mình có nên dừng lại không, dừng lại thì ảnh hưởng đến những ai và nếu những người đó bị ảnh hưởng liệu mình có vui hay không… cứ vậy, mình đặt câu hỏi và tự trả lời một cách trung thực nhất với chính mình. Và một tháng qua mình đã cảm thấy tinh thần tốt hơn rất nhiều so với một năm trước đây. Ít ra, mình hiểu được bản thân mình nên làm điều gì để mình cảm thấy thoải mái trước đã.
Ngày hôm nay, ngay khi kể ra câu chuyện này với mọi người, cũng là một cách để mình chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình, là cách để mình muốn nhắn với tất cả những bạn đang gặp câu chuyện như mình, đang cảm thấy lạc lối, đang cảm thấy ngày mai không biết phải làm gì… rằng “we’re not alone” chúng ta không cô đơn, ít ra vẫn có một người đồng cảm và hiểu được những khó khăn mà mọi người đang đối mặt…
Hôm nay mình thêm một tuổi mới, và học được bài học về việc phải hiểu bản thân mình quan trọng như thế nào.
Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây và xin nhớ, đừng lơ là căn bệnh trầm cảm, vì nếu không phát hiện sớm, nó sẽ nguy hiểm hơn mức tưởng tượng của chúng ta rất nhiều.
Tâm sự về trường hợp trầm cảm của ban “dat”:
Mình đang điều trị bằng thuốc dc hơn 2 năm, thời gian đầu, sau khoảng 2 tháng, mình cảm thấy rất tốt. Nhưng hiên h cảm thấy rất tệ, mình vẫn duy trì việc điêu trị bằng thuốc, nhưng mình vẫn không thể ép bản thân tham gia các hoạt động thể chất, mặc dù biết điều đó tốt . Mình đã có thể đi làm, tuy chỉ là 1 công việc đơn giản mà mình nghĩ đa số người như mình sẽ chọn, vẫn giao tiếp dc với người khác như người bình thường, thâm chí nếu tiếp xúc với mình, sẽ không ai nghĩ mình đang điều trị trầm cảm, mình thể hiện ra ngoài hoàn toàn khác vs thực sự bản thân bên trong.Khi ở ngoài, mình tự động ép mình thể hiện 1 con người khác, và cảm thấy có vẻ như có sức sống hơn. Nhưng khi trở về nhà, mình lại quay lại với con người thực của mình, hoàn toàn chết. Hiên h mình cảm thấy mệt mỏi, tuy mình không có ý định mãnh liệt về việc tự sát, nhưng lại luôn nghĩ và cảm thấy cái chết sẽ thực sự là sự giải thoát với mình.Mình đã từng thử tự sát, nhưng không cố gắng, đó là lý do hiện h mình vẫn còn ngồi đây và viết những dòng này, đôi khi ý định thực hiện việc tự sát đến bất chợt và thôi thúc hơn- và mình phải cố gắng để không làm điều đó, nhưng mình không biết mình sẽ chịu đựng dc bao lâu nữa.
Tâm sự của bạn nam Gia Phúc bị trầm cảm:
Mình bị trầm cảm hơn 3 năm, cảm giác giờ mọi thứ xung quanh với mình nó không còn làm mình cảm thấy hứng thú nữa, mỗi ngày trôi qua là một ngày vô nghĩa, có lẽ niềm vui với mình khi mà mình nghĩ về quá khứ, khi mình còn nhỏ còn chưa quan tâm đến cuộc sống, lúc mình còn vô tư…Khoảng thời gian lúc đó thật yên bình, lúc đó chẳng biết ngày mai nó ra sao nhưng lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan, giờ thì nhiều cái phải làm mình suy nghĩ, riết chán nãn… Mình cũng tự động viên bản thân rất nhiều, cố suy nghĩ tích cực nhưng lại vài hôm cảm giác buồn nó lại vây quanh, hằng ngày mình vẫn nói chuyễn, sinh hoạt với mọi người bình thường, và cũng không ai nghĩ mình bị trầm cảm, chỉ khi ở một mình và tối đến cảm giác sợ hãi, cô đơn, chán nãn nó lại tới, thật sự kinh khủng lắm, mình từng sut nghĩ tự tử nhiều lần, nhưng nghĩ về gđ nên mình không đành, mình không chắc mình có thể chịu đựng nó bao lâu nữa, nhưng hiện tại mình cảm thấy bế tắc quá!