“Đời như đùa” – Đó là câu cuối cùng trong tâm thư tuyệt mệnh của cậu học sinh 15 tuổi trước khi nhảy lầu tự tử.
Ở sự việc này, lỗi thuộc phần ai, là do bố mẹ cậu bé hay do chính cậu ấy? Sự thật, không ai có lỗi cả. Vì cả bố mẹ và cậu học sinh đều là ‘nạn nhân’ của chính cái ‘ma tính’ đang diễn ra trong tâm mỗi người.
Tôi, bạn, và mọi người ngoài kia đều có những con quỷ dữ đang ẩn náu rất sâu trong bóng tối vô thức!
Khi trật tự nội tâm bên trong chúng ta càng hỗn loạn, thì càng không biết khi nào những con quỷ đấy sẽ bước ra rồi dắt mũi mình làm những thứ không thể nào tưởng tượng được.
Cái đáng sợ nhất mà xã hội đang diễn ra, là khi, bậc bố mẹ còn chưa thấu hiểu được nội tâm bên trong mình đang diễn ra như thế nào, thì làm sao có thể giúp được con mình nhận thức được cái tâm ma đang diễn ra trong chính nó.
Nên việc đầu tiên và cốt lõi nhất mà bậc bố mẹ có thể tác động tích cực đến con mình, đó là sửa mình trước đã, tôi hay gọi là ‘tu thân’.
Thân giáo là cách giáo dục tốt nhất, mình thế nào thì chính là tấm gương soi hay một cuốn kinh điển để con mình có thể TỰ nhìn theo, TỰ làm theo mỗi ngày… và đứa con có thể nương tựa vào được khi tâm nó quá yếu ớt.
Chứ không phải, bậc bố mẹ cố gắng thức khuya dậy sớm cùng con để nó đạt được điểm tốt nhất, rồi cố gắng vào trường chuyên nhất.
Cố gắng những thứ đấy ĐỂ LÀM GÌ?
Trước khi quyết định một điều gì, nếu chúng ta đều chịu bình tâm lại, hỏi mình thật sâu, thật trung thực, thật nhiều lần câu hỏi “để làm gì?” thì chắc chắn mọi thứ sẽ khác hẳn. Vì bánh xe nhân quả sẽ thay đổi từng ngày nếu chúng ta quyết định khác đi.
Hầu như bố mẹ nào cũng thương con mình cả, đều muốn con mình ‘hạnh phúc’… nhưng phải theo định nghĩa ‘hạnh phúc’ của bố mẹ, chứ không phải theo ý đứa con.
Đồng ý rằng, chính đứa con cũng không thể xác định được, liệu ‘hạnh phúc’ của chính nó là gì, là như thế nào, nhưng có một điều tôi vẫn luôn hỏi các bậc phụ huynh: “thế anh/chị đã thực sự hạnh phúc chưa?”. Đa phần thì mọi người không trả lời được, hoặc trả lời rất gượng gạo.
Khi chính bản thân chúng ta vẫn chưa thực sự hạnh phúc, chưa thực sự trọn vẹn với chính cuộc đời mình thì làm sao chúng ta dạy cho con mình “thế nào là hạnh phúc”, rồi làm thế nào để giúp nó khi tâm ma quỷ đang chiếm hữu tâm trí nó.
Trong túi bạn có 10 đồng thì mới có dư 10 đồng để cho con mình, còn nếu trong túi không có đồng nào thì lấy gì cho con. Nó giống như ‘hạnh phúc’ vậy, chúng ta không thể cho cái mà chúng ta không có.
Bên trong chúng ta quá nghèo nàn, đầy những khổ đau và bất hạnh, thì giống như những người mù mò đường vậy, rồi chúng ta lại dắt thêm tay vợ con cùng nhau tiếp tục mò đường.
Nên cái khổ nhất của nhân sinh, chính là ‘không tự hiểu mình’. Không biết mình có bệnh thì không có cách nào chữa được. Bệnh đó lại tiếp tục lây lan sang những người xung quanh, cứ luân hồi mãi mãi như thế.
Khi ma quỷ còn hoành hành trong tâm bạn, rồi một ngày đẹp trời bạn được lên làm vị trí cao nhất của bộ giáo dục thì cái thứ ma quỷ đó lại tiếp tục nhuộm màu cả nhiều thế hệ.
Một hệ thống ma quỷ đang vận hành thì làm sao bậc phụ huynh và học sinh thoát được!
Học thêm, học bớt để làm gì? Vào trường ‘chuyên’ để làm gì? Rồi cả tiếng Anh, tiếng U để làm gì?
Muốn con mình học, để sau này nó sống ‘hạnh phúc’, hay là do sợ con mình không bằng ‘con người ta’, đấy là lúc con quỷ ‘so sánh’ hay con quỷ ‘tham sân si’ đang dẫn dắt!
Sợ con mình ‘khổ’ nhưng nếu không biết cách thì sẽ làm con mình khốn khổ cùng cực hơn. Thấy nó khổ thì mình cũng khổ.
Ai cũng muốn con mình làm kỹ sư, bác sĩ cả, thì ai trồng lúa, trồng gạo cho bố con ông ăn? Rồi ai làm đường cho bố con ông chạy, ai dọn cái toilet thật sạch đẹp cho bố con đi pee thoải mái?
Học đủ điểm thôi, cho nó chơi thêm thể thao rèn luyện sức khỏe, thân khỏe thì tâm mới phát triển và vững vàng được!
Cho nó đi làm thiện nguyện ở các trại mồ côi, các bệnh viện ung thư, gặp trẻ khuyết tật/thiểu năng để nó tự thấy rồi tự nhận thức ra, cái thân này, cái sinh mệnh này đáng quý lắm.
Ít nhất là gieo vài hạt giống vào tâm thức của nó, để mỗi khi nó có ý định tự tử thì nó nhớ đến những mãnh đời bất hạnh hơn nó rất nhiều mà người ta vẫn cố gắng sống tiếp.
Còn ai đang có ý định tự tử thì cũng tự hỏi luôn: “để làm gì?”
Bạn cần phải ghi nhớ, mỗi sinh mệnh đến game đời này để học một số bài học cụ thể. Tuy nhiên bạn luôn có sự lựa chọn thoát game (tự tử) bất kỳ lúc nào, nói đúng là giống bảo lưu kết quả rồi ở lại lớp, năm sau học lại.
Tự tử cũng thế, thoát server ở kiếp này thì những bài học còn dở dang sẽ tiếp tục diễn ra ở kiếp tiếp theo, chứ không phải đổi server để có cuộc đời tốt hơn hay game map dễ dàng hơn, như vậy là bạn say mê quá rồi.
Nếu có một bài học mà chưa học xong, thì có tự tử 10,000 lần đi nữa thì game map vẫn sẽ tiếp tục lập đi lập lại những tình huống tương tự để bạn học cho xong bài học đó. Làm sao mà thoát được!
Game đời như đùa, là như thế!
Một xã hội đầy ma tính, đầy tham sân si, thì nó sẽ rất khó cho những ai sống trong môi trường đó có thể thoát ra dễ dàng được.
Tuy nhiên, game đời càng khó, càng cùng cực, lại là món quà cho những ai chịu bình tâm để nhìn lại, sắp xếp lại những hỗn loạn trong tâm mình.
Tự cứu mình, chính là thuốc giải cho tất cả.
Khi ma tính trong mình đã được cô lập thì chúng ta mới làm chủ game đời được, còn không chính ta sẽ làm khổ ta và làm khổ cả vợ con ta, mà thôi!