Nằm ở trung tâm quận 1, Paris, quảng trường Vendôme là nơi “đóng đô” của nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ nổi tiếng toàn cầu. Được xây dựng từ thời vua Louis XIV, nơi đây khoác lên mình màu áo và tinh thần vương giả suốt nhiều thế kỷ. Việc Gucci mở cửa boutique trang sức cao cấp mới nơi này đã thể hiện tầm nhìn táo bạo của nhà mốt.
Gucci và cuộc chơi trang sức xa xỉ ở quảng trường Vendôme
Nằm trọn vẹn và kiêu hãnh giữa nhà hát Opera Garnier và vườn Tuileries xinh đẹp, Quảng trường Vendôme xa hoa vừa chào đón một thành viên quý tộc mới vào chốn quyền quý của đại gia đình. Ấy là thương hiệu Gucci, nhà mốt Ý đình đám với hy vọng boutique này sẽ mở ra một thị trường mới vô cùng triển vọng trong tương lai.
Dưới thời Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele, Gucci được tái sinh “táo bạo” bằng tư tưởng thẩm mỹ và sự khai phá độc đáo về giới. Sau khi chiếc ghế trống của Frida Giannini nhanh chóng được lấp đầy bởi Alessandro Michele, bằng hai bộ sưu tập mới, Michele đã đưa thương hiệu gần 100 năm tuổi của Italy vực dậy đáng kinh ngạc từ bờ vực phá sản. Trong vòng 4 năm chèo lái nhà mốt, Michele liên tục trình làng những ý tưởng thời trang mới mẻ, ngay cả chiến lược và quyết định kinh doanh táo bạo mang tính bước ngoặt mà ít doanh nhân thời trang nào có thể gánh vác nếu thiếu đi chút can đảm. Boutique mới của Gucci tại Quảng trường Vendôme là một ví dụ.
Quảng trường Vendôme: Sân chơi mới của thương hiệu thời trang Gucci
Doanh số bán hàng trang sức cao cấp của Gucci trong vòng một năm rưỡi qua đã gia tăng với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, việc Gucci mở cửa hàng mới tại Quảng trường Vendôme vào ngày 02/07 vừa qua còn là một bước ngoặt thần kỳ hơn khiến giới mộ điệu không thể kìm nén niềm phấn khích. Nơi đây trưng bày Haute Joaillerie (hay high jewellery) – những trang sức cao cấp xứng đáng là kiệt tác nghệ thuật được tạo nên từ đôi bàn tay tài hoa của những thợ kim hoàn điêu luyện. Nhưng để có thể hiện thực hóa mong muốn này, nhà mốt cần đáp ứng yêu cầu vốn lưu động cao và các khoản thanh toán tài chính lớn.
Có thể, Alessandro Michele là một NTK tài năng nhưng hẳn trong suốt 4 năm qua, các chuyên gia cũng phải nhận định rằng Michele có đầu óc kinh tế lão luyện không thua kém bất cứ doanh nhân sắc sảo nào. Michele đã mang tầm nhìn cuộc sống của chính mình vào trong từng trang phục lẫn phụ kiện trang sức tinh xảo, và việc ra mắt bộ sưu tập trang sức cao cấp mới thể hiện tiến trình tự nhiên trong câu chuyện thương hiệu.
Những thương hiệu thời trang xa xỉ nhất thế giới đều có mặt tại Quảng trường Vendôme
Boutique mới của Gucci kẹp giữa Piaget và Chanel mở ra khung cảnh xa hoa và lộng lẫy ngay từ khi bước vào ngõ cửa chính. Bộ sưu tập mới của nhà mốt bao gồm 200 món trang sức cao cấp, dưới cái tên tạm thời Hortus Deliciarum. Mỗi trang sức được trưng bày trau chuốt trong hộp thủy tinh màu sẫm hay màu hồng ngọc khiến không gian xa hoa trầm lắng và đượm chút kỳ bí hơn so với những cửa hàng sáng màu khác của nhà mốt. Thay vì phô diễn không gian quyền quý bằng gam màu nóng thông thường, Gucci phô diễn vẻ quý phái của nó trong sắc lạnh đan xem chút sẫm tối như opal xanh lục, ngọc hồng lựu, chrysoberyl xanh và saphia tím.
Thông điệp ấn tượng mà Michele muốn chuyển tải thông qua boutique mới mở cửa này là khuyến khích sự tự thể hiện bản thân và ý tưởng đó như được hoàn thiện tối đa thông qua từng trang sức ẩn sau mỗi ô cửa kính. Mỗi tác phẩm phô diễn vẻ đẹp đương đại và toát lên nét chạm thuần khiết được chế tác tại các xưởng thủ công truyền thống ở Milan và Valenza. Mỗi mảnh trang sức nhỏ từ đá quý của Gucci có giá từ 56.450 USD và cao nhất khoảng 903.000 USD.
Thời cơ chín muồi cho trang sức cao cấp
Kering, tập đoàn Pháp sở hữu Gucci, đã tăng lợi nhuận gấp đôi kể từ năm 2017 với 4,19 tỷ USD vào năm 2018 nhờ giá trị đáng kể của Gucci. Dù vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng vượt bậc này nhưng hứa hẹn không tránh khỏi khó khăn trong việc mở rộng thị trường mới, vì vậy Gucci đã tái khởi động dòng sản phẩm trang điểm của mình (dưới sự bảo trợ của Coty) vào hồi tháng 5 và giới thiệu một loại nước hoa mới vào hồi đầu năm.
Tuy nhiên, đối với nhà mốt có lượng khách hàng trẻ tuổi chiếm đến 62% như Gucci thì đồ trang sức cao cấp có thể lại được yêu chuộng hơn cả. Thế hệ millennials tại Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung liên tục truy tìm những trang sức cao cấp độc quyền hay phiên bản giới hạn, chưa kể là những nhà sưu tầm trang sức cao cấp cũng khiến thị trường này trở nên tiềm năng hơn bao giờ hết.
Ông Francois Henri Pinault, Giám đốc điều hành của Kering, từng phát biểu: “Thế hệ millennials đã tạo nên thành công vượt trội cho Gucci, Saint Laurent và Balenciaga vì sự nhạy cảm của họ đã tạo ra nhiều lựa chọn mới để thương hiệu xa xỉ kịp thời nắm bắt. Tầng lớp tiêu dùng này rồi sẽ già đi và chuyển đổi hướng tiêu dùng sang đồ trang sức. Sự sáng tạo không ngừng nghỉ của những người thợ kim hoàn sẽ không bao giờ bị ngó lơ”.
Đồ trang sức cao cấp thậm chí còn hiếm và quý hơn haute couture. Kỹ thuật của trang sức cao cấp cổ xưa và phức tạp, chưa kể đến vật liệu phải được khai thác từ trái đất, vô cùng tốn kém và hiếm hoi. Song, vòng đời của loại phụ kiện này dường như là mãi mãi. Một tác phẩm haute joaillerie thường đỏi hỏi hàng trăm giờ chế tác tỉ mỉ bởi người thợ kim hoàn có tay nghề cao. Họ bắt đầu công việc một hoặc thậm chí hai năm trước khi bộ sưu tập được công bố trong các sự kiện độc quyền xa hoa dành riêng cho những khách hàng ưu tú, hay cửa hàng trang sức cao cấp tại Quảng trường Vendôme là một lợi thế.
Thông thường, các chương trình thời trang cao cấp sẽ diễn ra vào tháng Giêng và tháng Bảy. Từ lâu, Quảng trường Vendôme đã trở thành sân chơi quyền quý của những bộ sưu tập trang sức xa hoa nhất cũng như nghề thủ công bậc thầy hiếm nơi nào sánh bằng Pháp.
Boucheron là công ty trang sức đầu tiên được mở cửa trên Quảng trường Vendôme vào năm 1893. Thương hiệu này được Kering mua lại vào năm 2000, và tập đoàn cũng đặt cược rất lớn vào bộ sưu tập trang sức ở Quảng trường lịch sử này. Cùng với sự xuất hiện của Gucci, chắc chắn, vị thế của Boucheron cùng các cửa hàng trang sức đồng hành cùng Kering sẽ được nâng cấp thỏa đáng. Nếu vị trí của Quảng trưởng Vendôme được cho là quý hơn vàng thì khu vực lân cận như Rue de la Paix bấy lâu nay cũng được nhiều ông lớn dòm ngó. Giá bất động sản bán lẻ nơi này đã tăng gấp đôi từ năm 2012, lên 12.500 euro/m2 vào năm 2018. Theo ước tính của Cushman & Wakefield thì đây là một trong những nơi đắt nhất châu Âu.
Không chỉ riêng Gucci mà các thương hiệu khác như Chanel, Louis Vuitton, Giorgio Armani đều ra mắt bộ sưu tập trang sức cao cấp riêng, đánh dấu thời cơ chín muồi dành cho các thương hiệu thời trang lớn tại Quảng trường Vendôme.
Xem thêm:
- 10 tạp chí thời trang nổi tiếng thế giới được phái đẹp yêu thích
- Thời trang đường phố Tokyo, dị và hợp mốt
- 11 ngôi sao có phong cách đàn ông hấp dẫn nhất thế giới
Menback.com via Style-Republik – Cre: Luxuo, BOF.