Trong chuyện ăn mặc hay bất kỳ lĩnh vực gì to tát, bạn không thể ở đẳng cấp cao hơn nếu vẫn giữ tư duy ở tầng thấp.
Mình đã viết về chuyện ăn mặc của đàn ông khoảng 6-7 năm. Nhìn chung, mình luôn cố gắng khuyến khích mọi người cố gắng hơn, để tâm nhiều hơn, trau dồi kiến thức bằng những nền tảng chung và rất ít khi đề cập những ngoại lệ.
Mình cũng luôn vui vẻ, dùng ngôn ngữ nói đời thường để không nghiêm trọng hóa vấn đề. Đây cũng là lý do phần lớn những người đã từng gặp và trao đổi với mình ở ngoài đời thường được nghe sâu và chi tiết hơn nhiều; vì mình biết viết như thế trên page thì đại chúng không thể tiêu hóa được. Tự mình đánh giá những thứ mình viết so với mặt bằng chung ở Việt Nam đã là hơi khó tiêu rồi. Vì mình biết, phần lớn chúng ta đang không thực hành ăn mặc ở tầng cao.
Tuy nhiên, ăn mặc ở tầng cao hơn thật ra là một việc cực kì phổ quát. Nó chỉ là một đích đến, một hệ quả, chứ không có gì cao siêu cho cam. Chỉ là sự đơn giản (simplicity) thì rất khó đạt được.
Biết rõ bạn là ai
Điều quan trọng nhất trong ăn mặc, cuối cùng là ‘thể hiện bạn là ai’. Nghe thì sáo rỗng, nhưng điều này kết nối với mọi thứ: thế giới quan của bạn, vị trí của bạn trong đó, cơ thể vật lý của bạn (hình thể, khuôn mặt, màu da…v.v…) ra sao.
Nó không liên quan gì lắm đến thứ gì đang trend hay nhân vật nào đang hot trên màn ảnh, hay các chiến dịch marketing…v.v… (kể cả trong classic menswear nhé, mạnh là đằng khác, mấy ông dân chơi thấy từ ‘trend’ rất hay bĩu môi, hay đẩy sang cho bọn thời trang vớ vẩn).
Nó là kiến thức và nhận thức của bạn, về thế giới xung quanh và về bản thân. Đó là một điều tốt. Đó là lý do mà các style icons, dù trên phim hay ngoài đời, đều có một điểm chung – họ biết họ là ai và thể hiện được điều đó. Đó cũng là lý do tấm áo manh quần lại cần thiết phải tử tế.
Những bạn đã từng inbox mình để được tư vấn hẳn đều biết mình rất nhiệt tình giải đáp; dù phần lớn vẫn thường là về mấy cái quy tắc cũ rích hoặc mấy món đồ cơ bản. Trước khi trả lời, mình luôn phải hỏi lại rằng bạn còn đi học hay đi làm, làm nghề gì, làm ở đâu, vì sao lại muốn mua cái món này, chỉ thích thôi hay thật sự cần…v.v… Rất lằng nhằng, nhưng cần thiết. Bởi mình biết, đằng sau đó luôn là câu hỏi lớn nhất: “Bạn là ai, là người như thế nào?”. Mà cái câu hỏi đó mình không thể trả lời được. Chỉ có chính bạn thôi.
Tôn trọng nguyên tắc
Những thứ luật lệ trong chuyện ăn mặc mà chúng ta hay nhắc đến rất quan trọng, vì nó là cái khung cho cuộc chơi. Cũng giống như khi nấu ăn, có những nguyên tắc bạn phải biết và phải tuân thủ.
Mình biết có những nguyên tắc rất dở hơi hoặc đã lỗi thời; có những nguyên tắc nên phá hơn là nên theo; nhưng đồng thời có rất nhiều nguyên tắc vẫn còn nguyên giá trị và mang tính logic.
Chúng sẽ hoặc tôn dáng, hoặc dễ dàng đẹp và đúng, hoặc thể hiện sự tôn trọng. Việc cãi nhau theo kiểu “mắt thẩm mỹ mỗi người mỗi khác” hay “sở thích riêng của tôi chả ai cấm được” rất cùn, trẻ con và dở hơi.
Thái độ cầu thị, tiếp thu
Thái độ cầu thị để mở mang đầu óc, cải thiện hiểu biết là rất quan trọng nếu bạn muốn nâng tầm tư duy ăn mặc của mình.
Để đến được với những thứ có giá trị, những thứ đáng để làm và đáng để chơi, không bao giờ có đường tắt. Đó luôn là sự học hỏi, trau dồi và hao tổn. Điều này có thể là sự gò bó, nhưng đồng thời cũng có thể là cánh cửa mở ra cơ hội.
Cũng giống như khi mọi người hỏi nhau có phim gì hay, có sách gì để đọc thử. Bạn đọc thử, xem thử, rồi bạn tìm ra những bộ phim khác, những cuốn sách khác. Trong quá trình khai phá đó, bạn đồng thời tìm ra và ngày càng trở thành bản thân mình một cách hoàn thiện.
Cũng vì thế nên mình thấy việc có người đi trước, hướng dẫn, làm gương cho các thế hệ sau rất hữu ích; không chỉ là với chuyện ăn mặc mà còn là về cách tư duy, thực hành, lối sống. Tuy nhiên, việc này thật hiếm xảy ra ở Việt Nam.
Bản thân mình cũng không có mentor. Thế nên chúng ta phải nhìn và cẩn thận chắt lọc từ những người khác. Từ bố, từ ông, những người lạ trên phim ảnh hay trong sách truyện. Cách họ chọn sách để đọc, chọn tranh để treo, chọn rượu để uống, cách ứng xử và tất nhiên, cách ăn mặc. Qua quá trình chắt lọc cẩn thận đó, chúng ta lại càng hoàn thiện và trở thành nguyên bản hơn.
Thế nên – dù rất ít khi tham gia cãi nhau hay bình luận trang phục người khác – mình có thấy phần lớn các bạn mặc cổ sơ mi bé quá, nhất là mấy bạn hay mặc gilet không áo khoác.
Mình thấy đi oxford mà không mặc suit là không ổn.
Mình thấy các bạn chọn màu cà vạt rất ghê.
Mình thấy các bạn cần giải tán mấy đôi giày màu tan/đỏ/vàng, nhất là lại còn kèm thêm cái burnished toe đen sì ở mõm.
Mình thấy các bạn nên thôi cosplay Thomas Shelby và nghĩ thế là chất…v.v…
Nếu không tự vấn bản thân, không cải thiện kiến thức, không mở mang tư duy, không lắng nghe và tiếp thu thì không thể giải quyết những vấn đề lắt nhắt ở tầng dưới. Và vì thế, không thể bước lên tầng cao hơn.
Mình không nói là cuộc chơi ăn mặc không thể vui vẻ, hay phải ganh đua, hay mọi thứ thật là nghiêm trọng. Mình chỉ nói yếu tố nghiêm túc là cần thiết. Đấy là lý do ăn mặc – nhất là ăn mặc cổ điển ở tầng cao – là dành cho đàn ông chứ không phải mấy đứa choai choai.
Mình vẫn luôn học hỏi, tự vấn bản thân, đặt câu hỏi cho các vấn đề và cố gắng tìm lời giải. Đấy là cách để định hình thế giới xung quanh. Mình vẫn luôn vui vẻ trả lời và giúp đỡ những người tìm đến mình.
Nhưng khi lang thang trong cuộc chơi này, mình thích tìm thấy những người hiểu rõ bản thân, có cá tính và phong cách riêng. Mình thích tìm thấy những người nghiêm túc với đam mê và cả sự vui thú của họ.
Ngoài ra, đây là 5 trào lưu thời trang nam đã lỗi thời, bạn cần ‘bấm delete’ ngay. Nếu yêu thích phong cách cổ điển, bạn có biết trong Classic Menswear: thế nào là một bộ đồ đẹp?