Vụ việc 1 chiếc ô tô Vinfast vừa bị cháy trụi khi đang vận hành trên đường lại làm dấy lên sự lo ngại đối với các chủ xe khi cầm lái trên đường. Bất chấp tần suất các vụ cháy xe không cao, nhưng thực tế có rất ít thông tin về cách các đám cháy này bắt đầu và tại sao. Trong bài viết này, hãy cùng Menback tìm hiểu 6 nguyên nhân cháy xe ô tô thường gặp để cùng chủ động phòng tránh nhé.
Nguyên nhân cháy xe ô tô?
Trong thực tế, các vụ cháy ô tô là những sự cố hoàn toàn có thể phòng ngừa được, thường là kết quả của sự bất cẩn hoặc lơ là các cảnh báo của chủ xe. Bảo dưỡng đúng cách sẽ giúp bạn tránh xa thuốc lửa. Theo các chuyên gia, những nguyên nhân phổ biến của các vụ cháy xe được liệt kê dưới đây:
Cháy xe do rò rỉ hệ thống nhiên liệu
Rò rỉ nhiên liệu là nguyên nhân phổ biến nhất của hỏa hoạn ô tô. Các vụ cháy xăng thường phát sinh từ các đường nhiên liệu cũ, thối hoặc các đầu nối đường nhiên liệu bị lỗi, cũng như các hệ thống phun nhiên liệu bị rò rỉ. Đã từng có những chiếc xe bị cháy rụi ngay sau khi vận hành một thời gian ngắn hoặc ngay sau khi vừa được bảo dưỡng. Lỗi chất lượng lắp ráp trong sản xuất hoặc bảo dưỡng sửa chữa không đạt chất lượng có thể là nguyên nhân gây ra rò rỉ nhiên liệu tại các mối nối và dẫn đến hỏa hoạn.
> Xem thêm: Đánh giá thực tế Vinfast Fadil: vừa miếng trong phân khúc xe hạng A
Lỗi hệ thống điện dẫn đến cháy xe ô tô
Sự cố hệ thống điện là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ra cháy xe. Ắc quy xe 12v có thể tạo ra khí hydro khi sạc, tiềm ẩn nguy cơ nổ. Ắc quy và bộ dây điện thân xe mang đủ dòng điện có thể đốt cháy tất cả các chi tiết trong trường hợp xảy ra sự cố. Ngay cả bóng đèn bị hỏng cũng là một nguồn gây cháy, vì các dây tóc đèn pha nóng lên đến khoảng 1400 ° C. Động cơ và hầu như mọi chi tiết phụ tùng đều rung động trong quá trình vận hành ở một mức độ nào đó, gây nên cơ chế cọ xát của bộ dây điện với lớp cách điện hoặc sườn xe và hiện tượng đoản mạch có thể xảy ra.
Các thiết bị bảo vệ như cầu chì, automat, bộ ngắt mạch, v.v… là yếu tố an toàn trong trường hợp khi bộ dây điện bị quá tải. Nhưng đôi khi các bộ phận an toàn này bị hỏng do lỗi chất lượng, lỗi lắp ráp hoặc lỗi bảo dưỡng sửa chữa kém, v.v… chính là nguyên nhân gây ra hỏa hoạn.
> Xem thêm: Hướng dẫn cách tra cứu phạt nguội ô tô, xe máy chính xác
Cháy xe do động cơ quá nóng
Một động cơ quá nóng là một sự xuất hiện phổ biến khi chiếc xe không được chăm sóc đúng mức. Máy bơm nước làm mát hoặc quạt két nước bị mòn theo thời gian và làm việc không hiệu quả là tất cả những gì cần thiết để đưa nhiệt độ động cơ lên vùng màu đỏ. Kết hợp một động cơ quá nóng với nhiều hóa chất dễ cháy, bao gồm dầu động cơ, dầu truyền tự động, dầu phanh/côn hoặc nước làm mát động cơ (ethylene glycol) thì bạn đã có đủ hội tụ các yếu tố cho một đám cháy. Cổ xả trên động cơ có thể đạt tới hơn 500 ° C – đủ cao để đốt cháy bất kỳ hóa chất nào rò rỉ lên đó.
Lắp thêm phụ kiện có thể là nguyên nhân dẫn đến cháy xe ô tô
Việc lắp đặt thêm phụ kiện có thể vô tình gây ra lỗi điện và gây ra hỏa hoạn trong quá trình vận hành. Một cái gì đó đơn giản như một con ốc bắt vô tư vào thân xe nhưng xuyên qua hệ thống dây âm thanh có thể làm chập mạch và cháy. Độ thêm hệ thống âm thanh và đèn chiếu sáng tăng cường có thể trở nên sai lầm khủng khiếp do áp lực quá tải lên bộ dây điện thân xe.
Luôn luôn phải tự xác định nguồn phụ kiện đảm bảo và được lắp đặt đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất bởi các kỹ thuật viên được đào tạo. Đừng mở nắp capo xe của bạn cho người lạ chọc ngoáy!
Xe bị cháy do bộ trung hòa khí xả
Bộ trung hòa khí xả nằm giữa ống xả và bộ tiêu âm có nhiệm vụ triệt tiêu hydrocarbon (HC) và carbon monoxide (CO) trong khí thải bằng cách đốt chúng với chất xúc tác platinum, rhodiuom, palladi, v.v… để đảm bảo khí xả ra môi trường đạt tiêu chuẩn. Bộ trung hòa khí xả làm việc ở nhiệt độ 700-800 ° C để chuyển đổi hiệu quả khí thải có hại thành khí trơ. Một bộ chuyển đổi xúc tác bị tắc hoặc làm việc quá sức có thể dễ dàng bị quá nóng, tăng lên đến hơn 1.000 ° C – đủ nóng và cháy các vật liệu xung quanh, bao gồm cả những vật trên đường bị cuốn vào gầm xe như túi nilon, giấy, rơm rạ, v.v… Bộ trung hòa khí xả thông thường có tấm cách nhiệt để phòng tránh tiếp xúc của các vật liệu bên ngoài, vậy nên trong quá trình bảo dưỡng sửa chữa, các kỹ thuật viên cần lắp ráp lại tấm bảo vệ này như thiết kế ban đầu của nhà sản xuất.
> Xem thêm: Kinh nghiệm chọn mua xe ô tô cũ
Các yếu tố bên ngoài cũng là nguyên nhân gây cháy
Động cơ là nơi ấm áp, nó là nơi thích hợp cho một số loài gậm nhấm cư trú và sinh sôi như chuột bọ… các loài vật này thường cắn các chi tiết nhựa và dây điện để dọn ổ và vô tình gây chập mạch dây điện. Bạn nên thường xuyên kiểm tra các dấu hiệu như mùi điều hòa, các loại rác trên sàn xe sau một đêm đỗ xe, hoặc kiểm tra bằng mắt trong quá trình bảo dưỡng để sớm phát hiện các dấu hiệu.
Chuyên chở các hàng hóa dễ cháy hoặc dự phòng nhiên liệu cho các chuyến đi xa cũng vô tình tạo nguồn cháy trên xe. Việc hút thuốc trên xe và bất cẩn cũng đã từng là nguyên nhân dẫn tới hỏa hoạn.
Ngoài ra yếu tố chủ động đốt xe do thù hằn hay chuộc lợi bảo hiểm cũng không phải chưa từng xảy ra.
Từ những nguyên nhân nêu trên, có thể thấy rằng lỗi khó phòng ngừa nhất đối với chủ xe, có thể dẫn đến cháy xe là chất lượng linh phụ kiện, đặc biệt liên quan đến hệ thống điện trên xe. Bộ dây điện luôn là yếu tố dẫn đến nguy cơ cháy xe rất cao. Chỉ có nhà sản xuất mới bảo đảm được chất lượng linh phụ kiện trên xe, còn xe ta đi thì dù ta có cẩn thận đến đâu thì nhiều khi cũng lực bất tòng tâm…
> Xem thêm: Tư vấn mua xe ô tô lần đầu
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Theo: Huynh Quang Son