Overthinking là một vấn đề tâm lý rất nhiều bạn gặp phải. Hãy cùng tìm hiểu xem overthinking nghĩa là gì và các cách vượt qua tình trạng này nhé.
Overthinking là gì?
Overthinking có nghĩa là nghĩ quá lên mọi chuyện, phóng đại tiểu tiết, suy nghĩ về những thứ không xảy ra. Sắp đi ngủ rồi thì não bật công tắc “tự vấn bản thân”, tự biên tự diễn, tự đào hố chôn mình. Overthinking gây ra nhiều cảm xúc tiêu cực, cũng như gây cản trở nhiều thứ trong cuộc sống như giao tiếp, sức khỏe thể chất và tinh thần, tự phát triển bản thân, v.v...
Ngoài ra, theo như mình được biết, overthinking cũng được xem là vấn đề tâm lý, giống như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu vậy. Đối với nhiều bạn, nó còn là thói quen, là một phần tính cách, mà đã là thói quen hay tính cách thì không thể bảo sửa là sửa được ngay. Là một đứa overthinking bẩm sinh, mình thấy quan trọng nhất là hãy kiên nhẫn và bao dung với bản thân, mỗi ngày cố gắng một chút, đừng so sánh với ai cả mà chỉ cần ngắm lại con người mình của ngày hôm qua và ngày hôm nay thôi.
5 cách vượt qua overthinking
Mình là một đứa rất dễ overthinking. Càng gặp phải những chuyện không vừa ý thì càng nghĩ nhiều. Thật sự là mình không thích bản thân như vậy, cũng hiểu là chỉ có mình mới tự giúp đỡ mình được thôi. Sau một thời gian khá dài, mình dần dần học được cách kiểm soát overthinking. Dưới đây là 5 cách mình thấy hiệu quả nhất và giúp mình sống tích cực hơn trước.
1. Tận hưởng cuộc sống bận rộn
Đối với mình, bận rộn là khi mình có đủ khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng. Trước đây, mình có nhiều thời gian trống quá nên hay ngồi nghĩ chuyện nọ xọ chuyện kia. Giờ mình dành thời gian làm việc, học những cái mình thích, đọc sách, xem phim, tìm hiểu những thứ mình quan tâm, trau dồi sở thích. Về cơ bản, khi bận bịu và có việc để làm, mình sẽ tập trung nghĩ về những việc mình đang làm hơn là nghĩ ngợi mông lung.
2. Trút hết cảm xúc
Khi overthinking, mình thường chọn viết để trải lòng. Có lúc để chế độ riêng tư, có lúc chỉ bạn bè thân mới đọc được. Sau khi viết xong, mình thấy tâm trạng nhẹ nhõm hơn nhiều. Với cả đôi lúc mình thấy overthinking cũng có mặt tốt. Nó cho phép mình nhìn sâu vào cõi lòng hơn. Khi mình gọi tên được cảm xúc và hiểu được mình đang nghĩ gì, tự dưng lại thấy thông suốt mọi chuyện và cố gắng tìm ra giải pháp.
3. Chia sẻ, lắng nghe và được lắng nghe
Một cách khác để mình trút cảm xúc và tháo gỡ nút thắt là tâm sự với người mà mình biết là họ sẽ giúp được mình. Mình biết có một số bạn hay đăng status hoặc story rồi mong ai đó hỏi thăm chứ không chỉ đơn thuần là “seen”. Nhưng mà không phải lúc nào họ cũng sẽ nhắn tin hỏi han đâu vì ai cũng bận bịu, vì họ sợ hỏi không đúng thì càng làm bạn khó chịu hơn, vì họ sợ năng lượng tiêu cực của bạn ảnh hưởng đến họ, vì họ tôn trọng cảm xúc riêng của bạn,…
Cá nhân mình trước đây chỉ cần có người lắng nghe, nhưng bây giờ mình rất sẵn lòng nhờ giúp đỡ và tư vấn. Với lại đây cũng là một cách để mình mở lòng hơn, không còn ngại cái chuyện cho người quen thấy là mình đang không ổn và cần giúp đỡ. Gặp đúng người, kể đúng chuyện, tâm sự xong rồi thì suy nghĩ sẽ đi đúng đường hơn đấy.
4. Hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn là một cách xả stress cực tuyệt và làm cho đầu óc minh mẫn hơn, suy nghĩ sáng sủa hơn. Lúc nào mình bắt đầu overthinking, nếu không thể chạy bộ hay bơi lội, mình sẽ tranh thủ làm việc nhà. Hoạt động chân tay thế này giúp mình phân tâm và tạm thời gác lại những chuyện làm mình rối trí. Làm xong xuôi rồi thì đầu óc tự dưng “nhảy số” tốt hơn, nghĩ thông ra nhiều vấn đề chứ không còn nghĩ theo hướng đâm vào ngõ cụt nữa.
5. Sống trong môi trường tích cực
Cá nhân mình thấy khi sống trong môi trường nhiều năng lượng tích cực, bản thân sẽ bớt nghĩ ngợi tiêu cực và bế tắc hơn. Ví dụ như nuôi chó mèo, kết bạn với những người tích cực, follow các trang hoặc group đáng yêu, lành mạnh, làm từ thiện,… Khi sống trong môi trường như thế, ban đầu mình sẽ nhận năng lượng tích cực và dần dần chính bản thân mình cũng biết cách tự tạo ra nguồn năng lượng đó. Dù đôi lúc vẫn nghĩ quá một số chuyện hoặc lo lắng đâu đâu, mình đã và đang học cách kiểm soát nó chứ không để nó lấn át mình nữa.
Vậy là bạn đã hiểu overthinking là gì rồi, hãy kiểm soát và vượt qua overthinking để có cuộc sống tốt hơn các bạn nhé!
Bài viết hữu ích
Bạn có phải là người nhạy cảm?
Những ai luôn suy nghĩ đến cảm xúc của đối phương trước tiên có thể xem là người nhạy cảm....
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read more–
TẠP CHÍ MENBACK