Không nhiều thì ít, chắc chắc đã có những lần bạn băn khoăn làm sao để người khác hiểu được mình. Người khác ở đây có thể là những người trong gia đình như cha mẹ, vợ con, cũng có thể là cấp trên, đồng nghiệp hoặc bạn bè.
“Làm sao để người khác hiểu mình?” – Đây là câu hỏi hay nhưng nó cũng là một câu hỏi đầy ‘vô minh’. Vì sao lại như vậy?
Bạn hiểu mình được tới đâu?
Trung thực mà nói, trên bình diện chung, thì chúng ta hiểu về chính bản thân mình rất ít. Vì không hiểu mình nên đầu óc chúng ta thường lan man…. dẫn đến cứ lang thang rong ruổi mãi trong cuộc đời này mà chẳng biết thực sự mình muốn gì và cần làm gì.
Nếu ta chỉ hiểu chính mình 50% thôi thì bạn nghĩ người khác có thể hiểu mình được bao nhiêu %?
Đến chúng ta còn chưa hiểu hết chính mình thì không có cách nào để làm người khác hiểu mình cả. Chúng ta là người duy nhất biết rõ tâm trí, tư tưởng, cảm xúc của mình thế nào nhất, nhưng ta còn chưa hiểu rõ thì những ‘ai-ngoài-ta’ liệu có thể hiểu ta được không?
Nên cố gắng để người khác hiểu mình là một hành động vô cùng vô minh. Nó tương tự với việc ‘làm sao để người khác thông cảm cho mình’, cũng vô minh không kém. Họ đã không hiểu mình thì càng không thể thông cảm.
Tâm trí chúng ta luôn thay đổi
Cái duy nhất chúng ta có thể hiểu và thông cảm cho nhau, đó là nhận thức được ‘cái tâm trí này của chúng ta luôn bay nhảy như con khỉ đu cây vậy’. Ngày này thế này, ngày kia thế kia, bạn chạy theo chính suy tưởng của mình còn đuối thì người khác càng bó tay.
Nếu đã hiểu đến đây, bạn có sẽ một tuệ giác rất xịn.
Người ghét bạn rồi một ngày cũng sẽ hết ghét, vì sau một thời gian có thể nhận thức họ sẽ thay đổi…
Cả người thương bạn thì cũng không thể thương bạn suốt được, nhất là việc từ thương sang ghét cũng rất gần. Càng thương tột độ mà đã chuyển sang ghét thì thù hận đến tận xương. Đó là tại sao mấy cái trả thù vì tình, luôn rất dã man.
Nói chung, chúng ta hay bảo ‘hiểu nhau’, chỉ là để an ủi và động viên cho vui thôi. Chứ sự thật, chúng ta chả hiểu gì về nhau cả, vì tâm trí của chúng ta thay đổi liên tục mỗi ngày, cả chính mình còn không nắm bắt kịp nếu không biết cách tĩnh tâm quan sát.
“Hãy tự biết mình” – là câu nói cực kỳ kinh điển của Socrates, đại sư tổ của triết học phương Tây.
Con người thường gây đau khổ/tổn thương cho nhau cũng vì không tự biết mình. Vì khi đã ‘tự biết mình’ hay ‘tự hiểu mình’ càng sâu sắc thì chúng ta sẽ không còn muốn làm ai khác đau khổ nữa.
Tự hiểu chính mình, đó là con đường quay về bên trong, để giải quyết những nỗi khổ đang tồn đọng trong chính chúng ta. Vì khi nào chưa giải quyết xong hết ở chính mình, thì việc cố gắng giúp người khác chỉ làm họ thêm tổn thương thêm mà thôi. Kiểu chân đang què, đi chưa xong, nhưng còn cố giúp thằng què khác bước đi, impossible bạn ơi.
Đến đây, các bạn hãy bình tâm lại, nếu có ai hiểu được bạn thì tốt, còn ai không hiểu thì cũng chẳng sao cả, bởi vì cả họ còn không hiểu chính họ thì làm sao họ đủ đồ chơi để hiểu được bạn. Đúng không?
Tâm sự chuyện trò đời thường thì chúng ta cứ chia sẻ với nhau, đôi lúc nó cũng khai sáng ra nhiều thứ hay ho nhưng cốt lõi là đừng bắt hay cố thuyết phục người khác phải hiểu mình làm gì nữa. Càng cố là càng vô minh. Mình tự hiểu mình là được, it is the key.
Tự hiểu mình
‘Tự hiểu mình’ là một mệnh đề triết học cực lớn. Nguyên cả nền minh triết phương Đông, như Phật giáo, có cả tam tạng kinh điển và 84,000 pháp môn cũng chỉ với một mục tiêu cốt lõi duy nhất, đó là giúp chúng sanh ‘tự hiểu chính mình’ mà thôi.
Làm sao để tự hiểu mình hơn thì chúng ta phải tự nâng điểm ‘thân-tâm-tuệ’ của chính mình mỗi ngày. Về cách nâng điểm, thì hãy đọc bài này: Giá trị của thằng đàn ông và bài này: Tu thân: đàn ông “tu” thế nào cho đúng?
Mỗi ngày một ít, tuệ sáng thì tâm cũng bớt tối, thân khỏe thì có nền tốt cho tâm/tuệ vận hành.
Điều quan trọng, là chúng ta có muốn hiểu mình hay không, mà thôi!
–
MENBACK.COM
Theo: Nghệ
Ảnh: Pinterest