Con bạn không chịu đọc sách? Đây sẽ là cách tập cho con thói quen đọc sách từ nhỏ.
Nhiều phụ huynh ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách nên muốn con mình tập thói quen đọc sách. Nhưng phần lớn các bậc cha mẹ đều cảm thấy bất lực vì con mình cho dù bị hò hét, ép buộc, la mắng hay năn nỉ van xin vẫn dửng dưng với sách vở. Có phụ huynh mua thật nhiều sách về cho con rồi treo thưởng thật cao nếu con đọc hết những cuốn sách đó nhưng vẫn không có hiệu quả. Nếu bạn là một trong những phụ huynh bất lực trong việc rèn luyện tạo thói quen đọc sách cho con, hãy đọc thật kỹ bài viết sau đây.
Theo khảo sát của Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch năm 2013 thì trung bình một năm, một người Việt đọc 0,8 cuốn sách, tức là chưa tới một cuốn sách một năm. Giả sử cuốn sách đó có độ dày là 365 trang thì tính trung bình người Việt Nam chúng ta mỗi ngày chưa đọc tới một trang sách. Con số này quả là đáng xấu hổ nếu so sánh với người Nhật (10-20 cuốn sách/năm), người Mỹ (12 cuốn/năm) và người Trung Quốc (4,6 cuốn/năm). Quả vậy, việc đọc sách đối với người Việt hiện đại không phải là một thói quen mà là một điều xa xỉ. Người Việt Nam hiện đại phần lớn dùng thời gian rảnh rỗi của mình vào những việc vô bổ như xem những chương trình hài nhảm trên TV hoặc smart phone, chơi game online, tán gẫu với bạn bè ở các quán café và đi nhậu. Các bạn sinh viên ngoài việc phải đọc những cuốn đề cương bắt buộc để thi thì nếu có đọc sách cũng chỉ đọc truyện tranh hoặc truyện ngôn tình chứ không hề đọc sách thường thức, sách nghiên cứu hoặc các tác phẩm văn học kinh điển.
Cách đây không lâu, tôi có xem một video clip của một diễn viên hài độc thoại khá nổi tiếng trên mạng xã hội về vấn đề tại sao thanh thiếu niên Việt Nam không thích đọc sách. Anh này kết luận rằng nước ta thiếu nhà sách cũng như thể loại sách để đọc. Tôi không đồng ý về nhìn nhận này vì là một người hay đi nhà sách, tôi thấy ít ra ở Sài Gòn không thiếu các nhà sách lớn với số lượng và thể loại sách phong phú. Riêng sách cho thiếu nhi thì phải nói là quá tuyệt vời, từ truyện cổ tích, ngụ ngôn, cho tới sách lịch sử, thường thức khoa học cho tới sách dạy cách cư xử ở từng lứa tuổi, tất cả các sách đều được in màu trên giấy trắng rất đẹp. Không chỉ sách cho thiếu nhi mới phong phú, sách cho mọi độ tuổi, mọi trình độ đều rất đa dạng về hình thức và thể loại. Đó là còn chưa kể đến ngày nay các nhà sách lớn đều có dịch vụ mua sách trên mạng và giao sách đến tận nhà.
Nhớ lại khi còn nhỏ, sách thời bao cấp được in trên giấy vàng ố, chữ in lem nhem rất khó đọc, chủ đề thì rất hạn chế. Muốn tìm được một cuốn sách in trên giấy trắng và không bị lỗi in ấn còn khó hơn lên trời. Vậy mà thời đó người ta lại đọc sách nhiều hơn bây giờ. Nhiều người khi tôi khuyên nên tập thói quen đọc sách thì trả lời ngay không cần suy nghĩ rằng ngoài nhà sách có sách gì hay đâu mà đọc. Đây là một lời ngụy biện chống chế cho thói quen lười đọc của bản thân. Nếu là người thích đọc sách và quen đọc sách, nhà sách luôn là thiên đường của bạn.
I. Lợi ích của thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ
Đọc sách có lợi không? Ai cũng biết rằng đọc sách là một thói quen rất tốt, nhưng tốt như thế nào thì hiếm ai có thể phân tích được rõ ràng mà chỉ nói chung chung mơ hồ. Các bạn học sinh không thích đọc sách vì ngoài chương trình học ở trường nhồi nhét quá nặng nề, đọc thêm sách cũng không giúp các bạn đạt được thành tích tốt hơn trong trường như là việc học tủ. Người lớn càng không đọc sách vì tốt nghiệp đại học có cái bằng rồi thì cần gì phải đọc nữa. Đọc sách đâu có giúp kiếm được nhiều tiền. Chính vì vậy mặc dù là biết rằng đọc sách là có ích nhưng rất ít người có ý thức biến việc đọc sách thành một thói quen hằng ngày cho mình.
Nhưng những người thích đọc sách hiểu rõ được những lợi ích lâu dài của việc đọc sách và mỗi loại sách mang lại cho chúng ta những lợi ích khác nhau. Những tác phẩm văn học nổi tiếng ngoài việc nuôi dưỡng cảm xúc và tâm hồn người đọc còn cung cấp cho chúng ta một vốn kiến thức khổng lồ về văn hóa và lịch sử của từng thời đại. Sách khoa học thường thức giúp nâng cao hiểu biết của người đọc về những điều xung quanh ta từ phong tục tập quán và các nền văn minh của nhân loại cho đến thế giới tự nhiên kỳ thú. Sách chính luận và triết học giúp tăng khả năng tư duy logic và khả năng nhìn nhận, phân tích vấn đề một cách khách quan, chính xác.
Ngoài ra đọc sách còn cải thiện khả năng ngôn ngữ của người đọc đáng kể. Những người có thói quen đọc sách thường sẽ có cách nói chuyện hoặc hành văn mạch lạc, súc tích, hấp dẫn và sử dụng từ ngữ chính xác hơn nhiều so với những người không thích đọc sách. Đừng hỏi tại sao giới trẻ ngày nay, trong đó có rất nhiều trí thức trẻ làm văn phòng, mắc nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp ngớ ngẩn đến như thế khi viết. Tôi đã nhiều lần lắc đầu ngao ngán khi đọc những lá đơn xin việc đầy các lỗi hành văn ngô nghê và nhiều lỗi chính tả cơ bản đến mức khó tin. Người xưa từng nói: “Để viết được một trang sách, bạn phải đọc hàng trăm trang. Để viết được một quyển sách, bạn phải đọc hàng ngàn quyển.” quả không sai. Nếu bạn không đọc thường xuyên, viết một trang cho hoàn chỉnh cũng là điều quá khó.
Cuối cùng, đọc sách giúp cải thiện trí nhớ vô cùng hiệu quả vì khi đọc, chúng ta thường hay suy luận về những gì được việc trong sách. Điều này kích thích các tế bào thần kinh phải hoạt động tích cực để ghi nhớ và liên kết các sự kiện và dữ liệu lại với nhau. Thường thì sau khi đọc xong, chúng ta sẽ chỉ nhớ mang máng nội dung mình đọc. Điều mà chúng ta không ngờ được là bộ não của chúng ta đã ghi lại những thông tin liên quan tới chúng ta nhiều nhất, có ích nhất hoặc để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Và đến khi ta nói hoặc viết, chúng lại xuất hiện trong đầu rồi thoát ra cửa miệng hoặc ngòi bút. Điều này cũng giống như mỗi ngày bạn bỏ ống heo vài ngàn tiền lẻ và không quan tâm tới nó. Một hai năm sau, khi đập ống ra, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên với số tiền bạn có được.
II. Vì sao người Việt lười đọc sách?
Đọc sách có khó không? Xin thưa, sẽ là rất khó đối với những người không có kiên nhẫn và không có sự ham mê kiến thức. Nếu bạn không quen đọc sách, chỉ cần cầm cuốn sách lên đọc một vài trang, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ díu mắt lại và ngủ quên lúc nào không hay. Ngay cả khi không ngủ quên thì một người không có thói quen đọc sách sẽ khó mà tập trung được vào nội dung sách. Tôi đã từng khuyên nhiều bạn trẻ tập thói quen đọc sách và nhận được những câu trả lời rằng cho dù rất cố gắng, các bạn cũng khó có thể tập trung đọc, nhất là khi có điện thoại và iPad bên cạnh. Xét cho cùng thì những món đồ chơi công nghệ cao vẫn hấp dẫn giới trẻ hơn là những cuốn sách đầy chữ.
Thói quen đọc sách là một thói quen cần phải được tập luyện từ nhỏ chứ không phải bảo muốn đọc là tự nhiên có thể đọc được. Đó là việc đọc sách đòi hỏi kỹ năng tư duy, kỹ năng tưởng tượng và suy luận liên kết. Bộ não con người cũng như hệ cơ, cũng cần phải được tập thể dục thường xuyên thì mới phát triển khỏe mạnh được. Nếu bạn không luyện tập thể dục thể thao thường xuyên thì việc chạy bộ hoặc lao động tay chân sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi rã rời. Đầu óc cũng vậy, nếu không quen với việc tiếp nhận và phân tích thông tin cũng sẽ bị quá tải khi đọc sách. Mà khi đã mệt và chán rồi thì rất khó thuyết phục bản thân làm điều đó mỗi ngày để biến nó thành một thói quen được.
Theo tôi người Việt hiện nay lười đọc sách vì hai lý do chính: cha mẹ không tạo thói quen đọc sách cho con cái ở nhà từ bé. Nghĩ cũng lạ, ở các nước phương Tây, cha mẹ chẳng bao giờ ép con phải biết đọc biết viết trước khi vào lớp 1 nhưng tối nào cũng đọc một câu chuyện cổ tích cho con trước khi đi ngủ để tạo cho con thói quen ham đọc sách. Còn ở nước ta, cha mẹ mướn giáo viên về dạy cho con biết đọc biết viết từ mẫu giáo nhưng hiếm khi dẫn con ra nhà sách chọn sách hoặc đọc sách cho con nghe. Để được yên thân làm việc riêng của mình, các bậc phụ huynh thường mở TV cho con xem hoặc tệ hơn nữa là đưa điện thoại hay máy tính bảng cho con chơi game giải trí. Hơn nữa, nếu bố mẹ không đọc sách ở nhà, con cái sẽ không có người làm gương cho chúng. Việc đọc sách trở nên một điều hết sức xa lạ trong văn hóa gia đình. Con bạn không đọc sách cũng là điều hết sức dễ hiểu.
Lý do thứ hai khiến các bạn trẻ bây giờ sợ đọc sách là lối giáo dục nhồi nhét trường phổ thông hiện nay với việc bắt các em học thuộc lòng hầu như tất cả các môn khiến việc đọc sách trở nên nỗi ám ảnh trong tâm trí các em cho tới lớn. Đối với môn văn là môn học cần sự cảm thụ và tưởng tượng mà cũng giáo viên cũng bắt học sinh học thuộc lòng những bài văn mẫu thì quả thực là hết sức sai lầm. Thử hỏi ai có thể cảm thấy say mê với việc đọc sách khi phải ngồi nhai lại những bài học quá sức tiếp thu của các em mà không hề hiểu gì hết? Làm sao bắt cách bạn nhỏ yêu thích môn văn khi chúng phải học thuộc những cảm nghĩ giả tạo của các bài văn mẫu để viết lại trong khi bản thân chúng không cảm nhận được cái hay của những tác phẩm văn học được dạy ở trường phổ thông?
Lúc dạy môn English Literature ở một trường trung học bên Mỹ, tôi rất ấn tượng lối dạy khuyến khích đọc sách của người Mỹ. Giáo viên thường sẽ vào thư viện chọn một quyển sách vừa với trình độ của lớp mình dạy, mang vào lớp đọc một trích đoạn thú vị nhất trong sách cho các em nghe rồi dừng lại để kích thích sự tò mò. Sau đó giáo viên sẽ phân công mỗi nhóm sẽ đọc một phần trong quyển sách trong một thời gian nhất định rồi tới ngày sẽ vào lớp bàn luận với những nhóm khác để có nội dung hoàn chỉnh. Dĩ nhiên nhiều em sẽ không nén được sự sự hiếu kỳ mà đọc hết cả cuốn sách để tha hồ vào tranh luận với các bạn. Lúc tranh luận, các em có thể tự do nhận xét về nhân vật mình yêu thích hoặc kể lại tình tiết nào đó của chuyện theo cách hiểu của mình. Giáo viên còn hướng dẫn các em đóng hoạt cảnh hoặc đưa ra những giải pháp khác nhau nếu các em không thích kết thúc của truyện. Những giờ học văn học và lịch sử như thế chưa bao giờ nhàm chán với những đứa trẻ. Và sau khi hết 12 năm phổ thông, các em đã được giáo dục một thói quen đọc sách rất tuyệt vời giúp các em có khả năng tự học để mở mang kiến thức suốt đời.
III. Cách tập cho con cái thói quen đọc sách
Nhiều phụ huynh ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách nên muốn con mình tập thói quen đọc sách. Nhưng phần lớn các bậc cha mẹ đều cảm thấy bất lực vì con mình cho dù bị hò hét, ép buộc, la mắng hay năn nỉ van xin vẫn dửng dưng với sách vở. Có phụ huynh mua thật nhiều sách về cho con rồi treo thưởng thật cao nếu con đọc hết những cuốn sách đó nhưng vẫn không có hiệu quả. Nếu bạn là một trong những phụ huynh bất lực trong việc tạo thói quen đọc sách cho con, hãy tham khảo những việc cần làm sau đây:
1. Đọc sách cho con nghe mỗi ngày
Không đứa trẻ nào cảm thấy hứng thú với việc đọc sách nếu từ bé cha mẹ chúng không đọc sách cho chúng nghe mỗi đêm. Cha mẹ phương Tây có thói quen đọc cho con mình nghe một câu chuyện cổ tích để dỗ con ngủ cho tới khi các bé tự có thể đọc được một mình. Điều đó khiến cho trẻ em cảm thấy rằng việc đọc sách là một trong những hoạt động thường nhật không thể thiếu. Việc đọc sách cho con mỗi đêm còn giúp bé phát triển trí tưởng tượng và cảm thấy hứng thú với việc học chữ. Nhiều bé không cần phải đợi đến vào lớp một đã có thể đọc thông thạo chính là nhờ thói quen đọc sách hàng đêm của bố mẹ.
2. Khơi gợi sự tò mò của trẻ
Trẻ em vốn rất tò mò muốn tìm hiểu những thứ xảy ra xung quanh mình. Những nghiên cứu tâm lý học trẻ em đều chỉ ra rằng, những cặp bố mẹ biết cách khơi gợi sự tò mò của con cái sẽ có khuynh hướng tập được cho con cái thói quen đọc sách thành công hơn so với những cặp cha mẹ từ chối trả lời những câu hỏi thắc mắc của con hoặc không khuyến khích con cái tò mò. Một trong những “tuyệt chiêu” được các bậc phụ huynh và các giáo viên tiểu học sử dụng nhiều nhất là kể cho bé nghe một câu chuyện và ngưng ở lúc hấp dẫn nhất sau đó giới thiệu cuốn sách có nội dung đó cho bé. Để thỏa mãn trí tò mò, bé sẽ tìm cách đọc tiếp phần kết của truyện.
3. Tạo điều kiện cho con tiếp xúc với sách vở từ bé
Con cái thường quan sát thói quen sinh hoạt của cha mẹ hoặc người lớn trong nhà mà từ đó định hình thói quen sinh hoạt cũng như hành vi của mình. Đừng ngạc nhiên nếu con bạn không có hứng thú với sách vở nếu trong nhà bạn không có ai đọc sách cả. Nếu bé lớn lên trong một gia đình có thói quen đọc sách thì khả năng con bạn thích đọc sách sẽ là rất cao. Ngược lại, nếu bố mẹ chỉ thích giải trí với truyền hình, máy tính bảng hoặc game online thì việc con cái mê những thứ đó là điều hết sức dễ hiểu. Hãy tạo cho bé một kệ sách riêng và dẫn bé đi nhà sách hàng tuần để xem sách và mua sách. Để thưởng cho bé, thay vì chọn những món đồ chơi hoặc dẫn bé đi ăn fastfood, hãy chọn sách làm phần thưởng. Tôi thích đọc sách cũng vì lúc bé tôi sống chung với bà ngoại và các dì vốn là giáo viên và có thói quen đọc sách. Sau này bé Andi con tôi cũng có thói quen đọc sách vì tôi thường đọc sách trước mặt con.
4. Chọn sách cho con đọc
Đọc sách nhiều chưa hẳn là tốt nếu người đọc chỉ có thói quen đọc một loại sách nhất định nào đó. Đó là còn chưa kể đến loại sách đó nếu không có giá trị giáo dục cao như những truyện bạo lực hoặc truyện ngôn tình. Là một phụ huynh có trách nhiệm với việc đọc sách của con, hãy giúp con chọn những cuốn sách thuộc nhiều chủ đề khác nhau như văn học, khoa học, lịch sử, tự nhiên…tùy theo lứa tuổi và trình độ nhận thức của bé. Nếu con bạn lỡ mê truyện ngôn tình hoặc truyện tranh, đừng cấm cản một cách thô bạo vì điều đó chỉ khiến cho con bạn lén lút đọc nhiều hơn. Thay vào đó, hãy phân tích cho con nghe lợi và hại của những loại sách như thế và vẫn cho con đọc những gì con thích kèm theo những tựa sách mà bạn cảm thấy có ích cho con.
5. Cùng đọc với con
Đọc sách có thể là một công việc nhàm chán nếu không có người hưởng ứng nhất là đối với những trẻ hiếu động không thích ngồi yên một chỗ. Nếu bạn cùng đọc sách và bàn luận, giải thích, phân tích cho con nghe, bé sẽ cảm thấy hứng thú hơn rất nhiều với việc đọc sách. Thay vì bắt bé đọc quá nhiều, hãy giới hạn số trang đọc mỗi lần đọc xuống từ 1-2 trang, nhưng đồng thời đặt ra những câu hỏi trước hoặc sau khi bé đọc để tập cho bé thói quen suy nghĩ về những gì mình đọc. Một chiêu khác cũng có hiệu quả không kém là chọn một cuốn sách có nhiều chương và phân công cho bé đọc một chương còn lại bố và mẹ sẽ đọc chương tiếp theo, cứ thế xen kẽ cho đến hết cuốn sách. Sau đó người này sẽ kể cho người kia nghe chương mình đã đọc.
6. Giảm tải những hoạt động không cần thiết
Việc nhồi nhét con cái học quá nhiều vơi thời khóa biểu dày đặc cũng khiến cho con bạn bị ám ảnh khi thấy sách vở và chữ nghĩa. Hãy giảm tải cho bé những lớp học thêm không cần thiết nếu muốn con bạn có thời gian đọc sách. Cũng đừng bắt bé đọc những loại sách khô cứng như sách tham khảo, văn mẫu, bài tập tăng cường…vì điểm số mà hãy để bé đọc những thể loại sách phong phú và hấp dẫn hơn. Đừng quên nhắc bé cân đối việc đọc sách những hoạt động vận động thể chất hoặc sáng tạo khác. Lúc nào cũng chúi đầu vào cuốn sách mà quên vận động cơ thể cũng chưa hẳn là một điều hay.
Xem thêm:
- 4 cuốn sách bách khoa với tựa đề “lịch sử” giúp bạn mở mang kiến thức
- Trí thông minh là gì? Những đứa trẻ thông minh sướng hay khổ?
- 10 điều cần làm để rèn luyện EQ – chỉ số thông minh cảm xúc cho con trẻ
- Cha mẹ độc hại là gì? Biểu hiện và những kiểu cha mẹ độc hại
- 10 điều cha mẹ cần làm để nuôi dưỡng tâm hồn cho con trẻ