Có một sự thật mỉa mai, phũ phàng và đau đớn là những người ngoại tình thấy mình đang nổi loạn chống lại chính những điều mình vô cùng trân trọng như gia đình, hôn nhân, cuộc sống ổn định… Ấy thế mà đấy lại là một tình huống thường thấy, vốn phản ánh một mâu thuẫn trường tồn trong ta.
Ngoại tình – Phương thuốc cho hôn nhân nguội lạnh?
Ta tìm kiếm những mối quan tâm lâu dài vì muốn ổn định, muốn có nơi để thuộc về, nhưng ta cũng đồng thời tìm kiếm những điều mới mẻ, đa dạng. Như nhà phân tâm học Stephen Mitchell đã thấu triệt chỉ ra, chúng ta đồng thời tìm kiếm sự an toàn lẫn sự phiêu lưu, nhưng khổ nỗi hai nhu cầu căn cốt ấy lại xuất phát từ hai động cơ khác nhau và cả đời sẽ kéo chúng ta đi theo hai hướng khác nhau, thể hiện bằng những giằng co giữa chia ly-gắn kết, cá nhân-đôi lứa, tự do-ràng buộc.
Ngay từ khi chào đời, chúng ta đã phải sống cảnh “phân đôi” này: ở trong bụng mẹ thì an toàn, ra ngoài đón chào cuộc đời thì sẽ bắt đầu đối diện những hiểm nguy. Khi trưởng thành, ta vẫn tiếp tục sống kiểu “phân đôi”: một tay ta vịn vào cái đã biết và quen thuộc, tay còn lại vươn đến những điều bí ẩn và thú vị.
Ta tìm kiếm sự kết nối, sự dễ đoán và sự lệ thuộc để giữ chặt ta vào một nơi nào đó, nhưng ta cũng đồng thời muốn có những đổi thay, muốn những điều khó lường, những điều siêu việt.
Người Hy Lạp hiểu rõ điều này nên mới thờ cả thần Apollo (tượng trưng cho lý trí và kỷ luật bản thân) lẫn thần Dionysus (tượng trưng cho sự bột phát, gợi cảm và cảm xúc).
Thời nay, nhiều người ảo tưởng trong một sự kỳ vọng rằng người bạn đời của mình sẽ dung hòa tốt cái thế “phân đôi” ấy của mình, tức vừa là nơi chốn ổn định, thân thương, bình thường, vừa khiến mình cảm thấy phiêu lưu, mới mẻ và có thể nâng mình lên khỏi sự tầm thường.
Điều này có thể xảy ra trong các đoạn đầu của hôn nhân, khi sự an toàn và phiêu lưu dường như luôn song hành. Giai đoạn trăng mật đặc biệt ở chỗ vừa chứa đựng niềm hạnh phúc khi tình yêu được hồi đáp, vừa chan chứa sự hào hứng về một tương lai sẽ cùng nhau tạo dựng. Ta thường không nhận ra rằng sự chan chứa của phút ban đầu được nuôi dưỡng bởi chính cơn sóng ngầm của sự bất định.
Chúng ta kết hôn để làm cho tình yêu an toàn và đáng tin cậy hơn, nhưng cũng chính vì..kết hôn mà ta thường làm cho tình yêu bớt mãnh liệt.
Trên con đường tiến đến hôn nhân, ta vui vẻ đắp đổi đôi chút đam mê lấy đôi chút chắc chắn, đôi chút hào hứng lấy đôi chút yên ổn. Điều ta không lường được là rất có thể ta phải trả giá bằng cả đam mê tình dục lâu dài với người bạn đời.
Sự vĩnh cửu và ổn định mà chúng ta tìm kiếm trong hôn nhân có thể khiến tia lửa tình dục trở nên yếu ớt, dẫn đến “các biểu hiện phản kháng mãnh liệt” như Mitchell mô tả, hay gọi ngắn gọn là ngoại tình. Những người ngoại tình mong mỏi thoát khỏi cảnh sống an toàn, thông tục – tức những điều họ từng tìm kiếm, tạo dựng khi tiến đến hôn nhân.
Cô Danica chưa bao giờ hình dung mình rơi vào tình cảnh rối ren khi sa chân vào chuyện ngoại tình. Những gì cô đang có chính là những điều cô hằng ao ước: một người chồng tuyệt vời, đàn con xinh xắn, một công việc ổn định, một tương lai được đảm bảo. Nhưng con cái cũng mang đến khối vấn đề và nỗi lo lắng: đứa con trai nhỏ nhất của cô danica vừa được phẫu thuật tim ngay trước sinh nhật 1 tuổi, cần được chăm sóc đặc biệt liên tục; đứa con trai đầu 12 tuổi thường khiến cha mẹ đau đầu nhức óc vì những ẩm ương, xốc nổi của tuổi dậy thì.
Song, bất kể những căng thẳng ấy, vợ chồng cô vẫn khá thoải mái tận hưởng cuộc sống. Anh Stefan không còn say mê vợ cuồng nhiệt như xưa nhưng anh tự an ủi mình rằng chẳng thể đòi hỏi gì hơn vì vợ bận rộn quá. Mỗi ngày, sau khi tan sở, anh vội về nhà với vợ con. Cô Danica quá chú tâm đến những trách nhiệm nên không để ý đến sự chai sạn cảm xúc đang lớn dần bên trong hai vợ chồng. Cô khăng khăng: “Cuộc hôn nhân của chúng tôi không hề tệ. Chồng tôi chưa bao giờ lỡ những buổi tối hẹn hò với tôi hằng tuần. Nhưng làm sao tôi có thể cùng chồng tận hưởng cảm giác lãng mạn khi đầu óc tôi suốt ngày lo cho sức khỏe của đứa con nhỏ và chuyện học hành sa sút của đứa con lớn, và biết rằng ngày mai phải thức dậy lúc 6 giờ sáng? Thành thật mà nói, tôi thà thức khuya đọc e-mail để sáng mai bớt được chút việc.”
Sử gia và nhà viết tiểu luận Pamela Haag đã viết cả một cuốn sách về “những cuộc hôn nhân buồn” như cô gọi. Phân tích cảnh ngộ của các cặp đôi “hạnh phúc nửa bề” – tức một trong hai người thỉnh thoảng nghĩ đến chuyện ly hôn, cô giải thích: “Một cuộc hôn nhân mang đến cho bạn nhiều điều nhưng cũng đồng thời tước đi nhiều thứ. Sự thường trực giết chết vui tươi, vui tươi giết chết an toàn, an toàn giết chết ham muốn, ham muốn giết chết ổn định, ổn định giết chết bản năng. Khi nhận được một cái gì đó thì ta cũng đồng thời phải từ bỏ một cái gì đó trong ta – tức từ bỏ điều gì đó mà ta có thể sống thiếu nó hoặc không thể thiếu nó. Trước khi kết hôn, có lẽ ta rất khó biết được ta có thể hy sinh phần nào trong bản ngã của mình và phần nào tuyệt đối không thể từ bỏ vì vốn dĩ thuộc về linh hồn của ta.”
Với cô Danica và nhiều người khác, chỉ đến khi có “người ngoài” nào đó nhắc cô về phần ấy trong linh hồn thì cô mới nhận ra rằng rốt cuộc nó không thể bị từ bỏ. Những lời tán tỉnh khéo như tạc của anh Luiz đã trực tiếp chạm đến nỗi u sầu chưa bao giờ được giãi bày của cô và đánh thức phần bản ngã mà cô đương nhiên cảm thấy chân thực, nguyên bản hơn là phiên bản người mẹ khắt khe, hay cáu và luôn chết dí vào đống công việc hằng ngày.
Khi ngoại tình là giải pháp vẹn cả đôi đường
Ngoại tình là một trong những minh chứng rằng việc hợp nhất những mong muốn đối nghịch trong ta thật khó khăn đến dường nào. Như Laura Kipnis đã nói, ngoại tình không chỉ là kết quả của việc con người thường muốn cùng lúc cả an toàn lẫn phiêu lưu, mà còn là một giải pháp để thỏa mãn cùng lúc hai khao khát mâu thuẫn nhau ấy.
Ta thường ra ngoài tìm kiếm những gì ta không thể tìm thấy trong nhà mình. Nhưng cũng có những người ra ngoài để tìm những điều họ..không thật sự muốn xảy ra ở nhà thì sao? Nhiều người thấy bạn đời của mình đã trăm công nghìn việc rồi, trái tim, khối óc đã chia năm xẻ bảy cho đủ việc rồi nên không muốn đòi hỏi người ấy phải lãng mạn với mình, phải “phiêu lưu” tình dục cùng mình, phải khiến mình cực kỳ thỏa mãn chuyện gối chăn. Mitchell cảnh báo rằng nếu ta đòi hỏi những điều này ở người ta đang phụ thuộc quá nhiều thì thế nào ta… cũng gặp rắc rối.
Trong các trường hợp như thế, ta ngoại tình không phải vì không quan tâm đến gia đình mà trái lại, là vì ta trân trọng gia đình đến nỗi ta không muốn làm gia đình xáo trộn. Ta miễn cưỡng chẳng muốn xáo động sự ổn định của đời sống gia đình với nguồn năng lượng ái tình quá dồi dào của mình. Ta có thể tạm thời muốn trốn khỏi tổ ấm nhưng chắc chắn không hề muốn đánh mất nó. Ngoại tình như một giải pháp gọn ghẽ toàn vẹn đôi bề: “cái phòng nhì” đầy rủi ro rập rình, lúc nào cũng gấp gáp hối hả, và một mái ấm vô cùng thoải mái, gần gũi, thân thương.
Ít ra về mặt lý thuyết, ngoại tình có thể giải quyết được thế lưỡng nan vừa thích an toàn vừa khoái phiêu lưu của con người. Khi nhân tình có thể giúp ta thỏa mãn những đam mê và khát khao phiêu lưu, ta thoát khỏi sự nhàm chán của đời sống gia đình những vẫn không hoàn toàn từ bỏ gia đình. Sau cùng, “phòng nhì” không phải chốn ta muốn “đăng ký thường trú” mà ta chỉ muốn đó như nhà trọ để ta thích thì ghé qua. Chừng nào ta vẫn giữ kín được chuyện ngoại tình thì chừng đó ta còn có cảm giác mình có thể cùng lúc có tất cả trong đời, có cả “cơm” lẫn “phở”, có cả sự an toàn lẫn những chuyến phiêu lưu.
Ham muốn đã mất và tìm lại của người phụ nữ
Cô Danica không phải là người phụ nữ đầu tiên khép mình khi ở nhà và thức tỉnh khi… ở ngoài. Câu chuyện của cô là một điển hình của ái tình câm lặng.
Tôi thường gặp những người vợ được chồng đưa đến trị liệu vì ông chồng quá chán ngán cảnh bị vợ lạnh nhạt hết đêm này sang đêm khác. Các ông chồng này hay than: “Vợ tôi lúc nào cũng tất bật làm việc nhà và chăm sóc lũ trẻ nên chẳng còn tha thiết gì chuyện gần gũi chồng. Dù tôi có phụ cô ấy rửa bao nhiêu chén đĩa chăng nữa thì cô ấy cũng cứ bỏ đói tôi chuyện chăn gối.” Nhưng rồi tôi phát hiện ra rằng chính những phụ nữ ấy đã “sống lại” trong một… cuộc ngoại tình bất ngờ.
Nhiều người chồng đau đầu tìm hiểu vì sao vợ mình thường đơ như khúc gỗ khi gần gũi mình mà lại bất thình lình trở nên đầy cuồng nhiệt, khao khát, nóng bỏng, sáng tạo… với nhân tình. Nhiều năm trời, những ông chồng ấy luôn nghĩ rằng vợ mình “chẳng hứng thú gì chuyện làm tình”, đến khi có trong tay những chứng cứ vợ ngoại tình, họ liền nghĩ: “Chắc cô ấy chẳng hứng thú làm tình với mình.”
Trong một số trường hợp, phụ nữ bùng lên ham muốn hoang đàng vì muốn phản kháng người chồng kém sáng tạo trong chuyện chăn gối, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Anh Stefan thực ra là người rất lãng mạn, rất thích “bày binh bố trận” để giúp vợ thăng hoa, nhưng cô Danica thường chỉ lạnh lùng đáp lại gọn lỏn: “Chúng ta không ‘để lại sản phẩm’ nhé, ok?” Ấy vậy mà khi bên anh chàng Luiz, cô say sưa phối hợp, sáng tạo, đóng góp tích cực vào liên khúc hoan lạc nóng bỏng.
Là một người vợ, cô ấy chỉ nóng ruột mong chồng làm tình nhanh nhanh cho xong.
Là một người tình, cô ấy cứ mong cuộc làm tình kéo dài mãi.
Mọi người thường nghĩ rằng chính người chồng đã khiến người vợ như vậy, nhưng hoàn cảnh cũng góp phần không kém. Hoàn cảnh ở đây chính là câu chuyện mà cô Danica đã tự dựng nên và vai diễn mà cô ấy lựa chọn. Mái ấm, hôn nhân, tình mẫu tử – là những mục tiêu của nhiều phụ nữ, nhưng cũng chính là nơi mà nhiều phụ nữ cảm thấy mình không còn là… phụ nữ.
Những bài viết của nhà nghiên cứu Marta Meana đã làm sáng tỏ những ham muốn bí ẩn của phái nữ. Bà thách thức giả định phổ biến cho rằng phụ nữ chủ yếu có ham muốn tình dục với những người cô ấy gắn kết chặt chẽ, cảm thấy tin tưởng và an toàn khi ở bên. Nếu điều này đúng thì cô Danica phải có đời sống tình dục tuyệt vời chứ?
Marta Meana cho rằng phụ nữ không chỉ thích đụng chạm cơ thể mà còn tràn trề ham muốn: “Phụ nữ thật ra cũng có thể bị kích thích hệt như đàn ông bởi những chuyện tình lãng mạn, sai trái, thô thiển, mờ ám. Nhưng sự kích thích đó có lẽ chưa đủ mạnh để phụ nữ đánh đổi những điều họ trân trọng hơn, ví dụ như sự gắn kết cảm xúc thật sự với ai đó.”
Các nhu cầu cảm xúc và nhu cầu tình dục không phải lúc nào cũng đồng bộ. Một số người cảm thấy hôn nhân của mình đủ an toàn để mình “trêu hoa ghẹo nguyệt” bên ngoài, để thèm khát ai đó, để chấp nhận rủi ro. Nhưng với nhiều người, những điều giúp vun vén tình yêu trong tổ ấm hôn nhân cũng chính là những điều đang “vùi dập” những ham muốn “ăn vụng” thầm kín. Khi buộc phải đưa ra chọn lựa giữa hôn nhân và nhân tình, phụ nữ sẽ chọn thế nào? Meana lập luận rằng “Phụ nữ sẽ chọn một cuộc hôn nhân tốt đẹp thay vì hoan lạc tình dục.”
Nói cách khác, tự ngàn đời nay phụ nữ vẫn luôn đặt nhu cầu cảm xúc lên trên nhu cầu tình ái. Nàng biết cái gì khiến nàng ham muốn, nhưng cũng biết cái gì quan trọng hơn ham muốn ấy. Nàng biết mình muốn gì, cần gì. Lòng nàng đã có sẵn lựa chọn.
Không có gì khó hiểu khi anh Stefan không giải mã được bí ẩn này của phụ nữ. Như nhiều người đàn ông khác, khi vợ anh thu mình trong chuyện chăn gối, anh kết luận rằng vợ không thích tình dục. Điều này dẫn chúng ta đến một hiểu nhầm phổ biến khác mà công trình nghiên cứu của Meana đã làm sáng tỏ: chúng ta cho rằng phụ nữ kém ham muốn tình dục là vì có bản năng tình dục kém mạnh mẽ. Có lẽ sẽ chính xác hơn nếu chúng ta nghĩ rằng ham muốn tình dục đó của phụ nữ cần được kích hoạt mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn. Và điều này cần được thực hiện bởi chính phụ nữ trước tiên chứ chẳng phải chỉ có mỗi bạn tình thực hiện.
Khi bước vào hôn nhân, nhiều phụ nữ cảm nhận bản năng tình dục của mình dần chuyển từ ham muốn sang bổn phận. Mà bổn phận thì thường là việc gì đó nàng phải làm, nên làm chứ không hẳn là điều nàng… muốn làm. Trái lại, khi ngoại tình, phụ nữ tự chủ đối với niềm hoan lạc của mình. Chính ý chí theo đuổi sự thỏa mãn cho bản thân đã kích hoạt chuyện nàng ngoại tình.
Anh Stefan cảm thấy rất buồn vì đã không nhận ra vợ mình “héo úa” lòng dạ bấy lâu nay. Anh thậm chí còn tìm đến tình nhân của cô để tìm hiểu vì sao. Anh hỏi Luiz: “Làm sao cậu biết cô ấy đã nguội lạnh trong lòng? Cậu đã thấy gì ở cô ấy?” Luiz đáp: “Cô ấy như một cái cây đang trong mùa đông, dù không có lá nhưng ta có thể mường tượng cái cây ấy xum xuê, tươi xanh, rực rỡ như thế nào vào mùa hè.” Khi nghe thấy cách diễn giải thi vị này về tình trạng của vợ mình, anh Stefan cảm thấy buồn bã và ghen. Vì sao Luiz lại khiến nàng “nở hoa” trở lại còn mình thì không thể?
Tôi nói với anh Stefan: “Khi ở cạnh nhân tình, vợ anh không phải nghĩ về con cái, đống hóa đơn chưa thanh toán hay chuyện phải nấu bữa tối, tức không phải nghĩ đến những chuyện làm mất hứng làm tình. Hãy thử đặt của cô ấy vào vị trí của anh thì anh ta cũng sẽ nhanh chóng có cùng số phận như anh thôi.”
“Mất ham muốn” là khái niệm nhà tâm lý trị liệu Dalma Heyn đã dùng để mô tả tình trạng này ở một số phụ nữ sau khi kết hôn, tức “một sự chết đi bất ngờ, không thể thể hiện khao khát và sức sống.” Cô viết: “Ham muốn tình dục của một phụ nữ tùy thuộc vào căn tính và sự tự nuôi dưỡng của cô ấy.”
Hôn nhân và tình mẫu tử đòi hỏi phụ nữ phải hy sinh mình, phải kìm nén những ham muốn. Khi phải chịu trách nhiệm chăm lo cho người khác, phụ nữ khó có thể tập trung vào các nhu cầu của bản thân, khó cảm thấy xốc nổi, khó thể hiện dục vọng, khó thảnh thơi, thong dong tự tại. Khi ở nhà, nhiều phụ nữ rất khó chỉ tập trung vào bản thân mình, trong khi đây là yếu tố rất quan trọng để có thể tận hưởng trọn vẹn hoan lạc chăn gối. Gánh nặng chăm sóc gia đình quả thật là thứ thuốc “giảm nhiệt” tình dục hữu hiệu vô cùng!
Ngoại tình thường là một điểm đến cho những phụ nữ đang loay hoay tìm cách kết nối với chính mình. Như các anh hùng trong thần thoại cổ xưa, nàng rời khỏi nhà để đi tìm chính mình. Mối tình vụng trộm bí mật trở thành điều chỉ dành riêng cho nàng – một bảo chứng cho sự tự chủ. Khi ngoại tình, ta biết rõ mồn một ta không cần phải chăm sóc một ai cả … Khi ở bên nhân tình, nàng cũng chính là một nhân tình, và vai trò của nhân tình thường chỉ liên quan đến tình dục, còn những vai trò như làm mẹ, làm vợ, làm người quản gia thì nàng đã thể hiện khi ở nhà rồi.
Trích từ cuốn sách Nội tình của ngoại tình – tác giả Esther Perel
Nội tình của ngoại tình không hẳn là một quyển sách chỉ nói về sự phản bội trong tình cảm. Một mối quan hệ bất chính dạy chúng ta rất nhiều thứ về hôn nhân – những gì chúng ta kỳ vọng, những gì chúng ta mong muốn, những gì chúng cảm thấy mình xứng đáng phải có. Các mối quan hệ bất chính đưa ra một khung cửa độc nhất để nhìn vào thái độ cá nhân lẫn thái độ văn hóa mà chúng ta có về tình yêu, dục vọng và cam kết tình cảm. Thông qua việc xem xét và đánh giá tình yêu vụng trộm dưới nhiều góc độ khác nhau, tôi mong các bạn độc giả cùng tham gia khám phá về các mối quan hệ hiện đại trong rất nhiều biến thể khác nhau của nó với sự chân thành, sáng suốt và cả tranh cãi.
Ngày nay một cuộc đối thoại về các mối quan hệ bất chính dễ mang tính chia cắt, phán xét, và có lối suy nghĩ thiển cận. Xét dưới góc một nền văn hóa, chúng ta chưa khi nào cởi mở về tình dục hơn ngày nay, nhưng sự bội bạc vẫn còn chìm khuất đằng sau một đám mây của sự hổ thẹn và giấu giếm. Tôi hy vọng quyển sách này sẽ giúp xua đi sự im lặng ấy và mở ra một lối suy nghĩ và diễn đạt mới mẻ cho một trong những điều xưa cổ nhất trong cuộc sống của con người. Rất nhiều người đã viết ra cách ngăn ngừa và chữa lành sau khi sự đã xảy ra; nhưng ít ai viết về ý nghĩa và động cơ của các mối quan hệ bất chính. Càng ít hơn nữa những người nói về những điều mà chúng ta có thể học được từ các mối quan hệ và làm thế nào để kiến thức ấy có thể biến đổi và hoàn thiện các mối quan hệ của chúng ta.
Xem chi tiết và mua sách tại TIKI
Xem thêm
Benching là gì?
Benching được sử dụng như một thuật ngữ trong việc hẹn hò từ những năm 2000 với ý nghĩa “coi...
Read more