Hollywood đối mặt ác mộng mới trước hàng loạt chính sách, sự thay đổi của các thương hiệu trực tuyến. Một số hãng lao dốc dẫn đến tình trạng nhiều người mất việc.
Hollywood đang gặp ác mộng
Theo Variety, những nhà điều hành và nhân viên cao cấp ở Hollywood đang không chắc chắn về vị trí của họ trong ngành công nghiệp phim ảnh có quá nhiều thay đổi. Trước mắt là mối quan tâm về việc nền tảng phát trực tuyến đang rơi vào khủng hoảng.
Netflix mất 54 tỷ USD vốn thị trường trong một đêm do cổ phiếu lao dốc thẳng đứng giữa tháng 4, đóng cửa giảm 35%, sau khi báo cáo của công ty cho thấy đã mất lượng lớn người đăng ký.
Chưa bao giờ “gã khổng lồ trực tuyến” rơi vào khốn đốn đến vậy. Hãng phải nhanh chóng tổ chức lại bộ phận tiếp thị và thu hút khách hàng mới trước tình trạng quá nhiều người đang quay lưng với nền tảng.
Đà lao dốc của Netflix đã kéo theo các cổ phiếu công ty cùng ngành khác như Disney mất 5,6%, Roku giảm 6,2%, Discovery giảm 6% và Paramount giảm 8,6%.
Ở diễn biến khác, hệ quả từ thương vụ Discovery mua lại hãng WarnerMedia từ tập đoàn AT&T và việc Amazon thâu tóm MGM, Michael De Luca – Chủ tịch của MGM Motion Picture Group – từ chức, đã đưa đội ngũ nhân viên ở lại vào thế “rắn mất đầu”. Họ hoang mang không biết số phận của mình sẽ ra sao.
Các chuyên gia nhận định ngành phim ảnh đang thực sự rơi vào khủng hoảng. Hay nói theo cách khác của Variety: “Hollywood đang gặp ác mộng”.
Đối diện làn sóng sa thải
Trả lời Variety ngày 4/5, nhân viên của Warner Bros. Discovery cho biết: “Tất cả đang chờ đợi một nhà lãnh đạo nào đó kích hoạt sự tái cấu trúc không thể tránh khỏi này”.
Giám đốc điều hành Discovery, David Zaslav, được New York Post khẳng định sẽ rất cao tay khi điều hành công ty mới. Discovery hứa hẹn hợp lực 3 tỷ USD trong việc giúp giảm tải nợ cho công ty. Nhưng thực tế, phần lớn số tiền này sẽ được dùng vào việc sa thải nhân viên ở bộ phận quảng cáo, kỹ thuật, tài chính doanh nghiệp và pháp lý.
Dịch vụ phát trực tuyến CNN+ đã bị dừng chỉ chưa đầy một tháng ra mắt. “Dẫu biết rằng quyết định hôm nay là cực kỳ khó khăn nhưng sẽ đúng đắn cho sự thành công lâu dài của CNN”, Chris Licht – CEO của CNN – phát biểu.
Nhân viên ngầm hiểu sau câu trả lời của Licht, nhiều người trong số họ sẽ bị buộc thôi việc.
“Không nghi ngờ gì nữa, 2022 sẽ là năm lộn xộn”, Gunnar Wiedenfels, Giám đốc tài chính của Warner Bros. Discovery, khẳng định với các nhà phân tích Phố Wall trong phiên thảo luận gần nhất của công ty vào ngày 26/4.
Theo Variety, những động thái đột ngột và gây bàng hoàng như CNN hay Netflix đã làm tăng thêm nỗi bất an cho Hollywood. Hiện tại, có nhiều nhân viên Netflix đã bị sa thải qua tin nhắn. Họ không bất ngờ nhưng cũng thất vọng vì vẫn còn nhiệt huyết với công việc.
Một nhân viên giấu tên chia sẻ: “Tôi nhận thấy điều không ổn khi Slack (công cụ và dịch vụ trực tuyến quản lý làm việc nhóm) dường như đã bị ngưng hoạt động”.
Hai trong những công ty lớn – CAA và ICM – đang hợp nhất với nhau. Cấp quản lý của ICM đang bị soi và những lãnh đạo “không có kinh nghiệm vững vàng” chắc chắc cảm thấy lo lắng tột độ về vị trí của mình.
Người trong cuộc nói: “Đa số nhân viên của WarnerMedia đều nghĩ mình sẽ bị sa thải sau hai năm trở lại văn phòng bởi những người mà họ chưa từng gặp”.
Dấu hiệu của cuộc suy thoái tàn khốc
Giờ đây, Phố Wall đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về khả năng tồn tại tài chính lâu dài của Hollywood.
Nhà phân tích của MoffettNathanson, ông Robert Fishman, đưa ra quan điểm ngày 2/5: “Chúng tôi nghĩ ngành công nghiệp này khó mà quay trở lại như cũ. Tính kinh tế của các mô hình cũ ngày càng yếu kém, trong khi tiềm năng của thế giới trực tuyến được thổi phồng quá mức”.
Đồng ý rằng nền tảng trực tuyến từng là mảnh đất màu mỡ cho các “ông lớn” đua nhau kiếm tiền. OTT đã mang lại cơ hội, lợi ích cho những người làm giải trí trong những năm gần đây. Mỗi tuần, có nhiều người dẫn chương trình mới bị thu hút bởi Netflix, HBO Max, Apple TV+ hoặc bất kỳ dịch vụ OTT nào khác.
Tuy nhiên, giới biên kịch đang lo lắng rằng họ sẽ phải chứng kiến sự chững lại của ngành giữa bối cảnh công việc đang bị hạn chế từ chính sách mới của Netflix, cũng như dấu chấm hỏi về tương lai của DC Entertainment dưới quyền sở hữu của công ty mới.
“Netflix không thể phát triển mãi mãi. Họ đã bước vào giai đoạn bão hòa và chắc chắn, hãng phải cẩn thận và cân nhắc kỹ hơn trong các chiến lược sắp tới”, một chuyên gia nhận định.
Theo Variety, Netflix đang rất quyết liệt cắt giảm chi phí. Ngày 1/5, hãng tuyên bố dừng phát triển Pearl – loạt phim hoạt hình do Meghan Markle tạo ra, nhằm cắt giảm chi phí. Netflix cũng không tiếp tục hợp tác sản xuất hai loạt phim hoạt hình dành cho trẻ em là Dino Daycare và Boons and Curses.
Theo các nhà kinh tế, một cuộc suy thoái tàn khốc có khả năng xảy ra nếu lạm phát không được kiểm soát. Càng tệ hơn, căng thẳng chính trị làm cho Hollywood không thể hoặc khó tiếp cận thị trường quốc tế lớn Trung Quốc. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ trong sự lao dốc này.
‘Cái tát của Will Smith’ và khác biệt văn hóa Đông Tây
Quả nhiên đừng tin những diễn viên đóng vai người hùng trên phim ảnh thì cũng là người hùng ngoài...
Read more