Kurt Cobain đã để lại một nỗi đau không thể nào nguôi ngoai cho thế giới, một sự tiếc thương cho một tài năng còn quá trẻ.
Tôi nghe Nirvana lần đầu chắc cũng tầm đâu 10 năm trước. Nếu không vì những đầu đĩa cũ của bố thì chắc hẳn bây giờ tôi cũng chẳng biết gì sất về Nirvana hay Kurt Cobain.
Tất nhiên, với một đứa trẻ 7 tuổi thì âm nhạc Nirvana là một thứ gì đó “khó thẩm” đối với tôi. Thứ duy nhất cô đọng lại trong đầu óc tôi vào thời điểm đó là những bản nhạc vừa có lúc ồn ào, dồn dập, cũng vừa có lúc nhẹ nhàng và chậm rãi, và chắc chắn là không thể thiếu chất giọng khàn khá đặc trưng của gã trưởng nhóm Kurt Cobain.
Nhiều người tung hô Kurt Cobain, với những danh hiệu như “thiên tài âm nhạc”, “phát ngôn viên của một thế hệ”,… Tôi không có vấn đề gì với điều đó cả. Chỉ là, đối với tôi, gã ta cũng rất đáng thương và tội nghiệp.
Càng tìm hiểu về Kurt, tôi càng được nhìn thấy những góc tối trong tâm hồn của gã. Nó méo mó, tăm tối và vô cùng đơn độc.
Từ nhỏ, Kurt Cobain đã không được lớn lên trong vòng tay của cả cha lẫn mẹ. Hai người họ đùn đẩy trách nhiệm nuôi dạy Kurt cho nhau, thành ra, gã phải dành phần lớn thời gian của tuổi niên thiếu để ở cạnh những người chú và dì trong gia đình.
Chuyện gia đình không đi đến đâu đã đành, đằng này, Kurt cũng chẳng thân thiết với ai khi đi học. Gã dần khép kín mình lại, tìm đến rượu, chất kích thích và âm nhạc để giải tỏa, cũng như tự an ủi bản thân.
Dần dà, gã chán ghét mọi thứ, và dồn nén những nỗi niềm đó vào âm nhạc.
Thuở đó, Kurt thích nghe Punk, một dòng nhạc vốn đã rất ồn ào và mang tính nổi loạn, vậy nên cũng không bất ngờ khi những đĩa nhạc đầu tiên của Nirvana đều mang ít hay nhiều chất “Punk”.
Thêm nữa, việc lớn lên xung quanh một môi trường mà những người phụ nữ đều bị coi thường và đối xử bất công khiến Kurt cực kỳ phẫn nộ, và gã cũng chưa bao giờ ngại ngần đứng về cánh nữ giới trong những phong trào nữ quyền, nhân quyền bằng âm nhạc vào nhũng năm 80s – 90s.
Kurt còn đề vào album ‘Incesticide’ rằng:
“Nếu mày là một người phân biệt đối xử với người đồng tính, người khác màu da hay phụ nữ, thì giúp bọn tao một việc là hãy để bọn tao yên. Đừng đến show của bọn tao và mua nhạc của bọn tao nữa”.
Nhưng đáng tiếc thay, Kurt Cobain không thể chịu nổi áp lực từ lối sống bị soi mói 24/7 từ mọi phía. Áp lực của việc trở nên nổi tiếng là quá lớn.
‘Nevermind’ là album đưa Nirvana lên đỉnh cao của danh tiếng, nhưng nó cũng đẩy Kurt đến gần hơn với trầm cảm và cơn nghiện ngập của mình.
Ở một thời điểm mà ngay cả cuộc hôn nhân của Kurt với Courtney Love, rồi cả con gái Frances Bean Cobain, cũng bị công khai chỉ trích, dường như mọi thứ đang dần quay lưng với Kurt.
Ngày 05.04.1994, Kurt Cobain đã nổ phát súng tự vẫn, ngay tại căn nhà của mình ở Seattle, chấm dứt chuỗi ngày chịu đựng bằng một viên đạn duy nhất từ khẩu súng shotgun.
Cái chết của Kurt đã để lại một nỗi đau không thể nào nguôi ngoai cho thế giới, một sự tiếc thương cho một tài năng còn quá trẻ. Nhưng dù sao đi nữa, hãy yên nghỉ, nhé Kurt!
Hãy cùng thưởng thức lại giọng hát của Kurt Cobain trong ‘The Man Who Sold The World’, ca khúc đã đạt gần 400 triệu lượt xem trên Youtube.
- Chester Bennington – Tiếng nói đau đớn và giận dữ của một thế hệ
- BIGBANG không bao giờ lỗi thời
- Sự thật về việc Michael Jackson thay đổi màu da