Chester Bennington đã dùng âm nhạc của mình để cứu lấy những tâm hồn cằn cỗi và tuyệt vọng. Vậy mà đến cuối cùng, anh lại chẳng thể tự cứu lấy mình.
Năm 2000, trong buổi bình minh của một thiên niên kỷ mới, Linkin Park trở thành một phần của “cuộc cách mạng tuổi trẻ” thời điểm bấy giờ.
Giọng hát và tiếng gào của Chester Bennington chính là tiếng kèn chói lọi và vang dội của thế hệ ấy. Trong thông điệp và lời hát của Chester đều chứa đựng nỗi tổn thương sâu sắc và sự giận dữ thiêu đốt tâm can.
Khi lắng nghe những bài nhạc như ‘In The End’ hay ‘Crawling’, người nghe sẽ thấy Chester va đập dữ dội trong những cảm xúc khắc nghiệt ấy. Anh ấy nhẹ nhàng đưa ra một tuyên bố thất bại trước khi những cơn thịnh nộ bùng lên trong cổ họng, hiện hữu thành những tiếng gào thét như vỡ òa.
Khi Linkin Park lần đầu tiên bùng nổ, những người trẻ đã vấp phải nỗi buồn và cơn thịnh nộ của Chester. Họ đã bắt gặp ở thứ âm nhạc ấy những nỗi đau bị kìm nén quá lâu, chưa bao giờ được bày tỏ, giải tỏa hay mô tả thành lời.
Chính Chester đã khiến mọi thứ trở nên thật rõ ràng, bằng câu từ, bằng lời ca, bằng những tiếng gào thét điên cuồng. Khi đào sâu hơn vào cơn thịnh nộ ấy, họ được chứng kiến biểu hiện cuồng nhiệt của nỗi tuyệt vọng và sự sợ hãi.
Chester đã luôn trung thực và thẳng thắn trong suốt sự nghiệp âm nhạc của mình. Anh bày tỏ về cuộc đấu tranh của bản thân với bệnh trầm cảm, những cơn nghiện và cả những thương tổn, đặc biệt là việc anh từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ.
Trong ‘One Step Closer’, người nghe đã bắt gặp chính những ám ảnh của họ ở Chester như một tấm gương phản chiếu đầy thách thức. “Tất cả những gì mày nói với tao sẽ đưa tao đến gần hơn với bờ vực mà tao sắp rơi xuống”, Chester gào lên, một cảm giác thất vọng mà chỉ người thanh niên 24 tuổi ấy mới thấu hiểu.
Album ‘Hybrid Theory’ được cho ra mắt năm vào năm 2000, và chỉ 1 năm sau, nó trở thành một cú hit vĩ đại của Linkin Park.
Cuối thập niên 90 chứng kiến cơn giận dữ của những ngôi sao đang lên như Eminem, Limp Bizkit, và cả những người kỳ cựu như Nine Inch Nails. Tuy vậy, thị hiếu đại chúng vẫn bị chi phối bởi dòng nhạc Bubblegum pop bắt tai, được khởi xướng bởi Disney, dẫn đầu bởi các nhóm nhạc nam và các diva thiếu niên mới nổi.
Để Linkin Park có thể tạo ra một bước đột phá và vượt mặt các gương mặt quen thuộc như ‘N Sync hay Britney Spears, thị trường âm nhạc cần một biểu tượng phổ biến hơn, và đồng thời phản chiếu được sự lằn ranh ngày một lu mờ của của những dòng nhạc mang âm hưởng rock.
Khi thể loại nu-metal bùng nổ, Linkin Park đã tái định nghĩa những gì nó có thể làm được. “Cỗ máy chạy bằng nhiên liệu Limp Bizkit” trở nên kém mạnh mẽ khi so sánh với chất giọng lanh lợi của Chester vốn dĩ đã phối hợp quá ăn ý với kiểu rap tinh tế nhưng hiệu quả của Mike Shinoda.
Trong khi đó, chính chính sự yếu mềm giữa những tiếng la hét, những đoạn riff nặng nề và những giai điệu dữ dằn đã khiến Linkin Park vượt lên trước một bước.
Đối với rất nhiều người, lắng nghe âm nhạc Linkin Park như một hành trình hồi tưởng về những ký ức sống còn, giờ đây thêm phần bi kịch khi Chester tự kết liễu mạng sống của mình.
Anh đã cất tiếng, đã bộc lộ hết thảy cảm xúc thay cho những tuổi trẻ luôn muốn được gào lên, như chính anh khi nghe những ban nhạc như Stone Temple Pilots hay Soundgarden khi còn là một đứa trẻ.
Người hâm mộ của Chester giờ đây mất đi ánh sáng đã dìu dắt họ trong chuỗi ngày tăm tối, như chính những điều anh phải trải qua trước đây, khi đau khổ chứng kiến cái chết của hai người bạn thân Chris Cornell và Scott Weiland. Chester đã dùng âm nhạc của mình để cứu lấy những tâm hồn cằn cỗi và tuyệt vọng. Vậy mà đến cuối cùng, anh lại chẳng thể tự cứu lấy mình.
Có một lời nhắn mà Chester đã viết cho người bạn đã tự sát của mình, giờ đây sẽ được viết lại bởi chính những người hâm mộ anh:
“Giọng hát của bạn chứa đựng niềm vui và đau thương, cơn giận dữ và sự tha thứ, tình yêu và niềm đau, tất cả những điều đó hòa làm một. Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều như vậy cả. Bạn đã giúp tôi thấu hiểu điều đó.”
Chúc mừng sinh nhật, và cảm ơn anh, Chester Bennington.
—
Nguồn: RollingStone
Biên dịch: Hiệp Hưng Nguyễn
Theo: Cổ Động.