Cùng đánh giá nhanh phim điện ảnh Bố Già của Trấn Thành đang hot ngoài rạp qua chia sẻ của các thành viên Bình phim trên mạng xã hội nhé.
Review phim Bố Già của Trấn Thành
Bạn Đức Hiệp chia sẻ đầy cảm xúc sau khi xem Bố Già:
Phim Bố Già hay thiệt đó, không hề giỡn, không hề fans của Trấn Thành luôn. Nhưng sau phim này tui mê ổng, vì hình tượng ổng đóng giống ba tui thực sự.
Đầu tiên phải nói là Bố Già bản điện ảnh tốt thực sự, có đầu tư từ bối cảnh, hình ảnh, những đoạn one shots chất lượng, có sự kết nối câu chuyện cao. Nội dung phim đơn giản, dễ hiểu và thực sự rất đời.
Phải nói chưa bao giờ xem phim nào của Việt Nam mà tui về tui la làng với mọi người, kể cả ba mẹ tui mà tui kể như hai người đi xem cùng tui vậy, cũng may phụ họa đôi chút về Trấn Thành, về Lê Giang, má Giàu, nên tui được đà tui bảo “hôm nào con hốt ba mẹ đi xem luôn” vì rủ ba má tui đi chơi hổng có dễ.
Chê phim:
– Đầu tiên là ông Quý, ổng “vô tích sự” từ đầu tới cuối nhưng cuối phim nhìn ổng nói thật lòng nghe cũng cảm động lắm, tiếc là hối hận muốn màng.
– Kết phim hơi buồn xem phim xong cứ nhớ tới lại buồn buồn nhưng mình nghĩ kết như vậy sẽ khiến khán giả nhớ về phim nhiều hơn.
Khen phim:
– Về phần diễn viên thì vẫn giữ lại nhiều nhân vật cũ, xem thêm nhiều nhân vật mới làm mới Bố Già điện ảnh, khác với Bố Già Web Drama. Nào là combo anh em nhà Giàu – Sang – Phú – Quý, nào Cẩm Lệ, Ánh, Bình Lợi, Bù Tọt, Tũn,… Mỗi nhân vật có những nét đặc trưng để nhận diện. Ông Sang thì ổng thương cả thế giới, điểm này tui thấy giống ba tui lạ, lắm khi tui cũng quạu như “Quắn” vậy đó, bao đồng dễ sợ, mà hổng cho bao đồng chắc ngồi nhà lo đến sanh bệnh luôn quá.
– Phim đời quá đời, con hẻm ngập nước nhà tui như được lên phim vậy đó, không biết các bạn ở tỉnh khác thấy nó có kì không, có kiểu “ồi ôi, chiều nào nước nó cũng lên như thế này thì dọn nhà sanh bệnh luôn”, nhưng với người Sài Gòn thì nó “thân” lắm luôn rồi, như là nét đặc trưng vậy đó.
– Mình thích nhất là thoại của phim này, vẫn là đời, vẫn là hài hước, ông ba Sang thì lúc nào cũng “hoan hỉ, hoan hỉ”, “thằng chó”. Thích nhất là “thằng chó” nghe thì tục tĩu nhưng thực tế như kiểu “chửi yêu”, chửi nghe nặng trĩu tình cảm lắm.
Không Spoil kết phim đâu nhen.
Chấm phim: 9/10, đi xem liền nha các bạn!! Xứng đáng đồng tiền bát gạo luôn đảm bảo.
Một số đánh giá của các thành viên khác về Bố Già:
Bạn Lê Thành Nhân:
“Phim” cứ như kịch trong nhà ngoài phố phiên bản truyền hình vậy. Nhiều drama quá mức, thiếu ngôn ngữ điện ảnh.
Nhưng không đến nỗi quá tệ như nhiều phim VN khác gần đây.
Bạn Lê Nhân:
Mình vừa xem tối qua. Ghét hài nhảm và ko thích phim Việt, rất ít ra rạp xem phim Việt vì chả khác gì kịch nói. Phim này thì được, bi hài kịch dù còn nhiều điểm chê nhưng vậy là hơn nhiều phim khác rồi.
Trấn Thành diễn tốt nhưng hoá trang kém quá, nhìn như 1 anh 30-35t máu xấu tóc bạc sớm :))
Lê Giang với nhóc con Bù Tọt yêu quá.
Đáng tiền vé cho những ai còn do dự.
Bài review phim Bố Già từ Gào
Mình sinh ra và lớn lên trong một con ngõ nhỏ dành cho người lao động tại Hà Nội. Hàng xóm xung quanh đủ thể loại người. Ngay sát vách nhà là một gia đình 4-5 đứa con đều nghiện ngập, vào tù ra tội, ông bố nghiện rượu suốt ngày la lối inh ỏi xóm làng. Phải, tuổi thơ mình đã từng ở một nơi như thế! Nhưng trong những tiếng ồn tưởng chừng như không còn chỗ cho người ta thở ấy, mình vẫn có thể bình yên trưởng thành nhờ sự che chở của mẹ cha – những con người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho gia đình bé nhỏ.
Bố mẹ mình cũng đã từng có thời gian làm ăn rất khá. Nhưng vì tin người nên nhiều lúc gặp chuyện không may. Mặc dù bị cuộc đời vò nhàu, nhưng bố mẹ mình chưa từng mất niềm tin vào cuộc sống. Luôn luôn hiền lành không thay đổi, và giúp đỡ người khác, bất chấp họ có từng cư xử tệ với bố mẹ mình như thế nào đi chăng nữa…. Chính vì thế, nhân vật Ba Sang trong Bố Già đã chạm vào trái tim mình, một cú chạm nhẹ đưa mình về hồi ức tuổi thơ, những năm tháng trưởng thành nhìn bố mẹ hiền lành cứ hết lần này đến lần khác bị người ta chèn ép, bắt nạt mà ấm ức không làm gì được.
Cũng giống như Quắn, con trai của ông Ba Sang trong Bố Già, mình và em trai mình nhiều lần trầm tư hỏi nhau trong vô thức: “Tại sao bố mẹ phải sống cho người khác nhiều đến thế? Tại sao phải hy sinh? Tại sao không cứ để mặc kệ ai tự sống cuộc đời của người đó?”
Viết đến đây, chắc các bạn hiểu, vì sao mình dành nhiều lời khen ngợi cho phim Bố Già đến thế – Một điều mình chưa từng làm trước đây, ngay cả những bộ phim mà nhà sản xuất hay đạo diễn là bạn bè rất thân của mình đi chăng nữa.
Lý do chỉ có một và duy nhất một mà thôi: Mình đồng cảm.
Mình và em trai mình chính là một phần nào đó của nhân vật “Quắn” trong phim Bố già. Chúng mình đã từng đầy phẫn nộ, nổi loạn… từng như thế!
Mình cũng xin dành một lời khen cho diễn xuất của Tuấn Trần trong vai Quắn. Mình không ngờ rằng một bạn diễn viên mà mình từng nghĩ là khá mờ nhạt, lại có thể có lối diễn xuất chân thực đến thế. Thực sự rất tài năng.
Quắn của Tuấn Trần giống đến 99,9% em trai mình ngoài đời. Từ thái độ sống, từ cách nói chuyện đến những cái rung mình khi tức giận, những cái quắc mắt phẫn nộ khi bố gặp ấm ức. Và cả tình yêu thương không dễ thổ lộ nhưng có thể dễ dàng nhận ra dành cho cha mẹ. Cả cái cách Quắn trêu ông Ba Sang, cũng không khác gì em trai mình mỗi khi cợt nhả với mẹ mình cả. Điều đó thể hiện, Tuấn Trần để khắc hoạ thành công không chỉ một nhân vật, mà còn là một dạng người trong xã hội. Từ diễn biến tâm lý cho đến ngôn ngữ hình thể.
Năm mình học lớp 2, mẹ mình bị người thân trong gia đình tạt nước trước mặt mình chỉ vì mẹ xếp một viên than tổ ong sai vị trí.
Lúc đó, bố mình đi làm xa. Em trai mình còn bé tí.
Cái gì gọi là người thân mà lại ăn tươi nuốt sống gia đình mình như thế? Cái gì gọi là họ hàng mà lại chà đạp lên anh em mình như vậy? Không phục, mình không phục khi mẹ chịu đựng như thế!
Một con nhóc lớp 2 chứng kiến mẹ bị ức hiếp oan ức mà không biết phải làm gì, cứ ngơ ngơ ngác ngác. Mẹ cũng không nói gì, càng không phản kháng.
Thế nên, khi thấy nhân vật Quắn trong phim phẫn nộ, mình như sống lại ký ức ấy. Mình đã không bảo vệ được mẹ, điều này ám ảnh đến nỗi theo đuổi mình trong tâm trí suốt những năm tháng trưởng thành.
Thanh ơi, phải cố lên, không thể để bố mẹ bị người ta coi thường.
Mình đã từng ước thời gian có thể quay trở lại, đưa mình lại về thời điểm đó, nhất định mình sẽ bảo vệ mẹ, không phải đứa trẻ vô dụng như thế!
Nhưng cũng giống như Ba Sang trong phim, bố mẹ mình không bao giờ cho phép mình hỗn láo với người lớn. Cho dù những người lớn đó hết lần này đến lần khác chà đạp lên gia đình mình.
Bố mẹ mình đã luôn tử tế đến cùng.
Các bạn có từng trải qua cuộc đời ấy không? Cuộc đời của những con người vì thiện lương mà bị dồn vào đường cùng hết lần này đến lần khác.
Bố Già hoàn hảo vì bộ phim này quá đỗi chân thực. Phần lời thoại thật đến nỗi lạnh người, không khác gì ngoài đời.
Các bạn ạ, là một người viết, mình thực sự xin phép dùng từ “nể phục” những đoạn hội thoại trong phim. Bởi mình hiểu rõ, viết thoại hoa mỹ thì dễ, viết thoại chân thực nhưng vẫn mang thông điệp rõ ràng và ngôn ngữ điện ảnh rõ nét là điều cực kỳ khó khăn.
Vậy nên không thiếu những bộ phim Việt Nam ( mà mình không tiện nêu tên ở đây ) có lời thoại giả trân và khiên cưỡng. Thoại trong phim Bố Già là một điểm sáng vượt trội.
Khi đọc after credit, bạn mình vỗ vai: “Ê, kịch bản là Trấn Thành viết luôn đó!”
Mình lại càng nể hơn. Vì mặc dù bộ phim thành công là sự đóng góp của rất nhiều con người. Nhưng thành công của Bố Già chắc chắn phần đóng góp rất quan trọng đến từ kịch bản.
Mình tin rằng, Trấn Thành đã lấy tư liệu ở chính một phần cuộc đời anh ấy để viết nên kịch bản này, nên nó mới chân thực đến vậy.
Mình xin phép được nói thật lòng, mình không thích xem các chương trình của Trấn Thành từ trước đến nay. Vì hài hước kiểu gameshow không phải gout của mình.
Nhưng kết thúc phim, mình đã nói với bạn mình một câu như thế này: “Không cần khiến một người yêu thích cá nhân mình, nhưng có thể khiến họ ngưỡng mộ tài năng và không thể phủ nhận thành quả của mình. Trấn Thành đã làm được điều đó! Đó mới là Thành công thực sự!”
Quay trở lại với nội dung của phim Bố Già, mình sẽ không spoil bất cứ một chi tiết nào trong phim, nên mình sẽ không kể thêm gì về phim ở đây. Mình nghĩ vậy là đủ để review cảm xúc của mình cho các bạn hiểu. Và lựa chọn xem hay không xem là quyền của mỗi người.
Cuối cùng thì,
Mình rất yêu bố mẹ mình các bạn ạ. Những giọt nước mắt mình rơi khi xem phim Bố Già không phải vì nhân vật. Mà đó là những giọt nước mắt rơi vì thương cha mẹ mình cả cuộc đời đã vất vả ngược xuôi.
Giờ đây, cuối cùng Mình cũng đã hiểu lý lẽ sống vì người khác ăn sâu vào trong máu thịt của bố mẹ chúng ta đã hàng chục năm qua sẽ chẳng thể nào thay đổi.
Điều duy nhất chúng ta có thể làm là mạnh mẽ với cuộc đời đầy giông bão ngoài kia, và luôn yêu thương bố mẹ chúng ta vì họ xứng đáng nhiều hơn thế!
Đây có thể chưa phải là một bài review đầy đủ và trọn vẹn hết mong muốn của mình. Bởi câu chuyện về cha mẹ mình còn rất nhiểu điều muốn kể.
Nhưng muộn rồi, chúng ta ngủ đi thôi để mai thức dậy tiếp với những giấc mơ còn đang dang dở.
Cám ơn cuộc đời đã cho mình có mẹ, có cha! Cám ơn “Bố Già” một bộ phim rất đời như đang soi gương vậy đó, đã mang đến cho mình một buổi tối nhiều cảm xúc!
Chúc phim thành công và sẽ mang về giải thưởng quốc tế! Trân trọng rất nhiều.
Review sách: Bố Già (The Godfather) – Mario Puzo
Bố Già, tiểu thuyết gangster hay nhất mọi thời đại, không chỉ bởi cốt truyện hấp dẫn, còn vì ẩn...
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read more–
TẠP CHÍ MENBACK