Tư duy xác suất là một trong những tư duy quan trọng bậc nhất của con người. Tư duy này xuất hiện rất sớm ở những đứa trẻ và nếu được dạy xác suất thống kê bằng ngôn ngữ đơn giản thì tư duy này sẽ được củng cố và phát triển tốt.
Xin minh hoạ:
“Cuối tuần này bố mẹ cháu có đưa cháu đi xem phim không cháu?”
“KHẢ NĂNG LỚN là không, bác ạ!”
Đoạn hội thoại trên hoàn toàn có thể xảy ra với một đứa trẻ mới đi học. Trong đoạn hội thoại này, “KHẢ NĂNG LỚN” chính là tư duy xác suất. “KHẢ NĂNG LỚN là không” tương đương với “XÁC SUẤT gần bằng 0”. Chúng ta hoàn toàn có thể dạy cho đứa trẻ lớp 2 mỗi năm có 52 tuần, mỗi tháng có hơn 4 tuần và hỏi cháu xem mỗi năm, mỗi tháng cháu được bố mẹ đưa đi xem phim mấy lần. Nếu số lượng lần đi xem phim quá nhỏ thì có nghĩa là XÁC SUẤT cuối tuần này được đi xem phim quá thấp và đằng sau câu trả lời “KHẢ NĂNG LỚN là không” của cháu đã có những thông tin định lượng chứ không hoàn toàn cảm tính. Điều đó rất tốt.
Dạy xác suất thống kê sớm cho trẻ là rất tốt
Giờ chúng ta có mốt nói về Big Data, nhưng cần hiểu Big Data liên quan gì đến xác suất thống kê. Rất liên quan. Khi Data đủ Big thì những xác suất được tính ra từ nó có độ tin cậy rất cao. Một ông chồng 2 năm gần đây tặng hoa cho vợ nhân dịp ngày cưới thì chưa chắc chắn ngày cưới năm tới ông ấy sẽ tặng hoa. Nhưng một ông chồng mà suốt 20 năm qua ngày cưới nào cũng tặng hoa cho vợ thì gần như chắc chắn năm tới ông ấy cũng sẽ tặng hoa. Muốn máy tính dự báo được việc chồng tặng hoa cho vợ vào ngày cưới thì Data phải đủ Big. Với các ứng dụng khác cũng vậy.
Trong thư góp ý Chương trình giáo dục phổ thông mới gửi cho Bộ Giáo dục, tôi từng nhận xét là người Việt đương đại thiên về cảm xúc, cảm tính, thiếu logic, tư duy định tính áp đảo tư duy định lượng, thế nên mới kém về công nghiệp, công nghệ, mới khó cho việc xây dựng xã hội pháp quyền. Cần cải cách mạnh mẽ Chương trình giáo dục phổ thông, để sản sinh ra được những thế hệ người Việt mới với những tố chất tốt hơn cho phát triển.
Mấy năm góp ý cải cách giáo dục, tôi bức xúc với bên làm giáo dục cũng nhiều, nhưng với phía phụ huynh cũng lắm. Có lúc nghĩ, có thay phụ huynh đi thì may ra mới cải cách được giáo dục Việt Nam. Vì nhiều phụ huynh ở ta đòi những thứ, làm những việc rất phản giáo dục và cản trở cải cách.
—
Tác giả: Luong Hoai Nam