Nói như Haruki Murakami trong lễ nhận giải thưởng văn học tại Jerusalem năm 2009, với công chúng Israel: “Giữa một bức tường cao kiên cố và một quả trứng đập vào đấy, tôi luôn luôn chọn đứng về phía quả trứng”.
Bài viết của nhà báo Đinh Đức Hoàng, Menback xin chia sẻ lại để độc giả có thêm góc nhìn về Palestine và mối quan hệ ngoại giao giữa Palestine và Việt Nam.
Trong phòng khách của Saadi Salama, đại sứ của Palestine tại Việt Nam có một bức tranh thêu, thể hiện một vùng đất hình lưỡi dao, bao phủ toàn bộ lãnh thổ mà ngày nay là Quốc gia Do Thái Israel, Bờ Tây và Dải Gaza. Tôi đứng trước bức tranh, và tế nhị hỏi: “Palestine đúng không anh?”. Saadi gật đầu: “Palestine của tôi đấy”.
Saadi trả lời hằng hà sa số các bài phỏng vấn kiểu “vị đại sứ nói tiếng Việt như mẹ đẻ”, “đại sứ ăn phở Việt” hoặc là “đón Tết Việt” gì đó, suốt mấy chục năm. Đúng nhà ngoại giao điển hình, cười nói không ngớt. Tôi năm ấy không chịu nổi, bảo: Anh ơi, anh là nhà cách mạng Palestine, em không muốn phỏng vấn kiểu ông Ả-rập ăn phở Việt nữa, mình làm một bài về cuộc đấu tranh của người Palestine.
Chúng tôi ngồi tâm sự, trong một lần hiếm hoi, Saadi ngồi nói chuyện với tư cách một thành viên của PLO, một chiến binh Intifada đã cầm AK đi chiến đấu, chứ không phải một nhà ngoại giao cười nói ăn phở có camera đi theo.
Cậu bé Saadi năm ấy, nhìn thấy lính Do Thái cầm súng tiến vào ngôi làng nhỏ của mình. Chàng sinh viên Ả-rập ở ký túc khu Bách Khoa năm ấy, đã tổ chức liên hoan vĩnh biệt các bạn Việt Nam để lên đường về Li băng, nơi quân Israel đang bao vây thành lũy cuối cùng của PLO. Anh bảo các bạn, đây là lần cuối ngồi với nhau, chuyến này đi chắc không về.
Đó là năm 1982, quân đội Israel thực hiện một cuộc thảm sát người Palestine tại Beirut. Trong phim Điệu Waltz cùng Bashir của Israel sau này, cuộc thảm sát được mô tả lại qua hành trình chắp nối của một người lính Do Thái mất trí nhớ (vailon mất trí nhớ). Tác phẩm đoạt giải Quả cầu Vàng, giải Ceasar và ba vạn chín nghìn cái đề cử Oscar và BAFTA khác, nhưng cơ bản tôi xem không chịu nổi.
Giết dân thường xong mất trí nhớ xong khóc thương ân hận thì ai chả làm được. Hollywood làm đầy, Steven Spielberg đạo diễn Tom Cruise đóng chính, dân Việt Nam không ai mảy may xúc động.
Tôi nghĩ, mình viết cái giọng này chắc cả đời không được nhập cảnh Israel thăm Jerusalem. Bọn này theo dõi người có thái độ thù địch với nhà nước Do Thái kỹ lắm luôn. Tôi kệ mẹ.
Vì tôi bảo với Saadi, rằng mình là nước nhỏ ở cạnh siêu cường, mình sẽ luôn bị bắt nạt. Việt Nam cũng thế. Nếu thế giới chỉ toàn những người ủng hộ bọn giàu, bọn mạnh, toàn những đứa ủ uôi Iron Dome của Israel hiện đại chưa kìa, sức mạnh khoa học kỹ thuật của người ta nó thế, thì đến lúc chính Việt Nam bị bắt nạt, sẽ chẳng có ai đứng bên cạnh. Mà việc Việt Nam bị bắt nạt thì nó cũng chẳng phải giả tưởng gì cho cam.
Palestine và Việt Nam chơi với nhau vì như thế, vì lịch sử của hai phong trào cách mạng có điểm tương đồng, chống lại các cường quốc. Việt Nam thừa nhận quốc gia Palestine từ rất sớm vì thế. Và dù ở thế kỷ 21 nơi các quan hệ giằng díu, Bộ Ngoại giao Việt Nam không cử đại diện đến dự lễ ra mắt cái Đại sứ quán của Trump ở Jerusalem năm nọ, chắc cũng vì nghĩ đến tình nghĩa này.
Có năm Trung Quốc làm càn trên biển, tôi gọi Saadi, anh ơi viết cho em bài về thân phận Palestine đi, em đăng. Saadi bảo, để liên hệ với tình cảnh Việt Nam à. Tôi vâng. Sau này chắc tính toán lợi ích ngoại giao đại sứ không viết. Nhưng tôi luôn nhìn nhận ở tòa đại sứ Palestine một cơ hội, cơ hội của việc nói lên tiếng nói của những dân tộc nhỏ bé bị bắt nạt.
Nói như Haruki Murakami trong lễ nhận giải thưởng văn học tại Jerusalem năm 2009, với công chúng Israel: “Giữa một bức tường cao kiên cố và một quả trứng đập vào đấy, tôi luôn luôn chọn đứng về phía quả trứng”.
Xem thêm
Ngọn ngành nguồn gốc xung đột Israel và Palestine
Ngay từ khi biết xem tivi, chúng ta đã được nghe tin tức về cuộc xung đột của Israel và...
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read more