Ngày hôm qua, báo Thanh niên có một bài đăng với tiêu đề rất thú vị: “Nếu được chiến đấu sòng phẳng, không lý gì báo chí thua mạng xã hội”.
Tiêu đề này đã chỉ rõ ngay hai vấn đề rất hấp dẫn, có tính thời sự: Báo chí bị trói tay, trói chân và liệu báo chí có thua mạng xã hội hay không?
Không có lý gì báo chí thua mạng xã hội
Chủ đề thứ nhất là báo chí Việt Nam bị trói tay, trói chân vì buộc phải qua một qui trình kiểm duyệt chặt trẽ và không được giao nhiệm vụ chống tin giả (fake news). Vì không phải là người làm báo, nên chủ đề này tôi không bàn luận mà dành cho các nhà báo (báo giấy và báo điện tử) bàn luận.
Tôi chỉ xin được bàn về chủ đề thứ hai là “liệu báo chí có thua mạng xã hội hay không?”.
Đúng như nhận định của bài báo, mạng xã hội có nhược điểm lớn nhất là độ chính xác của thông tin thấp, rất nhiều tin giả fake news.
Chính vì vậy mà muốn không thua mạng xã hội thì việc đầu tiên là báo chí phải có tin tức chính xác và tin cậy. Muốn có tin chính xác thì phóng viên phải dời phòng máy lạnh, lăn lộn, bám sát vào thực tế cuộc sống. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, phóng viên, biên tập viên, thư ký toà soạn, tổng biên tập phải có năng lực tiếp nhận thông tin, đánh giá độ chính xác, sự chân thực của thông tin, không đưa tin giả, không tiếp tay cho tin giả.
Nếu báo chí Việt Nam cứ có nhầm lẫn ngây ngô kiểu “mỗi năm Việt Nam có 8 triệu người chết vì thuốc lá” (thực ra là mỗi năm thế giới có…”), hoặc “Việt Nam có tỷ lệ chết vì ung thư cao thứ 2 thế giới” (thực ra là thuộc nhóm 2 thế giới) hoặc lấy ảnh cá chết ở hồ Michigan bên Mỹ từ năm 2008-2009 gắn cho cá chết ở biển miền trung Việt Nam năm 2016… thì báo chí Việt Nam rất khó tạo cho độc giả tin cậy vào các tin tức, các bài viết của mình.
Muốn có sự tin cậy của độc giả, báo chí Việt Nam phải dũng cảm không chiều theo xu thế đám đông, đôi khi phải dũng cảm đi ngược với dư luận, với số đông dân chúng, nếu mình tin rằng dư luận đang hiểu sai bản chất vấn đề. Khi cơn cuồng nộ qua đi, khi cơn sốt qua đi, khi sự thật đã rõ, người ta thấy hoá ra báo nói đúng, hoá ra báo đã chỉ cho mình đúng sự thật thì uy tín và sự tin cậy của tờ báo sẽ tăng lên.
Hơn nữa báo chí không thuần tuý chỉ là tin tức, mà còn là tổng hợp, phân tích, bình luận, dự báo các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, văn hoá, thể thao…, vì vậy báo chí cần nhiều bài viết có chất lượng và chiều sâu hơn, đa chiều hơn. Báo chí phải làm được việc nâng tầm độc giả lên chứ không phải chạy theo thị hiếu, chạy theo cảm xúc của độc giả.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng gọi là báo chí nhưng thực chất là báo điện tử, còn báo giấy thì đã chết rồi, chết theo nghĩa là ít người đọc và không tự nuôi sống được bản thân mình. Cách đây 20 năm khi mới có Internet, các nhà quản lý, những người làm báo giấy cũng coi thường báo điện tử lắm, không một ai thèm đặt câu hỏi “lẽ nào báo giấy thua báo điện tử” như thế này đâu.
Các báo điện tử hãy lấy bài học về cái chết của báo giấy bắt đầu từ khi có Internet để mà suy ngẫm.
Nguồn: tác giả Đỗ Cao Bảo