Một cơ quan quản lý tốt, thực chất là cơ quan đặt câu hỏi tại sao Việt Nam có quá ít test kit được chứng nhận, chứ không phải nghe phong thanh có một cái được chứng nhận thì đi khoe loạn lên, không buồn kiểm chứng.
Sự kiện Bộ Khoa học Công nghệ đi phát fakenews, khẳng định bộ xét nghiệm của công ty Việt Á được WHO chứng nhận, tiếp tay cho tội phạm, thực ra chỉ là một phần của một sự ấu trĩ lớn hơn. Chúng ta thử dành 5 phút bàn về sự xí xớn.
Đêm nay tôi đọc lại Các vị La Hán Chùa Tây Phương của Huy Cận, viết năm 1960, và nhận ra một triết lý đáng gờm. Nội dung của nó, như nhiều bạn còn nhớ, bắt đầu bằng sự băn khoăn của tác giả về hình dáng khổ hạnh của các vị La Hán. Sao các vị La Hán trông khổ vậy?
Các câu:
“Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi”
Hay:
“Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.”
đã đi vào ký ức nhiều thế hệ.
Sau đó, Huy Cận đi tiếp đến một giả định: hình dáng của các vị La Hán này có thể phản ánh tâm trạng của các thế hệ cha anh Việt Nam trong lịch sử (“Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời/Là cha ông đó bằng xương máu”).
Và sau đó, đưa ra tuyên bố quen thuộc của thi ca thập kỷ sáu mươi, kiểu mùa thu nay khác rồi trong biếc nói cười thiết tha. Thời đại mới đến rồi khổ đau đã tan đi. Vui lên bạn ei.
“Các vị La-hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.”
Uồi, vãi. Xã hội lên đường và La Hán mặt tươi.
Huy Cận có lẽ không nhận ra rằng ở đây có 2 quan điểm quản trị, hoặc nhận ra, nhưng nhuận bút bắt phải viết kiểu này. Quan điểm quản trị thứ nhất, là các manager/supervisor (các vị La Hán) phải là người phát hiện và tìm kiếm các xung đột, mâu thuẫn (khổ đau). Sự khổ đau của họ, đến thông qua quán chiếu thế gian, là nhận thức tiên quyết của giải thoát (nếu có).
Mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn là tiền đề của phát triển mà.
Một hệ thống quản trị hiệu quả là hệ thống mà các vị quán chiếu liên tục phát hiện ra các mâu thuẫn. Bạn có thể tìm thấy quan điểm này trong hầu hết các công ty tư nhân. Để tăng trưởng ông cần tháo gỡ các nút thắt, ok, tháo nút thắt thôi và thị trường sẽ tự làm nốt việc của nó. Ông có tìm được nút thắt không? Tìm đi. Chau cái mặt lại cười cười cái gì.
Quan điểm quản trị thứ 2, kiểu Huy Cận, là để thúc đẩy sự phát triển, ta cứ đi promote cho cái tốt, cái vui. Thế nào La Hán trông khổ thế nhở, ô kìa. Việc của mình là quảng bá cho cuộc đời vui nghe giữa núi đồi các thứ các thứ. Tô hồng is the keyword here you just realized.
Ông Huy Cận thậm chí có xu hướng mô tả việc lắng nghe nhân gian và hấp thụ các mâu thuẫn là một điều tiêu cực. Gương mặt “trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt” là thứ không nên tồn tại.
Tất nhiên là Huy Cận không cá biệt. Các bạn có thể dễ dàng nhận ra triết lý này thông qua các báo cáo kinh tế xã hội nơi nơi, khi mà phần “Các tồn tại” chỉ chiếm khoảng nửa trang so với 12 trang kể thành tích, tiến bộ, tích cực các kiểu. Bạn nhận ra rằng có gì đó rất thiếu trong những báo cáo kiểu này: Đó chính là gương mặt của các vị La Hán mà Huy Cận bài bác. Đó chính là những người quán chiếu để tìm thứ quan trọng nhất trong tiến trình phát triển: các mâu thuẫn. Những câu hỏi lớn không lời đáp, cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
Và khi mà nhiệm vụ của người ta, quan lộ của họ không phải là tìm ra cái tiêu cực và giải quyết chúng, mà là vơ lấy những cái tích cực vào để kể công, thậm chí tô hồng, vẽ bức tranh bình minh tươi sáng always, thì chúng ta có sự xí xớn. Triết lý này, gắn bó hữu cơ với việc che giấu đi cái xấu, nói giảm nói tránh. Họ sợ bị cật vấn theo kiểu Huy Cận: sao mặt mày trông khổ thế, có câu hỏi lớn không lời đáp nào à? Làm quản lý thế à? Xã hội có tiêu cực à? Họ phải trở thành La Hán mặt tươi.
Các anh không nhận ra rằng, thứ mà xã hội cần ấy, chính là những gương mặt La Hán chùa Tây Phương. Và trong một nền văn hóa ưa chuộng phát triển hơn (chứ không phải ưa chuộng tư lợi), ta sẽ nhận ra rằng thứ “kể công” tốt nhất của các nhà quản lý, thực ra lại là họ đã phát hiện ra bao nhiêu tiêu cực và mặt họ có đủ chau không.
Một cơ quan quản lý tốt, thực chất là cơ quan đặt câu hỏi tại sao Việt Nam có quá ít test kit được chứng nhận, chứ không phải nghe phong thanh có một cái được chứng nhận thì đi khoe loạn mẹ nó lên, không buồn kiểm chứng. Ok?
Xem thêm:
- Vì sao người giàu bị ghét?
- Từ thiện: lòng tốt thực sự hay chỉ để thoả mãn nhu cầu “làm người tốt”
- Những người “ghét” chạy theo đám đông
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.