Người Hải Phòng có khí chất riêng, điều này chẳng cần kể ra thì vẫn được cả nước biết (và bây giờ nhiều nước trên thế giới cũng biết). Mạnh mẽ, nhưng cũng rất thật, rất chân tình, cởi mở với bạn bè.
Chất sống Người Hải Phòng
Trong ca từ của ca khúc “Tôi người Hải Phòng”, nhạc sĩ trẻ Xuân Bình khiêm tốn khi viết: “một chút ngang tàng, một chút ngôn cuồng…” nhưng nói về người Hải Phòng, nhất là thanh niên Hải Phòng, có lẽ phải dùng từ “rất” thay cho “một chút” mới đúng.
Trong một tập thể (sinh viên, bộ đội, công nhân…), người ta dễ nhận ra ai là người Hải Phòng. Cái “chất” Hải Phòng có thể nói là niềm tự hào của người đất Cảng (ngoài những chuyện tiêu cực như tội phạm xã hội). Và cũng chính điều ấy, người Hải Phòng luôn được bạn bè khắp nơi nể, yêu mến (và cả… sợ)!
Người Hải Phòng có tính “ngổ chơi”
Sẽ rất thiếu sót khi không nói đến một tính cách người Hải Phòng, đó là sự… “ngổ chơi” – theo các nói dân dã. Những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều người Hà Nội gặp tôi tỏ ý thán phục: “Dân Hải Phòng… oách lắm, toàn chơi hàng xịn”.
Ấy là khi Hải Phòng đầy những quần áo “bò”, xe đạp mini “hai gióng”, xe máy, đài đóm, cassette, tủ lạnh Nhật… thôi thì đủ thứ hầm bà làng hàng tiêu dùng (hồi đó là xa xỉ) do các thủy thủ tàu viễn dương (VOSCO, HAIPHONGSHIP) mang từ các nước tư bản về. Trong khi ở Hà Nội chỉ thưa thớt người “diện” quần “bò”, xe máy thì toàn Honda đời cũ hoặc xe Simson, Babeta do người nhà mang từ CHDC Đức hoặc Tiệp Khắc (trước đây). Còn lại cũng chỉ xe đạp Mifa, quần áo may nội địa.
Chợ Sắt hồi đó còn sầm uất lắm, ngày nào cũng có xe chở người Hà Nội và các tỉnh về vãn cảnh chợ hoặc mua đồ. Tôi nhớ một nhóm người tỉnh ngoài khi thăm khu vực bán phụ tùng, vật tư, thiết bị nói với nhau: Ở đây có thể mua phụ tùng về lắp được cả cái… xe tăng!
Nhưng thú thật, hồi đó đi Hà Nội chơi, tôi thấy chị em Kinh Kỳ mặc đồ may, không phải đồ xịn như người Hải Phòng, nhưng ngắm vẫn đẹp thế! Trong khi chị em Hải Phòng xài toàn đồ xịn mà không bằng? Và chợt nhận ra, đẹp là phải biết cách ăn mặc, nghĩa là phải có “gu” thẩm mỹ.
Người có “gu” thẩm mỹ thì mặc đơn giản cũng đẹp và ngược lại. Mà để có “gu” thẩm mỹ, thì không thể ngày một ngày hai! Nói dân Hải Phòng “ngổ chơi” là như vậy. Sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để mua đồ xịn, để trưng diện… cái đã. Cứ đồ xịn là ăn chơi, ăn chơi không sợ tốn kém, vân vân và mây mây…
Có lẽ hiểu về mình, biết được nhược điểm của mình nên người Hải Phòng thường nói: Người Hải Phòng chúng tôi thật thà, không màu mè, chỉ “chém to kho mặn”, “ăn sóng nói gió”! Ôi, cái thời bao cấp khó khăn, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng câu ấy thực quý hóa vô cùng.
Người Hải Phòng dễ “tự ái”
Một tính cách nữa của người Hải Phòng nếu để ý cũng dễ dàng nhận ra: Tự ái thì… thôi rồi “Lượm ơi”! Chính cái tính tự ái này mà người Hải Phòng dễ nổi khùng, dễ dẫn đến ẩu đả nếu người nơi khác không may động chạm đến!
Những năm vừa qua, Hải Phòng có sự đột biến về phát triển cơ sở hạ tầng. Cả thành phố như một công trường lớn. Nhiều cầu, đường, khu đô thị hiện đại được tập trung xây dựng. Phải biết người Hải Phòng vui và tự hào thế nào. Người ta dễ nổi xung lên nếu có ý kiến trái chiều hoặc tỏ ý nghi ngờ điều gì đó. Mới hiểu cái tính tự ái của người Hải Phòng thật cao!
Hải Phòng và giai đoạn phát triển mới về kinh tế – văn hóa
Tôi là người Hải Phòng, sinh ra và lớn lên ở đây, chứng kiến nhiều sự kiện xảy ra cũng như sự phát triển của thành phố qua nhiều thời kỳ. Tôi luôn mong thành phố quê hương thân yêu phát triển một cách toàn diện, cả kinh tế và văn hóa.
Hải Phòng từ xưa luôn được đánh giá là mảnh đất sản sinh và nuôi dưỡng rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của đất nước. Văn hóa, nghệ thuật Hải Phòng cũng từng được vị nể. Hải Phòng là 1 trong 3 thành phố (cùng Hà Nội, Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh) của nước ta được người Pháp trú trọng xây dựng đầu tiên với vai trò, cấp độ ngang hàng. Nhà hát thành phố được xây dựng trước Nhà hát lớn Hà Nội 11 năm, có nhà máy nhiệt điện đầu tiên ở miền Bắc (có tài liệu còn nói là đầu tiên ở cả xứ Đông Dương)… Tự hào lắm chứ!
Người Hải Phòng những năm gần đây, cùng với đời sống khá lên, cũng ý thức coi trọng nhiều hơn đến văn hóa, nghệ thuật. Tôi từng gặp tại nhiều triển lãm do Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức rất đông người đến xem, có gia đình dẫn cả con nhỏ đến xem tới 3 lần một triển lãm. Nhiều ông bố, bà mẹ ngoài việc cho con học văn hóa còn cho học thêm các bộ môn nghệ thuật (nhạc, họa…) để các cháu hoàn thiện tốt hơn về nhân cách, có đời sống tinh thần phong phú, biết cảm thụ nghệ thuật.
Thanh niên, học sinh, sinh viên Hải Phòng cũng ý thức trang bị cho mình trình độ văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước thời kỳ mới. Trong nhiều căn nhà mới được xây dựng, người ta thấy chủ nhà đã coi trọng tới vẻ đẹp, sự tiện dụng khi sẵn sàng bỏ số tiền không hề nhỏ thuê kiến trúc sư có nghề thiết kế. Và có người bỏ ra số tiền lớn để mua những tác phẩm nghệ thuật trang trí phòng khách. Tại thành phố cũng xuất hiện một số nhà sưu tập nghệ thuật, có trong tay nhiều tác phẩm giá trị.
“Cuộc sống đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp, cuộc đời còn có cả những nụ hôn”, lời bài hát “Mùa xuân bên cửa sổ” ai cũng thuộc. Vẻ đẹp với nhu cầu cuộc sống thật phong phú với sự đủ đầy cả vật chất và tinh thần. Biết rằng, văn hóa với “gu” thẩm mỹ – sự sang trọng của văn hóa cần được bồi đắp hàng ngày, không bỗng chốc mà có được. Nhưng với kinh tế – xã hội thành phố đang phát triển nhanh, người Hải Phòng với tính cách quyết liệt của mình sẽ nhanh chóng tự trau dồi cho mình một đời sống văn hóa văn mình ngày càng phong phú, để “khí chất” Hải Phòng thêm một cấp độ mới, luôn tự tin, thật sự đáng nể trọng trong mắt người nơi khác.
Theo: Họa sĩ Đặng Tiến – Báo Hải Phòng