Các doanh nghiệp FDI đã chuyển một số đơn hàng sang sản xuất ở các nước khác; Các doanh nghiệp FDI đang rút khỏi Việt Nam; Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư mà nó có thể không quay trở lại;
Một khi sản xuất đã thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác; Mấy chục năm thu hút FDI, trải thảm đỏ giờ trở về số 0; Không nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế thì chết….
Đấy là lo ngại của nhiều doanh nhân, nhiều người dân Việt Nam trong những ngày vừa qua khi chứng kiến việc kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị gián đoạn, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.
Thế nhưng thật bất ngờ trong báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9/2021 World Bank lại đưa ra nhận định: “Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy lòng tin vào nền kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì”.
Và đây là cơ sở để World Bank đưa nhận định như trên:
Đầu tiên là trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 8/2021, Việt nam đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7/2021. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng.
Mức tăng vốn FDI trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
Thứ 2 là tuy sản xuất công nghiệp suy giảm, nhưng các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo ở miền Bắc vẫn đang tăng trưởng trên 10%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 4,2% so với tháng 7 và và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước do các biện pháp giãn cách xã hội gây gián đoạn sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo. Mặc dù vậy, sự suy giảm của các hoạt động sản xuất công nghiệp không đột ngột như sự suy giảm thời điểm đầu khủng hoảng COVID-19 hồi tháng 4/2020.
Thực tế, có sự khác nhau giữa các vùng miền, trong đó các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo lớn ở miền Bắc vẫn đang tăng trưởng hai con số, trái ngược với sự sút giảm sản lượng mạnh ở các tỉnh miền Nam, nơi các nhà máy bị đóng cửa.
Với việc chống dịch tốt ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh trong cụm công nghiệp lớn (Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên), Hà Nội đã tiêm phủ vaccine mũi 1 và đã đưa số ca nhiễm về 5-6 ca ngày, cùng với việc tiêm phủ vaccine cao ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chắc chắn sản xuất, kinh doanh sẽ được dần hồi phục trong quý 4/2021.
Vậy là bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam tuy có xấu, nhưng không đến nỗi bi quan như các than thở tràn ngập trên mạng, trên báo chí khi chỉ nhìn theo góc nhìn của những người đang ở tâm điểm của suy thoái.
Xem thêm: Thu ngân sách TP. HCM bị hụt bao nhiêu do phong tỏa dịch bệnh
–
MENBACK.COM