Phim là phim. Dù thành công hay thất bại đến mấy, thì nó vẫn cần được nhìn nhận là một tác phẩm nghệ thuật.
Vì sao phim Vị (Taste) bị cấm phổ biến?
Những tranh cãi xung quanh phim Vị (Taste) do Lê Bảo là biên kịch kiêm đạo diễn, xoay quanh nội dung phim. Lý do thì Cục điện ảnh đã đưa ra khi cấm phim này phổ biến, đó là “không phù hợp với văn hóa Việt Nam”.
“Cấm ở đây là bộ phim có khoảng 30 phút với 4 nhân vật là 4 phụ nữ lao động lớn tuổi và 1 cầu thủ bóng đá người Nigeria cùng ở trong một căn nhà. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều diễn ra ở đây và họ đều nude (khỏa thân), do đó phim không phù hợp với văn hóa Việt Nam, vi phạm Luật Điện ảnh” – ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục điện ảnh giải thích.
“Không phù hợp với văn hóa Việt Nam” là một cụm từ cảm tính, mơ hồ về khái niệm, bởi thế nào là “không phù hợp” và “văn hóa Việt Nam” là thế nào thì đều là những chủ đề có thể tranh cãi gần như bất tận. Và bài viết này sẽ không đi theo hướng đó.
Vấn đề là chơi theo luật nào, ở sân nào, thì cũng cần rõ ràng và nhất quán. Người hâm mộ Việt Nam suốt ngày chửi trọng tài khi đội tuyển đấu ở sân khách, nhưng về đến sân nhà, có cả công nghệ VAR mà vẫn chửi, thì đó là lỗi của ai?
Một bộ phim sản xuất ở Việt Nam, theo đúng quy định thì phải được duyệt 2 lần. Là duyệt kịch bản, và duyệt phim thành phẩm. Câu hỏi đặt ra là phim Vị đã được duyệt kịch bản chưa?
Theo tìm hiểu, Vị là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Lê Bảo và được phát triển từ bản phim ngắn cùng tên từng đoạt giải “Dự án triển vọng nhất” tại Silver Screen Awards ở Singapore năm 2016 (thời gian 7 năm làm nên phim Vị mà nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo nhắc lại nhiều lần, có lẽ tính từ thời điểm thực hiện bản phim ngắn này). Phim Vị có sự tham gia hợp tác của một số nhà sản xuất phim ở Singapore, Pháp, Thái Lan, Đức và Đài Loan.
Một bộ phim có sự tham gia sản xuất quốc tế, khẳng định phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý Việt Nam mới có thể được bấm máy. Vậy tại sao cấp phép kịch bản rồi đến khi quay xong lại không cấp phép thành phẩm. Tất nhiên, kịch bản là chữ, còn thành phẩm là phim, có sự khác biệt lớn. Nhưng không đủ lớn đến mức rẽ ngoặt từ Có thành Không.
Ở điểm này, cũng không thấy ekip làm phim nêu ra trong các bài báo liên quan đến vụ việc phim Vị bị cấm phổ biến tại Việt Nam. Còn nếu phim chưa được duyệt kịch bản đã bấm máy, thì sai quy định từ đầu rồi còn gì để nói đâu.
Vị là “phim rác” hay cần được nhìn nhận là một tác phẩm nghệ thuật
Một trang bình luận xã hội có hàng trăm nghìn follow gọi Vị là “phim rác”, “rác điện ảnh”, “rác rưởi”, được hàng nghìn người đồng tình, hùa vào chửi bới. Đáng ngạc nhiên, chủ yếu họ là những người trẻ.
Đây là bộ phim chưa được chiếu, mới chỉ có trailer trên mạng, kịch bản thì Cục điện ảnh khái lược vài dòng, làm sao biết hay dở thế nào mà chửi bới nặng thế?
Thực tế, tôi chưa từng thấy một bộ phim nào sẽ khiến một quốc gia, một dân tộc, một nền văn hóa mất mặt, dù nó dở đến mấy. Hàng năm, loại phim hạng B, hạng C, đáng gọi là “phim rác”, được nước Mỹ sản xuất ra cả đống (bạn tìm mấy cái phim quái vật mà kỹ xảo hạng bét còn tên thì thần thánh kiểu Cá mập siêu bạo chúa… rất nhiều trên mạng). Nhưng điều đó không làm Oscar lu mờ. Hoặc ngược lại, những bộ phim bom tấn ở Trung Quốc, từ Kiến đảng vĩ nghiệp cho đến Sát phá lang 2, dù toàn dân TQ đi xem tự hào rần rần, thì doanh thu ở thị trường quốc tế vẫn lẹt đẹt, Trung Quốc chả lên thêm chân kính nào.
Phim là phim. Dù thành công hay thất bại đến mấy, thì nó vẫn cần được nhìn nhận là một tác phẩm nghệ thuật. Nếu gọi một bộ phim là rác, vì nó trái với các hiển thị văn hóa truyền thống của một quốc gia, thì về cơ bản thế giới sẽ không có điện ảnh phim truyện mà chỉ có phim tài liệu. Tức là không có sáng tạo, suy tưởng, cường điệu, mà chỉ có ghi nhận chân xác.
Tương tự, chỉ Trung Quốc mới đưa ra khái niệm “phong sát” – điều mà thủy tổ của họ Tần Thủy Hoàng đế đã từng làm, đốt sách chôn nho, gây ra sự tổn hại khủng khiếp về tri thức mà hàng nghìn năm sau Trung Quốc vẫn phải trả giá.
Phong sát không có từ tương đương trong tiếng Việt (may quá). Nó là việc loại bỏ một con người một nghệ sĩ, một cách toàn diện và triệt để. Họ bị xóa toàn bộ các tác phẩm từng tham gia, vĩnh viễn không được xuất hiện trước công chúng dù trên truyền thông hay mạng xã hội, và đương nhiên là chấm dứt hoạt động nghệ thuật.
Đó là cách hành xử cực kỳ tàn bạo và vô lý, mà xuất phát điểm của nó, có lẽ chính từ việc có thể cảm tính phán xét một bộ phim với lý do “không phù hợp văn hóa”.
Bởi vì cái đúng của hôm nay, không thể chắc chắn là cái đúng của trăm năm trước, trăm năm sau.
Oscar Wilde từng bị nhục mạ, thậm chí đi tù 2 năm khổ sai vì đồng tính.
Lev Tolstoy là người phóng đãng và cờ bạc ngập ngụa.
Woody Allen – cái tên lừng lẫy của điện ảnh thế giới, ngay chính lúc này vẫn đang phải đối mặt với cáo buộc ấu dâm con gái nuôi (sự việc đã bị nạn nhân tố cáo từ lâu, và đang nóng lên với series phim tài liệu mới công chiếu của HBO).
Những xấu xa trong đời tư của nghệ sĩ, có là lý do thỏa đáng để các tác phẩm nghệ thuật của họ bị xóa sổ vĩnh viễn không? Quản lý con người của nghệ sĩ, trừng phạt họ như bất kỳ con người nào, có đồng nghĩa với trừng phạt các vai diễn, các bản nhạc, các bức tranh mà họ đã sáng tạo nên?
Cá nhân tôi không tiếc vì phim Vị “chuyển quốc tịch” Singapore để được đến với công chúng. Không sao, ngay cả rồi đây nó trở nên nổi tiếng lừng lẫy, thì Việt Nam cũng không vì thế mà sáng hơn, hay ngược lại, tối đi.
Điểm mấu chốt, là phim Vị không đại diện cho Việt Nam, kể cả có được cấp phép bởi Việt Nam đi chăng nữa. (“Đại diện” – vẫn lại là một khái niệm rất cảm tính).
Câu chuyện ở đây, là một tư duy rạch ròi của người làm chính sách, và của cả công chúng. Bởi nếu không thì chúng ta sẽ tự phong sát chính mình mất thôi.
Bạn nên đọc:
Top 10 phim ma Việt Nam hay và đáng xem nhất
Mùi Đu Đủ Xanh và một Việt Nam đẹp đến nao lòng trong từng thước phim
–
MENBACK.COM