Dù bao năm tháng trôi qua, Mùi Đu Đủ Xanh vẫn xứng đáng là bộ phim tuyệt đẹp mà ai cũng nên thưởng thức một lần trong đời.
Năm 1993, tại nước Pháp, đạo diễn Trần Anh Hùng đã xin phép cơ quan ở Việt Nam để bộ phim đầu tay của mình đi tranh cử ở Oscar. Và rồi Mùi Đu Đủ Xanh được chính thức xướng tên tại lễ trao giải Oscar cho hạng mục ”Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”. Gần 30 năm trôi qua, bộ phim này vẫn là câu chuyện giản dị nhưng đậm chất Việt Nam được khắc họa một cách ấn tượng nhất.
Nội dung của Mùi Đu Đủ Xanh nếu tóm lược thì nghe có vẻ khá đơn giản: Chuyện kể về cô bé Mùi năm 10 tuổi đến giúp việc cho một gia đình buôn vải. Khi trưởng thành, Mùi lại đến nhà cậu Khuyến – một nghệ sĩ dương cầm, để làm giúp việc. Khuyến cũng chính là chàng trai khiến cô bé Mùi rung động từ những lần gặp đầu tiên. Trải qua một thời gian, Mùi tìm được tình yêu của mình và trở thành vợ Khuyến.
Có một Việt Nam rất thơ từ thước phim của Trần Anh Hùng
Toàn bộ phim Mùi Đu Đủ Xanh được quay ở Pháp, đạo diễn và nhà sản xuất đã xây dựng một phim trường, tái hiện khung cảnh Sài Gòn Việt Nam những năm 1950 thế kỉ XX. Nhưng dù là thế thì bức tranh về Việt Nam vẫn hiện lên vô cùng chân thực trong từng thước phim Mùi Đu Đủ Xanh. Các nhân vật trong phim đều rất kiệm lời, luôn đi đứng, nói năng từ tốn, lịch sự. Những thước phim cũng được quay với màu sắc trong trẻo, nhẹ nhàng. Từng góc máy, khung hình đều được chăm chút tỉ mẩn, khai thác sâu đến mức những chi tiết như một chú ếch nằm trên phiến lá sau mưa, những con kiến mắc kẹt trên sáp nến đã chảy đều được khắc họa chi tiết. Tất cả cụ thể, chân thực và chi tiết đến mức khiến người ngồi sau màn hình cũng phải thốt lên sao mà giống đời thường quá rồi mỉm cười thích thú.
Mùi Đu Đủ Xanh xoay quanh câu chuyện về cuộc đời của Mùi. Và ở trong thế giới, không gian sống của Mùi, các nhân vật khác cũng được khắc họa, họ hiện lên với những hành động, cử chỉ ”rất Việt Nam”.
Đó là cậu nhóc Tín, thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình Mùi làm giúp việc. Cậu nhóc tinh nghịch, luôn thích bắt nạt Mùi, muốn cho cô bé phải chú ý đến mình. Từng hành động, cử chỉ của cậu cho ta cảm giác Tín rất cô đơn và mong muốn được ai đó quan tâm, chú ý đến mình. Hay như Trung, một nhân vật xuất hiện từ đầu phim nhưng lại rất mờ nhạt. Thực tế, Trung xuất hiện trong cảnh sinh hoạt cùng với các thành viên trong gia đình không ít, nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Nỗi khổ tâm của mẹ, sự buồn bã của cậu em hiểu chuyện, sự cô đơn của đứa em út là Tín… những điều đó Trung không bao giờ nhìn thấy và hiểu được.
Chúng ta còn thấy được một bà giúp việc lớn tuổi, luôn sắp xếp, làm việc một cách chu toàn nhưng cũng không quên quan tâm cô bé nhỏ là Mùi. Bà dạy Mùi cách xào rau sao cho ngon, vì thương Mùi còn nhỏ mà sáng sớm để cô bé ngủ thêm tí nữa… Thêm một nhân vật mà nếu không nhắc đến mình sẽ cảm thấy thật nuối tiếc, đó là cụ ông hay nói chuyện với Mùi, hỏi thăm bà nội có khỏe không. Ông không cần được nhìn thấy bà, chỉ cần biết từ Mùi rằng bà vẫn khỏe thì đã vui mừng lắm, liên tục nói:”Tốt quá rồi”. Có lẽ, ông lão là người ngày xưa đã thầm thương trộm nhớ bà nội và dù không được nhìn thấy, không bên cạnh thì bao năm vẫn thương, vẫn đơn giản là mong bà luôn khỏe mạnh. Tất cả các nhân vật, xuất hiện với lời thoại không nhiều, từng cử chỉ, hành động cũng khác nhau nhưng chính họ đã tạo nên một bức tranh thu nhỏ, bức tranh về con người, xã hội Việt Nam.
Và những người phụ nữ, vẫn luôn thủy chung đến thế
Trong phim có sự xuất hiện của 5 người phụ nữ thì có đến 3 nhân vật tồn tại một điểm chung: Khác nhau về thế hệ nhưng đều một lòng chung thủy với người chồng, người mình yêu. Đầu tiên là nhân vật bà nội, cả một bộ phim chúng ta chỉ nghe thấy được một hai lời thoại của bà, và không gian xuất hiện của nhân vật này chỉ duy nhất ở căn gác. Từ khi ông nội mất, bà dành những năm tháng còn lại trong cuộc đời mình ở căn gác, ngày đêm tụng kinh cho ông nội. Khi con trai của bà một lần nữa bỏ nhà ra đi, bà cũng chỉ trách người con dâu tần tảo: ”Đó là lỗi tại cô, nếu mà cô biết chuyện của nó thì nó đã không đi”. Tư tưởng người phụ nữ phải thủy chung với chồng, phải giỏi quán xuyến mọi việc trong gia đình dường như đã ăn sâu vào trong tiềm thức của bà nội.
Tiếp đến là nhân vật bà chủ. Có lẽ đây là nhân vật khiến người ta yêu mến và cũng thương cho số phận của bà thật nhiều. Bà chủ phải quán xuyến hết mọi việc trong gia đình, dù trong nhà có người làm nhưng việc cơm nước cho chồng và mẹ chồng bà vẫn tự nguyện làm. Vất vả, lo toan là thế nhưng người chồng thì năm lần bảy lượt bỏ nhà ra đi mang theo hết tiền bạc, của cải. Ấy vậy mà, lần nào ông ấy trở về, bà chủ cũng đều tha thứ. Cứ thế, cuộc đời của bà chủ là một vòng lặp đau khổ khi chồng bỏ đi, tha thứ khi ông ta trở về cho đến lần cuối cùng, vì bạo bệnh, người chồng không thể bỏ đi được nữa thì vòng tròn ấy mới kết thúc. Bối cảnh phim là giai đoạn Việt Nam những năm 50 của thế kỷ trước nhưng có lẽ trong chính đời sống hiện tại, ta vẫn bắt gặp hình ảnh của bà chủ trong cuộc đời thực. Sự thủy chung, vị tha hay còn là sự cam chịu, nhẫn nhịn này vừa khiến người ta thương nhưng cũng thật giận.
Còn nhân vật Mùi thì sao. Dù năm 10 tuổi hay năm 20 tuổi thì tình cảm, sự rung động của cô bé Mùi duy nhất chỉ dành cho Khuyến. Trong phim, 2 lần Mùi mặc bộ quần áo đẹp nhất cũng đều có sự chứng kiến của Khuyến. Mùi của năm 20 có khoác lên mình một bộ quần áo khác, tô thêm chút son đỏ thì trái tim vẫn hướng về Khuyến, thậm chí là năm 20 tình cảm còn mãnh liệt hơn. Những món ăn tỉ mẩn, khéo léo mà Mùi làm cho Khuyến có đơn thuần là công việc của người giúp việc? Chỉ có tình yêu, sự săn sóc mới khiến một cô gái chăm chút và kì công đến như thế.
Dưới góc nhìn học thuật, xã hội Việt Nam trong Mùi Đu Đủ Xanh hiện lên thế nào?
Có thể dễ dàng thấy bộ phim đầu tay của đạo diễn Trần Anh Hùng được chia ra làm hai phần: Khi Mùi 10 tuổi và khi 20 tuổi. Các chi tiết trong phim cũng được lặp lại trong hai thời điểm này: Đầu tiên là Mùi, 10 năm trước hay 10 năm sau cô vẫn là người ở, chi tiết ngồi gọt đu đủ vẫn lặp lại. Theo thời gian, người đàn ông trong phim vẫn thảnh thơi, chơi bời, trước là người ba của Trung sau lại là chính anh. Trước, mẹ của Trung – bà chủ lo toan mọi việc thì sau người đảm nhiệm trách nhiệm đó là vợ Trung. Trong phim cũng có 2 người đàn ông phản bội ở hai thời điểm. Trước là chồng của bà chủ nhà, sau là Khuyến phản bội lại hôn thê. Nếu như 10 năm trước bà nội ở gác tụng kinh thì 10 năm sau, bà chủ lại làm việc này như kế thừa một sứ mệnh, trọng trách… Và còn rất nhiều chi tiết khác được lặp lại ở nửa sau của Mùi Đu Đủ Xanh.
Và để rồi đằng sau sự lặp lại một cách hệ thống và đầy ẩn ý đấy, chúng ta dần khám phá ra được luận đề, tức thông điệp, ý nghĩa mà đạo diễn Trần Anh Hùng muốn gửi gắm vào bộ phim. Đây là bộ phim lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ trước, có thể thấy ở thời điểm này tư tưởng phong kiến vẫn còn tồn tại trong xã hội khi người đàn ông có thể tự do tự tại còn trách nhiệm quán xuyến nhà cửa lại nằm ở người phụ nữ.
Bộ phim cũng cho thấy sự du nhập của văn hóa, hệ ý thức phương Tây đã một phần nào tác động đến nhận thức của con người. Minh chứng cho điều này chính là vị hôn thê của Khuyến. Cô thích xoa đầu người yêu và xem đó là hành động thể hiện sự yêu thương mặc dù mẹ cô đã dạy rằng phụ nữ không được xoa đầu chồng. Và khi bị phản bội, cô thể hiện sự kháng cự và bày tỏ những cảm xúc thật của mình thay vì kìm nén và chấp nhận như bà chủ của Mùi.
Về phần Mùi, từ cô bé đi giúp việc, Mùi cuối cùng cũng cưới người mà bấy lâu nay mình thầm thương, có điều kiện vô cùng tốt. Câu chuyện của Mùi thật viên mãn và tròn đầy làm ta chợt hiểu đến nhan đề Mùi Đu Đủ Xanh. Tất cả ở đây đều chỉ sự vừa đủ, đủ chứ không cần quá nhiều, cuộc sống của Mùi cũng vậy. Nhưng liệu những tháng năm sau này, Mùi có phải gánh vác mọi việc trong gia đình, về sau có ngồi tụng kinh nơi gác xép giống 2 người phụ nữ trước hay không thì vẫn chưa biết được.
Vẫn là bộ phim mãi đẹp cùng tháng năm
Dẫu sao thì những thông điệp, hiện thực được nói ở trên cũng chỉ là sự phản ánh chân thật của thời đại. Xem Mùi Đu Đủ Xanh, mỗi người vẫn không thể phủ nhận và ấn tượng bởi cái trong trẻo, mát lành của từng thước phim. Thậm chí ở bộ phim này, khán giả còn chứng kiến một hình ảnh rất mới: Khuyến dạy cho Mùi viết chữ. Đây là một hành động cho thấy sự tiến bộ trong nhận thức của Khuyến. Và với những ai xem phim, hình ảnh anh chàng Khuyến ngồi đọc sách, bên cạnh là người thương đang tỉ mẩn viết từng nét là hình ảnh thật thơ, thật đẹp in đậm trong tâm thức mỗi người.
Gần 30 năm sau hay cho dù bao năm tháng trôi qua, Mùi Đu Đủ Xanh vẫn xứng đáng là bộ phim mà ai cũng nên thưởng thức một lần trong đời.
Mình có tìm được một bản phim Mùi Đu Đủ Xanh full chất lượng rất đẹp, các bạn xem vui vẻ nhé:
https://youtu.be/sYv9Oxsrwsg
Phim Mùi Đu Đủ Xanh
- Năm phát hành: 1993
- Biên kịch/Đạo diễn: Trần Anh Hùng
- Diễn viên chính: Trần Nữ Yên Khê: Mùi năm 20 tuổi; Lư Mẫn San: Mùi năm 10 tuổi; Vương Hoa Hội: Khuyến.
- Âm nhạc: Tôn Thất Tiết
- Giải thưởng: giải camera vàng tại Liên hoan phim Cannes 1993, giải César cho phim đầu tay hay nhất và được đề cử cho giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 66
Có thể được quan tâm bởi: mùi đu đủ xanh review hoặc mùi đu đủ xanh phimmoi.
Xem thêm:
- Top 10 phim ma Việt Nam hay và đáng xem nhất
- 15 bộ phim đề tài chiến tranh Việt Nam sống mãi với thời gian
- Review phim Tiệc Trăng Máu: cuộc sống tốt đẹp bởi có những bí mật được giấu kín
–
MENBACK.COM