Menback xin được đăng lại những chia sẻ của blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long, review bộ phim Điều cha mẹ không kể (Romang 2019).
Điều cha mẹ không kể (Romang) “Xem xong ám ảnh vài năm là ít”
Đây là bộ phim đỉnh cao nhất trong số các phim về tâm lý tình cảm mà cô giáo từng xem. Có thể nói là tuyệt phẩm.
Nó hay ở chỗ không cần phải lên gân, không cần phải giáo điều, nhưng coi rồi ai cũng thấm.
Chẳng thế mà khán giả ngồi trong rạp cứ khóc như mưa. Có người thút thít, có người khóc nấc, khóc tu tu thành tiếng.
Cũng chẳng sao nhỉ, điều đó cho thấy sâu thẳm trong tim mỗi người chúng ta vẫn luôn tràn ngập yêu thương.
À, cô giáo coi phim này không hề khóc nhé. Vì hết 1/3 khúc đầu phim cứ tưởng đây là tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ cuốn “Hãy chăm sóc mẹ” cơ? Quen quá là quen luôn. Mà hồi đọc cuốn đó đã khóc hết nước mắt mất rồi.
Xem phim này rất dễ nổi da gà vì tự thấy mình tội lỗi. Bất kể bạn là ai, với vai trò gì: là chồng, là con, là cha, là ông, là vợ hay là mẹ. Ai cũng là người có lỗi, và ai cũng không có lỗi. Thế mới thực sự là bi kịch.
Và cái bi kịch đấy, đã đang và sẽ xảy ra với tất cả mọi gia đình, ở tất cả mọi quốc gia chứ chẳng riêng gì Hàn Quốc. Bạn không trốn được. Nó luôn ở đó và hiện hữu, chỉ là có dám đối mặt và chấp nhận hay không.
Trên đời này chẳng có chuyện gì không thể giải quyết, trừ mâu thuẫn trong mỗi gia đình. Mà mâu thuẫn đó, lại đến từ sự yêu thương, vậy giải quyết thế nào?
Review phim: Điều cha mẹ không kể (Romang 2019)
Hình ảnh bà mẹ, và sau đó ông bố bị mất trí khiến cô liên tưởng đến câu chuyện trong “Hãy chăm sóc mẹ”. Hình ảnh vợ chồng già viết giấy giao tiếp với nhau chờ khi người kia “có trí nhớ quay trở lại” thì giống hệt phân đoạn bà cháu trong “The Way Home”:
“Vì bà không biết chữ nên nếu bà ốm, chỉ cần gửi cho cháu một tờ giấy trắng, cháu sẽ biết là bà có chuyện”.
Hình ảnh người mẹ ngờ nghệch mắc bệnh thần kinh nhưng tỉnh táo lạ kỳ khi nghe tiếng gọi của con thì giống phân đoạn kinh điển của “Mother love me once again”.
Nói chung, Romang chứa đựng trong đó tất cả những gì xúc động nhất, ám ảnh nhất, quặn thắt nhất của các tác phẩm tình cảm gia đình mà cô đã từng xem. Thế nên cảm xúc lúc nào cũng ở trạng thái trực trào.
Nhưng Romang xuất sắc ở chỗ, dù ngập ngụa trong bi kịch nhưng màu sắc phim không hề u tối. Nhiều người nói rằng coi phim thấy bế tắc là vì họ không bắt được thông điệp cực kỳ nhân văn mà đạo diễn khéo léo truyền tải trong phim, đó là chiếc xe cũ kỹ.
Chiếc xe là hiện thân của “gia đình”, và nó cũng là ẩn dụ chứa đựng mọi bi kịch của gia đình.
Chiếc xe là nguồn cơn khiến hai vợ chồng phải mất con và người vợ âm thầm căm ghét người chồng.
Chiếc xe – hay một mái ấm gia đình, bảo bọc yêu thương là ước mơ, hoài bão của người chồng khi còn trẻ. Từ lúc yêu nhau, tới khi cưới vợ, có con, ông đều quyết tâm và nỗ lực không ngừng để thực hiện điều này.
Chiếc xe, là nơi người bà mất trí trở về sau khi đi lạc và hù doạ khiến con dâu mất trí.
Chiếc xe, là phương tiện người bố chồng chở con dâu và cháu nội chạy trốn về nhà ngoại.
Chiếc xe, là gia đình, nên có hư có cũ có hết hạn sử dụng thì phải sửa chữa nó, chứ không được vứt đi như lời người ông tâm sự.
Và cuối cùng, chiếc xe ấy là mái ấm che chở cho đôi vợ chồng già mất trí. Dù người chồng có gắng sức đạp ga lên tới 120km/giờ thì người vợ cũng không thể chết. Bà chỉ ngã xuống, khi dò dẫm ra khỏi xe, về với biển, và không có chồng bên cạnh.
Ai cũng có một chiếc xe, ai cũng có một gia đình, và hai chữ thiêng liêng ấy là lời giải cho những tận cùng bi kịch của Romang.
Sẽ có lúc đong đầy nghĩa trọn.
Cao xanh kia nguồn ngọn tỏ tường.
Gia đình tràn ngập yêu thương.
Thờ cha kính mẹ canh trường gió sương
Nguồn: Nguyễn Ngọc Long