Con người là loài yêu thích những câu chuyện kể, bị hấp dẫn và thu hút bởi những thứ viễn tưởng ly kỳ. Đây vốn là thứ có đầy rẫy trong các giả thuyết ngụy khảo cổ, và kẻ kể về những “bí mật của lịch sử” lại còn biết cách thêm thắt cho câu chuyện của mình.
Nhô lên nổi bật giữa nền cát vàng mênh mông trơ trọi của cao nguyên Giza, quần thể các Kim tự tháp ở Thung lũng các Vua từ lâu đã trở thành hình ảnh biểu trưng cho đất nước Ai Cập huyền bí. Đây không chỉ là điểm đến du lịch nổi tiếng, còn đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học. Với chiều cao gần 150m và chiều dài cạnh đáy lên đến 230m, lăng mộ của vua Khufu (hay Đại Kim tự tháp Cheops) là Kim tự tháp lớn nhất trong cả quần thể, cũng là Kỳ quan Thế giới Cổ đại duy nhất còn sót lại hiện nay. Được cấu thành bởi hơn hai triệu khối đá vuông vức có trọng lượng từ 2,5 – 15 tấn, không quá ngạc nhiên khi nó vẫn đứng vững dù đã được xây dựng từ hơn 4.500 năm trước. Nhưng câu hỏi là, vào thời điểm 2.500 năm TCN, làm sao con người với các công cụ thô sơ lại đủ sức dựng nên một công trình to lớn như thế?
Những kiến trúc sư ngoài Trái Đất, hay câu chuyện của những kẻ bịp bợm?
Lùi về thời điểm khoảng 4, 5 thập kỷ so với hiện tại, khi đó các học giả vẫn đang vò đầu bứt tóc trước cách thức những khối đá to lớn nặng nề được vận chuyển và xếp thành một công trình vuông vức khổng lồ. Nhưng trong cuốn sách mang tên “Chariots of the Gods? Unsolved Mysteries of the Past” (Tạm dịch: Cỗ xe của các vị thần? Những bí ẩn chưa giải đáp của quá khứ), tác giả người Thụy Sĩ Erich von Däniken đã đưa ra một giả thuyết hết sức hấp dẫn và hợp thời: người Ai Cập cổ đại đã được người ngoài hành tinh mang đến một công nghệ tân tiến, giúp họ xây dựng nên các Kim tự tháp đồ sộ.
Theo Erich, đó không phải trường hợp duy nhất những “phi hành gia cổ đại” tham gia vào việc kiến tạo nền văn minh nhân loại. Cuốn sách còn liệt kê một loạt các công trình có quy mô lớn nằm rải rác ở nhiều nơi trên thế giới, mà theo ông là không thể được tạo ra chỉ bằng sức người đơn thuần, hay chí ít là với trình độ khoa học kỹ thuật hạn chế trong quá khứ. Để củng cố giả thuyết của mình, Erich còn chỉ ra sự phổ biến của những món đồ tạo tác mô tả hình ảnh “sứ giả nhà trời” ở nhiều nền văn minh khác nhau, lấy đó làm bằng chứng cho sự tiếp xúc thường xuyên giữa con người với người ngoài hành tinh trong lịch sử.
Dù chưa thống nhất quan điểm và chưa đưa ra được giả thuyết chung đủ sức thuyết phục nào, các học giả chính thống đều có cùng thái độ phản đối và chỉ trích mạnh mẽ tác phẩm của Erich, kể cả khi nó nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ phía đại chúng. Mãi cho đến gần đây, manh mối khả dĩ cho câu đố về Kim tự tháp mới được tìm thấy. Các nhà khảo cổ đã khai quật được dấu tích của một hệ thống dốc nghiêng đắp bằng đất, hai bên rìa có dạng bậc thang, còn ở giữa là mặt phẳng với nhiều lỗ để cắm các cọc gỗ tròn. Các cọc này đóng vai trò giống như ròng rọc, là điểm tựa giúp công nhân có thể dùng dây thừng kéo và đưa các tảng đá nặng nề vào vị trí một cách tương đối dễ dàng.
Trước đó, giả thuyết của Erich về sự can thiệp của trí tuệ ngoài Trái Đất trong việc tạo ra các hình vẽ Nazca (quần thể gồm hơn 1.000 hình vẽ nằm trên cao nguyên Nazca thuộc Peru, có niên đại hơn 2.000 năm trước. Chúng chủ yếu là các đường thẳng, các dạng hình học và một số ít mô tả các loài động vật. Các hình vẽ có kích thước khá lớn với chiều dài từ 15-350m, cá biệt có hình vẽ đường thẳng kéo dài đến gần 50km) cũng bị phủ nhận hoàn toàn dựa trên các bằng chứng khảo cổ xác đáng. Một học giả thậm chí còn chế tạo thành công mô hình khí cầu +thực sự bay được chỉ bằng các nguyên vật liệu thô sơ sẵn có, với giả thuyết rằng người Nazca đã nhờ vào phương tiện này để hỗ trợ cho việc quan sát trên không trong khi tạo ra các hình vẽ. Nhưng kể cả khi họ không sử dụng đến khí cầu, việc nối những đường kẻ với khoảng cách lớn trên mặt đất cũng có thể được thực hiện đơn giản chỉ bằng phương pháp sử dụng dây thừng kết hợp với các cọc gỗ cắm trên mặt đất làm mốc ngắm.
Dù có thể không thực sự tái hiện chính xác hoàn toàn cách các công trình to lớn được tạo ra trong quá khứ, các giả thuyết trên vẫn cho thấy chúng không hề phức tạp đến mức phải nhờ tới sự trợ giúp của bất kỳ thế lực siêu nhiên hoặc trí tuệ ưu việt ngoài Trái Đất nào. Tuy nhiên khi xét trên tổng thể, số lượng các giả thuyết và diễn giải về sự xuất hiện, tiếp xúc và giúp sức của người ngoài hành tinh, sự hình thành và biến mất đột ngột của các nền văn minh cổ xưa có trình độ phát triển xã hội tiên tiến và phức tạp hoặc đại loại thế… là cực kỳ nhiều, đến mức chúng tôi không thể (và cũng không có ý định) liệt kê và giải ảo toàn bộ nội trong bài viết này; dù là theo cách vắn tắt như với Kim tự tháp Ai Cập và các hình vẽ ở Nazca nêu trên. Thay vào đó, chúng tôi sẽ đi vào tìm hiểu về sự xuất hiện cũng như tác động của những câu chuyện theo motif “mãi mãi là bí ẩn”.
Những câu chuyện lịch sử hoặc cách lý giải quá khứ theo hướng siêu nhiên, thần bí hoặc nhuốm màu huyễn tưởng này được gọi chung là “ngụy khảo cổ học” (pseudoarchaeology). Cũng như các ngành ngụy khoa học khác, các giả thuyết ngụy khảo cổ đều không đáp ứng các nguyên tắc nghiên cứu học thuật chính thống. Bằng cách phóng đại, ngụy tạo số liệu và bằng chứng, đưa ra kết luận dựa trên các đồ tạo tác đơn lẻ đã bị tách khỏi bối cảnh lịch sử cụ thể, hay thậm chí chỉ trưng ra các chứng cớ có lợi cho giả thuyết hoặc tiền giả định của mình, tác giả các giả thuyết ngụy khảo cổ dù bị giới chính thống chỉ trích và bài xích, vẫn có thể tạo ra những câu chuyện có sức hấp dẫn đặc biệt lớn đối với công chúng, từ đó phát tán rộng rãi những niềm tin sai lệch và phản khoa học.
Vì sao con người tin vào những điều không có thật?
Theo số liệu khảo sát về Những nỗi sợ của người Mỹ (Survey of American Fears) do Đại học Chapman, California thực hiện năm 2018, rất nhiều người Mỹ tin vào các hiện tượng siêu nhiên dị thường (paranormal). Trong đó, có đến 57% số người được hỏi tin vào sự tồn tại của các nền văn minh tiên tiến giống với Atlantis trong quá khứ, 41% đồng ý với quan điểm người ngoài hành tinh đã từng ghé thăm Trái Đất và 35% còn cho rằng họ sẽ quay lại hành tinh của chúng ta trong tương lai, hơn 20% tin rằng Bigfoot là một sinh vật có thật.
Nếu có điều gì đáng lo ngại hơn thực trạng một bộ phận đáng kể dân số Mỹ tin vào những điều vô căn cứ đã bị khoa học bác bỏ kể trên, thì đó là việc những con số thống kê này lại cao hơn so với kết quả khảo sát trước đó vào năm 2016. Một trong những nhân tố quan trọng đằng sau chiều hướng gia tăng này chính là các phương tiện truyền thông, với hàng loạt sách báo, chương trình truyền hình và đặc biệt là Internet, đã làm phát tán và lan truyền những thông tin huyễn hoặc về người ngoài hành tinh, tận thế và nhiều huyền thoại thời hiện đại khác.
Trong những năm đầu sự nghiệp, Erich đã từng vào tù vì tội lừa đảo, giả mạo và tham ô. Tuy vậy, sau khi được xuất bản vào năm 1968, quyển “Chariots of the God?” của ông vẫn nhanh chóng trở thành đầu sách bán chạy tại Mỹ, châu Âu và được dịch ra nhiều ngôn ngữ, với doanh số hơn 70 triệu bản tính đến năm 2017. Sức ảnh hưởng của nó lớn đến nỗi đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim hoặc tiểu thuyết khoa học viễn tưởng khác. Tựa sách này cũng tạo đà cho xu hướng xuất bản hàng loạt các đầu sách và cả chương trình truyền hình với nội dung nói về người ngoài hành tinh và nhiều giả thuyết ngụy khảo cổ học khác. Trong số đó có thể kể đến series ăn khách “Ancient Aliens”, đã phát sóng được 15 mùa tính từ năm 2009, trong đó chính Erich từng giữ vai trò nhà sản xuất và được chi trả cho rất nhiều tập phim lấy nội dung từ quyển sách của mình.
Đây không phải là hiện tượng đơn lẻ mới xuất hiện. Cuốn sách của Erich vốn có thể đã được truyền cảm hứng từ những tác phẩm khoa học viễn tưởng về chủ đề người ngoài hành tinh trước đó, ví dụ mẩu truyện dài kỳ “Edison’s Conquest of Mars” (Cuộc chinh phục sao Hỏa của Edison) của tác giả Garrett P. Serviss rất được yêu thích trong những năm cuối thế kỷ XIX. Bản thân câu chuyện này lại là tác phẩm ăn theo sự thành công của tiểu thuyết “The War of the Worlds” (Chiến tranh giữa các Thế giới) do nhà văn Anh H. G. Wells sáng tác cách đó không lâu. Nói cách khác, sức thuyết phục của những giả thuyết ngụy khảo cổ, từ đầu có lẽ đã được bảo chứng khi có nội dung bắt chước những câu chuyện khoa học viễn tưởng ly kỳ được đông đảo công chúng đón nhận.
Nhưng chính xác thì tại sao lại có nhiều người tin vào các giả thuyết phi lý sặc mùi giả tưởng của ngụy khảo cổ học đến thế?
Về cơ bản, con người là loài yêu thích những câu chuyện kể, bị hấp dẫn và thu hút bởi những thứ viễn tưởng ly kỳ. Đây vốn là thứ có đầy rẫy trong các giả thuyết ngụy khảo cổ, và kẻ kể về những “bí mật của lịch sử” lại còn biết cách thêm thắt cho câu chuyện của mình.
Xét trên bản chất của khoa học nói chung và việc tìm hiểu lịch sử nói riêng, các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực này chủ yếu làm việc với những thứ không chắc chắn. Tái hiện lịch sử giống như chơi trò ghép hình mà không biết có tất cả bao nhiêu mảnh ghép và hình ảnh cuối cùng thực sự trông ra sao. Quá nhiều bằng chứng phải thu thập và các giải thuyết phải kiểm tra. Lịch sử (và toàn bộ khoa học) thực sự không phải lúc nào cũng là những câu chuyện lý thú và đơn giản dễ hiểu, mà chủ yếu xoay quanh quá trình nghiên cứu phức tạp tốn nhiều thời gian công sức, trong đó đa phần lại là những công việc buồn chán lặp đi lặp lại.
Nhưng các giả thuyết ngụy khảo cổ thì không. Chúng đưa ra những kết luận rất chắc chắn và những lý giải đơn giản, có thể lập tức đáp ứng sự tò mò và quỹ thời gian hạn chế của phần đông đại chúng. Những công trình cổ đại kỳ vĩ dường như nằm ngoài khả năng của sức người; vậy thì hãy để người ngoài hành tinh làm điều đó. Bám vào giả thuyết duy nhất này, điều cần làm tiếp theo chỉ còn là việc bẻ cong các bằng chứng cho hợp với cái khuôn của sự thần bí. Sự đoan chắc và quả quyết của các giả thuyết này cũng chính là cú gãi đúng vào chỗ ngứa mang tên “hiếu kỳ” của đại chúng.
Đó là điểm mấu chốt mà các chương trình TV hay radio có thể khai thác để thu hút được lượng người theo dõi đông đảo, trong khi vẫn đảm bảo không đi ngược lại những quan điểm chính thống được giới học thuật đồng thuận. Trong phần lớn thời lượng, các chương trình được thiết kế để nêu ra những câu hỏi và giả thuyết thần bí, đưa người theo dõi đắm chìm vào những cuộc phiêu lưu viễn tưởng. Chỉ đến những phút cuối cùng, các chuyên gia mới được viện tới, trình bày các kết luận ngắn gọn để bác bỏ những nội dung ly kỳ kịch tính trước đó. Chương trình vẫn đảm bảo được sự thật lịch sử, trong khi người theo dõi lại bị thu hút bởi những giả thuyết ngụy khoa học hấp dẫn và lôi cuốn.
Một nguyên nhân khác, có lẽ là sự khó tiếp cận của kiến thức khoa học thực thụ so với sự tràn lan của những thứ được đơn giản hóa để phù hợp với số đông đại chúng. Các thuật ngữ phức tạp lẫn việc các công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí học thuật chuyên ngành yêu cầu mức phí đăng ký (subscription) đáng kể để truy cập, thực sự là những trở ngại rất lớn. Chúng khiến những phát hiện và bước tiến của khoa học chính thống nói chung trở nên lép vế trong cuộc đối đầu với những thông tin không chính xác hoặc thậm chí là ngụy tạo, vốn có thể tìm thấy dễ dàng chỉ sau vài cú click chuột. Điều đó có thể giải thích cho sự tồn tại dai dẳng của những niềm tin sai lệch dù đã được giới chuyên môn bác bỏ từ lâu. Tất nhiên ngay cả khi chúng được tự do truy cập, cũng không hấp dẫn với đại chúng, lại càng không phù hợp do ngay từ đầu mục đích đã không nhằm hướng đến đại chúng.
Sự thiếu hụt kiến thức cơ bản và các khung lý luận nền tảng của khoa học cũng là lý do khiến đại chúng khó nhận ra sự phi lý của những điều thần bí. Trong cuốn sách “The Demon-Haunted World: Science as a Candle in the Dark” (Thế giới bị quỷ ám: Khoa học như ngọn nến trong đêm), nhà khoa học có sức ảnh hưởng lớn của thế kỷ XX – Carl Sagan, đã đưa ra một “bộ công cụ phát hiện những điều nhảm nhí” (the baloney detection kit), trong đó có “lưỡi dao cạo Occam”. Còn được biết đến với tên gọi “Luật tối giản” (Law of Parsimony), đây là một nguyên tắc được dùng trong việc đề ra các giả thuyết khoa học, nói rằng nếu có hai cách giải thích cho cùng một vấn đề, hãy chọn cách đơn giản hơn. Càng có ít giả định và điều kiện, giả thuyết lại càng có khả năng chính xác cao. Có lẽ những người tin vào các câu trả lời “đơn giản”, quy mọi sự thật lịch sử phức tạp cho bàn tay của các thế lực siêu nhiên đã có sự nhầm lẫn đáng kể về tính đơn giản đang đề cập ở đây.
Ví dụ, biết rằng việc chủ đích làm biến dạng hộp sọ là một thực hành khá phổ biến trong lịch sử và có mặt ở nhiều nền văn hóa, sẽ hợp lý và dễ dàng liên hệ đến nguyên nhân con người hơn khi tìm thấy các hộp sọ dẹp, bị kéo dài hoặc có dạng hình nón. Trong khi đó, cho rằng chúng thuộc về người ngoài hành tinh lại làm phát sinh hàng loạt vấn đề phức tạp khác cần chứng minh, ví dụ phương tiện di chuyển, bằng chứng về sự tiếp xúc, hoặc ít nhất là văn thư cổ ghi nhận việc mai táng các sinh vật lạ… Như chuyện người ngoài hành tinh xây Kim tự tháp, vốn là một câu trả lời đơn giản, nhưng việc chứng minh sự tồn tại của người ngoài hành tinh lại vô cùng phức tạp. Hay ở trường hợp của thuyết âm mưu “đặt chân lên mặt trăng là giả”, tìm chứng cứ chứng minh đó là giả thực ra khó hơn việc chứng minh nó là thật.
Khi những câu chuyện không chỉ để giải trí.
Ngoài tính hệ thống và quy mô lịch sử rộng lớn hơn, sự giúp sức của người ngoài hành tinh hay sự tồn tại của lục địa Atlantis thực sự có gì khác so với những hiện tượng đơn lẻ được ngụy tạo về người khổng lồ hoặc các vòng tròn trên đồng ruộng? Tại sao không thể đơn giản xem đó chỉ là những câu chuyện viễn tưởng mang tính giải trí thuần túy, hoặc cách giải thích thay thế để tạm thời lấp đầy sự tò mò và bất an cố hữu của con người trước những bí ẩn về quá khứ mà khoa học chưa thể trả lời?
Trục lợi là lý do dễ thấy nhất đằng sau bất cứ thứ ngụy tạo và trò lừa gạt nào. Trong những năm 1870, tại New York rộ lên câu chuyện về người khổng lồ Cardiff – một bức tượng đá cao 3m được các công nhân đào giếng phát hiện trên khu đất của William Newell. Hắn và người anh họ George Hull nhanh chóng kiếm được rất nhiều tiền lời từ việc dựng rạp thu phí tham quan và bán thuốc lá cho những người hiếu kỳ đến xem. Chỉ sau khi bức tượng được bán lại với giá 20.000 đô-la (hơn 450.000 đô-la theo thời giá năm 2019), trò lừa đảo này mới bị phát giác. Hull chính là chủ mưu, đã chi tiền để tạc và dùng acid tạo ra các vết ố ngụy tạo sự cũ kỹ và phong hóa của bức tượng. Kể cả hai công nhân đào giếng cũng là người được Hull thuê.
Nhưng câu trả lời không chỉ gói gọn trong việc kiếm chác từ việc trưng bày tượng người khổng lồ hoặc bày bán những cuốn sách đúng ra nên được xếp ở quầy tiểu thuyết viễn tưởng thay vì tủ sách Khoa học. Mục đích trục lợi chỉ là một trong những mặt tối của những trò lừa ngụy khảo cổ, bên cạnh động cơ tôn giáo và chủ nghĩa dân . Tuyên bố tìm thấy tòa tháp Babel, con thuyền Noah hay vết tích trận Đại hồng thủy trong Kinh thánh chính là những ví dụ về việc ngụy tạo chứng cứ khảo cổ để phục vụ mục đích củng cố niềm tin tôn giáo một cách cực đoan. Chính Hull cũng đã lợi dụng câu chuyện về người khổng lồ Goliath trong Kinh Cựu ước để dựng nên trò lừa gạt của mình.
Nhưng việc cho rằng con người trong quá khứ không đủ khả năng và trí tuệ để tạo những thành tựu văn minh của riêng mình mà phải nhờ đến sự trợ giúp từ thế lực tiên tiến hoặc một chủng tộc thượng đẳng hơn, thực chất chính là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc và phân biệt chủng tộc cực đoan. Một mặt, nó tước bỏ chủ quyền của những cư dân bản xứ đối với nền văn hóa vốn thuộc về họ. Mặt khác, khi phủ nhận công lao của họ trong việc tạo ra những công trình và phát kiến văn hóa nổi bật, các giả thuyết ngụy khảo cổ còn cho thấy tư duy hạ thấp, xem thường trí tuệ của những nền văn hóa phi-da-trắng trong quá khứ. Ví dụ, khi phát hiện di tích thành cổ Great Zimbabwe ở châu Phi vào năm 1871, nhà thám hiểm và địa lý người Đức Karl Mauch đã “không tin rằng người da đen có thể xây dựng một công trình to lớn thế này”, và cho rằng đây chính là thành phố Ophir trong Kinh Thánh. Những nền văn minh ngoài Châu Âu, theo các giả thuyết này, đích thị là “món quà” mà chủ nghĩa thực dân đã mang đi ban phát cho những ngóc ngách tối tăm của thế giới.
Niềm tin sẽ không chỉ tồn tại trong tâm tưởng, còn dễ dàng bộc phát thành hành động – nhất là khi nó liên quan đến các vấn đề tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc. Những gò đất nhân tạo tại Bắc Mỹ từng được cho là thuộc về một chủng tộc da trắng tiên tiến định cư tại vùng đất này và đã bị tuyệt diệt dưới tay của các thổ dân châu Mỹ; trong khi chính họ mới là chủ nhân thực thụ của các Kim tự tháp phiên bản đắp đất, và cũng chính là những người đã sinh sống tại đó rất lâu trước khi người da trắng đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Vin vào giả thuyết đó, cố tổng thống Andrew Jackson đã đưa ra những chính sách đàn áp và xua đuổi các tộc người châu Mỹ bản xứ khỏi nơi cư trú lâu đời của tổ tiên, tạo ra một vết đen trong lịch sử nước Mỹ. Một giả thuyết ngụy khảo cổ khác cho rằng Vinland – một địa danh có thật, từng là khu định cư của người Viking khi họ đến Bắc Mỹ, và xem đó là bằng chứng cho việc người da trắng Châu Âu là những nhà thám hiểm tiên phong, đã đặt bước chân khám phá đầu tiên lên mọi châu lục. Năm 2017, một kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và chủ nghĩa Phát-xít đã bị buộc tội giết chết hai hành khách khi họ can thiệp lúc hắn hét to những nhận xét mang tính thù hằn sắc tộc và tôn giáo trên một chuyến tàu ở Portland, Oregon. Không lâu trước đó, hắn đã đăng một bài viết trên Facebook với nội dung “H*il Vinland!!! H*il Victory!!!”. “Vô hại” hơn, vào năm 2014, hai nhà “khảo cổ học tự phong” người Đức đã có hành vi hủy hoại Kim tự tháp Khufu khi tự ý đẽo một mẫu họa tiết trang trí bên trong lăng mộ mang về làm “mẫu vật phân tích” để kiểm chứng giả thuyết về người ngoài hành tinh.
Những năm gần đây, giới khảo cổ đã bắt đầu có những động thái mạnh mẽ hơn chống lại ngụy khảo cổ học. Những giả thuyết bắt tai đó không chỉ làm méo mó sự thật lịch sử, đi ngược các nguyên tắc khoa học, còn là sự chiếm đoạt và thương mại hóa các di sản văn hóa. Và như chúng tôi đã phân tích, mặt tối đáng sợ của chúng nằm ở những tuyên bố sặc mùi phân biệt chủng tộc, núp bóng sau những ngôn từ mượn danh khoa học và được tô vẽ bởi sự bịa tạc không hơn không kém.
Nếu chỉ dừng lại ở mức độ chuyện phiếm để giải trí trong một trống canh, quả thực những giả thuyết – hay đúng hơn là những câu chuyện viễn tưởng về nền văn minh đã mất hoặc những vị khách ngoài không gian đã làm rất tốt. Nhưng khi nói về lịch sử, những điều huyễn hoặc như thế chỉ càng khiến quá khứ trở nên mơ hồ.
Hay phải chăng tất cả chúng ta từ trước tới nay đều chỉ sống trong sự mơ hồ?
Bài viết hữu ích
Nhân tướng học có đúng không?
Nếu bạn còn thắc mắc nhân tướng học có đúng không thì cũng đường quên câu "tốt gỗ hơn tốt...
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read more–
TẠP CHÍ MENBACK