Trước các vụ phạm pháp mang tính bạo lực, chúng ta vẫn thường gặp các ý kiến cho rằng nên tăng nặng hình phạt để tăng tính răn đe, từ đó mới giảm được tỉ lệ tội phạm. Cực đoan hơn, một số nhóm người cho rằng chính vì xã hội đầy hiền hoà hiện nay khiến các vụ án bạo lực tăng lên, và họ đề xuất khôi phục lại các hình phạt dã man kết hợp với sỉ nhục công khai trong quá khứ nhằm đảm bảo ổn định xã hội.
Ví dụ, một nhóm nghiện ma tuý hiếp dâm, giết người thì nên áp dụng với nhóm người đó hình phạt thiêu sống hoặc lăng trì trong trạng thái khoả thân để tăng mức độ sỉ nhục, hay một bảo mẫu tát trẻ em thì nên áp dụng chính những cái tát đó cho bảo mẫu và công khai trước nhiều người.
Vẫn biết trong pháp luật, một trong nhiều mục đích của hình phạt là răn đe, và ở một số lĩnh vực ngoài bạo lực thì việc tăng nặng hình phạt đi kèm với tăng tính răn đe; bài viết này chúng tôi chỉ bàn quanh vấn đề phạm tội mang tính bạo lực để tìm hiểu rằng liệu việc tăng nặng hình phạt có dẫn đến việc giảm tỉ lệ tội phạm bạo lực hay không, và ở những xã hội áp dụng hình phạt dã man thì liệu xã hội có ổn định hơn không.
Những điều lịch sử mách bảo.
Nhìn chung nếu quan điểm càng phạt dã man, càng giảm bạo lực là đúng thì lẽ tất yếu nó nên được áp dụng trong mọi hoàn cảnh liên quan đến bạo lực, như bạo lực học đường, bạo hành trong giáo dục, gia đình, công sở, miễn sao việc trừng phạt dã man vẫn phụng sự cho mục đích ngăn chặn bạo lực. Nói cách khác, quan điểm này vẽ ra cảnh tượng về một xã hội mà bạo lực ngự trị mọi nơi, một thế giới u ám nơi người ta dùng bạo lực để giải quyết bạo lực.
Chính xác thì xã hội như vậy đã từng tồn tại rồi, người ta gọi đó là thời trung cổ. Ở thời trung cổ, tội trộm cắp có thể bị chặt tay và sỉ nhục công khai; tội phóng hỏa có thể bị tử hình, thường bằng hình thức treo cổ; tội ăn trộm có thể bị phạt từ thiến đến tử hình, thường bằng hình thức trói lại cho chó săn xé xác; và tội giết người thì luôn luôn là tử hình.
Bởi vì cách đánh giá các tội ác của mỗi thời kì là khác nhau (ví dụ hiếp dâm ngày nay là tội nặng nhưng với thời trung cổ thì khá nhẹ hoặc thậm chí không được coi là một tội, người hiếp dâm chỉ cần cưới nạn nhân về làm vợ là có thể xong chuyện) nên sau đây chúng tôi đánh giá mức độ ổn định xã hội theo tội ác được mọi thời nhìn nhận tương đương nhau nhất: giết người.
Qua một công trình bắt đầu từ năm 1981, Ted Robert Gurr kết hợp các hồ sơ vụ án cũ và mới của nước Anh từ năm 1200 đến năm 2000 để vẽ ra biểu đồ về số lượng các vụ giết người trong lịch sử nước Anh từ thế kỉ XIII đến thế kỉ XX. Biểu đồ cho biết, trên 100 nghìn người mỗi năm, thế kỉ XIV thành phố Oxford có 110 vụ giết người, London có 60 vụ, trong khi đó London thế kỉ XX chỉ có 0,8 vụ giết người. Steven Pinker kết luận dựa trên biểu đồ của Gurr rằng qua tám thế kỉ nước Anh đã giảm được 95% số vụ giết người.
Sau công bố của Gurr, nhiều nhà tội phạm học khác cũng vào cuộc, trong đó có Manuel Eisner. Eisner sử dụng bộ dữ liệu lớn hơn nhiều để không chỉ vẽ lại biểu đồ về nước Anh mà còn về nhiều quốc gia châu Âu khác, như Ý, Hà Lan, Đức và Thuỵ Sĩ, Scandinavia. Biểu đồ của Eisner cho biết, trên 100 nghìn người mỗi năm, từ thế kỉ XIII đến XX, nước Anh giảm từ 40 vụ giết người xuống còn 2, Ý từ 90 xuống 3, Hà Lan từ 70 xuống 2, Đức và Thuỵ Sĩ từ 60 xuống 2, còn Scandinavia chỉ có dữ liệu từ thế kỉ XV đến XX thì cho thấy giảm từ 70 vụ xuống 2 vụ.
Nhà sử học Barbara Tuchman nhận định, “Rất dễ thấy cách cư xử của người trung cổ đầy tính trẻ thơ, ở việc thiếu khả năng kiềm chế bản thân.” Quả thật, hình mẫu con người mạnh mẽ là kiểu người có thể kìm nén cơn giận trước nghịch cảnh là sản phẩm của vài trăm năm gần đây, ít nhất đối với châu Âu. Nhà xã hội học Norbert Elias cho rằng sự suy giảm bạo lực ở châu Âu bắt nguồn từ thay đổi về nhận thức. Trong thời gian từ thế kỉ XI đến XVIII, mọi người bắt đầu biết kiềm chế cơn bốc đồng. Xã hội chuyển từ nền văn hóa trọng danh dự, nơi mọi người sẵn sàng trả thù hoặc tham gia các cuộc đấu tay đôi đến chết, sang nền văn hóa trọng nhân phẩm, nơi mọi người tập trung hoàn thiện nội tâm, và kiềm chế cơn giận trở thành điều quan trọng.
Như vậy, có thể nói rằng ý tưởng trừng phạt dã man hay thậm chí cả xã hội cư xử dã man đều đã từng xuất hiện trong lịch sử loài người. Chính lịch sử cho thấy nó là mô hình xã hội bất ổn và lạc hậu, cũng như cho thấy xã hội ngày nay là thời kì ít bạo lực hơn bao giờ hết, ít bạo lực trong tất cả lĩnh vực như luật pháp, giáo dục, giải trí.
Cạnh đó, ý tưởng cho rằng bạo lực giảm bớt, kéo theo sự yên bình của xã hội, xuất phát từ việc con người kìm chế bản thân tốt hơn (chứ không phải do bị trừng phạt dã man hơn) là ý tưởng thú vị nên được nhìn nhận nghiêm túc dưới góc độ khoa học.
Những điều khoa học cho thấy.
Cho đến bây giờ, sau rất nhiều nghiên cứu, giới khoa học vẫn chưa cho thấy tác động của việc tăng nặng hình phạt với sự suy giảm tội phạm bạo lực. Hai điều này vốn có sự liên quan rất ít và vô cùng thiếu cơ sở để nói rằng chúng có mối quan hệ nhân quả nào với nhau. Trong khi đó, chúng ta hãy xem đến những nghiên cứu khác.
Cuối những năm 1980, hai nhà nghiên cứu Richard Wright và Dietrich Smith đã phỏng vấn 105 tên trộm và 86 tên cướp có vũ trang hiện đã hoàn lương nhằm tìm hiểu suy nghĩ của tội phạm trong lúc phạm tội. Liệu những người trước khi phạm tội mang tính bạo lực có dừng lại để cân nhắc về những rủi ro và lợi ích trong hành động của mình hay không? Câu trả lời đến từ công trình của Wright và Smith là không.
Tội phạm thường sử dụng ma tuý hoặc chất kích thích ngay trước thời điểm phạm tội, cộng thêm những nhu cầu cấp bách về tiền bạc để duy trì cuộc sống hằng ngày (vốn khó khăn với nhóm người này vì thường thất nghiệp) và để lấy số má với bạn bè (tức chịu ảnh hưởng bởi những người hiện diện thường xuyên trong cuộc đời họ), rốt cuộc việc cướp với họ trở thành giải pháp cho vấn đề. Như mọi kẻ hành xử bốc đồng, họ không nghĩ nhiều và nghĩ xa được. Họ chỉ nghĩ ngắn rằng cướp sẽ giải quyết vấn đề và hành động này là phạm pháp mà thôi. Tuy nhiên, theo Wright, suy nghĩ ở tầm ngắn hạn của họ dù khiến hình phạt trong tương lai không ảnh hưởng nhiều đến quyết định ra tay, nhưng lại khiến họ chùn tay nếu hoàn cảnh nhãn tiền cho thấy họ dễ bị bắt, như là nơi đông người, nơi được bảo vệ cao.
Nghiên cứu năm 2013 của Daniel Nagin ủng hộ những đánh giá này của Wright khi cho rằng để giảm tội phạm thì việc cần đẩy mạnh là tính chắc chắn của việc bị bắt giữ chứ không phải mức độ nghiêm trọng của hình phạt. Nghiên cứu công bố năm 2006 của Lawrence Sherman và David Weisburd được tiến hành bằng cách cho cảnh sát xuất hiện ngẫu nhiên ở 55 trên 110 điểm nóng về tội phạm ở Minneapolis, và quan sát trong 7542 giờ. Theo báo cáo, các khu vực được nhận can thiệp ấy đã giảm các cuộc gọi thông báo tội phạm từ 6% đến 13%. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng việc tăng sự xuất hiện của cảnh sát có thể giảm đôi chút việc phạm tội ở những nơi vốn có tỉ lệ tội phạm cao.
Tóm lại, mặc dù chưa thấy có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa việc tăng nặng hình phạt và giảm thiểu tội phạm bạo lực, nhưng chúng ta có nhiều nghiên cứu ủng hộ tuyên bố rằng càng có các biện pháp hữu hiệu để tội phạm tiềm năng kiềm chế bản thân thì càng giảm thiểu tỉ lệ phạm tội bạo lực. Những nghiên cứu này cũng cho thấy mối tương đồng với các nhận định của giới sử học và xã hội học rằng xã hội sẽ càng bớt bạo lực hơn khi các cá nhân càng tăng khả năng kiềm chế bản thân hơn.
Biết rằng các biện pháp để mỗi cá nhân kiềm chế bản thân là rất đa dạng và phức tạp, ví dụ trong thời trung cổ, trộm cướp là tội ác chiếm 74% các tội được ghi lại, và nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là nạn đói, nghèo, và chiến tranh. Điều này cho thấy để giảm thiểu tội phạm là vấn đề chồng chéo của kinh tế, chính trị, văn hoá, và giải quyết nó là việc rất phức tạp chứ không đơn giản chỉ cần trừng phạt dã man và sỉ nhục công khai tội phạm là xong.
Việc áp dụng hình phạt tất nhiên ngay lập tức sẽ giải quyết được cá nhân hoặc tổ chức tội phạm riêng rẽ nào đó (như bỏ tù hay tử hình sẽ lập tức cách ly được tội phạm với xã hội), nhưng liệu nó có ngăn cản được tội ác trong tương lai hay không là một câu hỏi phức tạp khác. Tội ác trong xã hội là một hiện tượng phức tạp, chúng ta có thể tử hình hết người này đến người khác, nhưng điều đó nhiều khả năng không ngăn cản được sự xuất hiện của tội phạm trong tương lai. Trong một vài trường hợp, như tội phạm ma túy, sự leo thang của luật pháp thậm chí dẫn đến sự leo thang mức độ nguy hiểm của tội phạm và khiến thị trường ma túy nóng lên, hấp dẫn hơn và các tổ chức tội phạm cũng chạy đua vũ trang song song với lực lượng cảnh sát.
Lập pháp chưa bao giờ là một việc đơn giản, như cách một số người vẫn kêu gọi gia tăng sự khắc nghiệt của hình phạt để giảm thiểu bạo lực.
Tử hình hay bỏ tử hình?
Sẽ là thiếu sót lớn quanh chủ đề này nếu không đề cập đến án tử hình và vấn đề giữ hay bỏ nó trong hệ thống luật pháp. Nói một cách ngắn gọn thì vẫn không thấy bất kì hiệu quả ngăn chặn tội phạm nào mà hình thức trừng phạt này có thể tạo ra.
Đầu tiên là vài số liệu thống kê. Có 56 quốc gia còn giữ hình phạt tử hình; 106 quốc gia bãi bỏ hình phạt này; 28 quốc gia đã bãi bỏ tử hình trên thực tế (tức là trên giấy tờ thì vẫn còn nhưng hạn chế thi hành); 8 quốc gia bãi bỏ tử hình với các tội thông thường (tức vẫn áp dụng tử hình với các tội đặc biệt, như tội phạm chiến tranh). Trong số các quốc gia bãi bỏ tử hình có Thuỵ Sĩ, Canada, Đan Mạch, Áo, Bồ Đào Nha, New Zealand, Iceland, Cộng hòa Séc, đây cũng là 8 quốc gia lọt vào tốp 10 quốc gia yên bình nhất trên thế giới, theo xếp hạng của Tổ chức Kinh tế và Hòa bình (IEP).
Tiếp theo là một số nghiên cứu. Năm 1935, Robert Dann công bố bản phân tích về các vụ giết người ở Philadelphia trong 60 ngày trước và 60 ngày sau của 5 vụ hành quyết được công bố rộng rãi. Dann lập luận nếu các vụ hành quyết có tác dụng ngăn tội phạm thì tỉ lệ các vụ án mạng sẽ thấp hơn trong giai đoạn sau khi hành quyết. Kết quả cho thấy ngược lại, tỉ lệ tăng cao hơn bình thường. Khoảng 20 năm sau, Leonard Savitz đã thực hiện một nghiên cứu tương tự, Savitz không tìm thấy khác biệt rõ ràng nào về tỉ lệ án mạng trước và sau khi các bản án tử hình được tuyên trong các phiên tòa công khai.
Tuy nhiên, nhìn chung việc giữ hay bỏ án tử không liên quan nhiều đến tỉ lệ tội phạm, ví dụ ở Canada năm 1976 cứ 100 nghìn người thì có 3 vụ giết người, còn năm 2003 khi án tử được bỏ thì vụ giết người giảm xuống còn 1,85. Trong khi đó ở Đảo Anh (Great Britain) thì số vụ giết người lại tăng lên sau khi bỏ án tử. Theo nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc thì với dữ liệu hiện tại chỉ dẫn đến kết luận rằng sự tồn tại của án tử hình không liên quan đến việc giảm tỉ lệ tội phạm bạo lực. Lựa chọn án tử hình của một số quốc gia đôi lúc là để giải quyết vấn đề kinh tế, vì duy trì hệ thống nhà tù là một vấn đề phức tạp, chứ không đơn thuần chỉ có thể tập trung hoàn toàn vào sự răn đe của luật pháp.
Nói tóm lại, việc phẫn nộ trước một tội ác là điều dễ hiểu và dễ thông cảm của loài người, việc sử dụng chiến lược “ăn miếng trả miếng” là cách ngắn hạn và đơn giản nhất dành cho một cá nhân vi phạm luật lệ. Nhưng, hãy biết rằng không phải cứ cái gì thuận theo bản năng là tốt đẹp với xã hội hiện đại. Bởi như chúng tôi đã nói, xã hội hiện nay quá phức tạp và việc giảm thiểu tội phạm liên kết đến quá nhiều các vấn đề khác trong xã hội.
Những vấn đề này không được giải quyết bằng cách đơn giản là dã man hoá mọi thứ lên, đặc biệt là đôi khi lí do để một nhóm người nào đó ủng hộ việc dã man hoá có thể không thật sự xuất phát từ ý muốn làm xã hội tốt lên, mà có thể chỉ để thoả mãn phần bản năng hoang dã đang bị kìm chế trong một xã hội hoà bình.
Bài viết hữu ích
Mafia là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa thực sự của từ “Mafia”
Mafia thường được gắn liền với các tổ chức tội phạm quy mô lớn, nhưng nguồn gốc và ý nghĩa...
Read moreDetailsDe Rossi và cái kết đẹp cùng AS Roma
De Rossi và cái kết đẹp cùng AS Roma, một bài viết ngắn đầy ý nghĩa của tác giả Vũ Trung...
Read moreDetailsReview phim Man On Fire: “Ta được thuê để bảo vệ cháu, không phải làm bạn với cháu”
"Ta được thuê để bảo vệ cháu, không phải làm bạn với cháu" - Vệ sỹ John Creasy nói với...
Read moreDetailsReview phim Định mệnh (The Poanist 2002): có những số phận được quyết định bởi sự tình cờ ngoài mọi toan tính
Bài viết review nội dung bộ phim The Pianist (2002). Phim được giải Oscar về đạo diễn xuất sắc nhất...
Read moreDetails–
TẠP CHÍ MENBACK