Nói những điều tốt đẹp, nghĩ những điều tốt đẹp không khiến bạn tốt đẹp lên. Vì bạn không hề biết những gì mình nói hay nghĩ có thực sự tốt đẹp không, hay chỉ là những ẩn ức thấp hèn. Nhưng với một động cơ thuần khiết, cùng những hành động cụ thể, rồi bạn sẽ dần nhận ra liệu mình có phải người tốt hay không. Bí quyết là phải luôn có hành động cụ thể.
Tôi vẫn thường hỏi bạn mình, rằng giữa 3 người như thế này, họ nghĩ người nào sẽ có ích cho xã hội hơn:
Một người trước nay nổi tiếng về sự tốt bụng và chân thành, đi làm từ thiện, từ thiện được rất nhiều tiền.
Một người trước nay nổi tiếng với nhiều phốt tiêu cực, đi làm từ thiện và ai cũng biết rằng việc từ thiện ấy nhằm đánh bóng tên tuổi, từ thiện được rất nhiều tiền.
Một người bình thường, tốt bụng và chân thành, đóng góp cho những đoàn từ thiện, từ thiện được rất ít tiền, không đáng kể.
Tất cả đều chọn người đầu tiên, một cách nhanh chóng không cần phân vân suy nghĩ. Rồi tôi lại tiếp tục, hỏi rằng nếu chỉ có hai người để lựa chọn, là người số 2 và số 3, họ sẽ chọn ai? Lúc này mọi người thường tốn một chút thời gian để đắn đo suy nghĩ, nhưng rồi câu trả lời vẫn thường là người số 2.
Tôi hỏi vì sao, mọi người bảo rằng (một lần nữa, câu trả lời này cũng thường xuyên giống nhau): quan trọng là cuối cùng việc làm của họ có ích cho xã hội.
Thành ý
Chủ đề của tuần này là “The Micro”, nói về những thứ ở cấp độ vi mô nhưng tác động mạnh đến vĩ mô. Ngoài những chủ đề trong nhóm khoa học tự nhiên, như cấu trúc DNA, thế giới nguyên tử… khoa học xã hội cũng có một vài khái niệm căn bản nhưng ít khi được truyền đạt một cách đúng đắn, và dẫn đến nhiều vấn đề không đáng tranh cãi nhưng lại luôn dấy lên tranh cãi. Good faith là một ví dụ.
Quay trở lại câu chuyện ở đầu bài, quả thực, chúng ta vẫn thường xuyên đánh giá cao kết quả cuối cùng hơn quá trình. Vì theo nhiều người, kết quả cuối cùng mới là thứ tạo tác động đến thế giới thực, không phải quá trình hay động cơ. Chẳng hạn, một anh chàng tốt bụng muốn giúp đỡ một cụ già qua đường, nhưng vì vụng về nên khiến cụ già gặp tai nạn. Vậy, bất kể động cơ của anh chàng kia ra sao, không thể thay đổi sự thật rằng cụ già đã phải hứng chịu hậu quả.
Tương tự như vậy, một doanh nhân dùng tiền bẩn để từ thiện, mặc dù đó là tiền phạm pháp, không thể thay đổi sự thật rằng hàng nghìn người đã được cứu sống từ đó.
Vậy, ta hoàn toàn có thể xem chàng thanh niên tốt bụng kia là người xấu, trong khi tay doanh nhân là người tốt.
Khoan đã, mọi thứ có thực sự hoạt động như thế? Vậy những bài học đạo đức chúng ta đã học còn ý nghĩa gì, ngoài việc vứt đi?
Hoặc trừ khi chúng ta trước nay luôn tư duy một cách sai lệch. Chúng ta đã quá ngây thơ khi cho rằng cuộc đời này chỉ là một điểm, thay vì một đường thẳng dài đến tận vô cực.
Xem thêm:
Phong thủy nhà ở như thế nào là tốt nhất?
Ai cũng mải tìm vùng đất Nhân kiệt địa linh, nhưng lại chẳng biết phong thủy tốt nhất đời chính là tâm can mình. Con người nếu có tâm, có phúc, sống tại nơi có...
Thomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn chui vào bằng đường tai. Với một lời thầm thì”. (Peaky Blinders, Mùa 2, Tập...
Thư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ doanh nhân trẻ. Chúng ta hãy cùng đọc những lời yêu thương trong bức thư...
Những loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một số loại phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ...
Anh thanh niên kia là kẻ đáng tội, nếu trước đó anh không tồn tại, và sau đó anh cũng không tồn tại. Tay doanh nhân cũng thế, sẽ được công nhận là người tốt nếu tất cả những gì hắn làm trong cuộc đời này là dùng tiền bẩn để từ thiện cứu lấy hàng nghìn người. Tất nhiên đây là điều vô lý, vì cuộc đời là một chuỗi những sự kiện trải dài nối tiếp nhau. Nhưng chúng ta vẫn thường quên mất sự vô lý này khi xét đến những trường hợp riêng rẽ.
Đa số chúng ta, trong đa số trường hợp, luôn nhầm lẫn việc này. Cũng giống như một tay cờ bạc khi bước vào casino, luôn nghĩ rằng mỗi lần đặt cược là một sự kiện hên xui may rủi một cách độc lập chỉ có hai kết quả: 1 ăn, 2 thua. Thực chất, kết quả của một ván bạc chịu sự ảnh hưởng của những tỷ lệ lớn hơn và như một điểm của một chuỗi các sự kiện có sự kết nối với nhau.
Thực tế, dưới góc tổng quát hơn, tức góc nhìn của nhà cái, họ không bao giờ màng đến kết quả của từng ván bạc cụ thể. Họ chỉ cần khéo léo tạo ra những trò chơi với tỷ lệ thua 51%, đến cuối ngày, họ luôn nhận được 1%, và người chơi luôn mất đi 1%. Vì thế, nhà cái không bao giờ gian lận, bài toán kinh doanh của họ là đảm bảo nhiều người chơi, trong thời gian đủ lâu, để 1% lợi nhuận kia là một con số cực lớn.
Hãy nhìn cuộc đời như một ngày trong casino, với những sự kiện đơn lẻ là những ván bạc, còn bạn là người tham quan. Giả sử bạn đi một vòng, đến bàn roulette thấy nhà cái thua, đến bàn blackjack thấy nhà cái thua, đến khu slot machine cũng thấy có người đang thắng… vậy, nếu là người quan tâm đến kết quả cuối cùng, bạn có nghĩ nhà cái đang thua? Hoặc, bạn phải chấp nhận những sự kiện bạn thấy không phải là kết quả cuối cùng, chưa bao giờ là kết quả cuối cùng.
Chẳng ai lại đi từng khu trong casino để khảo sát xem nhà cái thắng hay thua, vì số lượng đồ sộ các sự kiện xuất hiện trong một ngày khiến người quan sát bỏ lỡ phần lớn sự kiện, trong khi chỉ quan sát được phần rất nhỏ. Dùng kết quả thiểu số để đánh giá toàn cục chắc chắn chưa bao giờ là cách đúng đắn.
Tương tự trong cuộc sống, số lượng sự kiện bạn có cơ hội thấy ít hơn rất nhiều lần so với số sự kiện bạn không thể thấy. Vậy, việc dựa vào những gì mình thấy (vốn rất ít), để kết luận kết quả cuối cùng liệu có khôn ngoan?
Không, tất nhiên là không.
Thực ra chúng ta (dù sao) cũng là những giống loài vô cùng thông minh, luôn thận trọng đưa ra đánh giá dựa trên hàng loạt dữ kiện, ngay cả bằng trực giác thông thường. Đó là lý do chúng ta thông cảm cho những nhân vật ngốc nghếch tốt bụng trong phim, bất kể họ liên tục làm hỏng thứ này đến thứ khác. Đó cũng là lý do chúng ta cảm thấy căm phẫn, cay nghiệt những nhân vật độc ác, dù các kế hoạch nhân vật ấy thực hiện đều được ngụy trang bằng mục đích tốt đẹp một cách cẩn thận đến mức những nhân vật khác trong bộ phim ấy tin họ.
Nhưng chúng ta thấy, vì vậy, chúng ta biết rằng chàng ngốc dù thường xuyên làm hỏng chuyện, nhưng ta tin rằng sự thuần khiết của họ sẽ giúp cho người khác ở thời điểm nào đó (và thường đa số bộ phim cũng cho thấy niềm tin này là đúng đắn). Đồng thời, ta quan sát từ góc có thể thấy được hàng loạt hành động của kẻ xấu, bất kể các nhân vật chính trong phim chỉ thấy sự tốt đẹp từ chúng, nên cũng dễ dàng đưa ra được kết luận cho riêng mình.
Điều tương tự cũng xảy ra trong đời sống, khác biệt nằm ở chỗ ta không còn là khán giả, mà đã trở thành nhân vật bên trong “bộ phim” ấy. Chúng ta trở thành những người không được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ.
Vì vậy, người thân của chàng thanh niên vô tình làm cụ già gặp tai nạn có thể sẽ thông cảm cho cậu vì biết rõ ràng trước đó cậu rất tốt và giúp được nhiều người, cũng như tin rằng sau này cậu cũng vậy. Nhưng người lạ thì không. Họ thậm chí không quan tâm đến việc anh chàng này là người như thế nào (cho đến khi được nghe kể lại bằng một câu chuyện đủ hay).
Trong khi đó, tay nhà giàu dùng tiền bẩn làm từ thiện có thể lòe được người ngoài, nhưng những người quen biết hắn vẫn tiếp tục bĩu môi khinh thường, bất kể hắn có làm từ thiện thêm bao nhiêu lần nữa, cũng không thể mua lại được sự tôn trọng từ họ. Vì họ biết rằng, trước đó hắn đã làm nhiều điều tồi tệ, và sau này cũng vậy, nếu việc từ thiện chỉ là biểu hiện bề mặt chứ không phải thay đổi bản chất.
Cũng như bài toán casino, một người thông thái sẽ biết rằng nhà cái thua một ván không có nghĩa là họ sẽ thua, người chơi thắng một lần không có nghĩa là họ sẽ thắng. Vậy, nếu như khi xem xét casino chúng ta cần quan tâm đến tỷ lệ thắng được nhà cái đặt ra, cuộc sống thường ngày mọi người cần quan tâm đến điều gì?
Chính là good faith (thành ý) và bad faith (ác ý).
Vì chúng ta luôn ở trong trạng thái không được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, vì vậy, khi nhìn nhận ai đó, thường sẽ để ý đến động cơ của họ, thay vì những thứ được trưng ra (hoặc dùng những thứ được trưng ra để tìm hiểu động cơ, sau cùng vẫn là để tìm hiểu động cơ).
Xem thêm:
Cây cối có linh hồn và cảm xúc hay không?
Rất nhiều lần chúng ta đặt câu hỏi, liệu cây cối có linh hồn không? cây cối có cảm xúc, có biết đau hay không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm qua bài viết...
Thomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn chui vào bằng đường tai. Với một lời thầm thì”. (Peaky Blinders, Mùa 2, Tập...
Thư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ doanh nhân trẻ. Chúng ta hãy cùng đọc những lời yêu thương trong bức thư...
Những loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một số loại phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ...
Anh thanh niên luôn giúp đỡ mọi người với good faith, có thể chưa chắc sẽ tạo ra kết quả tốt đẹp (vì một sự kiện còn có sự tham gia của nhiều yếu tố khách quan khác anh không thể kiểm soát), nhưng một trường hợp tiêu cực không thể thay đổi sự thật rằng trước đó anh đã giúp được nhiều người, sau này anh cũng sẽ giúp được nhiều người. Vậy, dưới góc độ xã hội, anh là người tốt, và có ích.
Tay nhà giàu dùng tiền bẩn làm từ thiện với bad faith, nếu trước đó đã làm nhiều chuyện phạm pháp, sau cũng làm nhiều việc phạm pháp, thì bất kể có bù lại bằng nhiều lần từ thiện, không chắc đã có ích cho xã hội. Thậm chí còn gây hại nhiều hơn.
Trong những sự kiện đơn lẻ cũng thế, như một cuộc tranh luận, những người tham gia với good faith có thể trong quá trình sẽ công kích, sẽ nói gì đó ngu ngốc, sẽ ngụy biện, nhưng nhìn chung mục đích của họ vẫn là tốt đẹp và họ sẽ làm mọi thứ để đạt được mục đích ấy. Ngược lại, những người có động cơ bad faith dù buông nhiều lời hay ý đẹp và lối nói văn chương hoa mỹ, chưa chắc đã đem lại lợi ích cuối cùng vì vốn mục đích của họ đã không có gì tốt đẹp.
Có thể tin tưởng những người có good faith, tức mục đích tốt, vì họ sẽ luôn kịp thời thay đổi hành vi, tiếp nhận ý kiến, cởi mở… sao cho mọi thứ trở nên tốt đẹp theo như mục đích ban đầu. Ngược lại, khi ai đó từ đầu đã có bad faith, mọi thứ sẽ dễ chuyển biến theo hướng tồi tệ, không biết đó là lúc nào, nhưng tổng quát luôn là kết quả tệ.
Có lẽ đây cũng là lý do Phật giáo chấp nhận tha thứ lỗi lầm cho những người từng làm nhiều việc ác, chỉ cần họ sám hối và chấp nhận sẽ thay đổi. Vì sự thay đổi này đến từ việc thay đổi bản chất, động cơ và đảm bảo hơn những sự thay đổi bề mặt. Tất nhiên đây chỉ là suy diễn của cá nhân tôi.
Tuy vậy, cần lưu ý, thế giới không rành rọt trắng đen, và con người không chỉ đơn giản chia làm hai loại good faith và bad faith từ lúc sinh ra cho đến mãi về sau. Nhưng thứ chúng ta nên hướng đến, và theo cá nhân tôi đây cũng là một bài học đạo đức cơ bản quan trọng, là hãy cố gắng để luôn có good faith khi tham gia bất kỳ câu chuyện nào.
Tất nhiên thế giới cần nhất vẫn là những người vừa có good faith, vừa luôn làm được nhiều điều tốt (tức người số 1 trong câu chuyện đầu bài), cũng như hạn chế hết mức có thể sự xuất hiện của những người vừa có bad faith, vừa luôn làm điều xấu. Nhưng số này chỉ là thiểu số, không thực tế. Phần lớn chúng ta là những người nằm trong nhóm giữa: đôi khi có động cơ tốt nhưng kết quả không như ý, và đôi khi có động cơ xấu nhưng lại may mắn.
Đạo đức và lợi ích của xã hội bảo rằng chúng ta nên trở thành kiểu đầu tiên trong nhóm đông đúc này, và đừng quá buồn chỉ vì thua một trận bài nếu tỉ lệ thắng của bạn là 51%. Hãy kiên nhẫn.
“Sao bạn không làm đi?” và kiểu người cực đoan nguy hiểm.
Good faith khác hoàn toàn với việc “nghĩ rằng mình đang làm vì good faith”. Việc những người có động cơ tốt đôi lúc làm hỏng chuyện không có nghĩa rằng những người hay làm hỏng chuyện đều có động cơ tốt. Hay rộng hơn, không phải những người kêu gọi nhân danh sự tốt đẹp đều xuất phát từ thiện chí.
Gần đây nhất là những người chửi bới người nổi tiếng, như có người vào kêu Thủy Tiên đừng khoe nệm khoe nhà nữa (trong một video quảng cáo nệm), lo làm từ thiện đi. Hoặc những người lên án hoa hậu H’Hen Niê vì chỉ từ thiện “có” 50 triệu. Mặc dù những câu chuyện này đều liên quan đến từ thiện, tức hoạt động có ích, nhưng không phải cứ nhân danh hoạt động này nghĩa là những người kêu gọi cũng có good faith.
Có thể ai đó lên án người này người kia chỉ để chứng tỏ mình tốt hơn người khác (bad faith), hay như một biểu hiện của sự ích kỷ (bad faith), hoặc chỉ để nhân cơ hội bày tỏ sự thù địch (bad faith), đôi lúc còn có một số người dị hợm đến mức nghĩ rằng “vì mình đang nghĩ tốt cho người khác, nên mình cũng là người tốt đẹp” (bad faith).
Sự khó khăn của good faith là những người tốt thực sự không bao giờ cố gắng làm việc tốt để trở thành người tốt. Mặc dù đúng là họ sẽ trở thành người tốt.
Trong mọi xã hội, luôn tồn tại một lượng nhất định những kẻ đạo đức giả, xã hội càng bất ổn, nhóm này càng đông. Đây là nhóm có bad faith, nhưng luôn giỏi việc tái tạo lại những hành vi đạo đức good faith nhằm được công nhận từ xã hội (hoặc đôi khi là sự công nhận từ chính bản thân). Hoặc nhân danh đạo đức để thực hiện hành vi vô đạo đức cũng là đạo đức giả. Nhóm này có thể tự nhận biết bản thân là người như thế, hoặc không.
Những người đạo đức giả thường rao giảng những gì đúng và được chấp nhận là đạo đức bởi đa số, nhưng họ không làm thế. Thậm chí họ còn bắt người khác phải thực hiện hành vi đạo đức, bằng một ép buộc vô đạo đức.
Ví dụ, những người không từ thiện (hoặc từ thiện rất ít) chửi bới những người từ thiện ít khác, hay như Hitler nhân danh những giá trị hắn cho là tốt nhất để ép mọi người phải thực hiện theo một cách vô đạo đức… đều là đạo đức giả.
Xã hội chúng ta không thiếu những người cực đoan, với nền tảng đạo đức yếu ớt, nhưng luôn ép người này phải làm thế này, người kia phải làm thế kia theo ý họ. Điều này thực sự rất khó chịu. Bọn họ cứ cư xử như thể mình biết tất cả mọi thứ, và chỉ cần làm theo họ là thế giới sẽ trở nên tốt đẹp. Điều buồn cười là, những người hiểu chuyện thực sự không bao giờ cư xử như thế.
Với những người này, chỉ cần một vài câu hỏi đơn giản như “sao bạn không làm đi?” là đủ để vạch mặt. Tuy vậy, đôi lúc câu hỏi này cũng ảnh hưởng đến những người có good faith nhưng ngây thơ.
Chẳng hạn, chúng tôi thường xuyên đối mặt với việc có nhiều người bình luận trên YouTube rằng “sao không làm tiếng Việt, tiếng Việt giờ nghèo nàn đến vậy sao?”, “kênh Việt Nam làm cho người Việt đi làm cho bọn nước ngoài xem làm gì”… mặc dù nghe như nhân danh đem lại lợi ích cho nước nhà, nhưng thực chất là đạo đức giả. Vì sao bạn không làm, hay ít nhất, sao bạn không cho chúng tôi tiền để làm đi?
Có một số khác cũng đến tận nơi khuyên chúng tôi hãy làm thế này đi, làm thế kia đi, nhưng có thể cảm nhận được good faith (họ không thể làm được, chỉ là muốn những người làm được có thể làm giúp họ) dù lời khuyên của họ có chút áp đặt. Hi vọng good faith sẽ giúp họ thay đổi được tật xấu này, hoặc không, tức là họ vốn có bad faith.
Chúng tôi là những người có thành ý, và luôn như vậy. Các bạn có thể cảm nhận thông qua việc theo dõi chúng tôi từ trước đến nay. Chúng tôi có sai lầm, có sửa chữa, có xin lỗi và luôn hướng đến lợi ích chung cũng nhờ vào động cơ từ đầu trước sau như một. Nếu không, có lẽ mọi thứ chẳng được như hôm nay.
Qua quá trình làm việc, có một lời khuyên, một bài học ngắn chúng tôi tự đúc kết được:
“Nói những điều tốt đẹp, nghĩ những điều tốt đẹp không khiến bạn tốt đẹp lên. Vì bạn không hề biết những gì mình nói hay nghĩ có thực sự tốt đẹp không, hay chỉ là những ẩn ức thấp hèn. Nhưng với một động cơ thuần khiết, cùng những hành động cụ thể, rồi bạn sẽ dần nhận ra liệu mình có phải người tốt hay không. Bí quyết là phải luôn có hành động cụ thể”.
Bí quyết là phải luôn có hành động cụ thể.
* Tỷ lệ thắng của nhà cái chỉ là ví dụ.
** Những ví dụ có chỉ đích danh là chuyện có thật, những ví dụ còn lại được tác giả nghĩ ra.
Xem thêm:
Tại sao người Việt Nam thích uống rượu bia?
Trong các quan hệ giao tiếp của người Á Đông có vẻ như không thể thiếu màn uống rượu, dù các cảnh báo phân tích về hậu quả sức khỏe cũng như nguy cơ rủi...
Thomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn chui vào bằng đường tai. Với một lời thầm thì”. (Peaky Blinders, Mùa 2, Tập...
Thư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ doanh nhân trẻ. Chúng ta hãy cùng đọc những lời yêu thương trong bức thư...
Những loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một số loại phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ...
—
TẠP CHÍ MENBACK
Theo: Monster Box
Ảnh: Pinterest
Nguồn: facebook.com/teammonsterbox/posts/2777424605871621