Nếu ai đó trong chúng ta đã có một lần đến Quảng Bình sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những cô gái ở đây đa số có làn da trắng hồng, mái tóc đen dài óng ả, nụ cười chúm chím dưới làn môi mọng đỏ đến nao lòng. Có rất nhiều giải thích về nhan sắc của con gái Quảng Bình bằng nhiều cách khác nhau, nhưng trong số đó có hai câu chuyện đã được người đời truyền tụng nhiều nhất. Hãy cùng Menback tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Những miền sắc đẹp Việt Nam
Từ xưa đến nay, đã có không biết bao nhiêu trang sách viết về vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của những vùng đất sinh thành nên những trang tuyệt sắc giai nhân.
Người ta nói nhiều về vẻ đẹp dịu dàng, cách ăn mặc, trang điểm nền nã và đặc biệt là lối ứng xử lịch lãm, tinh tế của con gái Hà Thành. Con gái Huế với tà áo dài tha thướt và giọng nói mang âm điệu dịu dàng, nhỏ nhẹ và duyên dáng của đất Cố Đô. Gắn với câu thành ngữ “chè Thái, gái Tuyên”, con gái xứ Tuyên Quang nổi tiếng với vóc dáng cân đối, khỏe khoắn, vẻ đẹp đằm thắm, thanh thoát hút hồn người. Ở một vùng khí hậu hiền hòa quanh năm dịu mát, con gái vùng cao nguyên Đà Lạt thường có làn da trắng như trứng gà bóc và đôi má hồng hào rất đáng yêu.
Thung lũng Mường So ở vùng Phong Thổ (Lai Châu) từ nhiều đời nay vẫn được người đời mệnh danh là vùng đất nhiều mỹ nữ. Câu hát “gà nào hay bằng gà Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Nha Mân” đã nói hết được vẻ đẹp của những người con gái được sinh ra ở vùng đất Nha Mân (Đồng Tháp), đây chính là quê quán của nhiều giai nhân, mỹ nữ từ thời Chúa Nguyễn. Sử sách cũng từng gọi thôn Năm Mẫu ở vùng đất Phật Yên Tử ở Uông Bí (Quảng Ninh) là “thôn cung nữ” vì ở đó có nhiều người con gái đẹp. Người đất Tổ (Phú Thọ) thì lại có câu: “Nhất Luông, nhì Cốc, tam Hiền”, nghĩa là trong các xã có con gái đẹp ở tỉnh thì con gái ở Văn Luông (huyện Tân Sơn), Tây Cốc (huyện Thanh Ba) và Hiền Lương (huyện Hạ Hòa)… là đẹp nhất.
Vì sao Quảng Bình nhiều gái đẹp?
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ kể hầu cùng bạn đọc về một miền gái đẹp khác mà đa số con gái được sinh ra và lớn lên ở đất này đều có chung một đặc điểm là; dáng cao, mắt đen tròn, làn da trắng nõn nà, môi đỏ, mái tóc đen dài óng mượt… Miền gái đẹp ấy nằm trong dãi đất của hai huyện vùng cao Tuyên Hóa và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Nếu ai đó trong chúng ta đã có một lần đến với vùng đất Tuyên Hóa, Minh Hóa sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những cô gái ở đây đa số có làn da trắng hồng, mái tóc đen dài óng ả, nụ cười chúm chím dưới làn môi mọng đỏ đến nao lòng. Có rất nhiều người đã giải thích về hiện tượng lạ lùng đến thú vị này bằng nhiều cách khác nhau, nhưng trong số đó có hai câu chuyện đã được người đời truyền tụng nhiều nhất.
Đó là câu chuyện về hậu duệ của những cung tần, mỹ nữ đã theo vua Hàm Nghi đến và ở lại khai canh, lập ấp ở chốn Sơn phòng từ lúc nhà vua hạ chiếu Cần Vương đánh Pháp. Và một câu chuyện khác mang tính huyền thoại về một loài thần dược như là quà tặng của vùng đất này có tên gọi là cây cỏ máu.
Nói thêm để bạn đọc có thể hiểu thêm một cách tường tận hơn những chi tiết xung quanh hai câu chuyện kể này và vùng đất được mệnh danh là “Miền gái đẹp” ở Tuyên Hóa và Minh Hóa (Quảng Bình). Chúng tôi xin được nhắc lại những biến cố để dẫn đến việc vua Hàm Nghi phải xuất bôn hạ chiếu cần vương: Trước hết là câu chuyện liên quan đến việc Kinh đô Huế bị thất thủ và vua Hàm Nghi đã phải rời xa chốn cung vàng điện ngọc để theo Tôn Thất Thuyết hành quân đến chốn Sơn phòng hạ chiếu Cần Vương đánh Pháp. Sách “gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn” của tác giả Lưỡng Kim Thành do NXB Thuận Hóa ấn hành năm 2012 đã ghi lại sự kiện này như sau: Năm 1885, Thống tướng De Courcy được chính phủ Pháp cử sang Việt Nam để phụ lực vào việc đặt nền bảo hộ. Tướng De Courcy muốn vào yết kiến vua Hàm Nghi nhưng lại đòi hỏi là toàn bộ binh lính của mình chừng 500 người phải vào cung bằng cửa chính. Triều đình Huế điều đình rằng chỉ có hàng tướng quân mới đi vào cửa chính, còn binh lính thì phải đi bằng hai cửa hai bên cho đúng với nghi thức của triều đình, nhưng De Courcy nhất định không chịu.
Vì lẽ đó mà mâu thuẫn giữa Pháp với triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ đã lên đến tột đỉnh của sự gay gắt.
Giai đoạn này, người Pháp đã đưa Lemaire là Tổng lãnh sự Pháp tại Thượng Hải đến Huế để nhậm chức Khâm sứ Trung kỳ. Đến Huế, Lemaire đã tổ chức rất nhiều cuộc tập trận, nhằm kích động, gây rối kinh thành. Bên cạnh đó, việc quân Pháp bắt bớ, giam cầm quan lại của Nam triều cũng thường xuyên xảy ra. De Courcy và Lemaire còn có ý định bắt giam luôn cả quan đại thần Tôn Thất Thuyết, vì chúng biết rất rõ rằng đại thần Thuyết là người cầm đầu phe chủ chiến trong triều đình nước Việt.
Bản thân Tôn Thất Thuyết cũng nhận rõ được mối hiểm họa sắp giáng xuống và biết trước sau gì cũng phải chống lại nên đã cho xây dựng ngầm căn cứ quân sự ở vùng Tân Sở (Quảng Trị).
Ngày 4/7/1885, Toàn quyền Pháp cho mời các quan phụ chính của Nam triều sang Tòa khâm sứ để thảo luận việc vào yết kiến vua Hàm Nghi, với dự định nhân đó sẽ bắt giữ luôn Tôn Thất Thuyết. Ông Thuyết dự báo được âm mưu của người Pháp nên đã cáo bệnh xin ở nhà. De Courcy nghe tin ông Thuyết cáo bệnh đã rất tức tối tuyên bố với Nam triều rằng, nếu vắng mặt Tôn Thất Thuyết thì Tòa khâm sứ sẽ không tiếp Nam triều.
Ngay ngày hôm đó, quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường cùng với cơ mật viện mang theo lễ vật của bà Thái hậu Từ Dũ đến Tòa khâm sứ nhưng Tòa khâm đã cự tuyệt. Ông Tường đã trao lá thư tay cáo bệnh của ông Thuyết cho De Courcy. Đọc thư xong, De Courcy giận dữ ra mặt nói rằng, nếu không có mặt ông Thuyết thì toàn quyền Pháp sẽ không trình quốc thư, đồng thời nhắn lại rằng “nếu ông Thuyết ốm không đi được thì phải võng ông Thuyết sang”.
Ông Tường không biết phải làm cách nào trong tình cảnh ấy nên đành quay về tâu lại với vua Hàm Nghi. Ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, vua Hàm Nghi buộc phải hạ lệnh cho Tôn Thất Thuyết ngày hôm sau phải cùng với các quan thượng thư của triều đình đi sang Tòa khâm sứ theo như yêu cầu của người Pháp.
Tôn Thất Thuyết bị dồn đến thế đường cùng, không còn sự lựa chọn nào khác hơn là chủ động tấn công vào sào huyệt của quân Pháp. Đúng 1 giờ sáng ngày 23/5 năm Ất Dậu (5/7/1885), quân của Tôn Thất Thuyết được chia ra làm hai cánh chính. Một cánh đánh vào Tòa khâm sứ, do Tôn Thất lệ chỉ huy; cánh thứ hai do Trần Xuân Soạn chỉ huy đánh thẳng vào Đồn Mang Cá. Bị tấn công rất bất ngờ, quân Pháp ở hai mục tiêu này chống cự lại trong hỗn loạn. Đến chừng 5 giờ sáng, quân Pháp bừng tỉnh lại, chỉnh đốn lại vũ khí và đội hình bắt đầu phản công. Quân của ông Thuyết đã chiến đấu vô cùng anh dũng, tuy nhiên do vũ khí quá thô sơ nên chỉ sau đó vài giờ đồng hồ đã hoàn toàn tan tác. Quân dân đều cùng nhau tháo chạy ra phía các cổng thành, một số trúng đạn, một số do dẫm đạp lên nhau mà chết rất nhiều. Từ đó, ngày 23 tháng 5 âm lịch hàng năm trở thành một dấu mốc lịch sử đau thương của người dân xứ Huế.
Hàng năm, cứ đến ngày này, mỗi gia đình ở Huế đều có một mâm cơm để cúng giữa trời, gọi là cúng âm hồn nhân ngày Kinh đô thất thủ…
(còn tiếp)
Bài liên quan
Phụ nữ ở 5 quốc gia này đẹp nhất Thế giới
Phụ nữ ở nước nào là đẹp nhất thế giới? Chuẩn mực về cái đẹp mỗi nơi khác nhau. Tuy nhiên, phụ nữ ở 5 quốc gia dưới đây được chuyên trang Missosology đánh giá...
Thomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn chui vào bằng đường tai. Với một lời thầm thì”. (Peaky Blinders, Mùa 2, Tập...
Thư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ doanh nhân trẻ. Chúng ta hãy cùng đọc những lời yêu thương trong bức thư...
Những loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một số loại phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ...
—
TẠP CHÍ MENBACK
Theo: Nhà thơ Phan Bùi Bảo Thi