Hãy nhìn phản ứng của người phụ nữ này. Điều gì đang xảy ra, cô đang sốc, giận dữ hay bực tức vì một điều gì đó vừa xảy ra với mình?
Không, trong bức ảnh nổi tiếng của Wallace Kirkland đăng trên báo ảnh Life số ra tháng 5/1954, Jane Dill, tên của cô, thể hiện sự sung sướng lớn lao khi biết rằng, cái thai bốn tháng trong bụng cô là con gái.
Trong bài báo có tấm ảnh này, Jane nói sau khi được bác sĩ Charles Welbert thông báo tin vui: “Ôi, tôi mừng quá. Tôi đã có một bé gái, bây giờ tôi sẽ có hai con gái”.
Charles Welbert, người Pháp, chính là người bác sĩ ngồi quay lưng lại trong tấm ảnh, và ông vừa thông báo cho cô kết quả test giới tính của thai nhi.
Vào thời điểm ấy, chưa có công nghệ chụp ảnh thai nhi nhiều chiều như bây giờ. Phương pháp mà Charles và các bác sĩ khác áp dụng để biết giới tính thai nhi là dùng một miếng giấy có thể tan (đã được nhúng vào một dung dịch trước đó) đặt vào lưỡi của người phụ nữ có thai trong vòng 15 giây để thẩm thấu nước bọt.
Nếu miếng giấy không đổi màu, nghĩa là thai nhi là nữ; còn chuyển thành màu tím, thai nhi là nam. Xét nghiệm ấy hoàn toàn đúng với Jane Dill, người rất mong muốn con thứ hai của cô là gái, và cô đã toại nguyện.
Hồi đó, cách thức test mà bác sĩ Charles Welbert áp dụng là của người đồng hương của ông, bác sĩ Jean Reisman phát triển dựa trên một phương pháp tương tự đã từng được tiến hành ở Mỹ trước đó, nhưng không thành công.
Theo Reisman và Welbert, phương pháp này đã chính xác tới 98% trong 30 nghìn xét nghiệm thai nhi ở Pháp và Welbert cũng đã tiến hành 500 ca ở Mỹ. Nhưng các nhà khoa học Mỹ vẫn hoài nghi về phương pháp này.
Trong bài báo ảnh về Jane Dill, tạp chí Life viết: “Liệu bác sĩ Welbert có đúng không? Không ai chắc chắn được hết cho đến tháng Tám, khi bé Dill ra đời”.
Trên thực tế, sau đó con của Jane đã ra đời và là một bé gái.
Giờ đây, chúng ta không còn nghe đến phương pháp của bác sĩ Reisman nữa. Bài viết này cũng không bình luận về khoa học mà chỉ muốn nói đến phản ứng hạnh phúc của cô Jane Dill.
Không biết bây giờ cô còn sống hay không, nhưng “bé Dill”, chủ thể ẩn trong nụ cười hạnh phúc, đã 68 tuổi. Còn tác giả của bức ảnh, nhiếp ảnh gia Wallace Kirkland, đã mất năm 1979, thọ 88 tuổi.
Kirkland đã chụp rất nhiều ảnh cho tạp chí Life, và nổi tiếng với những bức ảnh thể hiện niềm vui sống lớn lao, dù ông chụp người hay động vật.
Kirkland từng là phóng viên ảnh trong Thế chiến II và từng tới Ấn Độ, nơi ông chụp nhiều bức ảnh rất đời thường về lãnh tụ Mahatma Gandhi.
Về tấm ảnh năm 1954 này về Jane Dill, sau này, tạp chí Life đã gọi đó là bức ảnh đẹp nhất về một người sắp làm mẹ!
Cô gái Afghanistan: bức ảnh có ảnh hưởng bậc nhất mọi thời đại
Có một bức ảnh nổi tiếng đã gây ấn tượng mạnh cho thế giới, không chỉ về nhân vật có...