Chia tay thì đã làm sao!
Tôi là một người yêu thích võ thuật nên khi lướt tốc-tốc cứ vài clip thì lại xuất hiện nội dung mình quan tâm. Khi có ai đó biểu diễn hoặc huấn luyện đối kháng đăng lên mạng thì phần bình luận thường hay có các cháu ngu ngục thở những mẫu câu quen thuộc kiểu như: môn này mà gặp muay Thái là tắt điện, phái này mà gặp võ sĩ MMA thì nốc-ao…
Thật ra khi một người hiểu về võ học đủ nhiều thì sẽ biết rằng trên đời không có chuyện môn phái này giỏi hơn môn phái khác mà chỉ có võ sĩ này giỏi hơn võ sĩ khác mà thôi.
Nói cách khác, mọi cá nhân dù là nổi trội hay xuất sắc nhất trong tập thể cũng không bao giờ có quyền đại diện cho tất cả trong từng hoàn cảnh trên đời.
Khi yêu nhau và chia tay cũng vậy, ai cũng biết khi người nổi tiếng chia tay thì tất nhiên nó sẽ ồn ào hơn một cặp đôi bình thường, vô danh nào đó. Nhưng cần phải hiểu rằng tình yêu nào cũng đáng quý và xứng đáng được hạnh phúc ngang nhau.
Đồng nghĩa với việc dù nổi tiếng đến đâu thì nó cũng không thể là biểu tượng cho mọi tình yêu khác trên đời nên việc bú fame, câu like thút thít, khóc mướn cho chuyện tình người khác của các cháu nhà zăn, nhà thơ, nhà xàm học trên mạng về cơ bản là vô nghĩa.
Cuối tuần đã mệt óc, trời thì vừa rét, vừa nồm, lên mạng còn vấp phải stt về cuộc sống của đội viêm tuyến lệ thở than những câu sến sẩm, những câu nói ngôn tình vừa nhạt, vừa nhàm kiểu như “Ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây”, “Ai rồi cũng chia tay”, “Tình nào rồi cũng vỡ”, “Mất niềm tin vào tình yêu”… kèm theo tấm hình bản thân đang nhìn xa xăm tỏ ra sõi đời, so deep… quả thật tạo nên một môi trường mạng xã hội cứ như đang online khi vừa nốc cạn 1 lọ siro Ipecac.
Khi tình yêu tan vỡ, điều duy nhất người trong cuộc cần là sự yên tĩnh, trầm lắng để quán chiếu và nuôi dưỡng vết thương trong lòng mình. Đây là thứ căn bản nhất mà bất cứ ai từng yêu và từng chia tay đều hiểu.
Vì vậy, mọi sự thương vay, khóc mướn, khơi chuyện để câu like vuốt ve đám đông tất nhiên đều thừa thải và nhảm nhí như nhau.
Ai rồi cũng như ai, những chuyện tình có thể đa dạng về hình thức nhưng cơ bản đều có những thứ mà người trong cuộc có thể chia sẻ, chưa thể chia sẻ và không bao giờ có thể chia sẻ.
Vì vậy, nếu thật sự quan tâm đến họ thì chỉ nên chúc họ bình yên, hạnh phúc với lựa chọn của mình. Hoặc dễ hơn là câm mồm lại, đừng phán xét bất cứ điều gì liên quan đến sự riêng tư của người khác. Im lặng đôi khi lại là tận cùng của sự tử tế.
Chia tay là một lựa chọn chứ chưa bao giờ là hậu quả. Vậy mắc gì cả bầy nhảy vào thút thít chia buồn?
Sống đủ lâu chúng mình sẽ hiểu có những cuộc chia tay để lại cho người ta sự xót xa, tiếc nuối… nhưng không ít những cuộc chia tay giúp mình biết trân trọng hơn những gì có được hôm nay, những điều tuyệt vời mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ tìm thấy nếu như không có những cuộc chia tay trong quá khứ của mình.
Thời gian thút thít đã hết, anh chị em làm ơn thẳng lưng lau hộ nước mắt, nước mũi và quan tâm tới chính những gì thiết thực nhất xung quanh mình.
Đừng nhân danh sự sẻ chia, cảm thông mà tước đoạt luôn chút bình yên cuối cùng mà người khác đang cố gắng góp nhặt sau mỗi quyết định khó khăn của họ.
Không phải ngẫu nhiên mà khi hành trình kết thúc, phi hành đoàn luôn nhắc chúng mình thắt dây an toàn (ngồi yên một chỗ), dựng thẳng lưng ghế (để thẳng lưng), gấp bàn ăn (khép mồm lại) và mở tấm che cửa sổ (nhìn ra ngoài cho rộng tầm mắt)… hiểu chưa?
Bạn đang yêu chứ, vậy thì hãy tránh khỏi 5 thói quen độc hại trong tình yêu nhé, còn đây là cách Yêu sao để hạnh phúc, yêu sao để không đau?