Có một bức ảnh nổi tiếng đã gây ấn tượng mạnh cho thế giới, không chỉ về nhân vật có đôi mắt rất đẹp nhưng đầy bí hiểm trong ảnh, mà còn về đất nước của cô, cuộc chiến tranh đang xảy ra trên đất nước Afghanistan của cô lúc ấy.
Đó là bức ảnh của Steve McCurrry, phóng viên ảnh nổi tiếng người Mỹ, chụp một cô bé Afghanistan 12 tuổi ở một trại tị nạn nằm gần biên giới Afghanistan-Pakistan. Nó được đăng trên trang bìa của tạp chí nổi tiếng National Geographic số ra tháng 6/1985, khi cuộc can thiệp quân sự của Liên Xô vào Afghanistan đã bước vào năm thứ 6. Cô là ai, tên cô là gì, liệu cô có còn sống sót không? Đó là câu hỏi mà chính tác giả bức ảnh được đặt tên là “cô gái Afghanistan” hoặc “Mona Lisa Afghanistan”, đặt ra trong gần 20 năm, cho đến khi ông tìm lại được cô vào năm 2002 ở một vùng núi non Afghanistan, gần 20 năm sau đó. Cô còn sống, đã có gia đình, cô có một cái tên là Sharbat Gula, người chưa từng được chụp ảnh trong đời cho đến khi McCurry xuất hiện ở trại tị nạn và xin chụp ảnh cô. Năm 2002, khi McCurry tìm được cô , đó cũng mới là lần thứ 2 Sharbat Gula được chụp ảnh.
Sharbat Gula là ai và tại sao đôi mắt của cô lại ám ảnh thế giới đến thế kể từ đó?
Sharbat Gula chỉ là một đứa trẻ khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan năm 1979 để tiến hành chiến tranh với các lực lượng Hồi giáo Mujahideen. Gula mới chỉ 6 tuổi khi cha mẹ cô chết trong một trận giao tranh giữa hai bên. “Chúng tôi phải rời Afghanistan vì chiến tranh”, Kashar Khan, em trai Sharbat Gula kể lại trong phóng sự của National Geographic. “Không thể biết được khi nào máy bay sẽ trở lại. Chúng tôi phải trốn trong hang”. Ông bà đưa Khan và bốn chị em gái khác, trong đó có Sharbat Gula, sang Pakistan và họ tỵ nạn trong một trại ở gần Peshawar, nơi hàng nghìn người Afghanistan khác đang trú thân để trốn chiến tranh. 6 triệu người Afghanistan đã tỵ nạn ở các nước láng giềng trong 10 năm can thiệp quân sự của Liên Xô.
Và chính ở đó, vào một ngày mùa đông 1984, McCurry gặp Sharbat Gula trong khi thực hiện một phóng sự ảnh cho National Geographic. Sau này, ông kể lại trên kênh CNN: “Khi gặp cô bé, tôi thấy cô ấy có một cái nhìn không thể tưởng tượng được, như xuyên thấu tâm can. Nhưng lúc ấy, có cả một đám đông đang quây quanh chúng tôi, bụi đất bay khắp nơi và thời đó chưa có máy ảnh số, nên không thể biết được ảnh lên máy phim sẽ thế nào. Khi tráng phim, tôi nhận ra rằng nó rất đặc biệt. Tôi gửi nó cho biên tập ảnh của National Geographic, anh ấy nhẩy cẫng lên và hét lên, “đấy sẽ là bìa báo của chúng ta”.
Một tấm ảnh khác về Sharbat Gula mà Steve McCurry chụp ngày mùa đông 1984 ấy, ở trại tỵ nạn Nasir Bagh. Khi đang đi trong trại, McCurry nghe thấy tiếng của các bé gái vang lên từ một căn lều được dùng làm lớp học dành cho trẻ em gái. Một buổi học đang diễn ra, ông nhìn vào trong lều và xin phép người giáo viên cho mình chụp ảnh. Cô giáo đồng ý. Khi McCurry quan sát nhóm học sinh, ông để ý thấy trong một góc lều, có một cô bé với đôi mắt rất ám ảnh.
Ông kể lại: “Tôi thấy cô bé ấy, mà sau nhiều năm tôi mới biết có tên là Sharbat Gula. Cô bé có đôi mắt dữ dội, ám ảnh, xuyên thấu và cô mới chỉ 12. Cô bé rất nhút nhát, và tôi nghĩ, nếu tôi chụp những học sinh khác thì cô ấy sẽ thích được tham gia chụp cùng”. McCurry chụp hai học sinh khác và chờ đợi khoảnh khắc ông có thể chụp được Gula. “Phải có tới 15 học sinh ở đó, họ ồn ào và họ tạo ra rất nhiều bụi. Nhưng trong một khoảnh khắc khi tôi chụp cô ấy, tôi không nghe thấy tiếng động hay nhìn thấy những đứa trẻ khác. Tôi nghĩ rằng cô bé rất tò mò về tôi cũng như tôi tò mò về cô, vì cô chưa từng được chụp ảnh và có lẽ chưa từng thấy một cái máy ảnh. Sau một lúc, cô đứng dậy và bước đi, nhưng khoảnh khắc tôi chụp, tất cả đều hoàn hảo, từ ánh sáng, bối cảnh và thể hiện ở đôi mắt của cô”.
Chỉ đến khi trở về New York và tráng phim, McCurry mới nhận ra được bức ảnh có sức mạnh thế nào. Đó không chỉ là bức duy nhất ông chụp mà còn bức chúng ta đang xem đây, mà lúc đầu tạp chí National Geographic định dùng. Lúc đầu, biên tập ảnh của tạp chí thấy bức ảnh cô bé che mặt, chỉ để lộ đôi mắt ám ảnh ấy phù hợp và định đăng, nhưng Bill Garrett, một biên tập viên cấp cao hơn lại thích bức ảnh cô để nguyên khuôn mặt hơn, nên đã bác ý kiến của biên tập viên ảnh và quyết định đăng bức ảnh nổi tiếng chụp cả khuôn mặt ấy…
Một trong những bức ảnh có ảnh hưởng nhất mọi thời đại
Bức ảnh không chỉ làm bìa báo của National Geographic, nó còn được coi là một trong những bức ảnh có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Nó tác động lên dư luận quốc tế về cuộc chiến tranh đang nổ ra lúc ấy ở Afghanistan, nó khiến người ta quan tâm hơn đến nước này và nó thúc đẩy sự ra đời của nhiều tổ chức cứu trợ nhân đạo người tỵ nạn Afghanistan, và họ vẫn hoạt động cho đến bây giờ. Trong cuộc gặp gỡ với McCurrry năm 2002, Sharbat Gula không nói nhiều, không được thể hiện cảm xúc nhiều, thậm chí không được nhìn thẳng vào McCurry bởi luật Hồi giáo không cho phép cô làm thế trước mặt chồng mình. Cô cũng không hiểu làm thế nào mà bức ảnh về cô lại nổi tiếng đến thế, và tác động đến nhiều người. Cô cũng không hiểu sức mạnh của đôi mắt trong bức ảnh về mình. Nhưng điều cô mong mỏi là con gái cô được đi học, điều cô không thể hoàn thành.
4 năm trước, Sharbat Gula, lúc đó 45 tuổi, xuất hiện một lần nữa trên National Geographic. Khi ấy, cô vừa được chính phủ Afghanistan tặng cho một căn nhà rộng ở Kabul, thủ đô Afghanistan. Đích thân Tổng thống Ashraf Ghani trao chìa khoá căn nhà đó cho cô. Trước đó, cô vẫn đang sống với 3 con ở vùng biên giới với Pakistan (người chồng, có xuất hiện trong phóng sự của National Geographic năm 2002, đã mất). Hàng trăm nghìn người Afghanistan cũng đã rời Pakistan để trở về đất nước của họ trong năm 2016 và 2017 khi chính phủ có chính sách để đón chào họ. Họ được tạo điều kiện đi làm và con gái họ được đến trường. Vào thời điểm 2017, chỉ có khoảng một nửa số trẻ em gái Afghanistan được đến trường và nhiều cô bé sẽ bỏ học khi vào tầm tuổi 12 đến 15. Số bé gái đi học ở nông thôn cũng giảm mạnh. Thông điệp của Sharbat Gula cho các gia đình có trẻ em gái Afghanistan là “đừng cho các cháu gái bỏ học để lấy chồng sớm. Hãy để các cháu học hành như các cháu trai”.
Đấy là câu chuyện của năm 2017. Bây giờ, Taliban đã trở lại. Tổng thống Ashraf Ghani đã bỏ trốn. Một tương lai u ám đang chờ đợi Sharbat Gula, người có đôi mắt trở thành biểu tượng của một Afghanistan chìm trong chiến tranh đã hàng thập kỷ, và những người phụ nữ khác như cô, như các con gái cô. Dưới thời Taliban, họ không được đi học, đi làm, không được ra đường nếu như không có một người đàn ông thân thích đi cùng, nhạc bị cấm nghe và những ước mơ, khát vọng được sống tự do của họ sẽ bị tước đoạt vĩnh viễn.
Gần 20 năm trước, trong cuộc gặp lại với McCurry, khi được hỏi về việc làm sao cô có thể sống sót qua những nỗi đau mất mát, qua chiến tranh, loạn lạc, cô trả lời: “Đó là ý của đức Allah”…
Xem thêm: Taliban và Afghanistan: Toàn cảnh lịch sử cuộc chiến
–
MENBACK.COM