Những ngày qua chúng ta nhận được rất nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông về vấn đề Afghanistan, khi Hoa Kỳ rút quân sau 20 năm chiếm đóng và Taliban dành chính quyền, lên lãnh đạo đất nước của người Afghan. Vậy ngọn ngành sự kiện này như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau được Menback đăng lại từ trang cá nhân của tác giả Dũng Phan.
Taliban và Afghanistan
“Tôi đang ngồi giữa một lớp học với các em nhỏ, lắng nghe một câu chuyện trẻ em, chợt nhận ra mình là Tổng tư lệnh và nước Mỹ đang bị tấn công”. Khi nguy hiểm đã qua, đứng giữa những mảng bê tông đổ nát của hai tòa tháp đôi, giữa các binh sĩ và những người lính cứu hỏa. Tổng thống Mỹ khi ấy, George W.Bush tuyên bố “Nước Mỹ sẽ đáp trả với lòng kiêu hãnh cao nhất “.
Đấy là những ngày nước Mỹ trong vụ khủng bố 11/9.
Rất nhanh chóng để các cơ quan an ninh Mỹ điều tra ra Osama bin Laden và al-Qaeda là nhóm chịu trách nhiệm vụ tấn công này.
Thời điểm ấy, Bin Laden đang ở Afghanistan dưới sự bảo hộ của Taliban. Mỹ yêu cầu Taliban giao nộp Binladen. Câu trả lời có lẽ chúng ta đều biết: từ chối. Ngay lập tức Hoa Kỳ và các đồng minh đã can thiệp quân sự, bằng một loạt vụ không kích vào tháng 10/2001. Cuộc chiến nhanh chóng kết thúc với phần thắng nghiêng về phía Hoa Kỳ và các đồng minh. 10 năm sau, Osama Binladen bị tiêu diệt dưới thời Tổng thống Barack Obama. Nhưng Taliban thì không dễ bị loại bỏ. Và đến ngày 15/8/2021 vừa qua thì Taliban giành được toàn thắng, Mỹ rút quân bằng máy bay lên thẳng như cách đã rời bỏ Việt Nam vào ngày 30/4/1975. Vậy vì sao?
Hãy đi tìm lịch sử, bởi chỉ có lịch sử mới giải thích cho bạn căn nguyên của vấn đề Taliban và Afghanistan.
Afghanistan: vị trí địa lý đắc địa đầy hiểm nguy và lịch sử, văn hóa, tôn giáo trường tồn.
Từ thời cổ đại đến trung đại, qua hiện đại, lịch sử của Afghanistan luôn bị xâm chiếm và đô hộ bởi các dân tộc khác. Thời cổ đại là các đế chế như Ba Tư, Hy Lạp, đến thời trung đại là chịu sự xâm lăng của Mông Cổ. Sang thế kỷ 20, lần lượt Anh, Liên Xô và Mỹ đều đến chiếm lĩnh vùng đất này. Hãy nhớ lấy ngày 15/8 và những sự kiện xảy ra gần đây, bởi bạn đang chứng kiến một bức tranh lịch sử đã có thêm những gam màu mới. Một bức tranh được vẽ suốt cả ngàn năm qua.
Nằm giữa ngã tư đường, Afghanistan tuy không phải là quốc gia giàu có về dầu mỏ, nhưng lại có vị trí đắc địa về thương mại. Hãy nhìn lên bản đồ, và bạn sẽ thấy được vị trí của Afghanistan bị kẹp giữa 4 nền văn minh lớn của thế giới: Trung Hoa, Ấn Độ, Ả Rập và Lưỡng Hà. Chưa kể phía trên là Nga. Con đường tơ lụa nối từ Trung Quốc đến Ba Tư phải đi qua Afghanistan, người Ả Rập muốn sang Ấn Độ phải đi qua Afghanistan. Sau này Liên Xô muốn phân chia ảnh hưởng, cũng chọn Afghanistan để đánh xuống. Và giờ có thông tin Trung Quốc muốn thay thế Mỹ đặt chân đến chốn này. Tất cả cũng vì cái vị trí quá đẹp ấy. Afghanistan giống như một cái bùng binh ở ngã 5 đường. Afghanistan là một tù nhân của địa lý.
Không như nhiều quốc gia Hồi Giáo hiện đại khác chỉ hình thành sau khi đế chế Ottoman sụp đổ. Afghanistan đã là một vùng đất có lịch sử xa xưa, cái tên quốc gia cũng đã được nhắc đến từ cả ngàn năm trước, chứ không phải có tên gọi gần đây. Nơi này là địa điểm sinh sống của người Pashtun. Người Pashtun bao hàm gọi cả người Afghan và Pathan, sống ở cả Afghanistan và Pakistan. Afghanistan nghĩa là “vùng đất của những người Afghan”. Khi Mỹ tấn công nơi này, họ đang tấn công vùng đất có lịch sử lập quốc lớn hơn họ rất nhiều.
Những người Afghan, Pashtun có thể mất đất, nhưng không mất lịch sử, và không mất tôn giáo (tôi sẽ nói cụ thể điều này ở nguyên nhân sinh ra Taliban), đấy là 2 thứ sức mạnh vô hình đã găm vào trí não, tạo nên sự phản kháng, và khiến bao nhiêu cường quốc đến và bất lực rời đi. Vì đã tấn công vào “Vùng đất của người Afghan” – cái tên đã bao hàm lịch sử trong ấy, nên các đế chế có thể lấy được đất, chứ không thể lấy được tư tưởng của họ. Khi bạn hiểu được cái gốc lịch sử này, bạn mới biết được vì sao Taliban có sức sống dai dẳng và giành được chiến thắng hôm nay. Chứ không phải muốn nói phiến quân hay khủng bố là được.
Quay lại lịch sử, vua Darius I của Ba Tư đã đến, và đã quay xe. Alexandro đại đế huyền thoại của Hy Lạp đã tới, và cũng rời đi. Nhưng khi đế chế Omeyyad đến từ Damascus xuất hiện ở đây thì mọi thứ thay đổi. Khi người Ả Rập tới nơi này, họ còn giành cho vùng đất này thêm một món quà, đấy chính là một tôn giáo. Hồi Giáo đã thành quốc giáo ở Afghanistan và người Pashtun từ năm 642. Khi đế chế Ả Rập suy yếu, đến lượt người Ba Tư vào lấy phần. Rồi người Thổ Nhĩ Kỳ ở cách đó không xa cũng nhanh chóng vào “dây máu ăn phần”. Và tất cả đều phải quỵ rạp trước thứ sức mạnh kinh khủng nhất trong thế kỷ 13: vó ngựa Mông Cổ. Sang thế kỷ 18, một nhân vật quan trọng trong lịch sử lập quốc của Afghanistan được ra đời, ông chính là Ahmad Khan, một thái tử người Pushtun. Ahmad Shah Durrani bắt tay xây dựng đế chế Durrani. Với 30 năm trị vì sáng suốt, ông ruổi vó ngựa xây dựng Afghanistan trở thành một đất nước hùng mạnh với lãnh thổ kéo dài đến Biển Ả Rập (Lưu ý: Afghanistan hiện đại là quốc gia không có biển). Ahmad được phong tước hiệu Baba – nghĩa là “cha đẻ của dân tộc”.
Qua đời năm 1773, ông đã tạo nền tảng cho quốc gia Afghanistan hiện đại. Nhưng khi ông mất đi, lời nguyền địa lý vẫn không tha nơi này, đẩy quốc gia này vào các cuộc chiến tiếp theo, lần này là với đế quốc Anh.
Giai đoạn từ năm 1813 đến năm 1907, có một khái niệm được sử dụng gọi là “Bàn cờ lớn”, nói về cuộc chiến tranh lạnh giữa Đế Quốc Anh và Đế Quốc Nga ở vùng Trung Á. Người Anh để bảo vệ “con gà đẻ trứng vàng” của mình là Ấn Độ luôn lo ngại mối đe dọa từ phía Nga, rằng Sa Hoàng sẽ nắm lấy Afghanistan, và tổ chức một cuộc chiến xâm chiếm Ấn Độ (điều này sẽ trở thành sự thật vào thế kỷ 20 dưới thời Liên Xô). Người Anh không muốn như thế, và họ muốn Afghanistan phải nằm dưới sự ảnh hưởng của mình. Năm 1838, hơn 20.000 quân Anh-Ấn đã tổ chức cuộc hành quân tiến vào Kabul. Người Anh đã thắng, nhưng người Afghanistan không đầu hàng. Họ tổ chức các cuộc phản công dưới sự lãnh đạo của tiểu vương Dost Mohammad Khan, người trước khi chết đã nói “Tôi đã bị tấn công bởi lượng tài nguyên, tàu và kho vũ khí rất lớn của các ông, nhưng điều tôi không thể hiểu là tại sao những người cai trị của một đế chế quá rộng lớn và hưng thịnh phải vượt qua sông Ấn để tước đoạt đất nước nghèo nàn và cằn cỗi của tôi.”
Bạn thấy chưa? Afghanistan đáng thương vậy đấy. 3 cuộc chiến tranh với Afghanistan không mang lại cho người Anh một kết quả gì, ngoài một sự yên tâm về địa lý. À, với họ thì ít ra thì Đế Quốc Nga cũng không thể lấy Afghanistan để làm bàn đạp đánh Ấn Độ của họ. Nhưng đáng lẽ người Mỹ phải học thuộc lịch sử trước khi nghĩ rằng các tiêm kích Fury, Phantom II của mình có thể bẽ gãy được ý chí của người Afghanistan.
Tháng 4/1978, một bước ngoặt mới xảy ra khi Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan theo đường lối cộng sản giành được chính quyền. Moscow là “cha đỡ đầu” cho chính quyền này. Như tôi đã nói với các bạn từ đầu câu chuyện, quốc giáo của Afghanistan là Hồi Giáo, xuất hiện từ năm 624, ở đây đã hơn 1350 năm. Còn những người Cộng Sản là những người theo thuyết vô thần. Sự va chạm ở đây đã vượt trên cả va chạm địa lý trong chiến tranh lạnh. Đây là cuộc chiến về hệ tư tưởng và niềm tin thánh thần. Tháng 3/1979, một cuộc thánh chiến đã nổ ra ở Jihad, tuyên bố chống lại chế độ vô thần ở Kabul. Từ năm 1978 đến 1987, thông kê trung bình mỗi ngày có hơn 200 người chết. Quá dễ để đoán biết cho sự thất bại hiển nhiên của Liên Xô. Nhưng trong cuộc chiến mà cả hai cùng thua này, người Liên Xô và người Mỹ đã tạo nên 2 thứ ở vùng đất bị nguyền rủa đó: Osama bin Laden và Taliban.
Osama bin Laden và Taliban.
Osama Bin Laden sinh năm 1957, là một trong những người con của Mohamed Bin Laden, một nhà triệu phú trong ngành xây dựng tại Saudi Arabia. Kế thừa di sản của cha hàng chục triệu đô la, và một niềm tin sắt đá về thánh Allah. Ông được CIA “chấm” sẽ là một trong những tường đồng bảo vệ Afghanistan trước sự xâm lăng của những người Liên Xô khi đổ quân vào đây vào tháng 12/1979. CIA đã trang bị vũ khí và huấn luyện Bin Laden cùng những người chiến binh của ông trong cuộc chiến chống lại Liên Xô, tức gián tiếp hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, người Mỹ đã lầm khi đào tạo nên chàng kỹ sư triệu phú trẻ tuổi này. Cái mà Bin Laden chiến đấu không phải Cộng Sản hay Tư Bản, cái mà Bin Laden chiến đấu là cho niềm tin Tôn Giáo sâu sắc của ông ta. Bởi vậy, sau khi Liên Xô rút lui, một hình ảnh đã khiến Osama bin Laden từ fan trở thành anti-fan của Washington. Đấy là việc Hoa Kỳ đã đụng chạm đến niềm tin tôn giáo của ông ta bằng sự hiện diện của 300.000 lính Mỹ, trong đó có cả phụ nữ tại những địa điểm thiêng liêng nhất của thế giới Hồi giáo là Saudi Arabia. Đây là thời điểm Chiến tranh vùng Vịnh hồi năm 1991, Mỹ đổ bộ vào để chống lại Iraq của Saddam Hussein. Nhưng với Bin Laden, ông coi đó là một sự báng bổ lớn, Bin Laden quay súng chống Washington, và phong trào kháng chiến Hồi giáo chống lại Washington được triển khai qua hai vụ nổ ở các đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania với 224 người chết và 5000 người bị thương. Trước khi được toàn thế giới biết đến vào cái ngày mà chúng ta biết là ngày nào đấy: ngày 11/9/2001.
Thế còn Taliban thì sao? Cũng từ cuộc chiến Liên Xô – Mỹ mà ra thôi. Năm 1989, Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan. Năm 1992, chế độ Najibullah sụp đổ. Đất nước Afghanistan rơi vào cảnh loạn lạc. Bản thân Afghanistan luôn tồn tại các mâu thuẫn âm ỉ nội tại, chúng đã có từ trước khi Liên Xô đến, và Liên Xô – Mỹ chỉ đổ thêm dầu vào lửa mà thôi. Các phe phái chiến binh Hồi Giáo (mujahideen) bắn nhau giành quyền kiểm soát. Cảnh “nồi da xáo thịt” khắp đất nước. Giữa loạn lạc, nổi bật lên một cái tên: Mullah Mohammed Omar. Sau này sẽ được biết đến với cái tên “giáo sĩ” Omar, người bảo vệ cho Bin Laden.
Xin đừng có nghe cánh báo chí phương Tây tuyên truyền và áp đặt, cả Mohammed Omar lẫn Osama Bin Laden đều là những trí thức có học. Osama Bin Laden là một kỹ sư xây dựng (khổ, cùng nghề với người viết), còn Mohammed Omar là một tay súng dũng cảm, một giảng viên tại nơi sinh sống. Tất cả họ đều có lý tưởng. Mohammed Omar khi chứng kiến đất nước Afghanistan chìm trong cảnh “nồi da xáo thịt”, ông đã quyết tâm đứng dậy để thiết lập lại trật tự. Omar kể mình có một giấc mơ, thấy một người phụ nữ hiện ra và nói với ông “Hãy trỗi dậy. Phải chấm dứt sự hỗn loạn. Allah sẽ giúp con.” Và thế là Omar đứng ra lập một tổ chức từ 50 người sinh viên có trang bị vũ trang. Vì lực lượng được lập từ giới sinh viên nên được gọi là Taliban (Tiếng Pashtun có nghĩa là Sinh Viên). Tiếp tục một điều quan trọng nữa, tư tưởng của Taliban là theo hệ phái Sunni. Hồi giáo Shia và Hồi giáo Sunni như chúng ta biết là chia rẽ, hận thù. Vậy bạn có biết ở Afghanistan hệ phái nào chiếm đa số không? Câu trả lời là Sunni, còn Shia chỉ chiếm 15% dân số. Hiểu được xuất phát điểm này, và không bị nghe một chiều từ tuyên truyền, bạn mới rõ ràng được vì sao hôm nay Taliban thành công trong việc kiểm soát chính quyền.
Có học thức, tràn đầy lòng dũng cảm, và có lý tưởng đem đến một cuộc sống bình yên cho người Afghanistan, và đi theo hệ phái được đông đảo người dân Afghanistan tin tưởng. Taliban nhanh chóng dẹp yên sự loạn lạc. Thành lập năm 1994, chỉ sau 2 năm, Omar và những người ủng hộ ông đã chiếm được thủ đô Kabul và xác lập quyền thống trị của Taliban tại Afghanistan. Trong cuộc chiến đưa lại sự ổn định này, đối thủ lớn nhất của Taliban được gọi là Liên Minh Phía Bắc. Bạn hãy lưu ý lực lượng này lại, chúng ta sẽ còn gặp lại họ. Trong 6 năm cầm quyền từ năm 1996 đến 2001, những gì Taliban đem đến cho Afghanistan là một bức tranh phức tạp mà đúng sai tùy thuộc vào lăng kính của hai bên yêu-ghét. Người sùng kính xem Taliban là nhân tố của tính ổn định, và xin dùng từ là sắt đá theo luật Hồi Giáo cực đoan. Nhưng cái mà người phương Tây thấy được là nhân quyền bị chà đạp nghiêm trọng, nơi phụ nữ không có quyền, đói nghèo và đương nhiên là cả địa chính trị.
Khi 2 tòa tháp đôi tại New York sụp đổ. Bin Laden đã trốn dưới vòng tay bảo vệ của Omar. Giáo sĩ Omar từ chối giao nộp Bin Laden cho Mỹ. Vậy là Mỹ không kích, giành chiến thắng và chiếm đóng Afghanistan. Và ở đây “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, Liên Minh Phía Bắc đương nhiên đứng về phía những người đã đuổi Taliban ra khỏi Kabul. Liên Minh này sau khi tan rã, đã tham gia vào chính quyền địa phương do Mỹ dựng lên. Tuy nhiên, Mỹ lại đi vào vết xe đổ của Liên Xô. Họ có thể lấy được đất, nhưng không tiêu diệt được ý chí mà Taliban là đại diện. Từ năm 2001 đến 2021, tròn 2 thập kỷ Mỹ bỏ vào đây hàng ngàn tỷ đô la, sinh mạng của 3.500 quân Mỹ và đông minh, 15 vạn xương máu của những người Afghanistan, để rồi hôm nay kết thúc bằng máy bay lên thẳng. Bởi vì Mỹ không thể lấy được văn hóa Hồi Giáo, sắc tộc của người Pashtun, lịch sử lập quốc ra khỏi suy nghĩ của người dân Afghanistan. Kết hợp thêm nguyên nhân đến từ cảnh loạn lạc, lộn xộn, tham nhũng, hèn nhát của chính quyền, hay sự hiện diện của những người mắt xanh mũi lõ xa lạ ở “Vùng đất của người Afghan” là nguyên do tạo nên sự trông đợi đến từ Taliban. Đấy là thứ sức mạnh của Taliban, với niềm tin của Hệ phái Sunni: Không có Chúa nào ngoài Allah, tiên tri của Ngài là Muhammad. Một thứ sức mạnh mà truyền thông Phương Tây đã cố lãng quên đi, để chỉ vẽ lên đó toàn những khát máu và khủng bố.
Taliban dành chính quyền và tiêu chuẩn Afghanistan.
Ngày 15/8 khi giành được chiến thắng. Phát ngôn viên Taliban ông Suhail Shaheen đã gọi điện vào chương trình truyền hình đang phát sóng trực tiếp của BBC và nói cơ bản có 4 điều:
- Tài sản, tính mạng của người đều được an toàn – sẽ không có chuyện báo thù đối với bất kỳ ai.
- “Chúng tôi là đầy tớ của nhân dân và của đất nước.”
- Chờ đợi một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình.
- Toàn bộ người Afghanistan sẽ đều có quyền tham dự vào chính quyền Hồi giáo.
Chúng ta không biết câu chuyện có đúng như cam kết tốt đẹp này hay không? Nhưng chúng ta biết rằng, họ vẫn có những luận điểm chính trị rõ ràng kiểu chính khách, không phải quỷ dữ trong tấm áo đang bị khoác lên người. Taliban sẽ là một ẩn số, nhưng họ có vẻ như đang muốn nói đến một sự mềm dẻo hơn đang manh nha xuất hiện.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh 2 chữ TIÊU CHUẨN. Khi Mỹ và đồng minh vào đây, họ dùng tiêu chuẩn dân chủ của họ. Nhưng tiêu chuẩn của Afghanistan, của người Sunni là tiêu chuẩn khác. Tiêu chuẩn của Mỹ là nhân quyền, nhưng tiêu chuẩn của người Hồi Giáo là những hành xử chuẩn mực theo kinh Koran. Cho nên tính khả thi áp đặt đó có tồn tại ở Afghanistan hay không là một chuyện khác. Afghanistan có những tiêu chuẩn riêng, mà lịch sử đã chỉ ra nó bền vững trong bối cảnh đó. Với người khác, Bin Laden là khủng bố, nhưng với một bộ phận những tín đồ Hồi Giáo, Bin Laden là một anh hùng thực hiện cuộc thánh chiến chống Mỹ và Israel để đòi lại các giá trị cho người Hồi Giáo. Với thế giới, Afghanistan có thể đang loạn lạc. Nhưng với nhiều người Afghanistan lúc này là bắt đầu cho sự ổn định của một thời kỳ mới. Với thế giới, Taliban là khủng bố. Nhưng với chính những người ở đó, chính quyền hiện tại là thối nát tham nhũng, Taliban là sinh viên, nơi những con người có lý tưởng thiết lập lại một trật tự hòa bình.
Các cột mốc lịch sử nổi bật của chiến tranh Taliban và Afghanistan
Đài phát thanh quốc gia France Inter (Pháp) ghi nhận 10 cột mốc trong lịch sử chiến đấu của lực lượng Taliban. Các sự kiện này được Menback.com bổ sung từ báo Tuổi trẻ để độc giả có được thêm thông tin toàn cảnh, không nằm trong bài viết của tác giả Dũng Phan.
27-9-1996: Taliban tiến vào thủ đô Kabul
Cuối năm 1979, quân đội Liên Xô can thiệp vào Afghanistan nhằm ổn định tình hình nội chiến.
Mùa hè năm 1994, phong trào Taliban do giáo sĩ Mohammad Omar thành lập xuất hiện ở miền nam Afghanistan.
Taliban gồm các sinh viên chủ yếu là người Pashtun (dân tộc chiếm đa số theo dòng Hồi giáo Sunni cực đoan) xuất thân từ các trường thần học chủ trương khôi phục “Hồi giáo thuần túy” (deobandi) hoặc các trường thần học tư nhân ở Pakistan (madrassas).
Taliban nhanh chóng kiểm soát Kandahar ngày 3-10-1994. Ngày 27-9-1996, Taliban chiếm được thủ đô Kabul.
Sau khi thiết lập chế độ Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, Taliban vẫn được phương Tây coi là đồng minh.
Thậm chí ngoại trưởng Mỹ khi đó, bà Madeleine Albright còn khen ngợi chiến dịch đánh chiếm Kabul là “một bước đi tích cực”.
20-8-1998: tàu chiến Mỹ nã pháo
Tháng 8-1998, Taliban chiếm thủ phủ miền Bắc Mazar-i-Sharif và Bamyan, thủ phủ của người Hazara theo dòng Hồi giáo Shiite chiếm thiểu số.
Cùng lúc đó, Mỹ đoạn giao với Taliban khi Taliban từ chối giao nộp Osama bin Laden, kẻ chủ mưu vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania ngày 7-8-1998.
Ngày 20-8-1998, tàu chiến Mỹ pháo kích các trại huấn luyện của Bin Laden ở Afghanistan.
Taliban bị cô lập về mặt ngoại giao, đặc biệt mất đi hậu thuẫn của Saudi Arabia, một trong ba quốc gia công nhận chế độ Taliban cùng với Pakistan và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
7-10-2001: liên quân tấn công Afghanistan
Tháng 2-2001, giáo sĩ Omar ra lệnh phá hủy các tượng trước khi Hồi giáo ra đời, trong đó có hai tượng Phật cổ nổi tiếng khắc trong núi đá ở Bamiyan.
Hình ảnh phá tượng lan truyền khắp thế giới. Thế giới phát hiện tư tưởng cực đoan của Taliban.
Ngày 11-9-2001, hai tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới ở Mỹ bị tấn công sụp đổ.
Taliban bị cáo buộc ủng hộ tổ chức khủng bố Al Qaeda vì từ chối giao nộp Bin Laden, thủ lĩnh Al Qaeda.
Ngày 7-10-2001, chiến dịch quân sự tấn công Taliban mở màn. Chiến dịch quốc tế được Liên Hiệp Quốc bảo trợ và Mỹ đứng đầu.
Chỉ trong vài ngày, Taliban buộc phải ký thỏa thuận đầu hàng. Chế độ lâm thời ở Kabul được thiết lập sau hội nghị liên Afghanistan ở Bonn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.
9-10-2004: Taliban tái cấu trúc tổ chức
Ba năm sau khi chế độ Taliban sụp đổ, tình hình Afghanistan vẫn bất ổn. Hiến pháp mới được thông qua ngày 4-1-2004.
Chính phủ của Tổng thống lâm thời Hamid Karzai có quyền lực rất hạn chế ngoài phạm vi thủ đô nên muốn đàm phán với Taliban.
Taliban đang suy yếu, cố thủ ở các tỉnh có đông người Pashtun ở phía đông và đông nam giáp Pakistan.
Sau đó, Taliban tái cấu trúc lực lượng, tăng cường trang bị và bắt đầu các vụ tấn công liều chết. Từ năm 2007, Taliban chuyên bắt cóc công dân nước ngoài.
Từ năm 2008, Taliban ngày càng áp sát Kabul và bố trí lực lượng chỉ cách Kabul 50km.
31-12-2014: Liên quân rút quân, Taliban tăng tốc phản công
Cuối năm 2014, NATO kết thúc chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan.
Liên quân bị chỉ trích vì đã gây nhiều thương vong cho dân thường. Ngay cả Tổng thống mãn nhiệm Hamid Karzai cũng kêu gọi Mỹ chấm dứt không kích.
Taliban bắt đầu tiến hành tấn công các tòa nhà chính quyền và đại sứ quán ở Kabul, đẩy mạnh các vụ tấn công giành dân lấn đất và gia tăng quân số.
23-7-2016: IS tấn công, Taliban lo ngại
Ngày 23-7-2016, một vụ đánh bom liều chết xảy ra trong cuộc biểu tình có đông người Hazaras ở Kabul làm 80 người thiệt mạng. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm.
IS cố giành chỗ đứng ở Afghanistan từ năm 2015 và tìm cách chiêu dụ các tay súng Taliban, nên Taliban xem IS là mối đe dọa.
Các vụ đụng độ giữa Taliban và IS ngày càng ác liệt.
Từ 15-6 đến 17-6-2018: Ba ngày ngừng bắn đầu tiên
Taliban vừa ngăn chặn IS lấn chiếm vừa tổ chức các vụ tấn công ở Kabul.
Chính phủ Afghanistan không thể cùng lúc đương đầu với Taliban và IS nên buộc phải xuống nước với Taliban.
Tháng 3-2018, Tổng thống Ashraf Ghani đưa ra đề nghị Taliban sẽ được công nhận là một lực lượng chính trị nếu công nhận hiến pháp. Taliban bác đề nghị vì cho đó là hành động đầu hàng. Tháng 6-2018, lần đầu tiên Tổng thống Ghani tuyên bố ngừng bắn với Taliban trong ba ngày.
29-2-2020: Đạt thỏa thuận Doha với Mỹ
Sau nhiều tháng đàm phán bí mật, Taliban đã ký với Mỹ thỏa thuận Doha ngày 29-2-2020.
Thỏa thuận ấn định điều kiện Mỹ rút quân trong 14 tháng, Taliban cam kết không tấn công quân đội nước ngoài trong quá trình rút quân và ngăn chặn các nhóm như Al Qaeda và IS hoạt động ở Afghanistan.
Thỏa thuận dự kiến sẽ tiến hành đàm phán giữa Taliban với Chính phủ Afghanistan.
Cuối cùng cuộc hội đàm lịch sử giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan khai mạc ngày 11-9-2020 tại Qatar, với sự hiện diện của ngoại trưởng Mỹ sau khi Afghanistan trả tự do cho 400 tù nhân Taliban cuối cùng.
9-7-2021: Taliban kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan
Tháng 5-2021, Taliban mở màn chiến dịch tấn công mới sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định quân đội nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan trước cuối tháng 8.
Taliban đã nhanh chóng mở rộng quyền kiểm soát. Ngày 9-7, Taliban tuyên bố kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan.
15-8-2021: Taliban tuyên bố chiến thắng
Vài giờ sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời đi, theo những hình ảnh phát trực tiếp trên Đài truyền hình Al Jazeera, Taliban đã tuyên bố chiến thắng từ bên trong dinh tổng thống.
Lời kết.
Như tôi đã hay nói, lịch sử không có đúng sai, và thậm chí đúng sai cũng tùy vào lăng kính đứng đầu này đầu kia của bạn.
Sau cùng, lịch sử được sinh ra để soi chiếu và học hỏi, để nhìn qua những khung hình khác nhau và đưa đến nhận thức đúng đắn nhất hướng về cái chân thiện mỹ. 2000 năm đỏ lửa và chứng kiến sự tháo chạy của 6 đế chế, Afghanistan như muốn nói với thế giới rằng: “Hãy để chúng tôi yên. Các ngươi không thể làm gì ở vùng đất này.” Afghanistan là một quốc gia mà mọi chiến thắng ban đầu chỉ có thể gọi là tạm thời, và chiến thắng cũng sẽ trôi nhanh như khi nó tới để đón thất bại. Những rặng núi cheo leo, những con người Hồi Giáo với đôi mắt lịch sử sẽ trả lời cho các đế chế.
Trong một cuốn sách ra năm 2020, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đã viết:
“Mọi thứ trở nên sai lầm vì những lý do tương tự thời hậu Chiến tranh Lạnh, khi sự kiêu ngạo dẫn đến niềm tin rằng chúng ta có đủ sức mạnh để biến đổi một đất nước và một nền văn hóa. Cuối cùng giờ đây đáng lẽ chúng ta nên rút quân sớm hơn.”
Từ kiêu ngạo ấy là từ cũng được dùng trong thời Chiến tranh Việt Nam.
Xem thêm:
- Ngọn ngành nguồn gốc xung đột Israel và Palestine
- Người Israel đã biến sa mạc thành đô thị sang trọng như thế nào?
- Sài Gòn và Singapore trước năm 1975 thực sự thế nào?
–
MENBACK.COM