Tôi nghĩ dù làm gì đi nữa, thì điều ta cần là lắng nghe và thấu hiểu cho những tâm hồn, chứ không phải là phán xét về một tác phẩm do họ sáng tạo ra…
Thật lâu mới có dịp ngồi lại cùng người bạn nhâm nhi chén trà. Cuối năm, tiết trời Sài Gòn trong trẻo mát lành như mùa thu Hà Nội, chính vì thế mà cũng đẩy đưa câu chuyện đi xa hơn và sâu hơn. Là một người duy mỹ và xem nghiệp sáng tác như con đường tu học lâu bền, thật hiếm hoi khi lần đầu tiên anh chia sẻ tôi nghe những góc nhìn thấu đáo mà cũng đầy trăn trở:
“Em có thấy nghệ thuật bây giờ đều theo xu thế bạo động không? Tìm kiếm những khoảng lặng trong nghệ thuật bây giờ thật khó, nhìn đâu cũng chỉ thấy xung đột, mà hầu hết đều tiêu cực.”
Anh dừng lại một chút, lặng lẽ nhâm nhi ly trà sen ấm nồng và tiếp:
“Có lẽ do thời đại em nhỉ, mọi thứ tác động lên con người đều theo xu hướng tốc độ và bạo lực. Những tác phẩm theo dạng này, giờ đây, anh không còn muốn ngắm nữa. Chúng có nhiều sóng năng lượng tiêu cực tác động xấu đến người xem, sản phẩm của tham, sân và si bên trong người nghệ sĩ. Nghệ sĩ phương Đông ngày xưa luôn thanh tẩy tâm hồn trước khi đặt bút, nhưng giờ thì khác, người ta toàn đem những thứ ô trọc vào nghệ thuật. Quan niệm Chân Thiện Mỹ hiện nay bị coi là lỗi thời, nghệ sĩ bây giờ có xu hướng phát triển phần con nhiều hơn phần người. Ngay cả khán giả cũng hưởng ứng xu thế đó, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu cả thôi.”
Xem tranh: Thấu hiểu cho những tâm hồn
Quả thực, không riêng gì nghệ thuật, mà trong bất cứ lĩnh vực nào cũng bị nhiễm phải thứ “ô trọc” mà anh nói. Thời gian đầu, khi viết về nghệ thuật, tôi cởi mở với tất cả mọi thể loại, từ cổ điển đến đương đại. Về sau, tôi cũng bắt đầu đặt câu hỏi, họa sĩ nghĩ gì khi vẽ những điều này, tâm thức họ đang khuất ẩn và vướng mắc điều gì, khi những hình tượng trên tranh đôi khi là rùng rợn và ma quái. Tất nhiên trong thế giới nghệ thuật, người nghệ sĩ có thể coi đó là một ý niệm, một ẩn dụ. Nhưng không vì thế mà tôi ngừng đưa ra những nghi vấn tò mò và sâu xa!
Rồi tôi chợt nhận ra như thế này, nếu trong đạo Phật có câu “trong thấy chỉ có thấy, trong nghe chỉ có nghe”, thì tôi nghĩ rằng khi là một người viết nghệ thuật, bản thân cũng nên ứng dụng pháp quan trọng này, để khi viết không hề một sự phán xét hay định kiến, dù năng lượng bức tranh có như thế nào đi nữa.
Trong một cuộc triển lãm gần đây, tôi có dịp phỏng vấn một họa sĩ vẽ để chữa lành. Anh đắm chìm trong dòng chảy sáng tạo, và coi hoạt động ấy như một niềm an ủi lặng lẽ giúp anh xóa nhòa những trống trải bên trong. Và tôi tự hỏi: “Chúng ta có thể đòi hỏi gì hơn từ một người đang tự giúp mình theo cách của họ?”
Cũng giống như khi người ta nhìn tranh của các em bé bị tự kỷ với năng lượng tối tăm, tôi cũng tự hỏi: “Chúng ta có thể đòi hỏi gì hơn từ những tâm hồn đang tổn thương như thế!” Từ đó, tôi không còn phán xét những gì tôi thấy, tôi tìm hiểu sâu hơn về những tâm hồn đằng sau những nét cọ trên tranh.
Hôm trước ở triển lãm, họa sĩ vẽ để chữa lành bước đến bên tôi, rất bẽn lẽn, rất ngại ngần như thói quen vốn là của anh: “Anh không nghĩ anh có thể chia sẻ nhiều như vậy. Cách dẫn dắt của em rất tự nhiên, khiến anh cảm thấy thoải mái.”
Tôi mỉm cười, và anh cũng nghiêng mình cười theo nhịp cười sảng khoái của tôi. Dù hầu hết mọi người khi nhìn tranh anh đều thấy những nỗi đau chưa thể thoát ra, thì tôi vẫn thấy ở anh sự dễ thương, dễ mến, và đang tự “giải thoát” tâm hồn mình qua trải nghiệm vẽ. Đây vốn là giai đoạn mà anh đang cần phải kinh qua.
Và thế, tôi nghĩ dù làm gì đi nữa, thì điều ta cần là lắng nghe và thấu hiểu cho những tâm hồn, chứ không phải là phán xét về một sản phẩm do họ làm ra. Vốn dĩ, trong cuộc sống này, ai ai ít nhiều cũng có tham, sân và si. Tất nhiên, nếu một người có ý thức thanh tẩy tâm hồn mình trước khi vẽ, thì đó là một điều thực sự tuyệt vời.
Nhưng nếu ai đó vẫn muốn vẽ bằng tất cả những phiền não bên trong mình, thì đó cũng là một lựa chọn để họ học ra bài học của bản thân trên chính trải nghiệm ấy. Và cuối cùng, người xem phải tự quyết định bản thân cần xem gì, xem như thế nào, và với tâm thế ra sao.
Cuộc sống là một cuộc giao thoa năng lượng, mà ở đó, ta không thể trốn tránh những nguồn năng lượng xấu mà dần dà, ta cũng phải đối mặt với chúng bằng sức mạnh nội tại vốn có của mình.
Khi ta có sự đón nhận, thì đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, ta sẽ bắt gặp những nguồn năng lượng tốt lành nếu ta sống đúng tốt. Và nếu có bắt gặp năng lượng xấu, thì ta cũng thấu hiểu và không phán xét.
Ngắm tranh: Chỉ cần trong sáng mà thấy!
Đối với tôi, trải nghiệm xem tranh cũng giống như một đứa trẻ ngắm những bông hoa trong một vườn hoa. Nó chẳng cần phải có bất cứ một sự nghiên cứu hay kiến thức nhất định nào về hoa để ngắm chúng, vì tạo hóa đã ban cho nó một đôi mắt để thấy, một đôi tai để nghe, mũi để ngửi và một tâm hồn đã sẵn biết sự cảm nhận lẫn thấu hiểu…
Dù trải nghiệm trong thế giới nghệ thuật của tôi hãy còn vô cùng khiêm tốn, nhưng tôi chợt nhận ra một điều rằng những bước đi ban đầu hay những bước đi sau này của bản thân trong lĩnh vực ấy vẫn luôn tràn đầy sự tươi mới và hồn nhiên. Tươi mới không phải vì mình đã và đang không học được gì.
Hồn nhiên không phải vì mình không chịu trưởng thành, mà dù nhận thức cá nhân trong thế giới sáng tạo có sâu sắc hơn thì khi tiếp cận bất cứ một tác phẩm hay một nghệ sĩ nào, điểm chung vẫn là một thái độ trong sáng để không bị những “bụi bặm” thuộc về tư duy phán xét định kiến ràng buộc hay hạn chế mình.
Thái độ trong sáng là để thấy mọi thứ như thật, để cảm nhận với một tâm hồn đủ rộng mở để bao dung, và đôi tai đủ lắng để nghe được nỗi lòng, trăn trở của người cầm cọ lẫn đứa con tinh thần của họ.
Biết đón nhận những bất ngờ…
Tôi không nghĩ rằng mình cần phải tách bạch chuyện xem tranh xa lạ hơn so với việc ngắm nghía vẻ đẹp của một cây xanh hay một bông hoa. Tôi bước đến thế giới nghệ thuật không có nhiều sự chuẩn bị về kiến thức hay một nền tảng giáo dục nào đó thật vững chắc.
Tri thức đôi khi là kẻ ngáng đường những cảm nhận sâu sắc và tinh tế, vì khi ôm đồm quá nhiều tri thức, người ta sẽ bị mắc kẹt trong tri thức để không còn đủ tự do mà thấy ra sự mới mẻ và khác biệt của một con người hay một tác phẩm.
Tôi nhớ trong một cuộc trò chuyện thân mật với một vài người trẻ có hứng thú tìm hiểu nghệ thuật, họ hỏi tôi: “Phải chăng thưởng tranh thuộc về bản năng!” Tôi mỉm cười gật gù:
“Có thể nói là như vậy! Tôi không nghĩ mình cần phải lý tưởng hóa việc thưởng thức nghệ thuật, rằng nó là cao siêu, là xa vời hơn bất cứ một đối tượng nào khác. Nếu chúng ta có thể coi xem tranh là nhẹ nhàng, là không đặt nặng bất cứ một quan niệm chủ quan nào, thì ta có được sự tự do để khám phá thế giới đầy ẩn dụ ấy. Như một đứa trẻ bước vào một khu vườn, nó không cần chuẩn bị gì cả, nhưng nó lại thực sự thích thú trong loại trải nghiệm này. Vì nó không sợ hãi. Vì nó không trang bị cho mình một hàng rào đạo đức hay quan niệm thẩm mỹ nào nhất định, nên nó có thể mở lòng ra mà đón nhận. Chính việc mở lòng là thứ dẫn ta đi được sâu và được xa trên một con đường.”
Và cũng như đứa trẻ, khi thấy một bông hoa đẹp lạ thường, em vô cùng thích thú. Em có những biểu cảm dễ thương khác nhau. Em không cần phải hiểu bông hoa ấy được cấu tạo ra sao, nhân duyên nào mà hình thành nó, mà ban đầu, em chỉ đơn giản là thấy biết bông hoa như nó là. Khi đó em thấy được vẻ đẹp của hoa bằng một tâm hồn thật trong sáng.
Trước đây và về sau này, tôi nhận ra một điều rằng việc xem tranh của mình về cơ bản vẫn không có quá nhiều sự thay đổi. Vì vẫn giữ cho bản thân thái độ chân thật và hồn nhiên ấy, nên tôi dễ dàng đào sâu được hơn về tâm tư của tác giả.
Thái độ ấy cũng giúp ta không bị hạn chế mình trong một quan điểm cực đoan cá nhân. Vì nếu ta có một lý tưởng được hình thành riêng, ta sẽ bị mắc kẹt trong lý tưởng đó. Vậy là, ta xem tranh bằng lý tưởng hạn hữu của mình, chứ không phải là một tâm hồn bất tận (chính là một tâm hồn tự do khỏi mọi định nghĩa, quan niệm sẵn có).
Có thật “cổ hủ” hay không khi tôi vẫn thường nghĩ hành trình sáng tạo là một hành trình tu học của người nghệ sĩ, mà ở đó, việc sáng tác chỉ đóng vai trò nhân duyên để người cầm cọ đến gần hơn với bản lai diện mục của mình.
Cũng giống như việc viết, ý nghĩa rốt ráo của nó vẫn là để người trong cuộc tự trải nghiệm – chiêm nghiệm lại chính họ, để họ bước đến thật gần hơn, chắc chắn hơn với chân thiện mỹ, một giá trị không bao giờ là truyền thống mà luôn luôn tiên quyết trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Vì thế, việc xem tranh của tôi là để biết thêm ít nhất một tâm hồn, nhưng sau tất cả, thì chúng là tấm gương soi để tôi soi lại bản thân, thấy ra được những cung bậc nào đang tồn tại bên trong, từ đó nới rộng nhân sinh quan của mình.
Xem tranh với một thái độ nhẹ nhàng, nhưng chính nhờ sự nhẹ nhàng đó mà ta lại có được sự can đảm và tự do để bước tiếp một bước vào tâm hồn nghệ sĩ, vào tranh, và vào chính mình. Nói đến đây, tôi thật đồng điệu với triết lý của Trang Tử rằng:
“Dễ mới đúng, càng dễ càng đúng!”
Dễ không phải vì công việc dễ dàng, mà đến với công việc bằng một thái độ nhẹ nhàng để không tự tạo ra sự chèn ép hay áp lực nào cho bản thân. Vì càng dằn vặt, mâu thuẫn, cực đoan, càng dễ tách rời suối nguồn sáng tạo vốn cần một thái độ tỉnh thức để tiếp cận. Thế nên, tôi gọi xem tranh là bản năng tự nhiên, hãy cứ thuận theo bên trong mình mà bước tới.
Tác giả: Trang PS / Luxuo.
Xem thêm:
- Câu chuyện cảm động phía sau kiệt tác ‘Đôi bàn tay nguyện cầu’ của Albrecht Dürer
- “Cây cầu trên hồ hoa súng” của Claude Monet: Tuyệt tác trào lưu hội hoạ ấn tượng
- “Nàng Aurora và chàng Cephalus” của Guerin – Câu chuyện về vị thần bình minh
- “Olympia” của Edouard Manet – Kiệt tác hội hoạ Pháp thế kỷ 19
- Chuyện về bà Lê Thị Ẩn – Nữ hoạ sĩ đầu tiên của Nam Kỳ