New York mùa xuân, hoa anh đào, hoa tulip, hoa táo và cả thuỷ tiên nở rộ mọi góc đường. Sắc màu rực rỡ giúp tôi quên đi phần nào cái lạnh 12 – 13 độ.
Bạn tôi ở New York vài năm cũng nói đây là mùa xuân lạnh nhất mà nó từng trải qua. Cũng là một điều tốt! Tôi ghé tiệm Dominique Ansel xếp hàng để thưởng thức chiếc bánh cronut trứ danh và mua mang đi cốc sô cô la nóng. Vừa để cầm ấm tay, vừa để uống ấm bụng.
Khi tôi còn đang lơ ngơ chụp ảnh ở hai chiếc hồ tưởng niệm nạn nhân sự kiện 11/9 thì đoàn người xếp hàng mua vé vào bảo tàng đã dài đằng đẵng. “Không sao!”, tôi tự nhủ khi bạn nhân viên bảo đã hết suất vào bảo tàng ngày hôm ấy. “Cũng chỉ mới ngày thứ 3 trong chuyến hành trình 3 tuần, mình sẽ quay lại.”
Tôi lang thang tham quan và chụp choẹt khu Fin Dis (Financial district – khu vực tài chính). Không một lịch trình cụ thể, tôi cứ rảo bước qua Nhà thờ Ba Ngôi (Trinity church), toà nhà Woolworth, Tòa thị chính New Yok, Tòa án Liên Bang Mỹ Thurgood Marshall và nhiều nhiều những nơi đẹp đẽ mà tôi không thể liệt kê hết được tên.
Tôi mê mải với những tòa nhà cao chọc trời, đắm chìm với những đường nét kiến trúc chạm khắc tỉ mỉ và tinh tế, thán phục những cây cột có kích thước khổng lồ, như đến từ đền thờ của các vị thần Hy Lạp. Và rồi, trước mắt tôi hiện ra cây cầu Brooklyn trứ danh.
Ngồi nghỉ chân ở công viên gần sở Cảnh sát thành phố New York, tôi chuẩn bị cho hành trình đi bộ trên chiếc cầu nổi tiếng dài hơn 1,8km. Sau khi nhấm nháp xong miếng cuối cùng của chiếc bánh quy nhân hạt óc chó và sô cô la to oạch của tiệm Levain, tôi nhanh bước đi đến chân cầu.
Cầu Brooklyn được thiết kế bởi John Agustus Roebling. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1869 và hoàn thành vào năm 1883. Vào thời điểm khánh thành, nó là cây cầu treo dài nhất thế giới và là cây cầu đầu tiên sử dụng thép làm dây cáp treo. Cầu Brooklyn nối Manhattan và Brooklyn bằng cách bắc qua sông East. Cho tới nay, cầu đã trải qua nhiều lần sửa chữa và gia cố.
Nếu phải dùng một từ để nói về vị cha đẻ của cây cầu Brooklyn, tôi sẽ dùng từ “tầm nhìn”. Roebling đã từng nói: “Những tòa tháp vĩ đại này sẽ đóng vai trò là cột mốc nối liền các thành phố và chúng sẽ được xếp hạng là di tích quốc gia”. Và rồi, cây cầu đã trở thành một Địa danh lịch sử quốc gia vào năm 1964.
Không những thế, ông đã để lại cho hậu thế một “tầm nhìn” thật trọn vẹn khi thiết kế một lối đi cho khách bộ hành ở tầm cao (elevated boardwalk). Nhờ vậy mà ngày nay, chúng ta có thể thừa hưởng được một khung cảnh thành thị không bị chắn bởi luồng xe cộ đan xen như mắc cửi trong khi vẫn thong dong sải bước, hít thở không khí trong lành.
Hai bên đường, gần phía đầu cầu, người ta bán những món hàng lưu niệm, tranh vẽ về New York. Trên cầu, khách tham quan đi lại tấp nập, dừng lại ở mọi nơi để chụp hình. Làn đường cho khách bộ hành ở giữa, sau 1 đoạn đường ngắn trải nhựa sẽ đến đoạn lót bằng gỗ.
Lúc này, tôi có chút rợn người khi thấy dưới chân mình là dòng xe cộ qua lại như thoi đưa. Tôi dõi mắt lên những đoạn dây cáp dài, chắc nịch, đan xen nhau, được gia cố bằng loạt ốc vít to gần bằng nửa bàn tay, nằm ngay ngắn.
Thành cầu bằng thép dày, với những thanh đà ngang chịu lực. Tôi cảm thấy bước chân dần vững vàng hơn và rồi thực sự thả mình vào khung cảnh đẹp như một viện bảo tàng ngoài trời tại nơi đây. Dưới chân tôi những thanh gỗ đã bạc màu do bước chân của hàng triệu du khách mỗi năm.
Trên cao, từng mảng trời xanh – mây trắng như được đan vào nhau bởi những đường dây cáp dài hút mắt và dệt chặt bằng những tia nắng trong veo của chiều xuân. Hai tòa tháp giữa cầu làm từ đá vôi và granite với mái vòm theo lối kiến trúc Gothic.
Sẽ thật phí hoài tâm sức của một tâm hồn vĩ đại, vị cha đẻ của cây cầu này nếu ta không phóng tầm mắt ngắm nhìn những đường chân trời (skylines) – đặc sản của New York.
Phía Mahattan, đó là sự mới mẻ, hào nhoáng và chen chúc của những tòa nhà chọc trời, đa dạng hình thù, lấp loáng với lớp cửa kính phản chiếu ánh nắng chiều.
Phía bên kia cầu, Brooklyn có vẻ cục mịch hơn với những tòa nhà cũ, không quá cao và có phần nào thưa thớt. Nó thôi thúc tôi bước nhanh về phía trước để tìm hiểu thêm về khu vực này. Cũng đến lúc bụng đói, tôi và điện thoại đều cần được sạc pin, tôi dò đường đến khu phức hợp “Time out market” gần đấy.
Vài năm trước, tôi mua một chiếc áo thun hình chuột Mickey nắm tay vịt Donald chụp ảnh ở khu Dumbo. Khi ấy tôi còn chẳng biết Dumbo là viết tắt của Down Under Mahattan Bridge Overpass (tạm dịch: khu vực phía dưới cầu vượt Mahattan). Trên áo, khung cảnh màu trắng đen ấy hiện lên thật đẹp. Và giờ đây, tôi đang thấy nó trước mắt mình. Sống – động – đầy màu sắc. Nó đã không còn là giấc mơ nữa.
Con đường lát đá, những chung cư cũ với tường gạch đỏ, xe hơi đậu ngay ngắn phía trước, hoa lê nở trắng hai bên đường, tôi cảm giác như mình đang sống trong một bộ phim truyền hình Mỹ mà tôi xem đi xem lại mỗi đêm thuở 20.
Điều duy nhất khiến tôi biết mình đang ở thực tại, đó là những du khách như tôi, đang thả dáng chụp ảnh ở mọi nơi. Trong khu phức hợp với đồ ăn từ khắp nơi trên thế giới, tôi đã có một lựa chọn đầy tinh thần “khách du lịch lần đầu đến New York”.
Sau khi dĩa mỳ Ý sợi dẹt lấp đầy chiếc bụng đói, điện thoại sạc đầy pin, tôi tha thẩn đi theo dòng người. Dọc lối đi là rất nhiều địa điểm xinh xắn và hay ho để tham quan, nhìn ngắm, do đã quá 6 giờ chiều nên một số ít nơi và hàng quán đã đóng cửa.
Đi gần về phía sông East, người ta chạy bộ, nằm phơi nắng, trưng bày tác phẩm nghệ thuật, đi dạo ngắm cảnh ở công viên và cầu tàu dưới chân cầu Brooklyn và cầu Mahattan. Lang thang một lúc, tôi quyết định ngồi lại bờ sông Pebble (Pebble Beach) để ngắm cầu Brooklyn khi hoàng hôn buông xuống.
Tôi phải lòng nơi đây, nó đẹp quá đỗi, tôi muốn giữ một chút gì đó của nó với mình, không phải chỉ những bức ảnh, những món lưu niệm. Thế là tôi đi ra bãi sỏi bên bờ sông, nơi bọn trẻ con đang chơi đùa. Nước lạnh, những hòn sỏi cũng lạnh ngắt, tôi mò mẫm tìm lấy một mảng ký ức thật đẹp để lưu giữ bên mình, một phần của đất, nước, không khí nơi đây.
Chiều buông, tôi mong muốn quay lại một lần nữa để đi chợ trời và tham quan lâu hơn, kĩ càng hơn – mọi ngóc nghách có thể. Thế nhưng, chỉ ngày hôm sau có vụ xả súng trên tuyến tàu điện ngầm đi Brooklyn nên bạn bè khuyên tôi hạn chế tới khu vực này.
Tám giờ tối, New York lên đèn. Cơn “jet lag” từ 2 ngày trước vẫn còn làm tôi mơ màng. Hôm ấy tôi đã đi bộ hơn 10km. Tôi về nhà, có chút tiếc nuối ánh đèn đô thị. Tự nhủ lòng, ngày mai tôi sẽ về… trễ hơn một chút.
Theo: H.M.H (Wowweekend)
10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2022
Những thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2022 với sự góp mặt phần lớn là các thành phố...