We need to talk about Kevin (Cậu bé Kevin) là bộ phim Anh quốc gây xôn xao Liên hoan phim Cannes năm 2011 và đã gây tranh cãi lớn từ các phụ huynh.
Với bộ mặt lạnh như băng, Kevin rút ra từ balo những chiếc khóa số cỡ lớn, lẳng lặng khóa tất cả các lối ra của trường học. Rồi, nó rút cung tên và bắn vào đám học sinh, những bạn cùng trường của nó, vẫn với bộ mặt lạnh băng ấy, không hả hê, không sợ hãi, không mềm lòng. Không gì cả.
Đây không phải đoạn miêu tả vụ án đang gây chấn động Na Uy, kẻ thủ ác giết chết 5 người bằng cung tên.
Đấy là một trường đoạn trong bộ phim Anh quốc gây xôn xao Liên hoan phim Cannes năm 2011, và sau đó là toàn thế giới, We need to talk about Kevin (sau đây gọi tắt là Phim Kevin). Phim bạo lực và kinh dị giới hạn lứa tuổi thì nhiều, nhưng Phim Kevin lại gây tranh cãi lớn, nhất là phản ứng từ các phụ huynh.
Tóm lược sơ qua, Kevin ngay từ khi sinh ra đã thể hiện căn tính ác, mang một sự căm ghét với những người xung quanh, đặc biệt là với mẹ. Dẫu sao, người mẹ vẫn chỉ có một lựa chọn là yêu thương và nuôi nấng đứa con tai ác này. Trong khi đó, người bố được Kevin sử dụng như một công cụ che chắn, lại dạy cho cậu ta bắn cung (như một hình thức để giải tỏa).
Sau khi nâng cấp sự tai ác lên thành độc ác với việc làm mù mắt em gái Cecelia, Kevin tỏ ra không còn có thể kiểm soát. Cuộc thảm sát học đường bằng cung tên xảy ra 3 ngày trước khi Kevin bước sang tuổi 16, gây ra cái chết của 9 người (gồm cả học sinh và giáo viên). Sau đó hắn về nhà, vẫn với cung và tên, giết cha và em gái mình. Toàn bộ câu chuyện này được gói ghém trong cuộc trò chuyện cuối cùng khi Eva – người mẹ – vào thăm và cố gắng hỏi Kevin rằng, Vì sao con làm như vậy?
Kevin đã không có một lời đáp nào. Hình như nó hơi nhếch mép.
Mặc dù bộ phim không hề có nửa chữ xác định bệnh lý, nhưng các chuyên gia cho rằng, Kevin mắc chứng biến thái nhân cách (psychopathy). Đây là một dạng rối loạn nhân cách đặc trưng với các hành vi chống đối xã hội dai dẳng, thiếu sự đồng cảm và sự hối hận, dẫn tới những hành vi tội ác, không sợ hãi và tự cao tự đại.
Thuật ngữ psychopath được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1847 ở Đức, sau đó được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Căn bệnh này được chẩn đoán bằng cách sử dụng một bài kiểm tra có tên là Kiểm tra Nhân cách Tâm thần. Năm 2008, một nghiên cứu cho thấy khoảng 1,2% dân số Hoa Kỳ mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
Tuy nhiên trên thực tế, thuật ngữ biến thái nhân cách thường được sử dụng không chính xác trên các phương tiện truyền thông để mô tả một người đã làm điều gì đó được coi là “xấu xa”. Những kẻ khủng bố, kẻ giết người hàng loạt và kẻ đánh bom thường được dán nhãn bằng thuật ngữ psychopath trước cả khi chúng bị bắt và giam định tâm thần.
Dần dà, biến thái nhân cách trở thành cách gọi dễ dãi cho những kẻ thủ ác, bất chấp các lý do gây ra tội ác đó là rất cụ thể và đầy mưu tính (kiểu vụ Nguyễn Đức Nghĩa giết bạn gái rất tàn ác, nhưng không thể gọi bằng một bệnh lý tâm thần). Mặt khác, việc dễ dàng gọi người khác là biến thái nhân cách, ngược lại cũng chụp mũ họ là kẻ xấu xa, mà không xem xét các yếu tố thực tế ảnh hưởng đến hành động của họ.
Đây là điều mà bạn – một phụ huynh có con trong độ tuổi từ 12 đến 16 sẽ muốn biết: Con người có hai loại đồng cảm chính, là đồng cảm “nhận thức” (khả năng nhận biết những gì người khác nghĩ hoặc cảm thấy) và đồng cảm “tình cảm” (khả năng cảm nhận một cảm xúc thích hợp để đáp lại suy nghĩ và cảm xúc của người khác).
Những trường hợp biến thái nhân cách như Kevin không có khả năng đồng cảm tình cảm (không quan tâm đến cảm xúc của người khác) nhưng lại có khả năng đồng cảm nhận thức tuyệt vời (có thể đi sâu vào tâm trí người khác, nắm bắt suy nghĩ của người khác, sau đó có thể thao túng họ). Chẳng hạn, Kevin đã sử dụng sự hối hận của người mẹ khi làm nó gãy tay lúc còn nhỏ, để dằn vặt và ngăn chặn sự kiểm soát của bà suốt nhiều năm sau này.
Darwin Dorr, giáo sư Đại học Bang Wichita ở Kansas cảnh báo rằng việc nuôi dạy con cái quá dễ dãi hoặc quá độc đoán đều có thể ươm mầm một sự biến thái nhân cách mới chớm nở, với việc luôn cho mình là trung tâm và không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Dorr nói: “Những bậc cha mẹ áp đặt lẫn những người nuông chiều và luôn bênh vực bất chấp, đều có nguy cơ làm hỏng trẻ em như nhau. Nhưng thường thì họ không ý thức được đâu”.
Cuối cùng, có thể thông tin này sẽ khiến bạn giật mình, là dù được xếp loại R (cấm người xem dưới 17 tuổi), thì qua bầu chọn của các trang đánh giá phim, phụ huynh chỉ xếp Phim Kevin là 16+ còn thanh niên thì cho rằng phim này 15+ là xem được rồi.
Bạn nên đọc:
5 series phim hình sự tâm lý tội phạm hay nhất bạn nên xem ngay
Foreshadowing và những cái chết được báo trước trong Peaky Blinders
Thông điệp ý nghĩa từ phim Soul – Bom tấn Pixar giành giải Oscar
–
MENBACK.COM