Roma với tôi không chỉ có đấu trường cổ La Mã Colosseo, đài phun nước Trevi, điện Pantheon, quảng trường Navona, quảng trường Popolo, vườn Borghese,… Roma với tôi là những công viên đầy lá của mùa thu, những hôm trời trong xanh sâu thăm thẳm đến không ngờ…
Có một trái tim đập trong trái tim Roma
Với những người chưa đến Roma hoặc đã từng qua một lần trong những hành trình du lịch, ấn tượng của họ về nơi đây thật đa dạng. Có người nói đấy là một trong những thành phố lãng mạn nhất thế giới, với biết bao di tích lịch sử mà ngay cả những bức tường nhà thờ đôi khi cũng có thể kể biết bao câu chuyện. Với người khác thì nó lộn xộn, nhếch nhác, một sự kết hợp hoàn hảo giữa những gì đẹp đẽ và không ít thứ hầm bà lằng với nhau.
Nhưng với tôi, một người đã sống ở đây nhiều năm, có biết bao kỉ niệm vui buồn, những người bạn bè, những góc phố hay quán cafe thân quen, những con phố thường rảo bước trên đó, Roma hoàn toàn khác, một nơi có thể gọi là nhà, nơi tôi không cảm thấy xa lạ dù nói chuyện với họ bằng tiếng Ý, nơi đã đi rồi vẫn luôn nhớ về, nơi luôn trong trái tim, giống tên một bản ballad của Antonello Venditti, “Có một trái tim đập trong trái tim Roma”.
Roma với tôi không chỉ có đấu trường cổ La Mã Colosseo, đài phun nước Trevi, điện Pantheon, quảng trường Navona, quảng trường Popolo, vườn Borghese, Bậc thang Tây Ban Nha, đồi Aventino, rất nhiều những quảng trường lớn khác, những khu dân cư đọc lên đã thấy thân thương như Flaminio, Pincio hay Milvio cùng hàng biết bao nhiêu nhà thờ. Roma với tôi là những công viên đầy lá của mùa thu, những hôm trời trong xanh sâu thăm thẳm đến không ngờ, những con đường hàng ngày đưa con đi học và đón về, những siêu thị hoặc cửa hàng nhỏ hàng tuần đi chợ, những người bạn bán cafe, bán báo, sửa xe ô tô, những người hàng xóm cứ lái xe qua thấy mình đang quét lá trong sân là bóp còi chào, những bữa tối trong nhà những người bạn, những trận đấu của Roma và Lazio trên sân Olimpico. Roma với tôi còn hơn là một thành phố. Đó là nơi tôi và gia đình đã sống, con tôi đã đi học ở đó và lớn lên, và giờ vẫn nói tiếng Ý bằng giọng địa phương Roma, là một phần đời của mình.
Tôi đã viết khá nhiều về Roma trong 2 cuốn sách về nước Ý, “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” và “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”. Và thay vì mô tả thành phố Vĩnh cửu có gì, tôi xin trích vài đoạn văn đã viết trong cuốn “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi”.
Nước Ý, câu chuyện tình của tôi
Không dễ viết về một thành phố mà ta đang sống trong đó, và khó hơn nữa nếu đấy là thành phố ta yêu. Tôi đã sống và làm việc vài năm ở Roma, nhưng phải rời nó ra đi mới bắt đầu viết được những gì thực sự đáng đọc về nó, vì không đơn giản nắm bắt được cái hồn của một thành phố mà chỉ khi đã xa nó rồi, mới thấy không muốn bước chân đi. Đấy là một điều không dễ giải thích. Người ta có thể yêu một ai đó, thậm chí say đắm là khác, nhưng trong sâu kín tâm hồn, người ta không hiểu được nhau.
Roma với tôi là một thành phố khác biệt hơn tất cả những nơi khác tôi đã đi qua, đã sống và đã yêu: có những thành phố phải đi xa mới nhớ, nhưng có những nơi vẫn đang sống ở đó, mà đã nhớ nó rồi. Nhớ rất nhiều những tháp chuông nhà thờ in lên nền trời Roma lúc hoàng hôn, nhớ khu trung tâm phố cổ với những di tích hàng nghìn năm tuổi, nhớ con sông Tevere vắt ngang thành phố mà những đêm hè náo nức tiếng nhạc và tiếng cười nói trên đảo Tiberina… nhưng sẽ nhớ nhất chính là những ngõ nhỏ, phố nhỏ của thành phố, trải dọc các khu phố mà tên tuổi của chúng đã đi vào lịch sử, với những câu chuyện, truyền thuyết, huyền thoại, những bài hát và thơ ca qua biết bao thế kỷ. Một lần ngồi chờ phục vụ những đồ ăn nấu theo kiểu Roma trong con phố nhỏ có tên Spagnoli rất ít người lại qua và để ý ở gần Pantheon, trung tâm thành phố, trong cái tịch mịch của đêm tối và ánh đèn vàng vọt tỏa xuống từ những ngọn đèn đường treo trên những bức tường phủ đầy dây leo chằng chịt, ngửi mùi thơm nức của các món ăn từ quảng trường Coppelle cạnh đó ùa tới, mới chợt nhận ra những gì ẩn giấu sâu kín trong tâm hồn của một thành phố mà trước nay tôi chưa hiểu.
Những con phố nhỏ của Roma luôn đem đến những cảm giác rất lạ lúc đêm xuống. Đi trên con đường gập ghềnh lát đá, mà đôi khi kẽ của những viên đá có thể nuốt gọn một phần giày cao gót của một cô gái đáng yêu nào đó, và nghe tiếng chân mình dội vào những bức tường dày hai bên được chiếu bằng một thứ ánh sáng lờ nhờ của những ngọn đèn hầu hết là theo kiểu cổ ở trên cao, dễ gợi nên những ấn tượng mà đôi khi những dòng chữ này không diễn tả nổi. Càng khó diễn tả hơn, một khi ta biết những câu chuyện và bí mật lịch sử liên quan đến những góc phố ấy, những con người đã gắn liền với nó, đã sống ở đấy biết bao thế kỷ trước, đã nện gót trên những con đường hẹp lát đá không bằng phẳng mà lồi lõm, tiếng vó ngựa một thời rền rĩ, tiếng chuông nhà thờ vang lên từ đâu đó, tiếng những người đứng trên tháp cao gióng chuông báo hiệu 12 giờ đêm.
Có hàng nghìn con phố nhỏ trong những khu phố trung tâm của Roma, chia thành phố thành từng ô vuông ngoằn ngoèo được phân định các khu bằng những đại lộ với hàng dãy những nhà thờ lớn chen chúc nhau, những dinh thự của nhà giàu xây từ hàng thế kỷ trước. Những con phố nhỏ ấy, dù ở khu nào cũng có những đặc điểm chung: hẹp, ngắn, thường lát đá, thỉnh thoảng có những vũng nước, được chiếu sáng bởi những ngọn đèn vàng vọt, những góc phố ở ngã tư thường có một ảnh thờ Đức Mẹ Maria, đôi khi xuất hiện một họng nước chảy suốt ngày đêm lấy lên từ biết bao mạch nước ngầm phía dưới Roma và cuối cùng thường dẫn đến một quảng trường nào đó. Cuộc sống của người Roma nói riêng và người Ý nói chung từ bao đời nay gắn liền với những quảng trường ấy, một hình thức dân chủ sơ khai từ hàng nghìn năm trước, khi quảng trường là nơi nhà nước và dân chúng gặp gỡ qua những bố cáo, nơi họp chợ, nơi truyền giáo, thậm chí là nơi xử trảm những tội nhân đại hình. Những con phố cứ chạy mãi, thế rồi bỗng mở ra cả một khoảng không gian rộng lớn: quảng trường Navona, Campo de Fiori, quảng trường San Pietro, quảng trường Popolo… Nhiều lắm, những cái tên.
… Xuôi xuống phía dưới nữa của Tevere, gần khu Do Thái, là một thế giới khác. Có một con đường nhỏ lát đá dẫn tôi đến nhà hát Marcello một buổi tối mùa hạ. Nhà hát cổ mà thời La Mã có thể chứa được hơn hai vạn khán giả ấy giờ chỉ còn là một đống đổ nát, nhưng bức tường phía bên ngoài với những hàng cột vẫn được giữ gần như nguyên vẹn, bởi khu kiến trúc có hơn hai nghìn năm tuổi ấy giờ được gắn liền với một nhà thờ. Ở đấy, ánh đèn thành phố ít chiếu tới. Trong một đêm mà ánh trăng bàng bạc phủ lên thành phố Vĩnh Cửu, đem đến cho nó cái vẻ thanh bình nhưng bí hiểm, con phố tôi đi như được dát vàng khiến bỗng ngỡ như mình đang đi trong giấc mơ, với tiếng piano sâu lắng và buồn một bản dạ khúc của Chopin mà người nghệ sĩ đang chơi giữa những cây cột đá cẩm thạch sứt sẹo và đổ nát của nhà hát Marcello.
Chợt nhớ những bộ phim tình cảm lãng mạn lấy Roma làm bối cảnh, bao giờ cũng có những đoạn phim lướt qua những dãy phố trong đêm tối, nơi chàng trai chạy đi tìm cô gái mà anh yêu, trong tiếng nhạc trữ tình rớt nước mắt. Những năm trước, tôi cứ ngỡ đấy chỉ là cảnh phim, dù biết chắc rằng, mình đã yêu Roma và nước Ý chính từ những bộ phim ấy. Nhưng bây giờ, sống ở đó, thậm chí không cần phải ghé qua xem những tấm bảng gắn trên những góc phố, chỉ rõ những bộ phim được quay ở nơi ấy đã từng một thời làm Roma trở nên bất hủ trên phim ảnh, tôi vẫn tin rằng cái đẹp ấy không phải là phim, mà là sự thật không hề tô vẽ. Roma đẹp, và đáng sống trong đó.
Tôi đã yêu Roma theo cách ấy, và cảm nhận vẻ đẹp của nó theo những bước chân đi trên những con phố nhỏ. Đôi khi tự cảm thấy nhịp chân nhẹ hơn chút nữa, hơi hẫng đi, vì phảng phất men rượu vang Chianti Classico mình vừa uống trong một quán ăn nằm khuất nẻo ở một khu phố cổ mà chỉ có người Ý hay lui tới ăn (tôi tin là những quán ăn nào đông khách du lịch thường không phản ánh đúng chất ẩm thực Ý. Người Ý sành ăn và những quán nào nhiều người Ý đến ăn, chắc chắn quán đó rất ngon). Có những cầu thang tối dẫn đến nhà thờ San Pietro in Vincoli được chiếu bằng những cây đèn hơn hai trăm năm tuổi nhưng không đủ sáng và khiến ai đó rùng mình khi tưởng tượng ra bóng ma của nàng Lucrezia Borgia, có những lối đi nhỏ dẫn đến quảng trường Maddalena, nơi có một quán kem nổi tiếng chưa lúc nào vắng khách, có những phố đưa ta đến đài phun nước Trevi, có những con đường nhỏ dẫn đến những quán ăn trên gác thượng của các palazzo mà từ đó ta có thể nhìn thấy Roma lung linh huyền ảo trong bóng đêm mát rượi và tịch mịch.
Ở đấy, trong bập bùng ánh nến, trong tiếng nhạc nhè nhẹ phát ra trên loa và tiếng rượu vang chảy róc rách vào ly, là một thế giới khác của Roma lãng mạn, đầy sức sống, và những nỗi đam mê, Roma của đêm, của những bài hát, bộ phim và bài thơ bất hủ đã làm say đắm biết bao người, như nhạc sĩ lừng danh Antonello Venditti đã từng ca, “Roma, em đẹp biết bao mỗi buổi chiều/Khi ánh trăng lung linh chiếu trên đài phun nước/Những đôi tình nhân đi qua…”
Khai mạc EURO 2020
Ngày hôm nay, mọi nẻo đường đều đổ về Roma, cho trận khai mạc EURO 2020. Sân Olimpico ở Roma là nơi diễn ra 3 trận vòng bảng A. Đó là các trận của xứ Ý với Thổ Nhĩ Kỳ (2.00 ngày 12/6), Ý với Thuỵ Sĩ (2.00 ngày 17/6) và Ý với xứ Wales (23.00 ngày 20/6), cùng một trận vòng tứ kết lúc 2.00 sáng 4/7/2021.
Sân Olimpico đã sẵn sàng cho trận khai mạc EURO 2020 đêm nay giữa Italia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Có khá nhiều VIP có mặt trong lễ khai mạc hôm nay. Tổng thống Italia Sergio Mattarella sẽ có mặt trên khán danh dự cùng với Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, Chủ tịch UEFA Aleksandr Ceferin. Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng có thể sẽ có mặt. Trong các quan khách VIP có Chủ tịch Thượng viện Italia, bà Maria Elisabetta Caselatti, Thứ trưởng Bộ thể thao Ý Valentina Vezzali, Bộ trưởng Nội vụ Luciana Lamorgese. Phía Thổ Nhĩ Kỳ có Bộ trưởng quốc phòng, Bộ trưởng thể thao và Bilal Erdogan, con trai của Tổng thống Erdogan.
Đoàn quân nhạc của cảnh sát Italia sẽ thổi bản overture William Tell của nhà soạn nhạc cổ điển Gioacchino Rossi, ca sĩ mù Andrea Bocelli sẽ ca lên “Nessun dorma” (Đừng để ai ngủ), một khúc bất hủ trong vở opera “Turandot” của Giacomo Puccini, và 10 chiếc máy bay của đội bay “Frecce tricolori” (Mũi tên ba màu) của không quân Italia sẽ bay qua sân Olimpico, với những vệt khói tạo thành màu cờ nước Ý.
Gần 16 nghìn cổ động viên có vé sẽ được vào sân dự trận khai mạc. Để phục vụ tốt cho công tác chống dịch, ngoài 151 camera an ninh lắp trước sân Olimpico, Italia cũng lắp thêm 48 camera với công nghệ đặc biệt để đo thân nhiệt của cổ động viên vào sân. Những ai có vé phải trình các bằng chứng như sau để được vào sân:
- Hoặc là đã tiêm đủ 2 liều vaccine của 1 trong 4 loại vaccine được Ý công nhận là Moderna, Pfizer, Astra Zeneca và Jansen.
- Hoặc có chứng nhận âm tính xét nghiệm ít nhất 2 ngày trước trận.
- Hoặc có chứng nhận từng nhiễm Covid nhưng nay đã khỏi bệnh.
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc